Đức Mẹ Fatima có liên quan gì với nước Nga và Ukraine?
americamagazine.org, Jane Sloan Peters, 2022-03-15
Đức Phanxicô trong chuyến đi Fatima, Bồ Đào Nha năm 2017
Hóa ra việc chúng ta lần chuỗi Mân côi từ cả chục năm nay bây giờ lại là chuyện thời sự. Tôi nhận ra tôi đã lần hạt nhiều hơn kể từ ngày hình ảnh cuộc chiến khủng khiếp ở Ukraine tràn ngập trên màn hình, gần đây nhất là vụ đánh bom vào bệnh viện phụ sản ở Mariupol.
Tin tức mỗi ngày mang đến những cảm nhận hoang mang, tức giận, bất lực đã gặm nhấm tôi rất lâu sau khi tôi tắt điện thoại và nhìn hai đứa con trai nhỏ của tôi. Tôi nhận ra lần hạt mang lại một cái gì đó cho nỗi lo đã quá tràn ngập của tôi. Dù tôi không thể tập trung vào các mầu nhiệm, nhưng tay lần từng hạt ngọc tròn tròn đã giúp tôi suy ngẫm. Những lời kinh lặp đi lặp lại đôi khi như những câu chuyện tầm phào vô nghĩa, nhưng giữa các biến cố hiện nay, sự đơn sơ và nhìn tràng chuỗi cũng làm cho tâm hồn tôi được nhẹ nhàng.
Những ngày này tôi cũng làm tôi nhớ đến mối liên hệ của chuỗi Mân Côi với nước Nga. Ngày thứ ba 15 tháng 3, Vatican thông báo, các giám mục công giáo Ukraine xin Đức Phanxicô thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Đức Mẹ trong một thánh lễ ngày thứ sáu 25 tháng 3. Cũng ngày này, hồng y Konrad Krajewski sẽ thay mặt ngài để dâng một thánh lễ như vậy ở Fatima.
Ngày 15 tháng 3, Vatican thông báo Đức Phanxicô sẽ thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Đức Mẹ trong một thánh lễ sám hối.
Đây chỉ là một giây phút trong lịch sử kéo dài hàng thế kỷ liên kết giữa kinh Mân Côi và lời cầu nguyện cho nước Nga trở lại.
Dưới một khía cạnh nào đó, việc kính mến chuỗi Mân Côi và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội giống như một cái gì của thời đã qua – một cái gì đó của ký ức thời thơ ấu ông bà của tôi. Nhưng thông điệp của các giám mục Ukraine cho tôi nhớ, đây là thời điểm thích hợp để trở lại với Đức Mẹ Fatima và suy nghĩ cách sứ điệp của Mẹ Maria có thể đưa chúng ta về với tràng chuỗi Mân Côi, để cầu nguyện cho hòa bình và cho nước Nga trở lại và để đối phó với mức độ đau thương khủng khiếp liên tục tràn ngập tin tức thời sự và các trang mạng xã hội đăng tải.
Câu chuyện Đức Mẹ Fatima là gì?
Đức Mẹ hiện ra ở Fatima là một trong một số lần Mẹ hiện ra ở thế kỷ 20 được Vatican công nhận. Năm 1917, Đức Mẹ đã hiện ra sáu lần với ba em mục đồng, đã làm cho mọi người trở lại với lòng kính mến Mẹ Mân Côi. Đức Mẹ đã hiện ra với Lucia dos Santos, 9 tuổi và hai em họ Francisco và Jacinta Marto, 8 và 6 tuổi, Mẹ xin các em lần hạt mỗi ngày để cầu nguyện cho hòa bình thế giới và để Thế chiến thứ nhất kết thúc.
Ngày 13 tháng 10 năm 1917, lần thứ sáu Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, ba em và hàng chục ngàn người tụ tập ở đây đã chứng kiến sự biến đổi kỳ diệu của mặt trời, một sự kiện được gọi là “ngày mặt trời nhảy múa”. Francisco và Jacinta chết vài năm sau đó vì đại dịch cúm 1918–19. Lucia đi tu, qua đời năm 97 tuổi và nhận được các thị kiến khác, trong đó có lời Đức Mẹ xin đặc biệt cầu nguyện cho nước Nga trở lại.
Fatima có liên quan gì đến nước Nga?
Việc cầu xin Đức Mẹ cho nước Nga trở lại đã là ưu tiên thường xuyên của Giáo hội trong 100 năm qua. Tại Fatima, Đức Mẹ xin thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ. Năm 1929, mẹ tiếp tục xin trong một lần hiện ra với Lucia, khi đó Lucia đang chuẩn bị vào nhà dòng.
Ngày 13 tháng 10 năm 1942, khi Thế chiến thứ hai trong thời kỳ nặng nhất, Đức Piô XII đã thánh hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Mười năm sau, trong Chiến tranh Lạnh, ngài đã đặc biệt dâng hiến người dân Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Đức Mẹ, trong hy vọng Mẹ Maria sẽ cầu bàu để có “một nền hòa bình thực sự, có sự hòa thuận huynh đệ và sự tự do cho tất cả mọi người”. Đức Phaolô VI tiếp tục thánh hiến này cho Công Đồng Vatican II.
Tại sao sứ điệp Fatima lại đặc biệt nhắm đến việc nước Nga trở lại và vì sao Giáo hội lại xem trọng điều này như vậy?
Đức Gioan-Phaolô II và Đức Phanxicô đã tuyên bố tương tự. Vào dịp kỷ niệm 96 năm Đức Mẹ hiện ra, năm 2013, Đức Phanxicô đã kết thúc bài giảng đánh dấu kỷ niệm phép lạ tại Fatima với việc phó thác cho Đức Mẹ Fatima. Đầu năm đó, hai tháng sau khi được bầu chọn, ngài đã xin các giám mục Lisbon thánh hiến triều giáo hoàng của ngài cho Đức Mẹ Fatima.
Tại sao sứ điệp Fatima lại đặc biệt nhắm đến việc nước Nga trở lại và vì sao Giáo hội lại xem trọng điều này như vậy? Một trong những yếu tố là chủ nghĩa cộng sản ở Nga, đặc biệt là sự cai trị tàn bạo của Joseph Stalin, đã làm cho hàng triệu người bị tù và bị hành quyết. Một vấn đề khác là Chiến tranh Lạnh và cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, những tác động được thấy trong căng thẳng ngày nay giữa Vladimir Putin và phương Tây. Cuối cùng là việc phủ nhận Thiên Chúa – một phần không thể thiếu trong chủ trương của cộng sản – đã tước đi quyền đến với siêu việt của con người, loại bỏ quyền tự do thờ phượng và làm xói mòn tầm nhìn của kitô giáo về phẩm giá con người.
Người ta có thể phản đối, có nhiều quốc gia hơn nước Nga cần lời cầu nguyện của chúng ta ở thế kỷ 20. Nhưng ở Fatima, Đức Mẹ rõ ràng đã xin thế giới lần hạt Mân Côi cho lý do này.
“Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội” Mẹ Maria là gì?
Trong bài giảng tại Fatima năm 1982, Đức Gioan-Phaolô II đã cho biết việc thánh hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ có nghĩa là đến gần Đức Kitô và chấp nhận sự giúp đỡ của Mẹ Maria “bằng cách nhờ trái tim của tình mẫu tử khi đứng dưới chân thánh giá đã mở tình thương ra cho mọi người, cho toàn thế giới.”
Hình ảnh cổ điển về Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ là một trái tim bao bọc bởi hoa hồng trắng, ngọn lửa trên đầu và bị lưỡi gươm xuyên qua, ám chỉ lời của ông Simêon nói với Đức Mẹ (Lc 2:35). Đó là trái tim rực cháy tình yêu cho Chúa, trái tim của người mẹ, trái tim mà Chúa Kitô đã giao phó cả thế giới khi trên thập giá Ngài nói với Thánh Gioan: “Thưa Bà, đây là con Bà (Ga 19: 27).
Tại sao tôi bắt buộc phải lần chuỗi Mân Côi cho người dân Ukraine và cả cho những kẻ xâm lược Nga, thật khó lòng?
Còn đau nhói hơn khi tình yêu sâu thẳm của Mẹ Maria đi kèm với nỗi buồn khôn cùng khi Mẹ chứng kiến sự đau khổ và cái chết của con mình. Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội dạy chúng ta, tình yêu đích thực không dửng dưng; ngược lại tình yêu đích thực làm chúng ta biết đau buồn thực sự, biết đau khi người khác đau. Và kinh Mân Côi, đặc biệt là Năm Sự Thương – chúng ta cầu nguyện bên cạnh sự hoài nghi, giận dữ và bất lực của Mẹ Maria khi chứng kiến cuộc khổ nạn của con mình. Câu chuyện Fatima nói lên thời đại chúng ta khi chúng ta gánh lấy nỗi kinh hoàng hiện nay ở Ukraine, và những đau khổ chúng ta đã chứng kiến trên thế giới trong thế kỷ qua, đặt chúng vào bàn tay Mẹ khi Mẹ đứng dưới chân thập giá Chúa Kitô, nơi tất cả những đau khổ ở đây được biến đổi qua việc cứu chuộc của Chúa Kitô.
Vì sao Đức Mẹ xin ba em mục đồng ở Fatima chuyển đến thế giới thông điệp về nước Nga? Vì sao tôi phải lần chuỗi Mân Côi cho người dân Ukraine và một cách khó lòng cho cả những kẻ xâm lược Nga? Tôi nghĩ rằng, chính đó là nơi mà sự sợ hãi và bất lực gặp gỡ mầu nhiệm của lời cầu nguyện.
Tôi đi đón John con trai tôi ở nhà trẻ, tôi mỉm cười khi gặp con, cố quên đi các tin tức trong ngày. Tôi hỏi con học như thế nào hôm nay. Con tôi trả lời, con có lớp khiêu vũ. Một cách nào đó, câu trả lời đơn sơ của con làm trái tim tôi tan nát – bây giờ hình ảnh trong đầu tôi là hình ảnh John vừa đi vừa nhảy bên cạnh hình ảnh gia đình Perebeinis nằm dài trên đường ở Kyiv. Con trai tôi sẽ biết thế giới nào nó sẽ sống không đây?
Về nhà là cảnh căn bếp bừa bộn và một đứa bé hay quấy khóc. Tôi hỏi John có thích chơi với thùng đồ chơi tạo cảm giác không – một chiếc rổ nhựa có các hạt đậu khô và John thích lái xe tải. Đó là cách hay nhất để John giải căng thẳng trong ngày, ít nhất cũng làm cho anh bận rộn được nửa giờ. Khi đến bồn rửa bát, tôi quay lại nhìn, thấy John đang mê mẩn chơi. Anh đang nhặt các hạt đậu và để chúng lọt qua các kẽ tay, quan sát kỹ khi chúng rơi từng hạt một. Chúng làm cho tôi nhớ các hạt tràng chuỗi của tôi, khi tôi trút bỏ lo lắng và đặt niềm tin vào lời cầu bàu của Mẹ Maria.
Bà Jane Sloan Peters là nghiên cứu sinh tiến sĩ thần học lịch sử tại Đại học Marquette, Boston, USA.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Đức Phanxicô: Không có Mẹ Maria, Giáo hội là một viện mồ côi