Chiến tranh Ukraine: Đức Phanxicô và Đức Thượng phụ Mátxcơva nói chuyện qua điện thoại
Trong một thông báo của tòa thượng phụ Mátxcơva, ngày thứ tư 16 tháng 3, Đức Phanxicô và Thượng phụ Kirill của Nga đã nói chuyện qua điện thoại. Đây là bước tiến mới nhất trong các sáng kiến, trong đó Đức Phanxicô tham gia trên bình diện tinh thần để cầu xin chiến tranh kết thúc.
lacroix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2022-0316
Một bước đi mới của Đức Phanxicô nhằm giúp làm dịu tình hình ở Ukraine. Hai nhà lãnh đạo tôn giáo “đã xem xét chi tiết tình hình tại Ukraine và giải quyết vấn đề liên quan đến khía cạnh nhân đạo của cuộc khủng hoảng hiện nay”.
Bản thông báo của tòa thượng phụ cho biết: “Các bên nhấn mạnh đến tầm quan trọng rất lớn của quá trình đàm phán đang diễn ra, bày tỏ hy vọng một nền hòa bình công bằng có thể đạt được càng sớm càng tốt”, ngôn ngữ dùng trong cuộc đối thoại gợi nhớ một số từ được Điện Kremlin dùng kể từ đầu cuộc khủng hoảng.
Cuộc họp diễn ra về phía tòa thượng phụ Mátxcơva có sự hiện diện của Giáo chủ Hilarion, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Giáo hội chính thống Nga và Igor Nikolaev, thành viên của Ủy ban Đối ngoại Giáo hội chính thống về Quan hệ Liên Kitô giáo. Về phía Vatican có hồng y Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Hiệp nhất Kitô giáo, và Cha Jaromir Zadrapa, thành viên của Hội đồng này. Vatican đã không đưa bất kỳ thông cáo báo chí nào về cuộc họp này kể từ 4:30 chiều. Thông báo về cuộc nói chuyện này, một số chuyên gia trong chính Vatican đã khẩn cầu, theo sau một loạt các sáng kiến được Đức Phanxicô thực hiện trong lãnh vực thiêng liêng.
Phía tòa thượng phụ Mátxcơva
Tấn công tinh thần
Trước hết: ngày chúa nhật 13 tháng 3, Đức Phanxicô dùng cụm từ “Chúa của hòa bình”, nhắc rằng những người ủng hộ bạo lực là “xúc phạm” đến danh Chúa, được nhiều nhà quan sát xem đây là phản ứng với Giáo chủ Kirill. Kể từ khi Nga tấn công vào Ukraine ngày thứ năm 24 tháng 2, thượng phụ Mátxcơva đã liên tục ủng hộ cuộc chiến, trong các bài phát biểu của ông, ông xem đây như một hình thức thánh chiến.
Đặc biệt trong bài giảng chúa nhật ngày 6 tháng 3, thượng phụ Kyrill đặt cuộc xung đột ở Ukraine lên mức “siêu hình” đối đầu giữa “luật của Chúa” và “tội lỗi”. Ngày chúa nhật 27 tháng 2, ông công kích những người chiến đấu – xem đó là “lực lượng của cái ác” – chống lại sự thống nhất lịch sử của Nga và Ukraine.
“Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con, nếu chúng con tiếp tục giết người em chúng con”
Yếu tố thứ hai của “cuộc tấn công tâm linh” do Đức Phanxicô bắt đầu: ngày thứ ba 15 tháng 3, ngài quyết định thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ. Một cử chỉ mang tính biểu tượng cao, đã được một số giáo hoàng của thế kỷ 20 thực hiện, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh hoặc có căng thẳng rất lớn. Năm 1942, Đức Piô XII đã thánh hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ, Đức Gioan-Phaolô II cũng làm như vậy năm 1981 và 1984. Vào thời điểm đó, ngài không nêu rõ thánh hiến nước Nga vì không muốn xúc phạm đến nước Nga hoặc Tòa Thượng phụ Mátxcơva.
Nhưng khi quyết định thánh hiến cả hai nước, Nga và Ukraine trong một thánh lễ sám hối ở Đền thờ Thánh Phêrô ngày thứ sáu 25 tháng 3, Đức Phanxicô muốn tiếp tục đi theo các đáp ứng thiêng liêng của mình với chiến tranh, trong vai trò nhà lãnh đạo tôn giáo, song song với công việc ngoại giao của ngài.
Cuối cùng, trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư hàng tuần, trước khi nói chuyện với thượng phụ Kirill, ngài đã đọc một kinh rất mạnh để xin Chúa chấm dứt bạo lực ở Ukraine. “Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con nếu chúng con tiếp tục giết người em chúng con, như Ca-in đã nhặt đá trên cánh đồng để giết A-ben”. Ngài cũng cầu nguyện cho nước Nga nhưng không nêu tên nước Nga, ở đây ám chỉ là Ca-in. “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, chúng con khẩn cầu Chúa! Xin Chúa ngừng bàn tay của Ca-in! Và khi Chúa đã ngăn cản bàn tay của Ca-in, xin Chúa hãy quan tâm đến Ca-in. Ca-in là anh chúng con.”
Hợp tác văn hóa giữa các Giáo hội
Ngoài các kênh ngoại giao cổ điển, từ đầu cuộc khủng hoảng, Vatican duy trì mọi khả thể để giao tiếp với tòa thượng phụ Mátxcơva. Đức Phanxicô và thượng phụ Kyrill đã gặp nhau năm 2016 tại Cuba và dự trù sẽ gặp nhau lại vào tháng 6 ở một nơi chưa được xác định. Dự án Mátxcơva và Rôma này vẫn tiến hành vài ngày trước khi bắt đầu chiến tranh, nhưng theo một số nguồn tin của Vatican, dự án này không còn nằm trong chương trình nghị sự. Một người trong số họ giải thích: “Thật khó để có một cuộc gặp lại với thượng phụ Kyrill, dù giáo hoàng là ai”.
Tòa thánh Vatican và Tòa Thượng phụ Mátxcơva cũng không còn quan hệ thần học chính thức. Năm 2018, Mátxcơva đã rời bàn thảo luận do Giáo hội công giáo tổ chức với tất cả các Giáo hội chính thống giáo, đặc biệt là để phản đối vai trò của tòa thượng phụ Constantinople. Nhưng hai Giáo hội vẫn duy trì hợp tác văn hóa, nổi bật là Vatican cấp học bổng cho các linh mục người Nga để họ có thể theo học tại các giáo hoàng học viện ở Rôma. Một “hợp tác văn hóa” vẫn tiếp tục.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Giữa lòng chiến tranh, Thượng phụ Kyrill bày tỏ lòng kính trọng với Đức Phanxicô
Lời cầu nguyện xin hòa bình cho Ukraine và lời Đức Phanxicô cảnh báo chống vô tâm