Belarus, sự kháng cự của ông Ales Bialiatski, người được giải Nobel Hòa bình 2022
Ông Ales Bialiatski bị cầm tù, đã không thể đến Oslo để nhận giải Nobel Hòa bình.
la-croix.com, Jean-Christophe Ploquin, 2022-12-10
Cuối tuần này, nhà bất đồng chính kiến người Belarus Ales Bialiatski đã không thể đến Oslo để nhận giải Nobel Hòa bình. Bị cầm tù, ông trả giá cho quyết tâm bảo vệ nhân quyền. Nhà báo Jean-Christophe Ploquin, tổng biên tập La Croix giải thích trong chuyên mục quốc tế “Rất xa mà rất gần” (So far, so close). Cuộc chiến đấu của ông không những làm phiền lòng nhà độc tài Alender Lukashenko mà còn làm phiền đến tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông là anh hùng trong bóng tối, người theo chủ nghĩa quốc gia với hai bàn tay không, nhà dân chủ ngoan cường làm việc cho đất nước Belarus trong hy vọng một ngày nào đó đất nước này sẽ có chế độ dựa trên nhân quyền. Ông Ales Bialiatski là một trong ba người nhận Giải Nobel Hòa bình 2022 (cơ quan Phi chính phủ Memorial Nga và Trung tâm Tự do Dân sự Ukraine).
Bị cầm tù, ông sẽ không đến được Oslo ngày thứ bảy 10 tháng 12 để nhận giải, vợ ông là bà Natalia Pintchouk sẽ đại diện ông đến nhận. Nhưng đây là cơ hội để suy nghĩ đến hành trình của ông và khám phá lòng can đảm và sức chịu đựng làm cho ông được ngưỡng mộ.
Số phận của ông là hình ảnh ngược với số phận của nhà độc tài Alender Lukashenko, người trở thành tổng thống năm 1994. Hai năm sau, ông Ales Bialiatski đồng sáng lập Viasna (Mùa xuân): một mạng lưới được thành lập vội vàng để cung cấp viện trợ, thông tin và hỗ trợ tài chính cho gia đình của những người biểu tình bị bắt trong cuộc biểu tình lớn ngày 24 tháng 4 năm 1996. Qua năm tháng, hiệp hội mở rộng hoạt động của mình sang giáo dục, nhân quyền và giám sát các cuộc bầu cử. Bị cấm năm 2003, hiệp hội tiếp tục hoạt động trái phép và trở thành một trong những nguồn cung cấp thông tin chính về đàn áp trong nước.
Ông Ales Bialiatski đã phải trả giá. Bị tù từ năm 2011 đến năm 2014, ông lại bị tù từ ngày 14 tháng 7 năm 2021, bị cuốn vào làn sóng bắt giữ sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 8 năm 2020, trong đó ông Alender Lukashenko bị cho là người chiến thắng gian dối. Theo thống kê gần đây của Viasna, hiện nay có 1.442 tù nhân chính trị bị giam giữ và hàng ngàn người chống đối và đại diện của xã hội dân sự đã bị buộc phải lưu vong.
Những con số này minh chứng cho nỗi sợ hãi của một chế độ biết mình đang bị dân chúng ngày càng chống đối. Một vấn đề vượt ra ngoài biên giới đất nước. Từng là thành viên của Liên Xô, một quốc gia vùng đệm giữa Nga và NATO-Liên minh châu Âu song song, Belarus thực sự phụ thuộc vào Matxcova. Vladimir Putin trói nước này nhiều hơn khi ông kéo Belarus vào cuộc chiến mà ông đang tiến hành chống lại Ukraine.
Ông Ales Bialiatski luôn chống đối ảnh hưởng này. Cả cuộc đời của ông được đánh dấu bằng việc quảng bá ngôn ngữ, văn hóa và bản sắc Belarus. Nhà văn, ông điều hành viện bảo tàng Maksim Bahdanovitch (1891-1917) một nhà thơ và nhân vật quốc gia. Một thời điểm đã tác động đến ông rất nhiều: khi Belarus ngày nay là một phần của “cộng hòa hai quốc gia” tập hợp Ba Lan và Litva (1569-1795). Vào thế kỷ 18, những ý tưởng của Khai sáng Pháp đã lan rộng và bén rễ ở đó. Nhưng các chế độ quân chủ chuyên chế láng giềng Nga, Phổ, Áo-Hungary đã chận sự mở cửa này, họ chia nhau địa bàn. Ông Ales Bialiatski giải thích trong một cuộc phỏng vấn do Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế phát sóng vào năm 2011: “Bỗng, hoàn cảnh của chúng tôi không phải là vô vọng. Hạt giống dân chủ đã được gieo và một ngày nào đó nó sẽ nảy mầm.
Việc trao giải thưởng Nobel ủng hộ tầm nhìn này. Có thể tin vào một đất nước Belarus độc lập, thực sự tôn trọng nhân quyền. Chắc chắn sẽ không có các nhà độc tài Alender Lukashenko và Vladimir Putin.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kouleba: “Không quốc gia nào mong muốn hòa bình hơn chúng tôi”