Chân dung người công giáo như người cộng sản già
philomag.com, Denis Moreau, 2022-11-22
Triết gia Denis Moreau năm 2019. © Jean-Matthieu Gautier/Hans Lucas
Đau lòng trước những vụ tai tiếng tình dục ảnh hưởng đến Giáo hội, đặc biệt là với các giám mục, triết gia công giáo Denis Moreau so sánh quan điểm của giáo dân với quan điểm của những người cộng sản thất vọng trong thập niên 1980. Ông đặt câu hỏi về cam kết của chính mình.
“Chúng tôi chạy (…) về phía vách đá sau khi đặt một thứ gì đó trước mặt chúng tôi để ngăn chúng tôi nhìn thấy nó” Blaise Pascal, Tư tưởng (1670), Lafuma 166
“Tôi không biết bây giờ ông như thế nào, tôi không thấy tăm hơi ông từ lâu, có thể bây giờ ông đã chết: khi tôi còn trẻ, trong những năm 1980, tôi lui tới chơi với người cộng sản già. Ông không phải là người hùng của Đảng, ông là người giản dị và tốt bụng, rất hào phóng, khao khát công lý, có một lòng nhiệt thành chiến đấu không ngừng, giống như nhiều đồng chí của ông, ông có một lý tưởng đáng ngưỡng mộ thúc đẩy ông: xóa bỏ bất bình đẳng, mang hạnh phúc đến cho mọi người, mang hòa bình đến cho toàn thế giới. Tôi rất thích ông, người cộng sản già của tôi, nhưng trong thâm tâm, với tuổi trẻ và không hoài nghi chuyện gì, tôi sẵn sàng nắm lấy tương lai trước mắt, tôi thấy ông thật đáng thương – dù tôi không nói ra sợ ông đau lòng. Đảng mà ông đặt tất cả hy vọng, ngày càng cho thấy rõ, đó là bộ máy quan liêu nặng nề, bị những thành viên có thế lực trong đảng gặm nhắm như mọt, bất lực và thường xuyên tham nhũng; luật im lặng ngự trị bằng vũ lực với những hỗn loạn; hầu hết mọi thứ đều không ổn định ở Liên Xô và các quốc gia vệ tinh của nó; tại Pháp, chỉ số bầu cử của Đảng Cộng sản Pháp liên tục giảm. Nhưng không có gì giúp được: người cộng sản già của tôi ngoan cố không chịu chấp nhận sự thật này dù đó là điều hiển nhiên. Ông giữ niềm tin vào Đảng, ông yêu Đảng, ông nói như loạn thần kinh (tôi nghĩ vậy). Tôi thực sự không biết nên đổ lỗi cho ông vì ông mù quáng không thể nhìn thẳng vào thực tế, hay tôi ghen với ông vì sự kiên định trong các cam kết của ông, một hình thức trung thành ngoan cường bền bỉ với những lựa chọn của mình khi còn trẻ, dù hoàn cảnh bây giờ đã thành khó khăn. Trở lại một câu của Marx, tôi muốn nói với người chiến binh già rằng chủ nghĩa cộng sản là “thuốc phiện của nhân dân”, của chính ông – vì thuốc phiện gây nghiện nên ông không thể vượt lên được, không dễ dàng bỏ được, dù ông biết là mình phải dừng lại.
Rồi thời Mikhaïl Gorbatchev đến. Ông khác với những người đứng đầu Liên Xô trước ông, ông chơi một loại âm nhạc khác – ông không tạo được sự hợp nhất nơi những người cộng sản tuân thủ nghiêm ngặt và những hệ thống phân cấp cũ bị mắc kẹt trong những điều họ chắc nịch và trong bộ đồng phục diễn hành của họ. Trong một thời gian, ông đã nghĩ chủ nghĩa cộng sản có thể thay đổi, tự cải cách từ bên trong. Nhưng chúng ta có bao giờ thấy một tổ chức nặng nề như vậy tự chính nó thay đổi không? Cái ác quá sâu và bộ máy quá cứng nhắc. Liên Xô sụp đổ, Gorbachev biến mất. Và đó là dấu chấm hết, ít nhất là ở phương Tây, xem chủ nghĩa cộng sản như một tầm nhìn về thế giới có khả năng huy động đám đông (tất nhiên, điều này không ngăn cản một số người cộng sản vẫn còn đây đó).
Tôi, người công giáo Pháp, đến lượt tôi, tôi cũng sắp già (tôi 55 tuổi), mấy ngày này tôi băn khoăn về một vấn đề làm tôi nhức nhối: tôi cũng vậy, thực chất tôi đã không trở thành như người cộng sản già nua cằn cỗi đó sao? Khả năng huy động tập thể của đạo công giáo trong một nước như nước Pháp, nơi hiện nay chưa đến 2% giáo dân đi lễ ngày chúa nhật (con số này nhiều hơn mười lăm lần trong những năm 1960) còn lại gì? Có phải báo cáo Sauvé (báo cáo của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp) với những kết luận khủng khiếp của nó, đã không đưa ra ánh sáng hoạt động sai lầm sâu đậm của một tổ chức bị ảnh hưởng bởi các vấn đề hệ thống nghiêm trọng đó sao? Quyển sách Sodoma của tác giả Frédéric Martel đã đưa ra những tiết lộ rất gần đây về việc điều tra, trong các trường hợp bạo lực tình dục, của hơn một chục giám mục Pháp – và chúng ta biết nhiều giám mục khác đã nhận thức được hành vi sai trái của các đồng nghiệp của họ và họ che giấu, đã không cho thấy sự băng hoại sâu xa về đạo đức và chính trị của các giám chức trong Giáo hội đó sao? Dù thông cảm và quyết tâm chấn chỉnh hệ thống, Đức Phanxicô có khác gì một Gorbachev trong chiếc áo chùng trắng, không có một hy vọng thành công nào trong chiến dịch giải cứu con thuyền đang ngập nước tứ phía – vậy mà nhiều bộ máy Giáo hội công giáo gắn bó với việc duy trì bề ngoài, cũng như đặc quyền của họ, họ phản đối mạnh mẽ mong muốn cải cách của giáo hoàng?
Do đó, câu hỏi làm tôi trăn trở, day dứt, đau đớn: Tôi, một người công giáo Pháp của những năm 2020, trung thành từ thuở niên thiếu với tôn giáo mà tôi vô cùng yêu mến và trên đó tôi đã xây dựng đời tôi, liệu tôi có thấy mình như tình trạng của người cộng sản già không?
Với thời gian trôi qua, tôi thường bị hỏi: trong những điều kiện như vậy, vì sao ông vẫn còn là tín hữu công giáo? Với tôi, dường như tôi vẫn còn khả năng biện minh cho lựa chọn này (nhưng trong bao lâu?). Tôi vẫn còn là tín hữu kitô, vì tôi vẫn tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Rỗi, tôi cần được cứu, tôi chưa bao giờ đọc bất cứ điều gì giống như lời lửa cháy của Bài giảng trên núi (Phúc âm Mattêô, 5-7) và câu hỏi của Thánh Phêrô còn sống động trong lòng tôi: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Phúc âm Thánh Gioan, 6, 68). Việc một số người cùng đạo với tôi cư xử như những kẻ lưu manh không làm tôi thay đổi. Nhưng người ta nói với tôi, tôi vẫn có thể là kitô hữu dù tôi bỏ Giáo hội công giáo. Tôi thú nhận tôi đã nghĩ đến chuyện này. Nhưng tôi vẫn tin rằng Giáo hội công giáo được Chúa Giêsu