Nếu mật nghị muốn có một Phanxicô thứ nhì, thì đây là tên và chương trình của người đó

224

Nếu mật nghị muốn có một Phanxicô thứ nhì, thì đây là tên và chương trình của người đó

diakonos.be, Bài báo của nhà vatican học Sandro Magister trên trang L’Espresso, 2022-02-10

Trong danh sách các hồng y Đức Phanxicô sẽ chào đón người kế vị ngài một cách thiện cảm có một cái tên mới vừa được đặt ở vị trí đầu tiên của bảng xếp hạng. Đó là hồng y Jean-Claude Hollerich, Tổng Giám mục Luxembourg, chủ tịch Hội đồng Giám mục Liên minh Âu châu.

Một vài trở ngại duy nhất của ngài là tuổi tương đối trẻ 64 tuổi và ngài lại là tu sĩ Dòng Tên. Nhưng không có gì cho rằng những trở ngại này là trở ngại ngăn cản. Về tuổi tác, hồng y Hollerich chỉ kém hồng y Phi Luật Tân Luis Antonio Gokim Tagle một tuổi, hồng y Tagle cũng là hồng y có khả năng làm giáo hoàng và rất thân với Đức Phanxicô, ngài là Bộ trưởng Bộ Truyền giáo, hồng y Hollerich nhỏ hơn hồng y người Hungary Peter Erdö sáu tuổi, cũng không phải là một cách biệt lớn, hồng y Erdö thuộc giáo phận Esztergom-Budapest cũng là một ứng viên được nhắc đến.

Cho đến bây giờ, việc là tu sĩ Dòng Tên thể hiện những khía cạnh tốt nhất, ít đảng phái nhất và có những điểm hấp dẫn nhất, và nhất là nhờ 27 năm truyền giáo tại Nhật Bản, ở những vùng xa xuôi hẻo lánh với đức tin, nơi mà việc tìm kiếm Thiên Chúa và những hình thức mới của kitô giáo tạo những mệnh lệnh tuyệt đối, những đường hướng uy lực cho tương lai của Giáo hội trong một thế giới ngày càng tục hóa.

Hồng y Hollerich luôn tỏ ra mình là người nhạy cảm với thách thức này của thời đại chúng ta và ngay cả ngày nay, ngài nói về nó với một tinh thần nghiêm túc và sâu sắc, giúp ngài vượt lên mức tầm thường của một số lớn các hồng y do Đức Phanxicô bổ nhiệm. Ngài học ở Frankfurt và Munich, ngài biết và nói nhiều ngôn ngữ kể cả tiếng Nhật, ngài đã dạy một thời gian dài ở Đại học “Sophia” danh tiếng của Tokyo – không liên quan gì đến Đại học đồng âm Focolari, Loppiano được bà Chiara Lubich thành lập năm 2008 như tiểu sử chính thức của hồng y Hollerich trên trang web của Vatican đã nêu ra, cho thấy một sai sót nghiêm trọng -, năm 2011, Đức Bênêđíctô XVI gọi ngài về châu Âu và bổ nhiệm ngài làm tổng giám mục của đất nước ngài, Đại công quốc Luxembourg.

Kể từ đó, một châu Âu trong khủng hoảng đã trở thành lãnh vực chủ yếu cho sứ mệnh của hồng y Hollerich, đặc biệt là kể từ năm 2018, khi ngài được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Giám mục của Liên minh Âu châu, viết tắt là COMECE (Commission des épiscopats de l’Union européenne), một trách nhiệm mang lại cho ngài rất nhiều khả năng hiển thị thể chế và nơi giúp ngài tiếp xúc với các đại diện của Liên minh, trong vai trò nói lên quan điểm của Giáo hội về tất cả các hoạt động của Giáo hội, một lần nữa ngày 8 tháng 2 gần đây, hồng y đưa ra một phán quyết quan trọng chống lại đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa quyền phá thai vào Điều lệ các Quyền Cơ bản của Liên minh Âu châu.

Nhưng ngài đã chiếm một vai trò trọng tâm hơn nữa, không chỉ ở châu Âu mà trên toàn thế giới, kể từ khi Đức Phanxicô quyết định phong ngài làm hồng y năm 2019 và nhất là ngày 8 tháng 7 năm 2021, bổ nhiệm ngài làm Tổng tường trình viên của Thượng hội đồng kéo dài nhiều năm – theo năng lực phán đoán của giáo hoàng đương nhiệm nhưng cũng là năng lực phán đoán của người có tiềm năng kế vị ngài – nên định hình lại Giáo hội, chính xác là dưới dấu hiệu của “tính đồng nghị”.

