Lạm dụng tình dục và trách nhiệm của Giáo hội: điều mà việc từ chức của hồng y Marx cho thấy

148

Lạm dụng tình dục và trách nhiệm của Giáo hội: điều mà việc từ chức của hồng y Marx cho thấy

Trong thư được công bố ngày thứ sáu 4 tháng 6, hồng y Reinhard Marx trình bày việc từ chức của mình với Đức Phanxicô, nhưng đến chiều chúa nhật 6 tháng 6, Đức Phanxicô vẫn chưa chấp nhận. Hồng y Marx, Tổng Giám mục giáo phận Munich, tố cáo “thảm họa lạm dụng tình dục” và thừa nhận “trách nhiệm hệ thống” của Giáo hội đòi hỏi phải có những cải cách sâu rộng, không phải chỉ ở Đức.

la-croix.com, Christophe Henning, 2021-06-06

Hồng y Reinhard Marx trong cuộc họp báo ngày thứ sáu 4 tháng 6, sau khi công bố thư từ chức ngài đã gởi cho Đức Phanxicô ngày 21 tháng 5. Leonhard Simon / Getty Images qua AFP

Động đất hay một giai đoạn mới của Giáo hội Đức rơi vào tình trạng xáo động trong những năm qua? Sự từ chức của hồng y Reinhard Marx, người có tiếng nói vượt xa biên giới thành phố Bavaria quê hương của ngài làm cho người công giáo Đức chấn động, nhưng không phải chỉ ở Đức. Trong một hành vi, mà cũng là lời thú nhận thất bại được xem như một phát súng cảnh cáo, hồng y đã dốc toàn lực trong cuộc chiến xung quanh những cải cách mà ngài cho là cần thiết cho giáo hội Đức, và còn đi xa hơn nữa, nhưng đã không được đồng lòng chia sẻ sự cấp thiết.

Ngài viết trong thư từ chức: “Chúng ta đang ở trong ‘ngõ cụt’, nhưng nó cũng có thể trở thành bước ngoặt, một niềm hy vọng Phục sinh của tôi. Với tôi, đó là vấn đề cùng chịu trách nhiệm về thảm họa lạm dụng tình dục do các đại diện của Giáo hội gây ra trong mấy chục năm vừa qua.”

Một thất bại cá nhân

Nếu chúng ta phải đặt quyết định phi thường này trong bối cảnh nước Đức, thì hành vi của người bạn thân của Đức Phanxicô sẽ làm rung chuyển Giáo hội hoàn vũ. Đức Tổng Giám mục Éric de Moulins-Beaufort, Tổng Giám mục giáo phận Reims, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp (CEF) nhấn mạnh: “Việc từ chức của hồng y Marx là một bất ngờ lớn đối với tôi. Thư từ chức của ngài trình bày lý do của quyết định này, nhưng tôi ấn tượng trước sự cô đơn của ngài.”

Người vững mạnh của Giáo hội Đức, nhà cải cách tài ba, người thúc đẩy một thượng hội đồng quốc gia rộng lớn, hồng y đầu hàng, đảm nhận thất bại cá nhân, ngài viết: “Cuộc khủng hoảng cũng do thất bại cá nhân của chúng ta, do lỗi của chính chúng ta,” đồng thời ngài nhấn mạnh đến trách nhiệm lớn hơn và “sự thất bại” của toàn thể Giáo hội: “Những sai sót của cá nhân và thất bại của thể chế đòi hỏi phải thay đổi và cải tổ Giáo hội. Theo tôi, bước ngoặt để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này chỉ có thể là con đường đồng nghị.”

Giáo hội Đức bị giằng xé giữa các trào lưu khác nhau

Trong thời gian này, trách nhiệm của giáo hội, đặc biệt được đặt ra ở giáo phận Cologne, nơi hồng y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám mục giáo phận bị chất vấn nặng trong việc quản lý lạm dụng tình dục trong giáo phận của ngài. Chính xác là ngày thứ hai 7 tháng 6, chuyến thăm tông đồ bắt đầu, Đức Phanxicô gởi hồng y Anders Arborelius, giám mục giáo phận Stockholm, và giám mục Johannes van den Hende, giáo phận Rotterdam, đến để làm sáng tỏ các hành vi của hồng y Woelki. Ngày thứ sáu 4 tháng 6, hồng y Woelki đã tuyên bố, dù có mọi ý định cải cách của mình: “Tôi có trách nhiệm khởi xướng và đồng hành với những thay đổi và hậu quả trong giáo phận, theo cách hệ thống, có ‘tổ chức’ và cá nhân.”

Mặt khác, nhìn từ các góc độ khác, Giáo hội Đức dường như tham dự vào một tiến trình đồng nghị đổi mới, liệu có bảo thủ hơn so với vẻ bề ngoài không? Trên thực tế, chủ nghĩa cấp tiến của một số người ủng hộ cải cách sâu rộng là nguyên nhân đáng lo ngại. Đến mức các trào lưu và nhạy cảm khác nhau đã chia rẽ, để lại bóng ma của một cuộc ly giáo từ nhiều năm nay. Liệu việc hồng y Marx từ chức có là tiếng chuông báo động của một thất bại ở phía cải cách không? Tổng Giám mục Luc Ravel, giáo phận Strasbourg nhận xét: “Từ chức khỏi một vị trí trách nhiệm mà mọi thứ có thể thay đổi, dù từ từ, theo tôi dường như không phải là một bước đi đúng hướng với trách nhiệm. Theo tôi, chúng ta chỉ có thể thực sự thay đổi hệ thống từ bên trong.”

Tính cách “hệ thống” của các vụ lạm dụng làm phân chia

Cuối cùng, xung quanh định nghĩa của tính cách hệ thống hồng y Marx đưa ra mà các bên đối lập tập trung vào. Thư từ chức của hồng y nêu ra: “Những tranh cãi và thảo luận gần đây nhất đã cho thấy, một số đại diện của Giáo hội không muốn nhận đồng trách nhiệm này và do đó cũng là đồng tội với thể chế,” hồng y tiếp tục trong thư từ chức được giáo hoàng cho phép công bố ngày thứ sáu 4 tháng 6. Do đó, họ từ chối bất kỳ hình thức cải cách và đổi mới nào liên quan đến cuộc khủng hoảng liên hệ đến các vụ lạm dụng tình dục.

Bà Marie-Jo Thiel, thần học gia, cho biết: “Tôi lấy làm tiếc về sự từ chức này của hồng y Marx, nhưng tôi thấy ngài can đảm khi muốn tạo cú sốc, cố gắng quy trách nhiệm cho những ai nghĩ lạm dụng tình dục chỉ là ba con cừu đen bên trong Giáo hội.” Nữ tu Véronique Margron, chủ tịch Hội đồng các nam nữ tu sĩ Pháp (CORREF), khẳng định: “Vì sợ làm suy yếu Giáo hội, việc nhận ra tính chất hệ thống của các vụ lạm dụng đối với một số người là chuyện không thể tưởng tượng được. Vì thế chúng ta cảm nhận mọi thứ cần phải đặt câu hỏi, kể cả một số thần học về bí tích.”

Tổng Giám mục Éric de Moulins-Beaufort nói: “Chúng ta phải hiểu thuật ngữ ‘hệ thống’ có nghĩa là gì trong nghĩa xã hội học của các tổ chức. Ví dụ, nó không có nghĩa là “một cách hệ thống”. Nhưng những trường hợp tấn công tình dục và cách xử lý quá thường xuyên bị thất bại buộc chúng ta phải xem xét tất cả các mối quan hệ trong Giáo hội.” Một thách thức mà Hội đồng Giám mục Pháp tiến hành theo tốc độ riêng của mình, đã bị một số người xem là quá chậm, nhưng vẫn bảo toàn tính tập thể. Trong những tháng gần đây, Tổng Giám mục chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp giữ vai trò duy trì sự thống nhất.

“Sự từ chức này có thể là tiếng chuông báo động”

Tiếng nổ của một trong những thành viên của Hội đồng hồng y, nhóm ở bên cạnh và cố vấn cho Đức Phanxicô, liệu có làm nhúc nhích các đường dây không? Đó là việc đón nhận Thư gởi Dân Chúa, mà Đức Phanxicô gởi cho giáo dân vào tháng 8 năm 2018, vẫn chưa phát huy tác dụng khi đối diện với cuộc khủng hoảng này. Đức Giám mục Ravel cho biết: “Đó là ‘văn hóa doanh nghiệp’ của Giáo hội cần được hoán cải. Sự từ chức này có thể là tiếng chuông báo động để cảnh báo mọi người về tâm lý tập thể này.” Tổng Giám mục De Moulins-Beaufort thừa nhận: “Đây là một tin xấu mà Giáo hội không muốn, không phạm, nhưng không biết làm thế nào để tránh”, ngài nhấn mạnh đến tính công nghị mà Đức Phanxicô đề xướng là trước hết để có một Giáo hội lắng nghe hơn, đối thoại hơn.

Bà Brigitte Navail, một nạn nhân của vụ tấn công và là thành viên của hội Đức tin và Khả năng Phục hồi (Faith and Resilience) cho biết: “Đó là toàn bộ nền văn hóa giáo hội đã khuyến khích hành động nhưng lại hoàn toàn không bị trừng phạt. Đào sâu vào các nguyên nhân hệ thống là nhận ra tất cả chúng ta đều có trách nhiệm. Ngay cả giáo dân, khi chúng ta chấp nhận mình có một địa vị thấp kém hơn so với linh mục.”

Một lá thư từ chức mà Đức Phanxicô có thể từ chối

Nếu ở Pháp, việc lắng nghe các nạn nhân đã trở thành ý chỉ hàng đầu của các giám mục thì công việc này vẫn còn nhiều việc phải làm, bà Marie-Jo Thiel ước tính: “Giáo hội Pháp đã đi bước đầu trong việc công nhận các vụ lạm dụng nhưng chưa đủ, theo quan điểm của tổ chức giáo hội, góp phần vào việc lạm dụng quyền lực, hay nói cách khác, là những gì ở ngược dòng là tội ác ấu dâm.”

Ở Rôma có thể cuối cùng giáo hoàng từ chối việc từ chức của một trong số những người trung thành nhất của ngài. Với Đức Phanxicô, đây là một cách để ngài chia sẻ mong muốn của hồng y Marx về “một khởi đầu mới trong Giáo hội chứ không phải chỉ ở Đức”.

Một nhân vật của Tòa giám mục Châu Âu

Hồng y Reinhard Marx sinh năm 1953, được thụ phong linh mục năm 1979. Ngài được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá giáo phận Paderborn năm 1996, năm năm sau ngài đứng đầu giáo phận Trèves.

Năm 2007, ngài làm Tổng Giám mục giáo phận Munich và Freising, một trong những giáo phận lớn nhất ở Đức. Ba năm sau, ngài được Đức Bênêđictô XVI phong hồng y.

Năm 2012, hồng y Marx được bầu làm chủ tịch Ủy ban Giám mục Liên minh Châu Âu (Comece). Năm 2013, ngài tham gia vào Hội đồng các hồng y do Đức Phanxicô thành lập. Vài tháng sau, ngài được bổ nhiệm làm điều phối viên Hội đồng Kinh tế.

Năm 2014, ngài được bầu làm người đứng đầu Hội đồng Giám mục Đức, chức vụ ngài đã rời khỏi tháng 3 năm 2020, từ bỏ việc ứng cử để tìm người kế vị ngài.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Hồng y Reinhard Marx không mệt mỏi với chức vụ, nhưng bực mình

 Giám mục Eric de Moulins-Beaufort: “Tôi ấn tượng trước sự cô đơn của hồng y Marx”