“Ở nhiều quốc gia, chúng tôi không muốn bôi bẩn Giáo hội”
la-croix.com, William Gazeau, 2021-10-01
Phỏng vấn linh mục Stéphane Joulain, nhà tâm lý trị liệu, chuyên gia về vấn đề lạm dụng tình dục trong Giáo hội. Theo linh mục, chủ đề này vẫn còn bị cấm kỵ ở một số quốc gia. Các nạn nhân ít được lắng nghe vì thể chế ở đây rất mạnh, mặc dù gần đây đã có một số tiến bộ. Linh mục giải thích vài ngày trước ngày công bố bản báo cáo của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp ngày thứ ba 5 tháng 10-2021.
Báo La Croix: Ở những quốc gia nào, việc tố cáo lạm dụng tình dục do Giáo hội gây ra bị cho là khó khăn?
Linh mục Stéphane Joulain: Từ nhiều năm nay, chúng tôi quan sát và đã thấy có tự do ngôn luận ở hầu hết mọi nơi, nhưng nó vẫn còn phức tạp ở một số quốc gia. Ở Ý, không có cuộc huy động chung nào để tố cáo các vụ lạm dụng tình dục. Một số linh mục đây đó cố gắng lên tiếng nhưng không phải lúc nào họ cũng được lắng nghe. Các trường hợp lạm dụng tình dục sẽ được che đậy. Không có quyết tâm nào để đưa họ ra trước công lý.
Ở châu Phi cũng vậy, các đường dây khó nhúc nhích. Ở nhiều quốc gia, như ở Cộng hòa Dân chủ Congo, hành vi lạm dụng tình dục trên trẻ vị thành niên được xem là những trường hợp cá biệt chứ không phải là một vấn đề mang tính hệ thống.
Làm thế nào để giải thích sự thiếu tự do ngôn luận này?
Chúng ta đang nói về những quốc gia mà Giáo hội công giáo vẫn rất hùng mạnh. Nó chiếm một vị trí cơ bản trong đời sống người tín hữu. Vẫn còn khó khăn để tấn công đến một thể chế đóng vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng. Giáo hội đã làm rất nhiều việc, từ rửa tội, dạy giáo lý cho trẻ em, làm việc bác ái cho những người thiệt thòi nhất, chôn cất những người cuối đời. Chúng tôi không muốn bôi bẩn tổ chức đã là công cụ ơn ích cho mọi người!
Xâm hại tình dục cũng là nguyên nhân làm cho nạn nhân và gia đình của họ vô cùng nhục nhã. Tiết lộ mình bị lạm dụng là xem như mình đã chết dưới mắt xã hội. Vì thế các nạn nhân được khuyến khích không nói, hoặc thậm chí bị đổ lỗi trong một số trường hợp.
Gần đây ở các nước này có tiến bộ không?
Tiến độ chậm nhưng có một số tiến bộ. Các tổ chức tôn giáo ngày càng giảm bớt các cuộc điều tra, đặc biệt là khi các vụ được truyền thông quá nhiều. Tại Ghana, Hội đồng Giám mục đã thiết lập các hướng dẫn về lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Tại Abidjan, Côte d’Ivoire, một trung tâm phòng chống lạm dụng tình dục và bảo vệ những người dễ bị tổn thương đã được thành lập vào năm 2019. Giáo hội ở các nước này đã bắt đầu có nhận thức.
Một phong trào cơ bản đang được tiến hành nhưng vẫn còn phụ thuộc vào các phương tiện được triển khai để giải quyết vấn đề. Các nước châu Phi không thể làm được nhiều như Hoa Kỳ hay Úc. Họ không giàu và họ có những ưu tiên khác, liên quan đến sự bấp bênh và tình trạng mất an ninh nơi nhiều người dân sống trên lục địa này.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: 1950-1980, những năm đen tối của tình trạng lạm dụng tình dục trong
Những điểm cần ghi nhớ từ báo cáo của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp
Năm con số quan trọng của báo cáo Ciase về lạm dụng tình dục trong Giáo hội công giáo
Đối diện với các vụ lạm dụng tình dục, làm thế nào để Giáo hội đào tạo các linh mục tương lai
Đức Phanxicô bày tỏ “nỗi đau vô biên” của ngài trước các vụ lạm dụng ở Pháp
30.000 nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp