John Kerry: “Giáo hoàng là tiếng nói mạnh của lý trí và thẩm quyền đạo đức về chủ đề khủng hoảng khí hậu.”

186
John Kerry: “Giáo hoàng là tiếng nói mạnh của lý trí và thẩm quyền đạo đức về chủ đề khủng hoảng khí hậu.”
Ông John Kerry thảo luận về các vấn đề khí hậu với Đức Phanxicô
vaticannews.va, Olivier Bonnel, Vatican, 2021-05-15
Sáng thứ bảy 15 tháng 5, Đức Phanxicô tiếp ông John Kerry, đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Hoa Kỳ. Cơ hội để tái khẳng định xác quyết chung của họ trong cuộc chiến chống khí hậu nóng lên toàn cầu.
Phỏng vấn ông John Kerry, đặc phái viên về Khí hậu của Tổng thống Hoa Kỳ
Đã bốn năm rưỡi kể từ lần cuối hai người gặp nhau. Sáng thứ bảy 15 tháng 5, Đức Phanxicô đã tiếp ông John Kerry trong tư cách là đại diện đặc biệt của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden về khí hậu. Chuyến thăm cuối cùng của nhà ngoại giao Hoa Kỳ đến Vatican là ngày 2 tháng 12 năm 2016, khi ông vừa xong nhiệm kỳ Ngoại trưởng của mình dưới thời Tổng thống Barack Obama. Vấn đề khí hậu đã có trong chương trình họp của hai nước. Ông John Kerry là người đã thay mặt Hoa Kỳ ký các Hiệp định COP 21 tại Paris tháng 12 năm 2015.
Đây là lần thứ hai trong hai ngày, cựu nhân vật  đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đến thăm Vatican sau khi dự cuộc hội thảo do Học viện Khoa học Giáo hoàng tổ chức, tại Vườn Vatican ngày thứ sáu 14 tháng 5, với chủ đề “Mơ về một khởi động lại tốt hơn”. Cụ thể là việc củng cố chủ nghĩa đa phương trong thế giới hậu Covid 19. Đức Phanxicô và nhà ngoại giao John Kerry đồng ý về tầm quan trọng của việc phát triển đối thoại xây dựng để đối diện với những thách thức đương thời. Tháng 9 năm 2015, cựu Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ từ Massachusetts đã viết một bài trên tạp chí Dòng Tên Mỹ America, trong đó ông viết, “Thông điệp Chúc Tụng Chúa, Laudato Si’ của Đức Phanxicô đã góp phần ủng hộ các biện pháp toàn cầu để chống lại biến đổi khí hậu”, ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các tôn giáo trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng.
Sau khi gặp Đức Phanxicô sáng thứ bảy, ông  John Kerry đã đến Đài phát thanh Vatican để trả lời cuộc phỏng vấn độc quyền, trong đó ông nói một phần bằng tiếng Pháp. Theo ông, tiếng nói của Đức Phanxicô và Tòa Thánh vẫn rất cần thiết trong việc nâng cao nhận thức về các vấn đề khí hậu và bảo vệ Tạo dựng.
Sáng nay ông đã được tiếp ở Vatican, lời của Giáo hoàng Phanxicô và Giáo hội công giáo có thể giúp để thúc đẩy cuộc chiến chống lại khí hậu nóng lên của toàn cầu không?
Cựu Ngoại trưởng John Kerry: Giáo hoàng Phanxicô nói chuyện với một thẩm quyền rất đặc biệt và ngài là một nhà lãnh đạo. Thông điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si’ của ngài là một tài liệu phi thường kêu gọi chúng ta thi hành trách nhiệm đạo đức của mình để bảo tồn hành tinh và tạo dựng của Chúa. Và tôi nghĩ, Vatican tuy là một thực thể nhỏ, nhưng thực thể nhỏ này là rất lớn trên toàn cầu và Giáo hoàng Phanxicô có khả năng giúp thúc đẩy hành động ở các quốc gia. Ngài có khả năng chạm đến người dân của rất nhiều quốc gia khác nhau cùng một lúc và làm cho họ yêu cầu chính phủ của họ có trách nhiệm, làm những gì cần thiết để bảo tồn hành tinh. Vì thế tôi tin thế giới có một sự tôn trọng đặc biệt đối với ngài và chắc chắn ngài là nhà lãnh đạo quan trọng trong nỗ lực này. Chúng tôi trông đợi vào ngài để ngài hướng dẫn chúng tôi và giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ này.
Ông nhấn mạnh vào sự hợp tác giữa các quốc gia, về chủ nghĩa đa phương. Cần phải làm gì để đảm bảo rằng các cam kết của các Hiệp định Paris phải được tôn trọng?
Mọi người đều có nghĩa vụ trong vấn đề này, và mọi người phải chịu trách nhiệm phần của mình. Không quốc gia nào có thể tự mình làm công việc này. Ngay cả khi Hoa Kỳ không phát khí thải ngày mai, chúng ta vẫn sẽ gặp khủng hoảng. Chúng tôi chỉ chiếm 11% tổng lượng khí thải toàn cầu. Như thế 89% là từ các quốc gia khác. 20 quốc gia chịu trách nhiệm cho khoảng 73-75% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. 20 quốc gia phát triển nhất thế giới này do đó họ có trách nhiệm đặc biệt. Nhưng tất cả mọi người đều có trách nhiệm là một phần của giải pháp. Tất cả chúng ta phải làm việc với sức mạnh mới. Và tôi tin Giáo hoàng Phanxicô nói với một thẩm quyền độc nhất, một thẩm quyền đạo đức thuyết phục, và tôi hy vọng điều đó có thể giúp mọi người có tham vọng hơn để hoàn thành công việc.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch