Ở Canada, Giáo hội công giáo không thể “xóa một mạch 200 năm lịch sử”
Sau vụ tìm thấy 215 hài cốt trẻ em ở một trường nội trú dành cho người bản địa do một dòng công giáo điều hành, rất nhiều tiếng nói đòi hỏi Đức Phanxicô có lời xin lỗi. Giám mục Richard Gagnon, chủ tịch Hội đồng Giám mục Canada nêu lên chuyến thăm Vatican sắp tới của những người đứng đầu các cộng đồng bản địa và các giám mục Canada.
la-croix.com, Alexis Gacon, tùy viên đặc biệt ở Montréal, Canada, 2021-06-12
Buổi canh thức ngày 31 tháng 5 năm 2021 tại Victoria, tỉnh bang British Columbia, Canada, để vinh danh các em bé đã qua đời vừa được tìm thấy ở khuôn viên trường nội trú Kamloops. MELINDA TROCHU / AFP
Báo La Croix: Có đúng là có phái đoàn gồm các nhà lãnh đạo các cộng đồng bản địa và các giám mục Canada sẽ đến Vatican vào mùa thu này để gặp Đức Phanxicô không?
Giám mục Richard Gagnon: Đúng ra việc cử một phái đoàn đã được lên kế hoạch vào năm ngoái, nhưng vì đại dịch nên đã bị trì hoãn. Các người có trách nhiệm trong cộng đồng bản địa, những người sống sót của các trường nội trú bản địa, những người lớn tuổi trong các Quốc gia thứ nhất và cả những người trẻ sẽ gặp giáo hoàng. Tôi cũng chưa biết chuyến đi sẽ vào tháng 9 hay tháng 10 và sẽ kéo dài mấy ngày.
Trong ba hoặc bốn năm qua, chúng tôi đã có các cuộc thảo luận song phương với các Quốc gia Thứ nhất, với người Inuit và Métis. Giáo hoàng đã biết và các giám mục Canada đã tham gia một nhóm làm việc để chuẩn bị cho chuyến đi này. Chuyến đi sẽ đơn giản và cách giáo hoàng tiếp khách dựa trên thảo luận và đối thoại, nên ngài sẽ không thể gặp quá nhiều người.
Đâu là mục đích của chuyến thăm này?
Trước hết, việc thành lập một nhóm làm việc giữa các giám mục để chuẩn bị cho chuyến đi này là rất quan trọng. Vì Canada là một quốc gia rất rộng, các phương pháp tiếp cận cũng như các giáo phận rất đa dạng. Có người nói tiếp Pháp, nói tiếp Anh… vì thế nhóm nhỏ các giám mục làm việc này có thể đối thoại với người bản địa.
Có hai mục đích cho chuyến đi: làm thế nào để tiến tới hòa giải và làm thế nào để có sự tham gia của giáo hoàng? Cũng cần phải hiểu, khi chúng ta nói về các dân tộc bản địa, chúng ta không nói về một khối thống nhất. Ở đây chúng ta có nhiều ý kiến khác nhau. Các thành viên bản địa của phái đoàn lo ngại về mối quan hệ giữa Giáo hội với họ. Giáo hoàng có thể sẽ lắng nghe họ, đặt câu hỏi cho họ, và trả lời họ. Khi họ về, chúng tôi sẽ lắng nghe kinh nghiệm của họ và tiếp tục đồng hành cùng họ.
Cha phản ứng như thế nào sau vụ phát hiện hài cốt ở Kamloops?
Tôi thấy thật đáng buồn và sốc. Quá khó hiểu. Chúng tôi bày tỏ sự tiếc thương và chờ kết quả báo cáo của chuyên gia được dự định vào tháng 6. Những khám phá này đánh thức lương tâm của dân chúng.
Vấn đề giáo hoàng xin lỗi nhân danh Giáo hội thường được đặt ra, theo cha điều này có khả thi không?
Năm 2009, Đức Bênêđíctô XVI đã nói chuyện với đại diện của các Quốc gia thứ nhất. Sau đó ngài bày tỏ “nỗi đau” và “hối tiếc” của mình. Ở Canada, Giáo hội Công giáo đã xin lỗi ngay từ năm 1991. Nhưng chúng tôi hiểu tầm quan trọng của giáo hoàng trong tiến trình này: giáo hoàng Phanxicô là một biểu tượng.
Ngài chưa bao giờ nói ngài sẽ không xin lỗi và ngài sẵn sàng khi có dịp thuận tiện. Ngài đã xin lỗi ở Bolivia (năm 2015 khi ngài đến Bôlivia, ngài xin lỗi về “những tội lỗi” và “vết thương đã gây ra” cho người dân bản địa ở Nam Mỹ), ngài còn xin được tha thứ. Nhưng, giữa cơn khủng hoảng, có rất nhiều cảm xúc và có một sự thiếu kiên nhẫn.
Cha phản ứng như thế nào trước lời Thủ tướng Justin Trudeau xin Đức Giáo hoàng xin lỗi?
Để mời một giáo hoàng đến một quốc gia, phải có sự tham gia của các giám mục, những người mà ngài lắng nghe. Nhưng chúng tôi không can dự vào yêu cầu của thủ tướng Justin Trudeau. Chắc chắn ông có ý định tốt, nhưng không phải tất cả các giám mục và người bản địa đều xem các lời xin lỗi theo một cách giống nhau, và không phải tất cả đều nghĩ, điều cần thiết là ngài phải đến Canada trong bối cảnh này.
Giáo hội Công giáo có nên suy nghĩ lại về mối quan hệ của mình với các dân tộc bản địa không?
Việc cải thiện mối quan hệ này đang được tiến hành. Nhưng chúng ta không thể xóa một mạch 200 năm lịch sử của Canada. Giáo hội rất tin tưởng vào văn hóa bản địa. Đức Gioan-Phaolô II đã nói rất nhiều về vấn đề này khi ngài đến Canada năm 1984.
Tuần trước, Đức Phanxicô cũng đã nói về tầm quan trọng của việc tránh xa “não trạng thuộc địa”. Đây là vấn đề toàn cầu. Điều này có nghĩa là tôn trọng lẫn nhau, cùng làm việc chung với nhau và không nhường bước trước chia rẽ. Chủ nghĩa thực dân là mặt trái của đức tin chúng ta. Nhưng hồi đó, mọi người thấy mọi chuyện một cách khác…
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Tổng giám mục giáo phận Montréal, Canada xin lỗi các cộng đồng bản địa
Hồng y Canada Czerny: chúng ta nên cho thông điệp của Đức Phanxicô ‘một cơ hội thứ nhì’
Từ đây đến cuối năm, phái đoàn bản địa người Canada sẽ gặp Đức Phanxicô