Nga, Ukraine và phương Tây

82

Nga, Ukraine và phương Tây

“Chúng tôi thực sự không thể nói gì vào lúc này nhưng chúng tôi vẫn phải nói…” Đối mặt với sự hung hăng của quân đội Nga chống lại Ukraine, bà Barbara Hallensleben, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các Giáo hội phương Đông tại Đại học Fribourg, Thụy Sĩ, không đồng ý với loại đoàn kết trong phẫn nộ kiểu dễ dàng và việc giao vũ khí chỉ có thể khuyến khích cho sự leo thang của bạo lực.

cath.ch, Ban biên tập, 2022-03-01

Lễ tại nhà thờ chính thống Kiev, Ukraine trực thuộc Tòa Thượng phụ Mátxcơva | Ảnh: twitter

Trong một bài bình luận cho báo Công giáo Thụy Sĩ, bà Barbara Hallensleben mời gọi suy ngẫm sâu hơn về mối quan hệ giữa Đông và Tây.

Không thể có “một bản tổng luận hoặc phân tích khách quan” về các sự kiện tại thời điểm này. “Theo thông tin chưa được kiểm chứng…”, đó là câu thường thấy trong vô số các bài báo hiện nay. Có thể nói gì khi lô-gích của sự hủy diệt cũng lấn qua lãnh vực lời nói? Có thể làm gì khi tin tức cho thấy xe tăng đã lăn bánh và đã có những tiếng nổ?

Bà Barbara Hallensleben là giáo sư tại phân khoa Khoa học về Đức tin và Tôn giáo tại Đại học Fribourg | © Jacques Berset

Không chỉ ở phương Tây mới nhất trí lên án các hành động chiến tranh – ở Ukraine cũng vậy, tất cả các Giáo hội đều lên tiếng phản đối chiến tranh một cách rõ ràng và công khai, kể cả Giáo hội chính thống Ukraine vĩ đại của Tòa Thượng phụ Mátxcơva với trưởng giáo chủ Onuphre lãnh đạo.

Trưởng giáo chủ Hilarion: “Chiến tranh không phải là cách giải quyết vấn đề”

Một tìm kiếm trực tuyến nhanh chóng cũng đủ để biết quan điểm của trưởng giáo chủ Hilarion, người đứng đầu cơ quan giáo hội về các vấn đề đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Mátxcơva, giáo sư thực thụ Phân khoa Thần học đại học Fribourg: “Chiến tranh không phải là phương tiện giải quyết các vấn đề chính trị đã tích tụ”.

Cuộc phỏng vấn với ngài về chủ đề này không phải là bài tuyên truyền cho người nước ngoài. Nó có thể truy cập công khai trên trang web của Tòa Thượng Phụ. Văn bản của ngài cũng công kích các chính trị gia Nga, những người tuyên bố mình chiến thắng mà không quan tâm đến các nạn nhân. Trưởng giáo chủ Hilarion biết mình muốn nói gì: khi còn là tu sĩ trẻ ở Lithuania và sống trong Tu viện Chúa Thánh Thần, ngài đã phản đối xe tăng Liên Xô và do đó tránh được cuộc tắm máu. Lithuania đã tặng ngài Huân chương Tự do Quốc gia về chuyện này.

Từ lâu những người theo chủ nghĩa cứng rắn xem ngài quá cởi mở và thân thiện với phương Tây – đối với những người Nga tìm cách trao đổi với phương Tây và ghét bạo lực – và họ là số đông – ngài đại diện cho khả năng tương lai Giáo hội của họ.

Hiện tại, “gấu Nga” dường như không thể bị ngăn cản, ngay cả bởi các trưởng giáo chủ dũng cảm. Nếu chúng ta liên tưởng đến tính ẩn dụ, một con gấu thường trở nên hung dữ sau khi bị thương, vì nó cảm thấy bị đe dọa hoặc để bảo vệ đàn con của mình.

Điều gì kích động Nga

Chúng ta hãy nghe một tiếng nói từ báo chí Nga, một nhận xét hoàn toàn tầm thường: “Đây là con số thống kê khiến cá nhân tôi lo lắng, năm 1990 có 30.000 lính Mỹ ở châu Âu, năm 2014 là 42.000, ngày nay là 75.000. Ngay cả những người không quan tâm đến những con số này cũng ngày càng cảm thấy ảnh hưởng của việc xấu đi trong mối quan hệ giữa Nga và phương Tây. Những công dân bình thường đi các chuyến bay quốc tế cho biết họ gặp ác mộng khi kiểm tra an ninh; ngày càng khó xin thị thực; một số nhà sản xuất hàng hóa từ chối xuất khẩu sản phẩm của họ sang Nga không có lý do, v.v. Trong bối cảnh này, tự nhiên xã hội bị chia rẽ: đối với một số người, việc đi du lịch nước ngoài quan trọng hơn, như trường hợp trước năm 2014, đối với những người khác, điều quan trọng hơn là phải xem xét các vấn đề theo cách toàn cầu hơn.

Những người biết tiếng Nga, ngạc nhiên lo lắng khi thấy trong những nguồn tin Nga rằng Hoa Kỳ đã khăng khăng nói về cuộc chiến này trong khi cả người Nga và người Ukraine đều không mong đợi cuộc chiến sẽ xảy ra. Ở Nga cũng vậy, người ta biết các tổng thống Mỹ yếu kém muốn củng cố địa vị của mình bằng cách bắt đầu một cuộc chiến – bất chấp những kinh nghiệm thảm khốc của những người tiền nhiệm của họ. Và có ai mà không biết, ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu cần những cuộc chiến này để tạo ra lợi nhuận? Đức đã tuyên bố giao vũ khí cho Ukraine.

“Bạn không chận được con gấu hung hãn bằng cách đưa cho nó tờ giấy phản đối”

 

Ngôn ngữ không thể nghe được của Putin

Không gì có thể biện minh cho các hành động chiến tranh ở Ukraine. Lô-gích quân sự luôn là một sự leo thang không hợp lý, đồng nhất ở phương Đông cũng như ở phương Tây. Chính vì lý do này mà vấn đề không phải là đúng và chỉ đơn giản là đóng dấu vào những kẻ phạm tội. Các dân tộc phải có thể tồn tại và sống trong hòa bình và tự do. Bạn không chận được con gấu hung hãn bằng cách đưa cho nó tờ giấy phản đối.

Những hình ảnh không chịu đựng được của ngôn ngữ mà Putin, khi nói với dân của mình, bêu xấu các kẻ thù phương Tây, cho thấy những nỗi sợ hãi và vết thương sâu đậm trong lòng, mà rõ ràng ông có thể thành công lôi cuốn, ngay cả khi chỉ là một thái độ thủ đoạn xảo quyệt.

Ukraine đã từng bị xâm lược một lần, và đó là thời các nhóm của Hitler, những người mà lòng tham của họ bị khơi dậy bởi “vựa lúa châu Âu” và các nguồn tài nguyên khai thác và công nghiệp của Donbass. Ngay cả ngày nay, các lợi ích kinh tế vẫn hướng cái nhìn về các khu vực tranh chấp ở miền đông Ukraine, theo quan điểm phương Đông cũng như phương Tây.

“Huynh đệ tương tàn” ở Ukraine

Khi xem lại các quan điểm khác nhau của các Giáo hội ở Ukraina, chúng ta nhận thấy một sự khác biệt nổi bật: Các Giáo hội Ukraina hướng về phương Tây và quốc gia Ukraine miệt thị kẻ thù truyền kiếp  Nga và kêu gọi tự do của phương Tây. Quan điểm của họ về thế giới là nhị nguyên. Trắng và đen, thiện và ác dễ nhận biết.

“Ném bom nôi “Thánh Rus’” để bảo vệ nó khỏi bất kỳ một kẻ thù nào, đó là điều vô cùng ác độc”

 

Giáo hội chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Mátxcơva lên án “huynh đệ tương tàn” và vì thế họ phải gánh chịu sự mâu thuẫn giữa các mối quan hệ gia đình thân thiết nhất và cuộc đổ máu tàn bạo. Ném bom nôi “Thánh Rus’” để bảo vệ nó khỏi bất kỳ một kẻ thù nào, đó là điều vô cùng ác độc”

“Người sla-vơ” so với “người phương Tây”.

Ngay cả trước Cách mạng Nga, trong thế giới sla-vơ vẫn luôn có những tranh luận cơ bản và thường không thể hòa giải giữa “người sla-vơ” và “người phương Tây”. Họ có chung ấn tượng là phải có một lựa chọn độc quyền giữa phương Tây và phương Đông.

Điều này nhắc lại cách nổi bật về lịch sử của “những hợp nhất” giữa một số bộ phận của Giáo hội Đông phương và Giám mục Rôma kể từ cuối thế kỷ 16: vào thời điểm đó, có một mong muốn thiết lập lại sự hiệp thông cổ xưa của một Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô – nhưng giáo hoàng dưới ảnh hưởng mới mẻ của sự phân chia Giáo hội bởi Cải cách, đã đặt các Giáo hội phương Đông anh em trước một lựa chọn độc quyền: hoặc vâng phục giáo hoàng hoặc duy trì sự hiệp thông với truyền thống phương đông.

Hệ quả không phải là hòa giải, mà là chia rẽ sâu sắc hơn với những mối thù ghét qua về, đi đến những đụng độ tay không và những mâu thuẫn mang tính cảm xúc cho đến tận bây giờ.

Ngày nay, từ góc độ phương Đông, trạng thái của các nền dân chủ phương Tây không nhất thiết phải hấp dẫn: cách đây hơn một năm, trong nền dân chủ tự cho là kiểu mẫu của thế giới (Mỹ), một đám đông đã chiếm đóng và tàn phá trung tâm quyền lực chính trị (The Capitol ở Washington) dưới sự lãnh đạo của tổng thống được thế giới kính trọng (Donald Trump). Đó không phải chỉ là một “sự cố bị khai thác”.

Ukraine, thử thách của sự thật

Ở châu Âu, Ukraine được cho là quốc gia – dù sao chăng nữa đó cũng là một quốc gia – sẽ đóng vai trò như phép thử về việc liệu một cộng đồng châu Âu không dựa trên những loại trừ nhị nguyên có thể hoạt động như thế nào và bằng cách nào. Trong Quốc gia này, lịch sử và những nhạy cảm của các nền văn hóa và hình thức quyền lực Ba Lan-Litva, Habsburg, Nga, Đức, Romania và Hungary kết hợp với nhau.

Liệu họ có biết và muốn duy trì sự đoàn kết trong sự công nhận và làm giàu lẫn nhau không? Liệu họ có chứng tỏ là đầu tàu cho sự giao lưu hòa bình giữa Đông và Tây không? Kinh nghiệm “Nam Tư” được hình thành theo cách tương tự, đã thất bại, và chúng ta không nên quên rằng nó cũng đi kèm với “huynh đệ tương tàn” giữa các nước láng giềng ngày hôm qua vẫn còn hòa bình với nhau. Người Croatia theo công giáo, người Serb theo chính thống, người Bosnia và Albania với đa số dân theo hồi giáo ủng hộ ranh giới dân tộc và quốc gia hơn là cộng đồng đa văn hóa, và cuối cùng “Châu Âu” đã phải công nhận sự phát triển này. Chúng ta đã học được bài học không?

Chúng ta có thực sự lo ngại cho Ukraine không?

Nhân một hội nghị về sự phát triển của Giáo hội ở Ukraine vào năm 2019, một giáo sư từ Kiev đã trình bày tầm nhìn của ông về một Ukraine giữa Đông và Tây. Luận điểm của ông rất rõ ràng: “Người Ukraine chúng tôi muốn sống trung thành với các anh chị em Nga của chúng tôi. Chúng tôi không muốn trường học bỏ tiếng Nga vì lý do dân tộc chủ nghĩa. Chúng tôi không muốn phải bỏ các giá trị văn hóa và giáo hội gắn kết chúng tôi với thế giới Nga.”

“Sự đoàn kết trong phẫn nộ kiểu dễ dàng và việc giao vũ khí chỉ có thể khuyến khích cho sự leo thang của bạo lực”

 

Một mặt, nó cũng như vậy: chúng tôi, người Ukraine, chúng tôi cũng muốn có những trao đổi với phương Tây, chúng tôi tìm kiếm một nền giáo dục tốt cho giới trẻ chúng tôi, chúng tôi muốn cải thiện mức sống của chúng tôi, chúng tôi muốn tận dụng sự lưu thông tự do của thị trường lao động và hàng hóa – nhưng chúng tôi mong đợi phương Tây thực sự giữ lời hứa với chúng tôi.

Giao vũ khí sẽ không đủ

Sự đoàn kết trong phẫn nộ kiểu dễ dàng và giao vũ khí là không đủ. Chúng chỉ có thể khuyến khích leo thang bạo lực. Nếu chúng ta muốn cùng nhau đi ra khỏi sự thất bại của nhân loại, chúng ta không được bỏ mặc Ukraine, và cùng với Ukraine, không gian ít được biết đến và ít được yêu thích của Đông Âu, phải tự xoay sở một mình.

Nỗi đau khổ của người dân sau sự thất bại của “sứ mệnh hòa bình” của phương Tây ở Afghanistan vẫn còn mới mẻ, nhưng nó đã bị loại ra khỏi tin tức thời sự. Một người quen thuộc với tình hình nhận xét: “Nhiệm vụ ở Afghanistan đã thất bại vì không bao giờ vấn đề của nước này được đặt ra”. Có thực sự, ở bên này hay bên kia, của đất nước, của Ukraine, của Nga, ngôi nhà chung của châu Âu và của người dân, họ có muốn sống ở đó trong hòa bình không?

Nếu chúng ta muốn chấm dứt chiến tranh một cách nhanh chóng và chuẩn bị cho một nền hòa bình lâu dài, thì ngay từ bây giờ chúng ta phải bắt đầu một sự thay đổi căn bản về tâm lý, là “hối cải” (metanoia), với người tín hữu kitô là cầu nguyện và tình yêu cho tất cả anh chị em mình.

Bà Barbara Hallensleben, 65 tuổi là giáo sư tín lý và thần học đại kết tại Đại học Fribourg. Bà là nhà tư vấn cho Hội đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất các Kitô hữu, thành viên của Ủy ban Quốc tế Đối thoại chính thống-công giáo và là thành viên của ủy ban nghiên cứu về chức phó tế phụ nữ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Một cuộc chiến của nền văn minh