Jean-Marc Sauvé: “Nghĩa vụ bảo vệ mạng sống con người lớn hơn việc giữ bí mật tòa giải tội”

75

Jean-Marc Sauvé: “Nghĩa vụ bảo vệ mạng sống con người lớn hơn việc giữ bí mật tòa giải tội

famillechretienne.fr, Antoine Pasquier và Antoine-Marie Izoard, 2021-10-11

Con số nạn nhân, bí mật tòa giải tội, bồi thường… Một tuần sau khi công bố kết luận của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp (Ủy ban Ciase) ông Jean-Marc Sauvé chủ tịch Ủy ban trả lời báo Gia đình Công giáo, Famille Chrétienne, những điểm nhạy cảm trong báo cáo của mình.

Ông đánh giá như thế nào về việc tiếp nhận báo cáo của mình, đặc biệt trong hệ thống cấp bậc Giáo hội?

Ông Jean-Marc Sauvé: Chúng tôi chắc chắn báo cáo này sẽ gây chấn động vừa cho người công giáo vừa cho dư luận quần chúng. Nhưng tôi phải thú nhận, tôi rất ngạc nhiên trước tác động to lớn của báo cáo này. Khi chúng tôi trình bày những điểm kết luận của báo cáo với giám mục Éric de Moulins-Beaufort (chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp) và sơ Véronique Margron (chủ tịch Hội đồng nam nữ Tu sĩ Pháp) trong một trao đổi vài ngày trước khi bản báo cáo công bố, họ đã bị sốc qua những gì họ tìm thấy. Về cơ bản, báo cáo nói lên những gì mọi người đều cảm nhận, kể cả những thành viên trong ủy ban đã nghe câu chuyện của các nạn nhân, bao gồm cả các thành viên của ủy ban, đó là cảm giác ngạc nhiên và xấu hổ.

Ông có mong chờ phản hồi nhanh chóng từ Giáo hội không?

Ủy ban đã mất 32 tháng để đưa ra báo cáo này. Tất nhiên, Giáo hội không nên chờ 32 tháng nữa để đưa ra câu trả lời, nhưng chúng ta cần hiểu thể chế không chỉ ở nơi hai người đại diện, giám mục Éric de Moulins-Beaufort và sơ Véronique Margron. Chủ tịch của Hội đồng Giám mục Pháp là “người đứng đầu đàn chiên“ và chủ tịch Hội đồng nam nữ Tu sĩ Pháp đứng đầu một hiệp hội có 450 nhà dòng! Họ không ở trong cương vị để đưa ra câu trả lời ngay lập tức. Họ cũng phải hội ý giáo dân. Phải có thời gian cân nhắc trước khi ra quyết định, không thể đưa ra quyết định ngay tại chỗ.

Một cuộc điều tra với quần chúng do Viện Y tế và Nghiên cứu Y khoa Quốc gia INSERM thực hiện, do Ủy ban Ciase yêu cầu, ước tính con số tổng cộng có 330.000 trẻ vị thành niên bị lạm dụng do một người có liên hệ đến Giáo hội. Con số này có thực tế không?

Vào cuối tháng 3 vừa qua, khi chúng tôi phát hiện ra kết quả đầu tiên của cuộc điều tra trong dân số nói chung, chúng tôi là những người đầu tiên ngạc nhiên vì khoảng cách sâu thẳm giữa 2.700 nạn nhân do chúng tôi thống kê nhờ lời kêu gọi làm chứng hoặc 4.800 kết quả khi khui trong kho lưu trữ tài liệu và con số 330.000 nạn nhân do Viện INSERM thu được. Ngay lập tức chúng tôi hiểu được ước tính này sẽ trở thành một loại tham chiếu tuyệt đối, ngăn chận hoặc che giấu các yếu tố định tính của bản báo cáo của chúng tôi, trước mắt chúng tôi, ít nhất là quan trọng về các con số dữ liệu.

Con số 330.000 nạn nhân (ít hơn, nhiều hơn khoảng 60.000) này phải được đưa vào bối cảnh. Nó quy tụ tất cả nạn nhân của Giáo hội, nghĩa là của các giáo sĩ, các tu sĩ nhưng cũng là giáo dân làm việc trong các trường nội trú, các trường công giáo, các phong trào thanh niên và tất cả những nơi truyền bá đức tin. Trong buổi trao báo cáo, tôi đã nói về những hành vi lạm dụng được thực hiện ở các cơ sở khác, chỉ đề cập một cách khiêm tốn trong phạm vi từ 100.000 đến 200.000 nạn nhân trên mỗi cơ sở. Nhưng nếu quý vị gom lại con số nạn nhân ở các trường công lập (141.000 người), trường nội trú công lập (ít nhất 40.000 người), trại hè và trung tâm nghỉ hè (103.000 người), các sinh hoạt thể thao (103.000 người), thì gần như sẽ chồng chéo lên các lãnh vực của Giáo hội, quý vị sẽ có từ 350.000 đến 400.000 nạn nhân. Tôi không nói điều này để giảm thiểu số lượng nạn nhân trong Giáo hội, nhưng cuộc khảo sát của chúng tôi cho thấy dữ liệu chưa từng có về bạo lực tình dục xảy ra ở Pháp.

Con số 5,5 triệu nạn nhân của bạo lực tình dục trên trẻ vị thành niên ở Pháp đã phần nào bị che khuất bởi con số của Giáo hội. Ông giải thích điều này như thế nào?

Con số 5,5 triệu nạn nhân (14,5% phụ nữ và 6,4% nam giới, hoặc 10,7% dân số Pháp trên 18 tuổi) đã được biết đến gần như trước cuộc khảo sát của chúng tôi: nó mang ý nghĩa xác nhận. Tôi cẩn thận xem con số này, đảm bảo nó sẽ ở trong bản báo cáo của chúng tôi, và đó là con số đầu tiên tôi công bố ngày 5 tháng 10. Tại sao? Bởi vì tôi tin vấn đề bạo lực tình dục đối với trẻ vị thành niên ở Pháp đang ở trước nặt chúng ta. Ủy ban của chúng tôi mang lại những hiểu biết mới về con số, về sự phân bố nạn nhân theo từng môi trường. Tuần lễ trước khi giao bản báo cáo, tôi đã gặp một số quan chức cấp cao của nhà nước và nói với họ: “Báo cáo này sẽ là một cú sốc đối với Giáo hội công giáo, nhưng nó là quả bom bi sẽ tác động trên tất cả các thể chế một thời gian sau.” Đây là lý do vì sao, như chúng tôi đã đề cập đến trong phần kết luận, báo cáo của chúng tôi kết thúc bằng việc bàn giao và làm chứng cho Ủy ban Ciivise (Ủy ban độc lập về loạn luân và bạo lực tình dục đối với trẻ em). Ngày thứ ba 5 tháng 10, tôi đã công khai lặp lại trước sự hiện diện của một trong những đồng chủ tịch của Ủy ban, ông Edouard Durand.

Một phần ba trong số 330.000 nạn nhân bị tấn công là do giáo dân. Làm thế nào để giải thích tỷ lệ bất ngờ này?

Đây là một điểm rất tiếc đã không thể khám phá hết do thiếu thời gian. Những hành vi lạm dụng này do giáo dân thực hiện theo một lô-gích, có lẽ phổ biến đối với tất cả các hành vi lạm dụng trẻ vị thành niên (bên ngoài gia đình), chứ không phải chỉ là lô-gích cụ thể của các hành vi lạm dụng do các giáo sĩ thực hiện. Bất kỳ người lớn nào ở chức vụ có quyền hay trong lãnh vực giáo dục trẻ em đều có thể lạm dụng trẻ em. Các giáo dân trong Giáo hội không ở luật trừ.

Theo Ủy ban Ciase, trách nhiệm của Giáo hội là trọn vẹn và toàn bộ, ngay cả trong quá khứ?

