Nga: “Chúng ta có hình dung được giáo hoàng đã ngầm tán thành một chế độ như vậy không?”
la-croix.com, Yves Hamant, 2022-03-03
Theo ông Yves Hamant, giáo sư danh dự đại học, chuyên gia nghiên cứu về nước Nga và Xô-Viết, tầm nhìn của Đức Phanxicô về cuộc xung đột Ukraine trong tuyên bố chung ngài ký với thượng phụ Kirill năm 2016 đã “hoàn toàn lỗi thời” vì nó đặt hai nước ngang hàng, giống như không có “kẻ tấn công và người bị tấn công”.
Cuộc gặp giữa Đức Phanxicô và tổng thống Vladimir Putin tại Vatican. Ảnh Stefano Spaziani / AP
Đức Phanxicô có nghệ thuật gây ngạc nhiên với những cách tiếp cận trái ngược với cách thường dùng. Ngày 25 tháng 2, ngài rời Vatican và đến sứ quán Nga tại Tòa thánh cách đó vài trăm mét, dường như để đề nghị hòa giải giữa Tổng thống Putin và tổng thống Zelensky.
Chúng ta nghĩ ngay đến Đức Gioan XXIII. Khi đó nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Liên Xô, Nikita Khrushchev, đã chủ động gởi điện mừng sinh nhật thứ 80 của ngài, một điều chưa từng có trong lịch sử. Giáo hoàng trả lời lại, vì thế đã tạo một hình thức quan hệ giữa hai người đại diện đúng nhất cho hai tầm nhìn đối lập nhau về thế giới. Khi cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba nổ ra giữa Liên Xô và Hoa Kỳ, Đức Gioan XXIII đã dùng mối quan hệ này để xin tổng thống John Fitzgerald Kennedy và chủ tịch Nikita Khrushchev tìm một thỏa hiệp thông qua đại sứ của hai bên tại Tòa thánh. Ngày 25 tháng 10 năm 1962, thậm chí nhật báo Pravda còn công bố lời kêu gọi của giáo hoàng với các nhà cầm quyền trên thế giới để xin “cứu lấy hòa bình” (1).
Kẻ tấn công và người bị tấn công
Cấu hình hiện tại thì hoàn toàn khác. Đây không phải là cuộc đụng độ giữa hai siêu cường hạt nhân. Chúng ta đứng trước sự hiện diện của một kẻ tấn công và người bị tấn công. Của kẻ xâm lược sử dụng vũ khí hạt nhân để tiêu diệt người bị tấn công. Đúng vậy, điều mà Putin nhắm tới, là hủy bỏ một cái gì như hữu thể học đối với Ukraine. Dưới mắt ông, chính sự tồn tại của Ukraine là một khiêu khích. Tầm nhìn về cuộc xung đột mà giáo hoàng đưa ra trong tuyên bố ngài đồng ký với Thượng phụ Kirill ở Havana năm 2016, đặt hai quốc gia trên cùng một bình diện, là hoàn toàn lỗi thời.
Chúng ta có thể đọc ở đây như sau: “Chúng tôi lấy làm tiếc về cuộc chạm trán ở Ukraine, đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, gây ra vô số tổn thương và bình an cho người dân, đặt xã hội vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo nghiêm trọng. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tham gia xung đột hãy thận trọng, đoàn kết xã hội và hành động vì hòa bình. Chúng tôi kêu gọi các Giáo hội chúng ta ở Ukraine làm việc để đạt được sự hài hòa xã hội, kiềm chế không tham dự vào các cuộc đối đầu và không ủng hộ cho sự phát triển một của xung đột về sau.”
Chúng ta có thể đòi hỏi gì ở Ukraine? Từ bỏ sự tồn tại của mình như một quốc gia có chủ quyền ư? Và với những đảm bảo nào? Chúng ta hiểu rằng Putin sẽ không ngừng nói dối và dưới mắt ông, các hiệp ước ông ký với các bên chỉ ràng buộc những người đồng ký . Ông đã ba lần vi phạm các nghĩa vụ của mình với Ukraine: các nghĩa vụ chung phát sinh từ luật quốc tế về tôn trọng biên giới, hiệp ước hữu nghị giữa Ukraine và Nga (1997), Giác thư Budapest (1994).
Loại bỏ ký ức về chủ nghĩa Stalin
Chúng ta có thể hình dung giáo hoàng sẽ ủng hộ cho một hiệp ước không ngang nhau mà tác động của nó cũng sẽ mở rộng ra cho toàn bộ trật tự thế giới, vượt ra ngoài Ukraine, và khi làm như vậy, ngài thực sự sẽ thừa nhận toàn bộ người dân trên thế giới phải chịu áp bức của một kẻ tàn bạo, một chế độ độc tài và cảnh sát, coi thường các quyền và tự do cá nhân, ngăn cản bầu cử tự do, bỏ tù, giết chết và đầu độc đối thủ của mình, ủng hộ các chính phủ phạm tội ác chiến tranh (như ở Syria) không? Nói tóm lại, chúng ta có thể hình dung giáo hoàng ngầm chấp thuận một chế độ như vậy, vốn ngụy tạo thực tế một cách có hệ thống, viết lại hoàn toàn lịch sử và đã đi xa đến mức loại bỏ ký ức về chủ nghĩa Stalin không?
(1) Trích lời của linh mục Antoine Wenger quá cố, một chuyên gia về các quan hệ Rôma-Mátxcơva.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Chiến tranh Ukraine, Vatican muốn gì?