Người bản địa Canada ở Rôma để yêu cầu giáo hoàng Phanxicô xin lỗi
Từ thứ hai 28 tháng 3 đến thứ sáu 1 tháng 4, Đức Phanxicô sẽ tiếp phái đoàn bốn lần. Một lịch đặc biệt cho nhóm để yêu cầu giáo hoàng xin lỗi về những lạm dụng đã xảy ra ở Canada từ năm 1830 đến năm 1996, trong các trường nội trú dành cho trẻ em do Giáo hội công giáo điều hành.
Một buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân đã mất ở các trường bản địa Canada
la-croix.com, Alexis Gacon (ở Montréal) và Loup Besmond de Senneville (ở Rôma), 2022-03-27
Bốn phiên họp trong năm ngày. Một phái đoàn gồm người bản địa và các giám mục Canada sẽ bắt đầu chuyến đi đặc biệt đến Vatican ngày thứ hai 28 tháng 3, họ sẽ gặp Đức Phanxicô bốn lần. Một nhịp khác thường đánh dấu tầm quan trọng của quá trình hòa giải với Đức Phanxicô, một vài năm sau khi có những tiết lộ đầu tiên vụ bê bối lớn bùng ra ở Canada, về số phận của người bản địa trong các trường nội trú do Giáo hội điều hành từ năm 1830 đến năm 1996.
Một hệ thống tổng quát của các vụ đối xử tệ hại
130.000 trẻ em bản địa, các em lai hoặc của “Các quốc gia đầu tiên” – một cụm từ được dùng từ năm 1970 để thay thế thuật ngữ người da đỏ bị xem là tiêu cực – các em được đưa vào khoảng 130 cơ sở công giáo và anh giáo do chính phủ tài trợ (70%) để “đồng hóa trẻ em thổ dân với văn hóa Âu-Canada”. Các lời khai đã chứng minh đã có một hệ thống đối xử tệ hại phổ biến. Thủ đô Ottawa đã xác định có 5.300 tội phạm tấn công tình dục ở đó, cũng như tỷ lệ tử vong cao do điều kiện sống quá kinh khủng. Trong những trường học quá đông đúc, hệ thống thông gió kém đã có từ 3.500 đến 10.000 các em nội trú chết vì bệnh lao và bệnh cúm.
Bà Marie-Pierre Bousquet, giám đốc chương trình nghiên cứu bản địa tại phân khoa nhân loại học Đại học Montréal giải thích: “Canada cho rằng các trẻ em này phải xa gia đình để chúng trở thành những người Canada tốt. Và một người Canada tốt là người tín hữu tốt. Các em đã phải rời cha mẹ và do đó là bỏ văn hóa của các em. Nhiều em không được nói thổ ngữ. Trong các trường nội trú, kỷ luật là kỷ luật quân đội.”
Nhận thức
Năm 1905, lần đầu tiên bác sĩ Peter Bryce ở bang Ontario tố cáo vụ này, nhưng chỉ trong những năm gần đây, vụ này mới được tiết lộ ở mức độ lớn lao của nó, nhờ vào công việc của Ủy ban Sự thật và Hòa giải, được tiến hành từ những năm 2008 và 2015.
Tuy nhiên, chỉ gần đây, với việc phát hiện 215 bộ hài cốt vô danh vào mùa hè năm 2021, trong khuôn viên trường nội trú Kamloops, bang British Columbia, dư luận Canada mới biết đến hiện tượng này. Bà Marie-Pierre Bousquet ghi nhận: “Lần đầu tiên, mọi người xúc động. Mùa hè này một số thành phố lớn trên khắp Canada đã hủy bỏ các ngày mừng quốc khánh.”
Kể từ năm 2015, ngày Ủy ban Sự thật và Hòa giải đưa ra báo cáo, đại diện các dân tộc bản địa đã liên tục xin giáo hoàng, nhân danh Giáo hội công giáo chấp thuận nói lời xin lỗi: “Một lời xin lỗi tới những người sống sót, với gia đình của họ như cũng như với các cộng đồng bị ảnh hưởng vì lạm dụng tinh thần, văn hóa, tình cảm, thể chất và tình dục ”.
Chính sách ghế trống
Yêu cầu được chính phủ Canada nhiệt tình hỗ trợ, kể từ tháng 10 năm 2018, Canada liên tục trì hoãn việc bổ nhiệm một tân đại sứ tại Tòa Thánh. Chính sách chiếc ghế trống cho Rôma biết có sự bất bình. Nhưng ngoại giao Canada, do một người không có cấp bậc đại sứ đang làm việc tích cực để thuyết phục Vatican. Và ở Ottawa, nơi Đức Phanxicô được xem là người gần gũi với các dân tộc bản địa, như ngài đã chứng tỏ cho thấy qua thượng hội đồng vùng Amazon năm 2019 tại Vatican, người ta tin giáo hoàng sẽ hoàn thành bước quyết định này. Ông Brian Gettler, phó giáo sư lịch sử tại Đại học Toronto, chuyên về lịch sử của chủ nghĩa thực dân cho biết: “Các hành động tàn nhẫn này đã được biết đến, ít nhất là với một bộ phận nào đó trong hệ thống cấp bậc của Giáo hội công giáo. Để tiến lên phía trước, người bản xứ muốn tìm một câu trả lời rõ ràng và mạnh mẽ. Lời xin lỗi của giáo hoàng có thể là một.”
Trong tuần lễ ở Vatican, phái đoàn gồm người bản địa và các nhà lãnh đạo công giáo sẽ được tiếp theo ba nhóm, vào ngày thứ hai và thứ năm. Một cách để nghe riêng từng người trong ba cộng đồng: Métis, Inuit và Các Quốc gia Đầu tiên.
Sau đó Đức Phanxicô sẽ gặp lại ngày thứ sáu 1 tháng tư. Liệu giáo hoàng, người đã “bày tỏ nỗi đau” của mình nhưng chưa bao giờ xin lỗi, có xin lỗi không? Không thể biết chắc câu trả lời lúc này. Mặt khác, chắc chắn ngài sẽ đến thăm Canada trong những tháng tới, như Vatican đã thông báo vào tháng 10 năm 2020. Cuộc gặp gỡ với người bản xứ có thể là cơ hội để thông báo một ngày cụ thể. Hai lựa chọn đang được nghiên cứu: vào tháng bảy, sau chuyến tông du đến Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan, hoặc vào mùa thu.
————-
Các buổi gặp
Thứ hai, 28-3.
Từ 10h đến 11h, Đức Phanxicô gặp các đại biểu Métis.
Từ 11h đến 12h, Đức Phanxicô gặp các đại biểu Inuit.
Thứ năm, 31-3.
Từ 10h30 đến 11h30. Đức Phanxicô gặp các đại biểu của các Quốc gia thứ nhất.
Thứ sáu, 31-3
Từ 12h đến 13h, Đức Phanxicô gặp toàn thể phái đoàn Canada. Một buổi tiếp kiến và ngài sẽ đọc một bài diễn văn.
Phái đoàn sẽ dự Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 27 tháng 3 và buổi tiếp kiến chung hàng tuần ngày thứ tư 30 tháng 3.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Trường nội trú ở Québec, Canada: Nỗi đau của cả một đời
Tổng giám mục giáo phận Montréal, Canada xin lỗi các cộng đồng bản địa