Jean-Marc Sauvé: “Không nghi ngờ gì về quyết tâm chống lạm dụng của Đức Phanxicô”
fr.aleteia.org, Hugues Lefèvre, 2021-10-06
Ông Jean-Marc Sauvé, Phó Chủ tịch danh dự của Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch của Apprentis d’Auteuil, ông được được bổ nhiệm làm chủ tịch Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp, Ciase. Ông lên tiếng: “Không nghi ngờ gì về quyết tâm chống lạm dụng của Đức Phanxicô. Ngài đã làm những chuyện rất quan trọng để chống lạm dụng trong Giáo hội.”
Sau ba năm điều tra, Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp (Ciase) ngày thứ ba 5 tháng 10 đã đưa ra bản báo cáo trong đó ước tính có khoảng 216.000 người đã bị các tu sĩ lạm dụng từ năm 1950 đến nay tại Pháp. Ông đánh giá mối quan hệ giữa Giáo hội Pháp và Tòa thánh trong cuộc chiến chống lạm dụng tình dục.
Ông cho rằng, trong khi Đức Phanxicô rõ ràng tích cực tham gia vào cuộc chiến chống lạm dụng, thì Rôma thiếu kiên quyết trên những vấn đề này, đến đầu những năm 2000 Rôma mới đóng một vai trò trong cuộc khủng hoảng với tầm mức quy mô ở Giáo hội Pháp.
Ông có dự định đến Rôma để trình bày báo cáo cho Giáo hoàng Phanxicô không?
Ông Jean-Marc Sauvé: Đó là một khả năng đã được đặt ra. Chúng tôi sẵn sàng gặp ngài. Chúng tôi sẽ xem Tòa Thánh có thể làm những gì. Có thể sẽ có một chuyến đi Rôma, nhưng khi nào thì chưa xác định ở giai đoạn này được.
Trong buổi trình bày báo cáo, một nạn nhân cảm thấy Giáo hoàng Phanxicô “vắng mặt” trong các vấn đề lạm dụng. Theo ông, ngài đã có biện pháp nào cho cuộc khủng hoảng này trong Giáo hội không?
Cảm nhận của tôi là ngài đã nói và làm một số điều quan trọng trong cuộc chiến chống lạm dụng tình dục trong Giáo hội. Tôi đặc biệt nghĩ đến Thư gởi Dân Chúa tháng 8 năm 2018 và cuộc gặp tháng 2 năm 2019 với tất cả các chủ tịch hội đồng giám mục trên thế giới. Ngoài ra có những ví dụ khác như việc cải cách giáo luật có hiệu lực vào ngày 8 tháng 12, và đó là công việc được thực hiện trong quá trình làm việc lâu dài.
Ủy ban do tôi điều hành không nghi ngờ gì về quyết tâm của Tòa Thánh tấn công vào vấn đề này và Đức Phanxicô cam kết giải quyết. Đó là sự tiếp tục của triều giáo hoàng Đức Bênêđictô XVI, người đã thực hiện nhiều biện pháp theo hướng này. Chúng ta phải hiểu sự thật, các nạn nhân có một thái độ cực đoan và thiếu kiên nhẫn có thể dẫn họ đến những cáo buộc mà với tôi, tôi không chia sẻ.
Ông đã chỉ trích sự mù quáng của các cấp lãnh đạo Giáo hội Pháp cho đến đầu những năm 2000 liên quan đến lạm dụng tình dục. Liệu sự thụ động này có thể là do sự thiếu kiên quyết của phía Rôma không?
Tôi nghĩ có. Cho đến đầu những năm 2000, Tòa thánh đã không cực kỳ chú ý đến những vấn đề này. Các biện pháp đầu tiên xuất hiện vào năm 2001 dưới triều Đức Gioan-Phaolô II. Do đó, một sự thay đổi đã diễn ra với thế kỷ mới. Ở Pháp, đây là lúc chúng ta thấy nhạy cảm hơn về những vấn đề này.
Trong Giáo hội, mọi việc diễn ra khó khăn hơn nhiều, dẫn đến sự chậm trễ trong việc nâng cấp các thủ tục để chống lạm dụng trẻ em.
Nhưng chúng tôi cũng nhận thấy, các thể chế dân sự cũng phát triển trong thời gian này. Ở Pháp, chỉ đến năm 1998, Bộ Giáo dục Quốc gia mới quyết định bước sang chế độ không khoan nhượng. Do đó cả hai đều bập bềnh trong cùng một thời gian. Vấn đề là “chuyển dịch” ở Giáo dục Quốc gia diễn ra nhanh chóng và dứt khoát. Trong Giáo hội, mọi việc diễn ra khó khăn hơn nhiều, dẫn đến sự chậm trễ trong việc nâng cấp các thủ tục để chống lạm dụng trẻ em.