Kitô thành lập và nhờ Giáo hội tôi mới biết Chúa Giêsu, tôi cảm thấy tôi mắc nợ điều này: dù có những cá nhân trong Giáo hội cư xử như rác rưởi cũng không thay đổi gì với tôi. Tôi cũng không muốn quên trong số những người nhận mình là người công giáo, vẫn còn nhiều người (giáo dân cũng như linh mục) là những người phi thường, tận tụy, quảng đại, làm nhiều điều tốt, nhất là cho những người yếu thế, mong manh, thiếu thốn nhất, cũng như còn những người chân chính, ngay thẳng và đáng kính trong quá trình hủy diệt chủ nghĩa cộng sản của những năm 1980. Tôi vẫn là người công giáo, vì bất chấp mọi thứ, tôi muốn duy trì hy vọng (và tôi xin bạn nghĩ nó dễ dàng!). Tôi không biết, nói đúng ra, người cộng sản già của tôi, dù có ảo tưởng đến đâu, có nhìn về tương lai với hy vọng hay không. Hay ông có một loại lạc quan hơi ngây thơ, thậm chí ngây thơ của thời tiền sử (“Chủ nghĩa duy vật khoa học dự đoán nó nhất thiết sẽ xảy ra theo cách này”, v.v.) thực chất không có một chỗ tối thiểu nào cho bất ngờ. Niềm hy vọng kitô giáo đúng hơn là hình thức của một thỉnh nguyện siêu hình (một “nhân đức thần học” như chúng ta nói trong biệt ngữ công giáo): ý tưởng này cho rằng ngay cả khi mọi thứ dường như bị hủy hoại – như với các môn đệ của Chúa Giêsu khi Ngài chết trên thập giá -, dù trong vực sâu của những thảm họa nghiêm trọng nhất, một lối thoát, hiện không thể đoán trước, cuối cùng có thể hình thành. Nhà văn công giáo Pháp Georges Bernanos (1888-1948) đã viết rất hay trong các tiểu thuyết của ông về những trận chiến tâm linh, những thảm kịch trong cuộc sống đã làm kích động tâm hồn chúng ta, ông tổng hợp một cách đáng ngưỡng mộ những khía cạnh khác nhau này của niềm hy vọng kitô giáo:
“Người bi quan và người lạc quan đều đồng ý không nhìn mọi thứ như chúng vốn có. Người lạc quan là người ngốc hạnh phúc, người bi quan là người ngốc bất hạnh. (…) Chủ nghĩa lạc quan là thế phẩm của hy vọng mà tuyên truyền chính thức là giữ độc quyền. Nó tán thành mọi thứ, phục tùng mọi thứ, tin tưởng mọi thứ. (…) Nhưng hy vọng đã chinh phục. Chúng ta chỉ có hy vọng qua sự thật, với cái giá phải trả là rất nhiều nỗ lực và kiên nhẫn lâu dài. Để tìm thấy hy vọng, chúng ta phải vượt qua tuyệt vọng. Khi đi hết đêm, chúng ta sẽ thấy một bình minh mới. (…) Lạc quan là hy vọng hão huyền cho kẻ kẻ hèn nhát và ngu ngốc. Hy vọng là nhân đức, là đức hạnh, một quyết tâm anh hùng của tâm hồn. Hình thức cao nhất của hy vọng là vượt qua tuyệt vọng”. Georges Bernanos, Tự do để làm gì? (trong Tiểu luận và những bài viết chiến đấu, nxb. Gallimard, 1953).
