Suy niệm và hình vẽ của các em cho Chặng đàng Thánh giá năm nay
americamagazine.org, Carol Glatz, 2021-03-31
Bức vẽ do một em ở một giáo xứ Rôma minh họa cho tập sách nhỏ Chặng đàng Thánh giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 2 tháng 4 năm 2021. (Ảnh CNS / Libreria Editrice Vaticana)
Rôma và toàn nước Ý bị cách ly theo các biện pháp hạn chế khác nhau trong Tuần Thánh và Lễ Phục sinh, linh mục Luigi D’Errico đã xin các em trong giáo xứ của cha suy niệm và minh họa loạt bài cho Chặng đàng Thánh giá năm nay.
Linh mục trả lời trên Vatican News ngày 30 tháng 3, đó là cách để thu hút gần 500 thanh thiếu niên, các em thường phải ở nhà vì bị hạn chế tụ tập đông người, kể cả các sinh hoạt giáo xứ và các buổi lễ phụng vụ.
Linh mục cho biết, các em không biết là các suy tư cá nhân của các em về thập giá các em mang mỗi ngày và niềm an ủi các em tìm thấy nơi Chúa Giêsu sẽ là những bài được chọn để suy gẫm về Chặng đàng Thánh giá sẽ cử hành ở Vatican.
Linh mục kể: “Chuyện này bắt đầu từ sinh hoạt giáo lý sau đó phủ Quốc vụ khanh mời nên giúp giáo hoàng” trong việc đóng góp vào các bài suy niệm, bình luận và cầu nguyện cho nghi thức tối Thứ Sáu Tuần Thánh ngày 2 tháng 4.
Mười lăm thanh niên, trong đó có một số giáo lý viên, sẽ thay phiên nhau mang đuốc và thánh giá.
Giống như năm ngoái, Chặng đàng Thánh giá sẽ được tổ chức ở Quảng trường Thánh Phêrô và sẽ không có sự hiện diện của công chúng. Mười lăm thanh niên, trong đó có một số giáo lý viên, sẽ thay phiên nhau mang thánh giá và đuốc.
70 người trẻ khác sẽ có mặt để đại diện cho tất cả những người đã đóng góp vào các bài suy niệm.
Hàng năm, giáo hoàng xin một người hoặc một nhóm viết lời suy niệm được đọc trong 14 chặng đàng ngài chủ trì.
Năm nay, ngài xin bài suy niệm và các bản minh họa của các em hướng đạo ở Umbria, hai nhà tập thể dành cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn ở Rôma và giáo xứ Các Thánh Tử đạo Uganda của Cha D’Errico, nơi có các chương trình cho người khuyết tật, các trung tâm cho người vô gia cư và phụ nữ, trẻ em nạn nhân các vụ bạo lực gia đình.
Linh mục D’Errico nói với Vatican News, Đức Phanxicô chọn tiếng nói của các em trẻ, vì như người cha hay người mẹ, ngài ý thức sâu sắc về kinh nghiệm và các thách thức khác nhau mà toàn thể gia đình nhân loại đang phải đối diện ngày nay.
Linh mục D’Errico cho biết, dù mọi người đang đau khổ vì đại dịch và các tác động của nó, nhưng những người trẻ không được ưu tiên, họ ít bị nhiễm bệnh và ít tử vong nhất nên chúng ta nghĩ, chúng ta không phải lo lắng cho các em nhiều. Nhưng sự xa cách xã hội, sự cô độc và căng thẳng gia đình gia tăng, đã tạo nhiều khó khăn cho các bạn trẻ, những người lớn lên bên cạnh người khác, vì thế đây là cơ hội đặc biệt, Đức Phanxicô giao cho các em để tìm cách ở bên cạnh các em.
Linh mục D’Errico cho biết, các em tự do chọn chặng nào các em có thể diễn tả nhiều nhất và nhiều em đã không thể hiểu vì sao Chúa lại để cho Con Mình bị tra tấn và giết chết.
Rất nhiều em cảm thấy đau khổ và đau đớn tương tự như thế trong cuộc sống của mình, khi các em phải chứng kiến cảnh cha mẹ mình phải đấu tranh, thấy các gia đình khác trong giáo xứ mất người thân, người thân phải nhập viện vì Covid-19 hoặc thấy ông bà phải hy sinh để giữ an toàn cho các cháu.
Các em tự do chọn chặng nào các em có thể nói lên nhiều nhất và nhiều em đã không thể hiểu vì sao Chúa lại để cho Con Mình bị tra tấn và giết chết.
Chẳng hạn ở chặng thứ chín, khi Chúa Giêsu ngã lần thứ ba, các em mô tả việc không thể về thăm ông bà trong năm vừa qua và đã nhớ ông bà như thế nào, không thể có được các buổi tập bóng chuyền, đi chơi và ngay cả đến trường.
Linh mục cho biết: “Cảm giác cô đơn khốn khổ này nhiều lúc trở nên không thể chịu đựng nổi. Chúng tôi cảm thấy như bị mọi người “bỏ rơi”, thậm chí không còn có thể mỉm cười được nữa. Giống như Chúa Giêsu, chúng tôi thấy mình nằm dưới đất, lời cầu nguyện với Chúa Giêsu soi sáng cho các em khi các em bị lạc trong những suy nghĩ đen tối.”
Ông Fabrizio Gessini, giám đốc của trung tâm nói với Vatican News, nhiều em ở trong những căn nhà tập thể hiểu cảnh Chúa Giêsu gặp mẹ mình, hoặc Chúa Giêsu nhận sự giúp đỡ của ông Simon thành Cyrene. Điều này giúp các em suy gẫm về những chủ đề mà trước đây các em chưa nghĩ đến.
Cha D’Errico nói, nỗi đau của Mẹ Maria chắc chắn đã đánh động tâm lý của nhiều em, các em cảm thấy đau đớn khi thấy mẹ mình phải vật lộn với cuộc sống hay khi thấy mẹ khóc.
Chặng thứ tư, Chúa Giêsu gặp Mẹ của Ngài, bài suy gẫm gợi lên hình ảnh người mẹ đưa con mình đi tập đá banh, đi học thêm tiếng Anh, đi học giáo lý và bà không bao giờ thiếu sự ôm ấp nồng ấm.
“Buổi tối, dù có mệt đến đâu, mẹ cũng giúp tôi làm bài. Khi tôi bị ác mộng, mẹ ngồi với tôi, giúp tôi bình tĩnh lại và đợi tôi đi ngủ lại.” Mẹ luôn lắng nghe, và ngay cả khi đứa bé không biết cách nào nói lên nỗi đau khổ của mình, một cái nhìn là đủ. Mẹ hiểu ngay và giúp tôi giải quyết mọi vấn đề.”
Chặng thứ 11, Chúa Giêsu bị đóng đinh, bài suy niệm của nhóm hướng đạo đã quyết định không ăn lễ Giáng Sinh với gia đình để có thể phục vụ bữa ăn cho những người thiếu thốn.
Không được mở quà, không chơi bài, không ăn uống với gia đình tưởng như một hy sinh lớn lao, nhưng thực sự họ đã nhận được rất nhiều nụ cười, nhiều câu chuyện, nhiều niềm vui từ những người họ giúp đỡ, làm cho lễ Giáng Sinh năm đó là Giáng Sinh “không thể nào quên được”.
Một bạn trẻ viết bạn chứng kiến cảnh người ông của mình khi bị khó thở đã được các bác sĩ mặc cho ông y phục như “phi hành gia” và mang ông đi.
Một bạn trẻ viết bạn chứng kiến cảnh người ông của mình khi bị khó thở đã được các bác sĩ mặc cho ông y phục như “phi hành gia” và mang ông đi. Anh nói: “Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông của tôi. Tôi cầu nguyện cho ông của tôi mỗi ngày. Bằng cách này, tôi đã có thể ở cùng ông trong chuyến hành trình cuối cùng của ông trên trái đất này”.
Hàng triệu người theo dõi buổi lễ trực tuyến hoặc trên truyền hình được mời gọi suy gẫm về những cây thánh giá mà người trẻ mang theo mỗi ngày.
Những cây thánh giá này có thể nặng hay nhẹ, lớn hay nhỏ, nhưng chúng có thật và thường thì dường như chỉ có Chúa Giêsu mới biết và nghiêm túc đón nhận.
Lời mở đầu của tập sách suy gẫm viết: “Chỉ có Chúa mới biết con khó khăn như thế nào khi con học để không sợ bóng tối, không sợ ở một mình. Khi mỗi sáng thức dậy con bị đái dầm, khi con không nói giỏi như người khác, không làm toán đúng, khi nghe cha mẹ lập luận, khi bị làm trò cười, và khi nhận ra có biết bao nhiêu trẻ em bị đói, bị cưỡng bức đi lính, bị bóc lột.”
Cầu nguyện với Chúa Giêsu, Ngài ngày xưa cũng là một em bé, “xin giúp chúng con vác thập giá hàng ngày của chúng con như khi Chúa đã vác thập giá của Chúa. Con xin cám ơn Chúa vì con biết Chúa luôn ở bên cạnh con, không bao giờ bỏ rơi con, ngay cả khi con sợ hãi nhất. Và con cũng xin cám ơn Chúa đã gởi thiên thần hộ thủ xuống cho con, soi sáng cho con và gìn giữ con mỗi ngày.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Chặng đàng Thánh giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh của các thanh thiếu niên