Hồng y Okpaleke người Nigeria, một lựa chọn mạnh mẽ để chống lại chủ nghĩa bộ lạc
Giám mục Peter Okpaleke, giáo phận Ekwulobia, Nigeria, là nạn nhân của “chủ nghĩa bộ lạc” | © Vatican Media
cath.ch, I.Media, 2022-06-03
Đức Phanxicô đã tạo một bất ngờ khi ngài phong giám mục Peter Okpaleke, một giám mục người Nigeria với quá trình phi thường làm hồng y. Bị giáo phận từ chối vì không cùng bộ tộc, năm 2018 ngài từ chức, trước khi ngài đứng đầu một giáo phận được Đức Phanxicô lập ra cho ngài hai năm sau đó. Hãng tin I.Media đưa quý độc giả khám phá hành trình của giám mục Okpaleke bị giáo phận của ngài làm nhục và cuối cùng được Đức Phanxicô vinh danh, ngài liên tục lên án những tác động bộ lạc có thể dẫn đến diệt chủng.
Ngày chúa nhật 29 tháng 5 năm 2022, khi Đức Phanxicô xướng tên giám mục Peter Okpaleke từ cửa sổ dinh tông tòa Vatican – đứng hàng thứ 5 trên tổng số 21 hồng y -, rất ít giáo dân ở Quảng trường Thánh Phêrô biết ngài muốn gởi đến Giáo hội Nigeria một thông điệp mạnh. Câu chuyện về giám mục Peter Okpaleke là nguyên do, nhưng không hẳn giáo dân biết câu chuyện này. Và đó có lẽ là lý do vì sao Đức Phanxicô chọn giám mục Okpaleke làm hồng y: để làm nổi bật tai họa của chủ nghĩa bộ tộc, một hình thức “bài ngoại chính trong đất nước mình” mà ngài liên tục tố cáo từ khi ngài được bầu chọn năm 2013.
Ơn gọi nhờ trời mưa
Peter Ebere Okpaleke sinh ngày 1 tháng 3 năm 1963, cùng người anh song sinh nhưng đã qua đời, ở bang Anambra, miền nam Nigeria. Cùng với bốn anh chị em, cha được bà ngoại nuôi dưỡng. Nguồn gốc ơn gọi của cha là vào một ngày chúa nhật năm 1972, khi cha thay thế các em bé giúp lễ khác không đến được vì trời mưa. Lần đầu tiên giúp lễ đã đánh động cha.
Mười năm sau, cha vào chủng viện và chịu chức năm 1992. Sau khi chịu chức, cha tiếp tục học ở Rôma (1999-2002), cha có bằng tiến sĩ giáo luật tại Đại học Thánh giá, bằng quản lý giáo hội. Phụ tá giám mục giáo phận Awka từ năm 1992 đến năm 1995) sau đó cha làm quản trị tài chính, cuối cùng là chưởng ấn của giáo phận từ năm 2002 đến năm 2011. Khi giám mục bổ nhiệm cha làm cha xứ, khi đó cuộc đời của cha bị đảo lộn.
Nổi loạn “bài ngoại”
Ngày 7 tháng 12 năm 2012, Đức Bênêđictô XVI bổ nhiệm cha Okpaleke làm giám mục giáo phận Ahiara. Giáo phận chỉ cách giáo phận gốc Awka của cha vài trăm cây số phía nam, nhưng đặc tính xã hội học của hai khu vực rất khác biệt khi đó các vấn đề của giám mục 49 tuổi bắt đầu.
Ngay sau khi tin đề cử được công bố, các linh mục và giáo dân giáo phận Ahiara nổi dậy. Một số người nêu lý do linh mục không được nhập giáo phận Ahiara. Một cách khéo léo để nói giám mục không phải là người cùng sắc tộc với họ. Không giống giám mục tiền nhiệm là người dân tộc Mbaese như đa số giáo dân trong giáo phận, giám mục Okpaleke là người dân tộc Ibo – như hồng y Francis Arinze người Nigeria -, đa số ở phía đông nam Nigeria.
Đối diện với cuộc nổi loạn, giám mục Okpaleke xin hoãn ngày phong giám mục của mình vài tuần, hy vọng tình hình sẽ lắng xuống. Nhưng vô ích. Cuối cùng, ngài được phong giám mục ngoài giáo phận Ahiara, tại chủng viện “Viện Minh Triết” ở Ulakwo, thuộc tổng giáo phận Owerri.
Đức Phanxicô nghĩ đến việc bãi bỏ giáo phận
Nhiều tháng trôi qua nhưng tình hình không thay đổi dù có sự can thiệp của các giám mục Nigeria khác và của Rôma. Cuối cùng, chính Đức Phanxicô là người giải quyết vấn đề. Ngày 8 tháng 6 năm 2017, trước phái đoàn của giáo phận nổi loạn, ngài so sánh những giáo dân ngoan cố với “những người trồng nho giết người” trong Phúc âm. Ngài nói: “Những người phản đối việc giám mục Okpaleke nhập giáo phận, họ muốn phá hủy Giáo hội”.
Theo dõi diễn tiến xảy ra trong nhiều năm, Đức Phanxicô cám ơn “sự kiên nhẫn thánh thiện” của giám mục và ngài bày tỏ ý định của mình: “Tôi đã lắng nghe và tôi đã suy nghĩ rất nhiều, đặc biệt là về ý tưởng bãi bỏ giáo phận; nhưng tôi nghĩ Giáo hội là người mẹ và người mẹ không thể bỏ rơi những đứa con như cha. Tôi cảm thấy vô cùng đau xót cho các linh mục bị lèo lái này, chắc chắn tình trạng này có cả ở nước ngoài cũng như bên ngoài giáo phận”.