Trong những khuyến nghị mà ông đưa ra cho Giáo hội Pháp, ông có đề nghị cải tổ giáo luật. Nhưng giáo luật là áp dụng cho Giáo hội hoàn vũ. Ông sẽ xin giáo hoàng xem xét đến khuyến nghị này không?
Chúng tôi ý thức việc cải tổ giáo luật là quyết định thuộc về giáo hoàng và áp dụng phổ quát. Đối với loại khuyến nghị này, chúng tôi hiểu Hội đồng Giám mục Pháp không thể làm gì được. Đây là trách nhiệm của giáo hoàng và Tòa thánh. Như tôi đã nói, việc cải cách giáo luật có hiệu lực ngày 8 tháng 12 là bước đi đúng hướng. Trong ủy ban do tôi làm chủ tịch, có một số luật gia. Bản thân tôi từng là phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước Pháp. Chúng tôi hiểu, các thủ tục trước tòa án giáo luật trong các vấn đề hình sự không phải là thủ tục chính trực. Theo nghĩa, như chúng ta hiểu về Công ước Châu Âu về Nhân quyền chẳng hạn, thì không. Sẽ rất hữu ích nếu thủ tục này được cải cách. Việc thành lập một tòa án hình sự liên giáo phận sẽ giúp giải quyết rất nhiều vấn đề. Đây cũng là một bước đi đúng hướng.
Về vấn đề giáo luật, tôi muốn nêu ra một điểm rất quan trọng, đó là quyền các nạn nhân được tiếp cận vào tiến trình xử án. Tại ủy ban, tất cả chúng tôi đều vô cùng sửng sốt trước ghi nhận này, và đặc biệt khi chúng tôi nhìn hoàn cảnh của các phụ nữ, các nữ tu, những người đã khiếu nại trong Giáo hội. Khi quá trình diễn ra, họ không được lắng nghe. Cuối cùng, họ vô cùng ngạc nhiên khi biết thủ tục tố tụng đã kết thúc, một bản án đã được tuyên, thậm chí họ còn không được thông báo. Trên những vấn đề này, tôi sẵn sàng làm bất cứ những gì cần thiết để chúng ta phải hành động.
Theo sáng kiến của Đức Phanxicô, chúa nhật này tất cả các giáo phận trên thế giới sẽ bắt đầu tiến hành một thượng hội đồng rộng lớn về chủ đề đồng nghị. Theo ông, là người công giáo và là chủ tịch Ủy ban Ciase, đây có phải là lúc để thượng hội đồng bàn về vấn đề khủng hoảng lạm dụng trong Giáo hội và tìm cách khắc phục nó không?
Ủy ban chúng tôi tin rằng việc quản trị Giáo hội công giáo sẽ tốt nếu được sửa đổi, bắt đầu từ trên cao xuống. Trong số các định hướng hữu ích và ưu tiên theo chúng tôi, đó là việc tìm kiếm sự kết nối tốt hơn giữa chiều dọc và chiều ngang, nghĩa là giữa hệ thống phân cấp và tính đồng nghị. Chúng tôi tin rằng việc cân nhắc kỹ hơn sẽ bảo vệ Giáo hội hơn nữa, giúp Giáo hội phản ứng hiệu quả và thích hợp hơn trước các vấn nạn lạm dụng.
Chúng tôi tin rằng sự phát triển tính đồng nghị và sự phối hợp của giáo dân, nam cũng như nữ trong việc ra quyết định trong Giáo hội là câu trả lời.
Khi một quyết định được thực hiện một mình, nguy cơ sai lầm sẽ lớn hơn là khi quyết định mang tính tập thể. Điều này áp dụng cho tất cả các khía cạnh của việc cai trị. Trong ủy ban, nếu tôi tự đưa ra quyết định thì sẽ rất nhanh chóng và thiết thực. Nhưng nếu chúng tôi cùng thảo luận, thì các quyết định đưa ra sẽ sáng suốt hơn. Vì thế chúng tôi nghĩ sự phát triển tính đồng nghị và sự liên kết với giáo dân, nam cũng như nữ và quyền ra quyết định trong Giáo hội là một trong những câu trả lời khác cho cách xử lý bạo lực tình dục thích ứng hơn.
Chúng tôi xin đưa ra một ví dụ, khi kiểm tra các tài liệu lưu trữ của Giáo hội công giáo trong những năm 1990, chúng tôi khám phá ra có một công việc nảy mầm đã diễn ra. Chúng tôi nhận ra chính các phụ nữ đã suy nghĩ về những chủ đề này, những người đã đặt ra những câu hỏi đúng và đã thúc đẩy các giám mục hành động. Để có được những người sáng suốt, những người cảm nhận được những chuyện mà các ông không cảm nhận, phối hợp họ trong tiến trình đưa ra quyết định, thì sẽ đưa ra những quyết định tốt hơn.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Những điểm cần ghi nhớ từ báo cáo của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp
Lạm dụng tình dục trong Giáo hội: Các nước đã bồi thường như thế nào?