“Ca ngợi tôn giáo”: biện hộ cho một khuôn khổ đức tin không thể thiếu

53

“Ca ngợi tôn giáo”: biện hộ cho một khuôn khổ đức tin không thể thiếu

la-croix.com, Dominique Greiner, 2022-09-29

Linh mục triết gia Dòng Tên Paul Valadier

Ngay cả khi các tôn giáo bị mất uy tín, triết gia Dòng Tên Paul Valadier vẫn ca ngợi tôn giáo vì tôn giáo tạo một khuôn khổ không thể thiếu để nói lên đức tin.

Ca ngợi tôn giáo, Éloge de la religion, Paul Valadier, nxb. Salvator

Tựa đề tác phẩm mới của linh mục Paul Valadier có một chút khiêu khích. Làm thế nào chúng ta có thể ca ngợi tôn giáo khi các truyền thống tôn giáo khác nhau bị nghi là nguyên nhân của bạo lực? Triết gia Dòng Tên lưu ý: “Các tội ác của một số trong các tôn giáo này làm phản ánh tất cả những tội ác khác dưới con mắt của dư luận quần chúng.” Ngay cả phê phán triết học cũng tấn công khái niệm tôn giáo. Sau đó có một số người bảo vệ con đường của chủ nghĩa vô thần, người khác đi theo con đường thiêng liêng không có Chúa. Có người lại nói họ thích một đức tin ít nặng về tôn giáo, như thử các tín hữu kitô này muốn bỏ qua các thể chế giáo hội để tìm lại “khía cạnh sắc nét và cách mạng” của sứ điệp Phúc âm.

Trong suốt các chương sách, tác giả Paul Valadier xem xét những lời kêu ca khác nhau về tôn giáo và trả lời chúng.

Đối với những người nói rằng họ gắn bó hơn với đức tin – “một thuật ngữ được cho là cụ thể hơn và ít bị mơ hồ hơn” – tác giả nhắc nhở chúng ta một đức tin hoàn toàn tách rời khỏi tôn giáo có nguy cơ rơi vào phía chủ nghĩa chủ quan, là nguồn gốc của bạo lực và thao túng. Linh mục cảnh báo: “Một đức tin tôn giáo không được tôn giáo nâng đỡ và đóng khung sẽ có nguy cơ trở nên trống rỗng hoặc trở thành tình cảm…”. Với những người xem thường tôn giáo nhưng thích con đường “tâm linh”, tác giả đề cập đến nhu cầu của một đời sống thiêng liêng đích thực, “không phải là cuộc phiêu lưu tầm thường và không có rủi ro” và còn hơn cả một “nhiệt tình cảm tính với nét đẹp của sự vật hoặc với bí ẩn của thiên nhiên”.

Quan sát viên chăm chú và phê phán

Chuyên gia về triết gia Nietzsche cũng kêu gọi những người ủng hộ thuyết vô thần, mà trong nhiều trường hợp chủ thuyết này chỉ thay thế các vị thần bị từ chối hoặc bị các tín ngưỡng lương dân khác từ chối như tiến bộ, khoa học, tiền bạc, thành công xã hội. Nhưng trên tất cả, tác giả nhấn mạnh đến “sự thất bại của thuyết vô thần trong việc trở thành người tạo ra một vũ trụ chung có thể sống được”. Linh mục đưa ra ví dụ “sự bất lực của chủ nghĩa vô thần khi muốn tạo ra một nghệ thuật xứng đáng với tên gọi. Thật vậy, sáng tạo nghệ thuật luôn có nguồn cảm hứng vượt xa mọi hình thức duy vật (…). Trong khi các nghệ thuật lấy cảm hứng từ những người vô thần Nhà nước đã tự cho thấy họ nghèo nàn một cách thảm thương…”

Điều gì sẽ xảy ra nếu không có Chúa ở đó…

Tham khảo những cuốn sách gần đây cũng như các bài báo cho thấy tác giả Paul Valadier, sẽ 90 tuổi vào tháng 1 năm 2023, vẫn là nhà quan sát chăm chú và phê phán của thời đại chúng ta. Tác giả không ngần ngại tố cáo sự hời hợt và nhạt nhẽo của một số tác giả nổi tiếng, họ dường như muốn đặt nặng sự nghiêm túc trí tuệ khi nói về tôn giáo hoặc tâm linh, ngay cả giữa các triết gia. Với quyển sách này, tu sĩ Dòng Tên cho thấy, có thể nói một cách hợp lý và nhẹ nhàng về tôn giáo, nhưng vẫn neo vào truyền thống công giáo mình thuộc về. Không đề cao công giáo là “tôn giáo đích thực và duy nhất” nhưng tác giả đưa ra những gì đặc trưng của đạo công giáo, đặc biệt là nét phổ quát, là niềm hy vọng thiên sai mở ra tương lai cho lịch sử tập thể, cho nét đẹp của phụng vụ… Ca ngợi Thiên chúa giáo cũng là lời tuyên xưng đức tin, nhưng không làm im đi “câu hỏi chưa giải quyết” về cuộc khủng hoảng mà Giáo hội công giáo đang phải trải qua.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô suy gẫm về bí ẩn “sự im lặng của Chúa”