Tháng 3 vừa qua, các giám mục khẳng định họ  chịu trách nhiệm cho hiện tại và tương lai. Ủy ban cho rằng trách nhiệm của Giáo hội cũng bao gồm quá khứ. Giáo hội có trách nhiệm tập thể và toàn cầu trong việc lạm dụng tình dục trẻ em trong 70 năm. Trách nhiệm này không thể trút vào trách nhiệm cá nhân của các thủ phạm, giảm trách nhiệm cá nhân của các thủ phạm bạo lực tình dục và xa hơn nữa là lỗi cá nhân, dân sự hoặc hình sự, có thể do các giám mục hoặc các bề trên phạm. Đây là nơi mà trách nhiệm của Giáo hội mang tính hệ thống. Chúng tôi không nói Giáo hội hoạt động như một công ty tội phạm với mạng lưới đồng lõa, nhưng nhìn chung, các bằng chứng cho thấy, một cách tập thể là thiếu cảnh giác và sơ suất trầm trọng do việc thể chế luôn muốn tránh tai tiếng. Khi nhà xã hội học xác định có một chiều kích “hệ thống” thì người công giáo là tôi, tôi phân định đó là một “cấu trúc tội lỗi”. Như tôi viết trong lời mở đầu bản báo cáo, “khái niệm này có thể được áp dụng, vượt xa học thuyết xã hội của Giáo hội, cho những tình huống mà ủy ban thường gặp phải, nơi phẩm giá con người bị chà đạp bởi một tập hợp tương tác đồi trụy và xấu xa”.

Các giáo dân có một phần trách nhiệm không?

Chung chung các giáo dân không có trách nhiệm. Tuy nhiên chúng tôi ghi nhận có những cộng đoàn giáo dục trong môi trường học đường đã không biết cách phản ứng phù hợp, phụ huynh nghe con mình thố lộ lẽ ra có thể làm tốt hơn, các giáo dân biết và không nói gì. Nói chung, tất cả chúng ta đã thiếu cảnh giác.

Giáo hội nên làm thế nào để nhận ra những sai lầm và thiếu sót của mình? Các nạn nhân chờ đợi điều gì?

Việc nhìn nhận trách nhiệm của Giáo hội phải ở các cấp độ khác nhau. Ví dụ, ở cấp quốc gia, Hội đồng Giám mục Pháp CEF và Hội đồng nam nữ Tu sĩ Pháp CORREF có thể cùng quyết định thông qua cách trình bày duy nhất và long trọng, rằng có thể có sự công nhận trách nhiệm của Giáo hội. Sự công nhận này cũng có thể được thực hiện tại địa phương, như giám mục Jacolin đã làm ở giáo phận Vendée. Nó có thể diễn ra dưới hình thức nghi lễ công cộng, cử hành phụng vụ hoặc ở tượng đài tưởng niệm các nạn nhân. Báo cáo không quyết định giữa các sáng kiến này và để ngỏ nhiều hướng đi. Mặt khác, Ủy ban nhấn mạnh đến sự cần thiết, trong mọi hoàn cảnh và mọi cấp, tiến hành tham vấn và đối thoại với các nạn nhân càng nhiều càng tốt. Như thế không có chủ nghĩa đơn phương! Và cũng không vội vàng. Điều này đáng dành ra ba tháng, sáu tháng, hoặc cả năm để suy nghĩ những gì cần phải làm. Điều quan trọng, đó là chất lượng của tiến trình.

Giáo hội có phải là người tiên phong trong cuộc chiến chống lạm dụng tình dục, dù phản ứng của họ đến quá trễ không?

Trên bình diện này, đó là điều không chối cãi. Sáng kiến thành lập một ủy ban độc lập và cho phép ủy ban hoạt động không giới hạn tài chính, không bị cản trở và không bị can thiệp, là một tấm gương. Sáng kiến này phải được chào đón và phải là một trường phái.

Ông ủng hộ việc cung cấp các khoản bồi thường cá nhân cho những nạn nhân nào muốn được bồi thường, nhưng không kêu gọi giáo dân đóng góp. Vì sao?

Sự thất bại là của tổ chức, và hệ quả từ đó là đảm đương các tài sản của chính mình về món nợ mà họ đã ký với nạn nhân. Đó là món nợ phải trả, không phải là quà quyên góp. Chính vì lý do này mà khoản bồi thường phải làm mà không kêu gọi sự đóng góp của giáo dân. Tôi xin nhắc lại, tháng 11 năm 2019, khi Hội đồng Giám mục Pháp công bố nguyên tắc của một cử chỉ tiền bạc sẽ được tài trợ bởi lời kêu gọi giáo dân, một tiếng vang đã được nghe thấy. Tuy nhiên, chúng tôi không loại trừ các giáo dân mong muốn có thể đóng góp. Nhưng ý tưởng cho rằng vào năm 2022, sẽ có hai phong bì vào cuối thánh lễ, một phong bì cho việc thờ phụng và một phong bì khác chi cho các vụ lạm dụng, theo tôi thì không khả thi.

Các giáo phận sẽ không thể thanh toán…

Tôi hiểu tình trạng của các giáo phận ở Paris, mỗi giáo phận mỗi khác, 80% giáo phận gặp khó khăn về tài chánh. Một tình liên đới nào đó giữa các giáo phận và giữa các dòng có lẽ là điều cần thiết.

Làm thế nào để dung hòa giữa bí mật tòa giải tội với việc bảo vệ trẻ em?

Đây là điểm cực kỳ khó khăn. Các khuyến nghị của chúng tôi không đặt tạo vấn đề về tín điều hay giáo lý nền tảng của Giáo hội công giáo ngoài điểm này: bí mật tòa giải tội. Có một căng thẳng, thậm chí là mâu thuẫn giữa luật dân sự và luật Giáo hội. Chúng tôi ý thức điều này. Chúng ta phải thành công trong việc nêu rõ hai thứ trật: thành phố của Chúa và thành phố của loài người. Ủy ban đã làm việc và phản ánh rất nhiều về chủ đề này. Điểm mà chúng tôi đến không phải là điểm khởi đầu cho các cuộc thảo luận của chúng tôi. Trong quá trình suy tư của chúng tôi, chúng tôi đã rất xúc động khi biết, có một số trẻ em – không nhiều lắm – khi xưng tội đã tiết lộ mình đã bị lạm dụng tình dục. Còn những kẻ lạm dụng, họ đã làm được công việc trí tuệ, minh oan cho họ khỏi bất kỳ sự thú nhận nào cho những việc họ đã làm. Thậm chí, với một số người trong số họ, việc tấn công tình dục trẻ em không phải là một lỗi… Với những gì chúng tôi đã học được và bản chất mang tính biểu tượng cao của chủ đề này, một im lặng về phần chúng tôi là chuyện không thể tưởng tượng được.

Bí mật tòa giải tội, theo luật Giáo hội là bí mật tuyệt đối. Theo luật của nước Pháp, đó là bí mật nghề nghiệp và có trong lập pháp, và từ 30 năm nay luật này đã thay đổi một cách sâu đậm, cân bằng giữa bí mật nghề nghiệp và nghĩa vụ tố cáo hành vi đối xử ngược đãi, đặc biệt trong các vụ tấn công tình dục trên trẻ vị thành niên. Bí mật nghề nghiệp được luật pháp bảo vệ, và không hỗ trợ cho người đang gặp nguy hiểm, cũng như không tiết lộ về hành vi lạm dụng trẻ em, sẽ bị trừng phạt nặng hơn là vi phạm bí mật nghề nghiệp. Phán quyết cuối cùng của Tòa Phá án liên quan đến bí mật tòa giải tội có từ cuối thế kỷ 19!

Đối với Giáo hội, bí mật tòa giải tội không chỉ là một vấn đề pháp lý, mà trước hết, đó là vấn đề thần học!

Về điểm này, tôi không cho rằng tôi có khả năng như giám mục Eric de Moulins-Beaufort. Nhưng ủy ban đã xem xét, vì khó khăn đối với trẻ vị thành niên khi nói về bạo lực tình dục mà các em phải chịu, đường hướng hướng dẫn “Tiêu chuẩn cho người giải tội” – được Hội đồng giám mục ban hành tháng 12 năm 2020, để linh mục được lặp lại bên ngoài tòa giải tội những gì đã được nghe trong bí tích giải tội là không thỏa đáng cũng không đầy đủ. Nếu chúng ta có thể làm được, và đó là điều tốt thì khi đó chúng ta đã thành công trong việc dung hòa cả luật dân sự và luật của Giáo hội.

Nhưng nếu không thể lặp lại bên ngoài tòa giải tội thì chúng ta phải làm gì?

Theo quan điểm của chúng tôi, nghĩa vụ bảo vệ đời sống của con người cao hơn nghĩa vụ giữ bí mật tòa giải tội, đặc biệt nhằm mục đích bảo vệ danh tiếng của người xưng tội, điều này không được đề cập trong ví dụ của tôi. Giáo hội phải tìm con đường giúp chúng ta vượt qua sự mâu thuẫn mà chúng ta đang có.

Có lẽ việc dỡ bỏ bí mật tòa giải tội không phải là công cụ chính để đấu tranh chống lại sự lạm dụng trong Giáo hội không?

