Đức Phanxicô suy gẫm về bí ẩn “sự im lặng của Chúa”

197

Đức Phanxicô suy gẫm về bí ẩn “sự im lặng của Chúa”

cath.ch, I.Media, 2022-05-18

Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần ngày thứ tư 18 tháng 5 tại Quảng trường Thánh Phêrô | Flickr / Mazur / catholicnews.org.uk / CC BY-NC-SA 2.0

“Bí ẩn về sự dịu dàng của Thiên Chúa ẩn sau sự im lặng của Ngài” là trọng tâm của bài giáo lý tuần này của Đức Phanxicô, Ngài nói về sự đau khổ của ông Gióp trong Cựu Ước.

Ngài tố cáo khuynh hướng của “một lòng mộ đạo theo luân lý dẫn đến đạo đức giả và tự cho mình là đúng”. Nhưng trước những bất hạnh của cuộc đời, ông Gióp nêu tấm gương “trở lại trong đức tin”. Trong những lúc bất hạnh nhất, ông Gióp đã thốt lên: “Tôi biết, Đấng cứu chuộc hằng sống, Người sẽ sống lại sau cùng từ bụi đất!”.

Đôi khi “những thử thách quá nặng nề, không tương xứng với sự nhỏ bé và yếu đuối của con người đã ập xuống trên một người, một gia đình hoặc một dân tộc”. Đối diện với những người ngập trong bất hạnh, “chúng ta đau khổ trước tiếng khóc của họ, nhưng chúng ta cũng thường kinh ngạc trước sự kiên định trong đức tin và tình yêu của họ.” Đức Phanxicô nêu gương các cha mẹ có con khuyết tật, cũng như các nạn nhân bị tác động của đại dịch Covid hoặc của cuộc chiến ở Ukraine.

“Đối diện với bí ẩn của cái ác, có một loại quyền của nạn nhân để phản đối, một quyền mà Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người”, ngài nhắc lại phản kháng tự nó cũng là một hình thức cầu nguyện. Ngài đi ra ngoài bài soạn sẵn, ngài nói: “Nếu trong lòng anh chị em cảm thấy tức giận và đau đớn, anh chị em có thể phản kháng, Chúa lắng nghe anh chị em! Anh chị em đừng nén lại lời cầu nguyện của mình.”
Ngài lên tiếng phản đối thái độ của “các luật gia, các khoa học gia và ngay cả với các tu sĩ, những người nhầm lẫn giữa kẻ bức hại và nạn nhân, quy cho nạn nhân tất cả trách nhiệm về nỗi đau của họ”.

Ngược lại, “trông cậy vào lời hứa của Chúa là tạo một hệ thống phòng thủ không thể thay thế để chống lại cái ác quá mức”, và các “người lớn tuổi nhỏ bé” thường đưa ra gương mẫu của lòng trung tín và nhẫn nại ngay cả khi họ phải sống trong cô đơn và đau khổ.
Đức Phanxicô mời gọi chúng ta theo tấm gương hướng dẫn của “rất nhiều ông bà nội ngoại, của nhiều người lớn tuổi, những người, như Mẹ Maria hiệp lời cầu nguyện đau lòng của họ với lời cầu nguyện của Con Thiên Chúa, Đấng trên Thập giá đã phó thác cho Chúa Cha”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch