Vì sao những lời của bác sĩ Axel Kahn lại làm chúng ta giao động như vậy
plus.lesoir.be, Joelle Meskens, 2021-05-18
Ngày thứ hai 17 tháng 5, nhà ung thư học, di truyền học Axel Kahn, chủ tịch Liên hội Ung thư Quốc gia cho biết ông chỉ còn sống được vài tuần nữa. Không nước mắt, không thê thảm, ông gởi một bài ca tụng cuộc sống và chủ nghĩa nhân văn.
Thứ ba 18 tháng 5, ông trả lời chúng tôi qua điện thoại, như ông vẫn luôn làm như vậy. Cực kỳ lịch sự nhã nhặn. Ông hỏi chúng tôi ngay: “Bà có khỏe không?” Tôi khỏe ư, dĩ nhiên là chẳng quan trọng. Ngày hôm qua ông vừa lên đài France Inter, và sau đó là trên chương trình “C à vous”, kênh France 5, một chứng từ xúc động. Không nước mắt, không thê thảm, bằng giọng nói chính xác và rõ ràng, ông luôn là như vậy, ông thú nhận một cách đơn giản làm chúng tôi choáng váng. “Tôi đang chiến đấu với căn bệnh ung thư thì đội tuần tra bắt tôi”. Vì thế ông chỉ còn một thời gian ngắn để sống, nhà di truyền học nổi tiếng nói tiếp, ông muốn “tận dụng tối đa thời gian của mình.” “Chính tôi là bác sĩ chuyên khoa ung thư, rất có thể tôi đang trải qua chặng cuối cuộc đời của tôi.”
Trên điện thoại, ông gần như xin lỗi vì không muốn nói chuyện. “Tôi muốn giải quyết công việc của tôi ở Liên hội khi tôi vào bệnh viện ngày mai để xem chúng tôi có thể làm gì, thời gian không còn nhiều.” Trước khi chiến đấu với trận chiến cuối cùng của đời mình, chủ tịch Liên hội Ung thư Quốc gia muốn đảm bảo trận chiến tập thể của ông sẽ được tiếp tục trong những điều kiện tốt nhất có thể. Chúng tôi nhắc thoáng qua chuyến thăm vào buổi sáng thứ bảy ở căn nhà gia đình vùng nông thôn ở Aube. Khi ông giới thiệu con ngựa cái rất thân thiết của ông, khi ông nói lời tạm biệt vào cuối tuần trước. “À đúng, có một điều tôi không nói: Tôi muốn được chôn trong chiếc quan tài không có đệm, như một người lính. Bởi vì tôi luôn là một chiến binh,”, ông Axel Kahn nói trước khi cúp máy.
Hiếm có những lời chia tay nào xúc động đến thế. Bởi vì đó là những lời ca tụng cuộc sống. Ông nói với nữ nhà báo Léa Salamé: “Tôi tự hỏi thái độ của mình khi cận kề cái chết sẽ như thế nào. Tôi không ca hát khi đến gần cái chết, tôi yêu cuộc sống. Nhưng tôi cũng không hoảng sợ khi đến gần.” “Tôi thường hay nói, không ai khác hơn là chính mình, với những gì mình đã làm. Hình dung tôi chỉ còn ba, bốn tuần để làm, như thế cách tôi làm quan trọng hơn bao giờ hết.” Ông trích dẫn câu nói này của Oscar Wilde: “Tôi muốn làm cuộc đời tôi thành một kiệt tác.” “Tôi không có đủ tự hào để nói câu này, nhưng tôi mong người ta có thể nói: Cũng không đến nỗi tệ.”
Không xấu hổ? Hoàn toàn ngược lại. Từ ngữ không dựa trên chẩn đoán cá nhân. Chúng mang lại một hình thức an ủi chung. “Các bạn hãy sống! Các bạn hãy sống!”, đó là điều mà giáo sư Axel Kahn hùng hồn mời gọi. Ông hỏi, “Hạnh phúc là gì? Đó là giây phút kể từ đó mình sống những gì mình hy vọng được sống. Khi có cảm nhận đầy đủ giữa cuộc sống của mình và những gì mình hy vọng được sống. Chết hay không chết, tôi hạnh phúc tột độ.”
Trên mạng xã hội, cảm xúc lan truyền. Trên những đường dây bình thường rất hung hãn này, người ta đọc được những lời kính trọng và ngưỡng mộ. Vô cùng biết ơn, Ông Kahn. “Con hãy sống hợp lý và có nhân văn”, người cha đã xin ông trước khi ông kết liễu đời mình. Trao truyền đã xong. Trước khi ra đi, giáo sư Axel Kahn đã trao chìa khóa, đã khắc tên các con trên con dao Opinel của chúng.
Từ lâu, cái chết là điều cấm kỵ. Ở Pháp, ở Bỉ còn hơn thế nữa. Các nguyên thủ quốc gia giữ bí mật bệnh của mình càng lâu càng tốt. Các tổng thống Pháp Georges Pompidou, François Mitterrand đều giấu tình trạng sức khỏe của mình. Đau khổ hoành hành trong im lặng, cho đến khi không thể che giấu được nữa. Kỳ công là không để bất kỳ dấu vết đau đớn nào trên cơ thể xuất hiện trước ống kính truyền hình. Giống như mình phải phủ nhận nó để van xin nó.
Vậy mà bệnh tật và cái chết chưa bao giờ lan tràn nhiều như trong năm đại dịch này, và giờ đây, cuối cùng chúng cũng đến gần. Chính triết gia, nhà xã hội học Edgar Morin, 99 tuổi, mới đây cũng báo ông sắp ra đi. Và ông Bernard Tapie, chính trị gia Pháp 78 tuổi vừa cám ơn bệnh viện công và sẽ nói về căn bệnh ung thư của mình, miễn là nó để cho ông còn tiếng nói. Trong cuộc phỏng vấn với báo L’Obs, diễn viên hài Nicolas Bedos đã kể lại những giây phút cuối cùng của cha mình, ông Guy Bedos (1934-2020), nghệ sĩ nổi tiếng nước Pháp.
Trong những năm gần đây, nhiều vụ ra đi đã làm nhiều tâm hồn đau lòng. Tại Bỉ, năm 2017, cựu Bộ trưởng Philippe Maystadt đã tâm sự với nhà báo Béatrice Delvaux, Le Soir trước khi ra đi. “Khi bạn bị một bệnh không thể chữa lành, bạn không phải là người duy nhất. Tôi nghĩ, tôi không bị cô lập, cũng không khác thường, tôi chỉ ở trong một nhân loại được chia sẻ.” Nữ nhà văn Pháp Anne Bert đến Bỉ để qua đời cùng năm sau khi viết xong quyển Mùa hè Cuối cùng, Le Tout Dernier Été. Gần đây hơn, bà Paulette Guinchard, cựu bộ trưởng xã hội chủ nghĩa đã chọn Thụy Sĩ để đi chuyến đi cuối cùng đời mình. Đôi khi, phải xin để được thay đổi cuối cuộc đời, để “chết tốt hơn”, đặc biệt ở Pháp, trợ tử vẫn bất hợp pháp mặc dù đại đa số người Pháp bỏ phiếu thuận với một đa số áp đảo. Lần này, chỉ là nói về nó, gọi đúng tên của nó, trực diện nhìn nó và đó là một bước tiến vô cùng lớn trong việc làm quen với nó.
Sức mạnh trong chứng từ của giáo sư Axel Kahn, một chiến binh can đảm của chủ nghĩa nhân văn, lần này những lời nói của ông không mang tính nhà binh, dù ông là chủ tịch Liên hội Ung thư Quốc gia. Đây là những lời đơn giản của một người sắp trở về với thiên nhiên mà ông hằng vô cùng yêu thích, người có thể kinh ngạc trước thảm hoa lan rừng. “Cho đến khi nào thế giới này còn có những bông hoa đẹp như vậy, còn có những người trên thế giới này có khả năng rung động như vậy, thì cái ác tuyệt đối sẽ không thể tồn tại trên trái đất này.” “Và điều tốt trong tất cả những điều này là gì?” (Et le bien dans tout ça ?), ông hỏi trong quyển sách gần đây của mình. Và điều tốt cũng có mặt trong những cuộc chia tay quý giá này.
“Tôi muốn được chôn cất trong một chiếc quan tài không đệm, giống như một chiến binh. Tôi luôn là một chiến binh”, giáo sư Axel Kahn nói với chúng tôi.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: “Cái chết không làm tôi sợ”: bác sĩ Axel Kahn làm chứng đoạn cuối đời trên đài BFMTV
Bác sĩ Axel Kahn: “Làm bổn phận khẩn thiết khi sắp phải chết”