Ba mươi ngày để xin tha thứ
Sau đó ngài xin “mỗi linh mục hay tu sĩ ở giáo phận Ahiara, (…) phải viết một lá thư nói lên ý định của họ, theo đó họ xin tha thứ; họ phải viết từng người một và cá nhân”. Họ có 30 ngày để trả lời cho sự vâng lời của họ đối với giáo hoàng và chấp nhận giám mục của họ. Ngài cảnh báo: “Ai không làm sẽ tự khắc bị treo chén và cách chức”, ngài nói vụ tai tiếng này đã kéo dài quá lâu.
Một công việc nặng nề. Nhưng tình hình sẽ không thay đổi. Theo hãng tin Fides, 200 linh mục viết thư riêng cho giáo hoàng và thể hiện sự vâng lời và trung thành với ngài. Nhưng một số nhấn mạnh họ gặp khó khăn trong việc có thể cộng tác với giám mục Okpaleke sau nhiều năm xung đột. Tại địa phương, vài ngày sau bài giảng của giáo hoàng, một cuộc biểu tình quy tụ gần 3.000 người được tổ chức trước nhà thờ chính tòa Ahiara để một lần nữa từ chối giám mục.
Một tình huống “đe dọa đến phần rỗi các linh hồn”
Đối diện trước tình trạng tê liệt này, đầu năm 2018, “giám mục không có giáo phận” này làm đơn lên giáo hoàng xin từ chức. Ngài viết: “Thật không may, theo hiểu biết của tôi, tình hình ở giáo phận Ahiara không được cải thiện. Quan trọng hơn, nó đe dọa đến đời sống thiêng liêng của tôi”. Nghĩ rằng việc ở lại giáo phận Ahiara không có lợi cho Giáo hội, giám mục nghĩ đã đến lúc phải từ chức: “Thi hành mục vụ trong một giáo phận nơi các linh mục được cho là cộng tác viên trực tiếp và thân cận nhất của tôi, anh em tôi, bạn bè tôi và con tôi, đang đấu tranh với nhau, với giáo dân và với tôi, người chủ chăn chính của họ, sẽ tai hại và đe dọa đến phần rỗi của các linh hồn – kể cả linh hồn tôi”.
Một đơn từ chức mà giám mục Okpaleke cho là lựa chọn thích hợp duy nhất để tạo điều kiện cho việc tái truyền giáo của các tín hữu trong giáo phận, đặc biệt là các linh mục. Giám mục cũng nói rõ với giáo hoàng, giáo hoàng và Giáo triều từ nay có thể có “những linh mục khẳng định lòng trung thành của họ với Đức Thánh Cha và những người đã quyết định rút khỏi Giáo hội Công giáo vì bất tuân”. Cuối cùng Đức Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của giám mục ngày 19 tháng 2 năm 2018.
Một giáo phận được thành lập riêng
Hai năm trôi qua trước khi tên của giám mục Okpaleke lại được nổi bật. Ngày 5 tháng 3 năm 2020, ngài được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Ekwulobia, một giáo phận được thành lập riêng cho giám mục 57 tuổi này. Ngài nhận giáo phận ngày 29 tháng 4. Sau đó, điều hành một giáo phận có một triệu dân (61% là Công giáo) và có 250 linh mục.
Ngày 29 tháng 5, khi giáo hoàng công bố danh sách các tân hồng y ở Rôma, giám mục người Nigeria vừa rời thánh lễ thêm sức cho 138 giáo dân. Khi biết tin, ngài nghĩ đây là trò đùa của thư ký của ngài, nhưng sau đó ngài hiểu ý của giáo hoàng. Trả lời trên Vatican News, ngài cho biết những năm tháng khó khăn của ngài đã giúp ngài có được sự bình an của Chúa; một bình an ngài có được nhờ lòng kính mến đặc biệt Trinh Nữ Maria và Thánh Thể Chúa Giêsu; và sau đó là Chúa Thánh Thần, mà ngài lấy khẩu hiệu giám mục của mình: “Veni sancte Spiritus”, Lạy Chúa Thánh Thần xin ngự đến.
Một giáo hoàng đứng lên chống lại chủ nghĩa bộ lạc
Nếu Đức Phanxicô xúc động trước thử thách cá nhân mà giám mục phải chịu đựng, thì chắc chắn ngài cũng muốn, qua việc bổ nhiệm này, ngài muốn lên án chủ nghĩa bộ tộc, một tai họa đang ảnh hưởng đến châu Phi. Khi được hỏi về vấn đề này trên chuyến bay đưa ngài về Rôma sau chuyến tông du Mozambique, Madagascar và Mauritius, ngài nói rất rõ về “vấn đề văn hóa” mà lục địa châu Phi phải giải quyết.
Trong chuyến đi Kenya bốn năm trước đó, ngài cũng đã nhấn mạnh: “Chúng ta đã kỷ niệm 25 năm thảm kịch Rwanda cách đây không lâu: đó là tác động của chủ nghĩa bộ tộc. Tôi nhớ tại sân vận động ở Kenya, tôi đã kêu gọi mọi người đứng dậy, cam kết nói ‘không với chế độ bộ lạc, không với chế độ bộ lạc!’
Từ giờ trở đi, hồng y Okpaleke sẽ là biểu tượng của cuộc chiến chống lại chủ nghĩa bộ tộc, đó là lời kêu gọi không mệt mỏi của Đức Phanxicô đối với tình huynh đệ và vẫn là một thách thức phức tạp trong chính Giáo hội.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: 21 tân hồng y được Đức Phanxicô bổ nhiệm là ai?
“Tôi, một hồng y trẻ ở đất nước Mông Cổ xa xôi. Đức Phanxicô đã biết cách làm kinh ngạc”