“Hy vọng là vượt lên tuyệt vọng”. Không thể phủ nhận, đây là một công thức này rất đẹp. Trong những ngày này, người công giáo Pháp dùng công thức này rất nhiều. Nhưng về lâu dài, sự nghi ngờ len lỏi vào: điều gì sẽ xảy ra nếu đó chỉ là một khẩu hiệu, một trừu tượng siêu hình rỗng tuếch không thể với tới thực tế? Vì người công giáo Pháp ngày nay bị lâm trong tình trạng: gần như không một tháng nào, thậm chí một tuần nào trôi qua mà không nghe tin có thêm một nhà lãnh đạo công giáo rớt đài. Mỗi lần như vậy, chúng tôi xuống tinh thần, chúng tôi ghê tởm, ngày chúa nhật sau đó chúng tôi đi lễ thụt lui, xấu hổ, buồn nôn, mơ hồ, mỗi lần chúng tôi nghe hứa “sẽ không bao giờ như vậy nữa”, bài học sẽ được rút ra và hành động đã được thực hiện, sẽ chấm dứt những thứ rác rưởi như rác cuốn vào thảm, rằng từ giờ trở đi mọi thứ sẽ được minh bạch, Giáo hội sẽ là “ngôi nhà an toàn”. Lời, lời và lời! Mỗi lần như vậy, vài ngày sau, trong khi chờ đợi cơn chán nản đi qua, cho một tia hy vọng mong manh nào đó tái sinh thì những thứ tào lao mới lại xuất hiện, những vụ che giấu mới, những vi phạm mới với những cam kết đã đưa ra. Trong nhiều năm, tôi đã ít nhiều ngoan ngoãn nuốt nước bùn này, nhưng một ngày nọ, vào cuối tháng 10 năm 2022 này, có điều gì đó trong tôi vỡ òa ra. Chúng tôi được biết có một giám mục Pháp nổi tiếng và có uy tín trong Giáo hội, trước đây đã cùng với những chàng trai trẻ “khỏa thân khi xưng tội”: trước nhà tạm, nơi mà theo thần học công giáo, Chúa Kitô thực sự hiện diện, một tội lỗi được thú nhận, một chiếc áo bị loại. Nó vô cùng đồi trụy, theo một nghĩa nào đó nó thật không nghĩa lý gì so với hàng ngàn nạn nhân trẻ em bị lạm dụng trong báo cáo Sauvé nói đến, nhưng với tôi nó quá bẩn thỉu. Bạn biết đó, nó giống như các thí nghiệm “kết tủa” bạn làm trong lớp hóa học: bạn nhỏ một giọt vào chất lỏng không màu, nó dường như không thay đổi gì cả. Một giọt nữa, không có gì. Nhiều giọt khác, không có tác dụng gì đáng chú ý. Cuối cùng là giọt cuối cùng: không lớn hơn những giọt khác, nhưng sau đó, dung dịch đột nhiên trở nên đục. Giọt cuối cùng hoàn thành những gì đang dần chin muồi, không nghi ngờ gì, nó cho thấy sự lãng phí của lòng tin tưởng, năng lượng, niềm vui vốn gần như đến ở giọt cuối cùng này và hoàn tất quá trình.
Trong một thời gian dài, tôi là một người công giáo cổ điển và ngoan ngoãn, đặt niềm tin hiếu thảo vào tất cả các giám mục và những người lãnh đạo Giáo hội. Sự tin tưởng này (hay đức tin này, trong tiếng la-tinh là cùng một từ: fides) bay giờ đã vỡ tan.
Vì thế tôi áp dụng khẩu hiệu của “Hội những người rửa tội”, một phong trào công giáo phản đối, mà tôi không có mối quan hệ ý thức hệ đặc biệt nào: “Không rời đi, cũng không im lặng.” Liệu khoảng cách quan trọng này mà tôi đang đối diện với Giáo hội như một thể chế và những người lãnh đạo Giáo hội có đủ để ngăn tôi thấy mình trong tình trạng mù quáng nô lệ của một chiến binh cộng sản già nua của những năm 1980 không? Hay tất cả những lý do mà tôi tự đưa ra để không rời bỏ con thuyền Giáo hội, bất chấp mọi thứ, có nghĩa là tôi thấy mình đang ở trong tình trạng mù quáng bệnh hoạn giống y hệt đó không? Không thể, vì hèn nhát hay tự mãn tội lỗi với những ý tưởng đẹp đẽ đã truyền cảm hứng cho tuổi niên thiếu của tôi, để tuyên bố một cách sáng suốt cho một vụ phá sản lớn và không thể chối cãi, đồng thời rút ra những hậu quả đó sao?
Thành thật mà nói, tôi thực sự không biết nữa. Chúa ơi, xin đến giúp con, Chúa ơi, xin Chúa giúp chúng con!”
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Denis Moreau: Làm thế nào để là người công giáo ngày nay?
Triết gia Denis Moreau: sáu điều tôi thích nơi Đức Bênêđictô XVI