Đối với hồng y Hollerich, thượng hội đồng này nên “cởi mở” hơn bao giờ hết. Sẽ phải biết cách lắng nghe và “thấm nhập trọn vẹn” với những đề xuất đến từ toàn thể dân Chúa. Ngay cả trên các chủ đề nóng bỏng nhất.

So với Đức Phanxicô, người luôn tỏ ra bí ẩn ngay cả khi ngài mở ra địa bàn cho các giải pháp mới, hồng y Hollerich nổi bật với sự rõ ràng hơn của ngài. Trong những tuần gần đây, ngài đã có nhiều cuộc phỏng vấn rộng rãi, trong đó dường như ngài giải thích, với sự chấp thuận mà người ta đoán từ trên cao, các mệnh lệnh tiến hành mà giáo hoàng không muốn tự chính mình tuyên bố, và điều này như thể ngẫu nhiên trùng hợp với làn sóng những tuyên bố cực đoan của “Con đường Thượng hội đồng”gần như ly tán này đang diễn ra ở Đức.

Vì vậy, chúng ta nên hiểu quan điểm của hồng y Hollerich như thế nào về tất cả các chủ đề đang thảo luận, trong ba cuộc phỏng vấn gần đây của ngài trên các báo “La Croix”, “Herder Korrespondenz” và “Katolische Nachrichten-Agentur”.

Bài đọc thêm: Hồng y Jean-Claude Hollerich: “Để được nghe, Giáo hội phải thay đổi phương pháp của mình”

Linh mục đã kết hôn

“Có một thời tôi là người bảo vệ mạnh mẽ cho bậc sống độc thân của tất cả các linh mục, nhưng bây giờ tôi muốn có các “ông đã lập gia đình”, viri probati làm linh mục. Đó là mong muốn sâu đậm của tôi. Tuy nhiên, đây là con đường khó khăn cho Giáo hội, vì có thể bị cho là một rạn nứt. Sau Thượng hội đồng về Amazon, có lẽ một trong những lý do vì sao giáo hoàng không cho phép ‘các ông lập gia đình’ là vì vấn đề này đã được yêu cầu quá nằn nì và Thượng hội đồng đã quá hạn chế trước vấn đề này. Nhưng tôi nghĩ chúng ta phải đi theo hướng này, nếu không chúng ta sẽ không còn linh mục. Về lâu về dài, tôi cũng có thể hình dung con đường của chính thống giáo, trong đó chỉ có các tu sĩ mới bị ràng buộc vào bậc sống độc thân.

Phụ nữ linh mục

“Đối với tôi, có vẻ như vấn đề chính không phải để biết phụ nữ có nên trở thành linh mục hay không, nhưng đặc biệt là biết liệu phụ nữ có trọng lượng thực sự trong chức tư tế, trọng lượng của tất cả những người đã được rửa tội và thêm sức của dân Chúa và nếu theo cách này, họ có thể thực thi quyền lực liên hệ. Có phải cũng có nghĩa là giảng trong Thánh lễ không? Tôi sẽ nói có.”

Phụ nữ phó tế

“Tôi sẽ không có gì chống. Tuy nhiên, các cải cách phải có nền tảng ổn định. Nếu đột nhiên, giáo hoàng chấp nhận ‘các ông đã lập gia đình’ làm linh mục và các nữ phó tế thì sẽ có một thời kỳ ly giáo lớn. Và không chỉ tình hình ở Đức, nơi có lẽ sẽ chỉ có một phần nhỏ tách ra. Ở Châu Phi hay ở một số nước như nước Pháp, có lẽ sẽ có nhiều giám mục không hợp tác”.

Thượng hội đồng Đức

“Tôi đôi khi có ấn tượng rằng các giám mục Đức không hiểu giáo hoàng. Giáo hoàng không theo chủ nghĩa tự do, ngài tận căn. Đó là sự tận căn của Phúc âm, và từ đó mà có thay đổi. Tôi chia sẻ quan điểm của linh mục thần học gia Tiệp, Thomas Halik. Chúng ta không thể chỉ nói đến việc cải cách các cấu trúc, thiêng liêng tính cũng cần có con đường để phát triển. Nếu tranh cãi chỉ dẫn đến cải cách, mọi thứ có thể đi lùi rất nhanh. Trong trường hợp này, mọi thứ chỉ phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của nhóm này hay nhóm kia. Sau đó không thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn.”

Tình dục và Lạm dụng

“Chúng ta phải thay đổi cách nhìn về tình dục. Cho đến bây giờ, chúng ta đã có một tầm nhìn khá dồn nén. Dĩ nhiên đây không phải là nói với mọi người, họ có thể làm bất cứ gì họ muốn hoặc hủy bỏ đạo đức, nhưng tôi nghĩ, chúng ta nên nói tình dục là một món quà từ Chúa. Chúng ta biết điều này, nhưng chúng ta có nói như vậy không? Tôi không chắc. Một số cho rằng sở dĩ các vụ lạm dụng gia tăng là do cách mạng tình dục. Tôi nghĩ hoàn toàn ngược lại: theo tôi, những sự thật kinh khủng nhất đã xảy ra trước những năm 1970”.

Đồng tính

“Lập trường của Giáo hội về tính chất tội lỗi của các mối quan hệ đồng giới là sai lầm. Tôi nghĩ những nền tảng xã hội học và khoa học của học thuyết này của Giáo hội không còn đúng nữa. Đã đến lúc cần phải sửa đổi cơ bản giáo huấn của Giáo hội và cách Đức Phanxicô nói về đồng tính có thể dẫn đến một sự thay đổi trong học thuyết. Tại tổng giáo phận Luxembourg của chúng tôi, không có ai bị sa thải vì đồng tính hoặc ly dị và tái hôn. Tôi không thể loại bỏ họ, họ sẽ thất nghiệp. Làm thế nào một việc làm như vậy lại hợp với tinh thần kitô giáo? Về phần các linh mục đồng tính, có rất nhiều linh mục đồng tính, và sẽ tốt nếu họ có thể nói với giám mục của họ mà không sợ bị ngài lên án”.

Bài đọc thêm: Hồng y Hollerich: Cần thay đổi học thuyết về đồng tính

Rước lễ

“Ở Tokyo, tôi cho tất cả những ai đi lễ được rước lễ. Tôi chưa bao giờ từ chối ai rước lễ. Tôi cho rằng nếu một người theo tin lành đi rước lễ, đó là vì họ biết ý nghĩa của rước lễ trong đạo công giáo là gì, cũng như những người công giáo khác khi tham dự thánh lễ hiểu điều này. Tuy nhiên, tôi sẽ không đồng tế với một mục sư tin lành. Ở Tokyo, tôi đã học cách nhận biết rất rõ và đánh giá rất cao đạo tin lành. Nhưng trong một lần, tôi có mặt tại một trong các buổi lễ Tiệc ly của họ và kinh hoàng khi thấy phần rượu và bánh mì còn lại bị bỏ vào thùng rác. Điều này làm cho tôi rúng động mạnh, vì là người công giáo tôi tin có một sự hiện diện thực sự.”

Thánh lễ bằng tiếng la-tinh

“Tôi rất thích thánh lễ la-tinh, tôi thấy các bản văn rất đẹp, đặc biệt là phần kinh đầu tiên. Khi cử hành thánh lễ tại nhà nguyện riêng của tôi, đôi khi tôi đọc lời cầu nguyện bằng tiếng la-tinh. Nhưng ở giáo xứ thì không. Tôi biết ở đây sẽ có những người không hiểu tiếng la-tinh, họ sẽ không rút tỉa được gì. Có lần giáo dân xin tôi cử hành thánh lễ bằng tiếng la-tinh theo nghi thức hiện tại ở Antwerp. Tôi sẽ dâng, nhưng tôi sẽ không dâng theo nghi thức cũ. Điều này không có nghĩa là những người khác không thể làm điều này mà không nghi ngờ gì theo nghĩa tích cực. Còn tôi thì không thể. Trong ngôn ngữ và trong trí tưởng tượng của chúng ta, quá khứ vẫn ở đàng sau và tương lai ở phía trước. Trong thời Ai Cập cổ đại thì hoàn toàn ngược lại. Quá khứ được xem như một cái gì đó ở phía trước, vì chúng ta biết và chúng ta nhìn thấy nó, trong khi tương lai ở phía sau, vì chúng ta không biết nó. Theo tôi, Giáo hội công giáo dường như vẫn còn giữ một số nét của Ai Cập. Nhưng nó không còn hợp nữa. Chúa mở ra cho tương lai. Một số người nói thánh lễ hồi trước đẹp hơn. Nhưng họ đang nói về hình thức nào? Chúng ta thường tưởng tượng về một quá khứ ‘cách điệu hóa’ nào đó trong một truyền thống. Và chính vì điều này mà nền văn minh Ai Cập cuối cùng đã sụp đổ. Nền văn minh này mất khả năng biến đổi.”

Phá thai

“Tôi biết có những người đàn ông cũng như phụ nữ, kể cả những người ở cánh tả, những người tự cho mình là người công giáo chính thực, họ đấu tranh chống biến đổi khí hậu, nhưng lại muốn Nghị viện châu Âu bỏ phiếu để phá thai trở thành quyền cơ bản và hạn chế quyền tự do lương tâm của các bác sĩ. Họ có khuynh hướng khép tôn giáo vào địa hạt riêng tư. Nhưng trong trường hợp này, vấn đề không còn là tôn giáo mà là xác tín cá nhân. Tôn giáo đòi hỏi một khoảng không gian công cộng, nơi nó có thể nói lên tiếng nói của mình. Ví dụ: Tôi hoàn toàn chống việc phá thai. Và, là tín hữu kitô, tôi không thể có một quan điểm nào khác. Nhưng tôi cũng hiểu, có một quan tâm với nhân phẩm phụ nữ, và những gì trong quá khứ chúng ta ủng hộ để phản đối luật phá thai bây giờ không còn có thể nghe được ngày hôm nay. Vào thời điểm này, chúng ta có phương cách nào khác để bảo vệ sự sống không? Khi một diễn ngôn không còn được tuân theo, không nhất thiết chúng ta phải bám vào bằng mọi giá, nhưng phải tìm các con đường khác.”

Trên một vấn đề khác, làm phép theo nghi thức phụng vụ cho các cặp đồng tính, Thượng Hội đồng Đức đã công kích dữ dội và giáo hoàng gần như ngầm nhượng bộ, hồng y Hollerich dứt khoát: “Đối với việc làm phép cho các cặp đồng tính, không, tôi không đồng ý, bởi vì chúng ta xem hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ”.

Cũng có một khoảng cách không thể phủ nhận giữa tầm nhìn của hồng y Hollerich về Giáo hội và siêu-dân-chủ mà giám mục giáo phận Limburg và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức Goerg Bâtzing đã tái khẳng định trong một phỏng vấn gần đây: “Chúng tôi muốn quyền lực trong Giáo hội được chia sẻ, được kiểm soát, không còn ở trong tay của chỉ một người, mà được chia sẻ bởi nhiều người. Chúng tôi muốn phụ nữ được nhận vào các chức vụ, vào văn phòng của Giáo hội. Quyền bình đẳng đó được áp dụng trong Giáo hội, phẩm giá bình đẳng của phụ nữ và nam giới. Chúng tôi muốn Giáo hội không chỉ đón nhận sự khác biệt giới tính mà còn cả sự đa dạng của các giới tính”.

Tuy nhiên, vẫn còn một ẩn số. Cần bao nhiêu thời gian để các ý tưởng cải cách của hồng y Hollerich, được nhiều người đồng ý nhưng cũng có một số người không đồng ý, tồn tại khi các đề xuất bùng nổ của Thượng hội đồng Đức giao nhau ở Rôma với Thượng hội đồng của toàn thể Giáo hội về tính đồng nghị?

Ngày 3 tháng 2, trong một cuộc họp báo, giám mục Bätzing tiết lộ, vào cuối cuộc họp diễn ra tại Luxembourg giữa ngài, hồng y Hollerich và hồng y Malta Mario Grech, tổng thư ký của Thượng hội đồng giám mục, ngài đã được Đức Phanxicô tiếp, Đức Phanxicô đã khuyến khích ngài thành lập một nhóm làm việc về cách giải hòa Thượng hội đồng Đức với Hội đồng Giáo hội hoàn vũ.

Hồng y Hollerich, với tư cách là ứng viên cải cách cho chức giáo hoàng, dường như hứa hẹn một con đường thẳng hơn, nhất quán hơn so với các rối ren và mâu thuẫn của triều giáo hoàng hiện nay.

Tuy nhiên, đó chỉ là một bản sao tầm thường của Bergoglio khi hồng y cũng bắt đầu lặp lại lời kinh cầu quen thuộc của giáo hoàng đương kim: “Ngay cả người mục tử, không phải lúc nào họ cũng biết đường và biết phải đi đâu. Đôi khi chính con chiên là người tìm ra đường đi và mục tử là người đi theo đàn chiên một cách khó khăn, từng bước một ”.

Chưa kể đến sự nguy hiểm liều lĩnh của nguyên tắc bất-mâu thuẫn của triết gia Aristotle, mà hồng y Hollerich cũng không ngại đảo ngược, giống như Đức Phanxicô, bằng cách thêm chút hương vị Nhật Bản:

“Tôi là giám mục đến từ Nhật và tôi nghĩ những kinh nghiệm ở Nhật cho tôi một chân trời khác để suy nghĩ và phán đoán. Người Nhật không nghĩ theo lô-gích của các mặt đối lập như người châu Âu. Nếu chúng ta nói một cái gì đó là màu đen, điều đó có nghĩa là nó không phải là màu trắng. Còn người Nhật thì nói: ‘Người đó da trắng, nhưng cũng có thể người đó cũng là người da đen’. Ở Nhật Bản, bạn có thể kết hợp các mặt đối lập mà không thay đổi quan điểm của mình”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Giáo hội Nhật Bản: Lời của hồng y Hollerich, cựu nhà truyền giáo ở Nhật

Đức Giám mục Hollerich: Xin ơn khiêm nhường để phục vụ Giáo hội và không xin gì khác hơn