Khuyến nghị này không kém hoặc không quan trọng hơn 44 khuyến nghị khác! Nó là một phần của tổng thể. Tuy nhiên, tôi mong cây của bí mật tòa giải tội không che rừng của tổng thể các khuyến nghị.

Đức Phanxicô đã phản ứng khi bản báo cáo được công bố, ngài cảm thấy nhục nhã. Một cuộc gặp với ngài có được lên kế hoạch không?

Có thể Ủy ban sẽ gặp ngài trong những tháng sắp tới. Việc này đang được nghiên cứu.

Báo cáo của ông kêu gọi một chỗ đứng lớn hơn cho nam nữ giáo dân trong các cơ quan ra quyết định của Giáo hội. Vì sao?

Sự giao thoa giữa các quan điểm và kỹ năng, cũng như sự cân nhắc tập thể và tính khác biệt để có những phân tích có kinh nghiệm trong Ủy ban Ciase. Tôi muốn nói thêm, phụ nữ có cái nhìn khác, có sự tế nhị bổ sung cho nam giới về nhiều chủ đề. Vì thế trong báo cáo của chúng tôi, một cách kín đáo nhưng rõ ràng, chúng tôi vinh danh công việc của nhóm phụ nữ trong Giáo hội công giáo vào những năm 1990. Vào thời điểm đó, họ là những người đầu tiên và duy nhất chú ý đến những tổn thương do bạo lực tình dục gây ra và sự cần thiết phải đối phó với vấn đề này. Tôi đặc biệt nghĩ đến bà Mijo Beccaria, chủ tịch Văn phòng Tuổi thơ Công giáo Quốc tế, hoặc bà Marie-Jo Thiel, thần học gia. Họ là những người tiên phong.

Liệu Giáo Hội có thể thành công trong việc vượt qua cuộc khủng hoảng này không?

Với tư cách là chủ tịch của Ủy ban Ciase, tôi nghĩ họ thành công và tôi tin như vậy, vì theo chúng tôi, các đề xuất của chúng tôi ở tầm cao của vấn đề đã được đặt ra, dù chúng tôi khó có được tất cả sự thật về chủ đề đau đớn này. Những phản ánh của chúng tôi là cơ sở để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Nó sẽ không xảy ra với chỉ một màn hóa phép của chiếc đũa thần, có nhiều việc còn phải làm!

Là người tín hữu kitô, tôi hy vọng như vậy. Những gì chúng ta đã chứng kiến là công việc của cái chết len lỏi vào Công việc Cứu rỗi. Mọi thứ đã hoàn toàn đồi trụy, vì mọi thứ đã được làm, nếu không nhân danh Chúa, thì ít nhất là không có Ngài. Những gì tốt đẹp đã trở thành xấu xa. Con đường dẫn đến sự thật, sự sống và tự do nội tâm đã thành ngõ cụt dẫn đến giam cầm và chết chóc. Những gì chúng tôi đã chứng kiến giống như chúng tôi đi qua lũng âm u. Tội ác đã phạm, nhưng tôi sống theo Thánh vịnh 22: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm”. Chúng tôi đã đi từ sự sống qua cái chết, nhưng chúng tôi có thể và chúng tôi phải từ cõi chết về với sự sống. Chúng tôi sẽ không đi đoạn đường này một mình, dựa trên chính sức lực của mình. Nhưng nó liên quan đến cam kết kiên định từ phía chúng tôi. Giáo hội sống một ngày Thứ Sáu Tuần Thánh rất dài, nhưng tôi tin vào mầu nhiệm Vượt qua. Đó là niềm hy vọng của tôi.

Phải nói gì với hơn 95% linh mục chưa bao giờ phạm một tấn công nào?

Tôi có một suy nghĩ cho đại đa số các linh mục, những linh mục ngày nay mang di sản này như một gánh nặng, như một thập giá cho những tội ác, những ghê tởm đã bị một thiểu số phạm, một thiểu số rất nhỏ trong các đồng nghiệp của họ. Đó là thêm một nỗi đau nữa mà họ không nói ra, nhưng tôi xin chia sẻ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Bộ trưởng Nội vụ Pháp và giám mục Éric de Moulins-Beaufort đồng ý về bí mật tòa giải tội

Jean-Marc Sauvé: “Chúng tôi đã chạm trán với bí ẩn của cái ác”

Jean-Marc Sauvé: “Không nghi ngờ gì về quyết tâm chống lạm dụng của Đức Phanxicô”