Yêu cầu “các giám mục từ chức tập thể” có vẻ phi lý
fr.aleteia.org, Agnès Pinard Legry, 2021-10-12
Sau khi Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo hội Pháp công bố bản báo cáo ngày thứ ba 5 tháng 10, ba nhân vật đã đưa ra kiến nghị kêu gọi “các giám mục Pháp từ chức tập thể.” Một yêu cầu được nhiều người công giáo xem là không cần thiết, thậm chí phi lý.
“Chúng tôi yêu cầu các giám mục tại vị từ chức như một dấu hiệu của hy vọng và đổi mới.” Ngày thứ hai 11 tháng 10, một tuần sau khi công bố bản báo cáo xấu hổ về việc lạm dụng tình dục trong Giáo hội, bà Anne Soupa, thần học gia, ông François Devaux, người đồng sáng lập hiệp hội các nạn nhân, bà Christine Pedotti, trưởng ban biên tập báo Chứng từ Kitô (Témoignage chrétien) đã kêu gọi các giám mục Pháp từ chức. Họ nói: “Nếu tất cả không có tội, tất cả đều phải chịu trách nhiệm. Đây là cử chỉ duy nhất tương xứng với thảm họa và sự mất niềm tin của chúng tôi.”
Một bản kiến nghị đã thu được 3000 chữ ký tạo một tiếng vang nào đó trên các phương tiện truyền thông… nhưng cuối cùng khá ít nơi người công giáo. Thêm nữa sáng kiến này có rất ít cơ hội thành công.
Chỉ có một mình giáo hoàng mới có thể quyết định
Được người kế vị Thánh Phêrô bổ nhiệm, trên thực tế, các giám mục chỉ chịu trách nhiệm trước giáo hoàng. Chỉ có giáo hoàng mới có thể chấp nhận đơn từ chức của một giám mục. Trong đa số trường hợp, việc này được làm qua văn thư khi đến ngày sinh nhật 75 tuổi của họ. Đây là tuổi nghỉ hưu theo giáo luật, ở tuổi này các giám mục được yêu cầu từ chức. Khi đó giáo hoàng là người toàn quyền quyết định. Chỉ có giáo hoàng tối thượng mới có thể “yêu cầu” từ chức tập thể như trường hợp các giám mục Chi-Lê trong vụ lạm dụng tình dục tháng 5 năm 2018.
Còn hồng y Reinhard Marx, Tổng giám mục giáo phận Munich và Freising (Đức) đã đệ đơn từ chức lên giáo hoàng cuối tháng 5 năm 2021 để nhận trách nhiệm về cuộc khủng hoảng lạm dụng ở Đức. Hồng y Marx là người thân cận của Đức Phanxicô. Vài ngày sau, Đức Phanxicô từ chối đơn từ chức. Thừa nhận “toàn thể Giáo hội đang gặp khủng hoảng” vì thế ngài nhấn mạnh đến sự cần thiết của “mỗi giám mục” phải cáng đáng trong thời điểm quan trọng này bằng cách tự hỏi bản thân mình có thể làm gì khi đối diện với “thảm họa”. Ngài cũng nhắc Thánh Phêrô cũng đã từng xin Chúa Kitô cho “từ chức”, nhưng lại được Chúa giao trọng trách hướng dẫn Dân Chúa.
Không có đề nghị từ chức tập thể trong các khuyến nghị của Ủy ban Ciase
Báo cáo của Ciase là cú sốc của Giáo hội Pháp, cho cả các linh mục, tu sĩ và giáo dân. Đối diện với quy mô của hiện tượng này, Ủy ban đã đưa ra một loạt các khuyến nghị gởi đến các giám mục. gửi tới giám mục. Tuy nhiên, các khuyến nghị mạnh mẽ nhất cũng không có yêu cầu “từ chức tập thể” nào.
Một số tín hữu cũng đã quyết định làm lay chuyển sự việc bằng cách tung lên Twitter các khẩu hiệu #MyChurchToo (Giáo hội của tôi cũng vậy) để thể hiện mong muốn lay động giáo dân sau khi bản báo cáo tiết lộ về mức độ lạm dụng tình dục trong Giáo hội. Trong số các yêu cầu, một số rõ ràng nói, các giám mục “đã che đậy các hành vi ấu dâm hoặc thiếu cảnh giác hãy giao lại trách nhiệm của họ” cho giáo hoàng. Nhưng sự khác biệt là rất lớn giữa việc từ chức của một số giám mục với toàn thể các giám mục.
Những người khởi xướng kiến nghị cũng đề nghị giáo hoàng bổ nhiệm nữ tu Véronique Margron, chủ tịch Hội đồng nam nữ Tu sĩ Pháp (Corref), làm “đặc sứ.” Và nữ tu Margron trả lời trên Twitter:
“Nếu chúng ta không xúc động trong nhân tính của chúng ta, chúng ta không hiểu gì hết, chúng ta không làm gì tốt, chúng ta vẫn còn ở trong ý thức hệ hoặc trong chủ nghĩa pháp lý. Và đây là thảm kịch vì không phải mọi người đều như vậy.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Lạm dụng tình dục: Các giám mục Pháp được kêu gọi “từ chức tập thể”