Maria Ressa, Giải Nobel Hòa bình: “Chúng ta đã bước vào kỷ nguyên của chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số”

85

Maria Ressa, Giải Nobel Hòa bình: “Chúng ta đã bước vào kỷ nguyên của chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số”

lemonde.fr,  Harold Thibault, 2021-10-16

Maria Ressa, người đồng nhận giải Nobel Hòa bình năm 2021, tại Taguig, Phi Luật Tânlt ngày 9 tháng 10 năm 2021. ELOISA LOPEZ / REUTERS

Nhà báo Phi Luật Tân Maria Ressa, cựu phóng viên CNN khu vực Đông Nam Á, lên tuyến đầu trên trang tin độc lập Rappler để điều tra các vụ lệch lạc bạo lực của tổng thống Rodrigo Duterte, người phát động cuộc chiến chống ma túy làm cho hàng ngàn người bị chết. Bà liên tục là mục tiêu của quyền lực, đặc biệt là trên mạng xã hội, ở một đất nước thường xuyên xảy ra các vụ sát hại nhà báo.

Ngày thứ sáu 8 tháng 10, Giải Nobel Hòa bình đã được trao cho bà và ông Dmitry Muratov, tổng biên tập tờ báo độc lập Nga Novaya Gazeta. Trong cuộc phỏng vấn với báo Le Monde, bà xem lại những mối đe dọa đang đè nặng lên các nhà hoạt động chính trị Phi Luật Tân và mối nguy hiểm mà mạng xã hội tác động trên các nền dân chủ.

Làm thế nào bà biết bà được giải Nobel Hòa bình?

Bà Maria Ressa: Tôi đang có cuộc họp trực tuyến với hai trang tin tức khác, một trang của Malaysia, một trang khác của Indonesia, chúng tôi đang thảo luận về cách các phương tiện truyền thông độc lập có thể tồn tại ở đất nước chúng tôi. Sau đó, tôi thấy điện thoại reo bên cạnh máy tính. Cuộc gọi đến từ Na Uy, tôi tắt micrô máy tính và trả lời điện thoại; ông Olva Njolstad, người đứng đầu ủy ban nói tôi được giải Nobel Hòa bình cùng với một người khác, người mà ông không thể cho tôi biết tên lúc này vì ông chưa được thông báo.

Thật đúng là điên rồ, tôi bị choáng ngợp. Và sau đó ông ấy nói thêm, “bà không nên nói trước khi có thông báo chính thức.” Cần phải chờ với một bí mật như vậy, thật là cực hình! Tôi cố nén cảm xúc, mở lại micrô và tiếp tục cuộc thảo luận hội nghị cho đến khi có thông báo. Thật là đầy sinh lực và điên cuồng. Một cú sốc thực sự, đối với tôi, đối với trang tin độc lập Rappler.

Bà nghĩ vì sao ủy ban Nobel lại chọn bà và ông Dmitry Muratov?

Đó là giải thưởng dành cho các nhà báo ở các quốc gia họ bị tấn công. Lần cuối cùng một nhà báo nhận được giải này và đã xảy ra điều khốn khổ cho ông. Tôi không biết ủy ban có nghĩ đến chuyện này không. Đó là năm 1936, ông Carl von Ossietzky được giải, ông là người tố cáo việc tái vũ trang của Đức, và đã bị đưa đến một trại tập trung (ông chết trong tù vì bệnh lao năm 1938). Đó là 85 năm trước.

Theo tôi, khía cạnh tích cực nhất của giải này là nó hướng đến tất cả các nhà báo đang sống dưới áp lực, dù ở Phi Luật Tân hay ở các nước khác. Hôm qua, tôi bắt đầu ngày mới của tôi với cuộc trao đổi với các nhà báo Venezuela, trong bảng xếp hạng tự do báo chí họ còn đứng thấp hơn chúng tôi và họ xúc động khi nghe tin tôi được giải. Việc tôi được giải cũng có ý nghĩa với các nhà báo tôi nói chuyện ở Ấn Độ. Nhưng bỗng từ vài ngày nay tôi nói chuyện liên tục trên các phương tiện truyền thông: ông có cảm tưởng như nghe chiếc đĩa rè không? (Cười)

Đâu là nguy hiểm khi làm nghề báo ở Phi Luật Tân hiện nay?

Ở đất nước tôi, tôi là một trong những người may mắn. Phần lớn sự nghiệp của tôi, tôi làm ở nước ngoài, tôi đã dành một thập kỷ để làm ở Indonesia cho CNN và phần còn lại ở Đông Nam Á. Điều này có nghĩa là tôi không ở trong bóng tối, tôi có sự giúp đỡ, có ánh sáng để làm sáng tỏ sự thật, nó bảo vệ tôi khi tôi sợ hãi, khi tôi yếu đuối nhất. Có ít nhất mười chín nhà báo đã bị bắn ở Phi Luật Tân kể từ khi chính quyền Duterte lên nắm chính quyền năm 2016, và tôi nghĩ là có 63 luật sư.

Và có bao nhiêu công dân bình thường trong cuộc chiến chống ma túy? Cuộc chiến cực kỳ đẫm máu, như tổng thống Rodrigo Duterte đã hứa trong chiến dịch tranh cử. Vào một buổi sáng bình minh ngày chúa nhật tháng 3 năm nay, cảnh sát đã xuống tàu và bắn chết chín chiến binh ở vùng Calabarzon, nhưng có rất ít thông tin về họ. Tôi may mắn, tôi biết điều này, chính vì vậy mà tôi phải nói nhiều nhất có thể. Đó là dịp để Ủy ban Nobel cho tôi giải này, tôi muốn làm việc hết sức mình khi nó có ích.

Bà nói ngoài những đe dọa thể xác này còn có một rủi ro lớn là thông tin sai lệch…

Đó là ngày nay nền dân chủ đang bị đe dọa  và hơn thế nữa, chính ý tưởng về sự thật bị đặt vấn đề, các sự thực. Ở khắp mọi nơi, công nghệ đã làm rối loạn hệ sinh thái thông tin. Tôi lặp lại nó bởi vì tôi đã sống qua. Công nghệ đã làm đảo lộn mọi thứ trên dưới trong ngoài. Công nghệ đưa ra các sự việc đáng nghi ngờ, đặt lại vấn đề thực tế mà chúng tôi chia sẻ. Chúng ta đã bước vào kỷ nguyên của chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số. Một số đã lên nắm quyền nhờ điều này, một số khác củng cố vòng vây của họ bằng những công cụ này, mạng xã hội, “tin giả” ở đất nước chúng tôi, hay ở đất nước Venezuela với tổng thống Nicolas Maduro, ở Thổ Nhĩ Kỳ với tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Trong bối cảnh này, ngày càng rất khó để các nhà báo giữ được uy tín, để đặt quyền lực đứng trước trách nhiệm của họ. Đó là điều mà Ủy ban Nobel cũng lưu ý, theo những gì tôi hiểu, đó là quyền tự do ngôn luận, điều cốt yếu cho tự do chính trị.

Sự tập trung của Facebook và các mạng xã hội khác hướng tới việc thu hút sự chú ý và từ đó là thu lợi nhuận, làm tổn hại đến sự thật, đi xa đến mức đe dọa các hệ thống chính trị không?

Nhà báo là những người canh giữ các sự việc. Cũng như 85 năm trước đây, cũng cùng một thế giới đang trên bờ vực thẳm, hệ thống dân chủ bị đe dọa. Những kẻ phát xít nửa đầu thế kỷ 20 hầu hết đều do người dân đưa lên cầm quyền, khai thác công nghệ và tuyên truyền thời bấy giờ.

Ở đất nước tôi, chúng tôi đã không phải chịu sự tụt hậu mà quyền lực hiện tại tạo thành, nếu họ không có động lực nguy hiểm này. Đó là sự phát tán những lời nói dối bởi sức mạnh của thuật toán, một thao túng ngấm ngầm sự chú ý, thao túng cảm xúc chúng ta để tạo những thực tế xen kẽ làm chúng ta tự xé nát nhau. Công cụ này được khai thác bằng quyền lực. Tôi sợ rằng điều này sẽ còn trầm trọng hơn trên thế giới và đối với nhà báo chúng tôi, việc hoàn thành sứ mệnh của mình sẽ còn khó khăn hơn trong tương lai.

Bà Frances Haugen, nhà khoa học Mỹ, người lên tiếng báo động, vừa tố cáo sự lệch lạc này trước Quốc hội Mỹ. Có một sự xét lại lương tâm, nhưng theo bà điều này có ngăn chặn được vấn đề không?

Nhiều người lên tiếng báo động đã tố cáo tình trạng này. Đầu tiên là ông Roger McNamee, một trong những nhà đầu tư đầu tiên vào Facebook, ông lo lắng cho tác động của Facebook trên xã hội, sau đó là ông Christopher Wylie, người đã tố cáo vụ tai tiếng Cambridge Analytica. Sau đó là bà Sophie Zhang, một cựu nhân viên của Facebook và cuối cùng là bà Frances Haugen bây giờ. Chúng ta thấy rõ, khả năng của con người hiểu sự cần thiết phải thay đổi đi chậm hơn so với sự tiến hóa công nghệ. Nhưng cuối cùng bà Haugen cũng đã đưa cuộc tranh luận lên bàn tranh luận, không phải về những nỗ lực điều tiết mà là về bản chất của vấn đề, các thuật toán.

Có vẻ như cuối cùng, ở Hoa Kỳ, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang bắt đầu nhận ra sự cần thiết phải bảo vệ những người trẻ, đầu óc họ bị thao túng và cảm thấy khổ trong tận thân xác với những gì họ thấy. Chính bản thân bà Haugen sau khi nhìn thấy công ty Facebook của bà từ bên trong, bà cho biết Facebook đặt lợi nhuận của họ lên hàng đầu, trước người dùng. Hy vọng điều này sẽ hữu ích, nhưng nó chậm. Còn chúng tôi ở Phi Luật Tân, chúng tôi sẽ có cuộc bầu cử tổng thống mới vào tháng 5 năm 2022. Và một lần nữa, sự liêm chính của các cuộc bầu cử sẽ bị đe dọa vì sự liêm chính của các sự việc cũng bị đe dọa.

Bà có thấy thông tin bị thao túng trước cuộc bầu cử tổng thống ở Phi Luật Tân không?

Ngay từ năm 2019, chúng tôi đã bắt đầu điều tra các mạng lưới thông tin sai lệch được xây dựng để đánh bóng hình ảnh của cựu tổng thống Ferdinand Marcos (người cai trị bằng bàn tay sắt từ năm 1965 đến năm 1986). Ba mươi lăm năm sau khi phong trào bình dân thành công, tháng 2 năm 1986 họ đã hạ bệ vợ chồng ông Marcos và buộc phải lưu vong ở Hawai, bây giờ con trai Bongbong của họ đang tranh cử tổng thống. Đó là trận chiến cho những sự thật sẽ được chiến đấu. Điều này sẽ mang tính quyết định đối với đất nước, và ngẫu nhiên cho tôi, vì có rất nhiều vụ kiện chống lại tôi do chính quyền hiện tại đưa ra vì lý do chính trị. Tất cả những cuộc tấn công này đều có tác dụng, chúng ảnh hưởng đến uy tín của tôi và công việc mà tôi đã làm trong một thời gian dài. Tôi có thể nói một phần, 60%, là phá hủy hình ảnh của tôi trong mắt công chúng, và 40% là cố gắng phá bỏ quyết tâm của tôi.

Đâu là phản ứng của chính quyền Duterte trước tin bà được giải Nobel?

Họ nhấn mạnh tôi là người Phi Luật Tân đầu tiên nhận giải Nobel. Rồi họ trở lại với câu chuyện thường ngày của họ, họ nhắc lại  tất cả các vụ án pháp lý đã khởi phát chống lại tôi.

Bà sẽ nhận giải thưởng ở Oslo vào tháng 12?

Tôi cũng mong được như vậy. Kể từ tháng 8 năm 2020, tôi đã gửi bốn yêu cầu xin rời đất nước, nhưng không thành công. Tuần rồi tôi vừa làm đơn xin đi Harvard để kết thúc một quyển sách. Vì vậy, bây giờ tôi sẽ làm đơn đi Oslo. Chúng tôi bó tay.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch