Trở lại Iraq của một phóng viên chiến trường trong vùng kinh hoàng
Nhà báo Elisabetta Piqué (trái) trở lại Iraq sau gần 20 năm trong chuyến đi lịch sử của Đức Phanxicô. Tương phản và cảm xúc trên bề mặt.
lanacion.com, Elisabetta Piqué, 2021-03-17
Bà cảm thấy thế nào khi trở lại Iraq? Đó là câu hỏi mà những người quen biết hỏi tôi nhiều nhất. Những người biết năm 2003, trong cái gọi là Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhì, tôi đã ở đó. Khi một liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu và được sự hậu thuẫn của liên minh phương Tây xâm lược Iraq với một tin giả: nhà độc tài Saddam Hussein đang trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt nguy hiểm chưa bao giờ tìm thấy…
Phóng viên Elisabetta Piqué, ở một trong những thời điểm nguy hiểm nhất trong nghề của bà khi bà đưa tin về cuộc chiến ở Iraq.
Đầu tiên ở Iraq
Năm 2003
Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những đàn lạc đà, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và tàn tích của các vụ đánh bom – Xe tăng Iraq bị thiêu rụi, chướng ngại vật, bom, đạn, chết chóc và tàn phá – Tôi đã đến được đó.
Ngày nay
Trở lại Iraq trên chuyến bay tiện nghi, được chào đón với tất cả các danh dự, thảm đỏ, ban nhạc quân đội và được các nhân viên an ninh thiện chiến bảo vệ.
Đã gần hai mươi năm trôi qua kể từ đó. Một dòng nước khác đã chảy qua cầu. Năm 2003 tôi độc thân và không vội vàng, bây giờ tôi đã có chồng và hai con tuổi vị thành niên. Lần này đến Iraq là hoàn toàn khác. Hồi đó tôi không thể xin được nhập cảnh. Tôi đã đến xin đại sứ quán Iraq tại Ý nhiều lần. Lần này thì rất dễ dàng. Tôi chỉ mất 90 phút để có. Dĩ nhiên. Không còn chế độ độc tài ở Iraq và tên tôi trong danh sách các nhà báo được nhận vào chuyến bay của giáo hoàng, do Tòa thánh Vatican cung cấp cho lãnh sự quán Iraq. Lần này tôi trở lại Iraq với Đức Phanxicô. Chính vì tôi chưa bao giờ được cấp nhập cảnh, việc tôi đến Iraq năm 2003 như một bí mật, xứng đáng là một cảnh trong bộ phim trinh thám. Đó là đường bộ từ Kuwait láng giềng về phía nam. Không giống như một số ít các nhà báo khác được “len” vào quân đội Hoa Kỳ, tôi nằm trong số những người tự cho mình là “những con chó buông dây”. Chúng tôi ở một mình, một mình và tự do. Và hoàn toàn không được bảo vệ. Đúng vậy, với chiếc áo chống đạn – tôi tình cờ có được chiếc mũ bảo hiểm nhặt được của những người lính Iraq chạy trốn ném xung quanh – nhưng luôn chấp nhận rủi ro. Vì điều răn đầu tiên trong chiến tranh là “không được đi một mình”, đặc biệt là phụ nữ và nhất là ở vùng đất hồi giáo, tôi đã đến Iraq với các nhà báo khác, hầu hết là các đồng nghiệp người Ý, những người đã có các bài phóng sự chiến tranh khác (Intifada thứ nhì, Kosovo và Afghanistan). Chúng tôi thuê xe, dự trữ thức ăn, từ chai nước đến hộp cá mòi, bánh quy, đến những can xăng chở trên mui xe, một nguy hiểm không tưởng tượng được. Sau khi trải qua một cuộc tấn công bằng tên lửa Scud đầu tiên do Saddam bắn vào Kuwait, lần đầu tiên tôi phải mang mặt nạ chống hơi độc – rất khó chịu – sau một chuyến đi mạo hiểm, chúng tôi qua được biên giới. Bao trùm trong cảnh hỗn loạn, miền nam dưới quyền quân đội Anh, họ chưa chiếm được Basra, thành phố quan trọng thứ hai, thành phố chống lại quân chiếm đóng nhiều nhất trong một trận chiến ác liệt kéo dài vài ngày. Trên thực tế, các đồng chí mà chúng tôi cùng đi trong đoàn xe là các tù nhân bị quân đội Iraq bắt giữ. Tôi được cứu vì chiếc xe tôi đang đi đã quay lại đúng lúc. Không thể quên được, quá sợ hãi, ông José Claudio Escripano của nhật báo đã ra lệnh cho tôi rời Iraq “ngay lập tức”. Nhưng không. Tôi phải đến Baghdad. Và, sau một chuyến đi nguy hiểm khác, trên chiếc xe tải với các nhiếp ảnh gia người Ý, băng qua “xa lộ tử thần” nổi tiếng và 580 cây số sa mạc đẹp huy hoàng, nơi thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những đàn lạc đà, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và tàn tích của các vụ đánh bom – Xe tăng Iraq bị thiêu rụi, chướng ngại vật, bom, đạn, chết chóc và tàn phá – Tôi đã đến được đó.
Đến Iraq vào năm 2021 là một sự khác biệt đáng kể, nhưng cũng thú vị không kém. Trở về Iraq với Đức Giáo hoàng Argentina, ngược với tất cả mong chờ, bất chấp đại dịch và bạo lực vẫn còn trong nước, bất chấp những lời khuyên ngược lại, ngài đã kiên trì đến vùng đất “tử đạo” như ngài đã giải thích trên chuyến bay khi chào các phóng viên. Ai có thể tưởng tượng được? Chuyến trở về Iraq trên chiếc máy bay tiện nghi –Airbus 330 của hãng Alitalia-, được chào đón với tất cả các danh dự, thảm đỏ, ban nhạc quân đội và được các nhân viên an ninh thiện chiến bảo vệ, nhưng cũng cùng một tình huống rủi ro. Đó là chuyến đi nguy hiểm nhất của triều giáo hoàng Đức Phanxicô.
Đức Phanxicô đến Iraq trong một chuyến thăm lịch sử, giữa đại dịch và trong bối cảnh luôn bùng nổ ở Baghdad
Năm 2003
Khách sạn Palestine, trụ sở của các nhà báo, bị đánh bom nhầm.
Ngày nay
Trà ngon “chai” thết đải nhà báo năm 2021. Hình ảnh Đức Phanxicô tràn ngập thủ đô trong chuyến tông du rủi ro nhất của ngài.
Năm 2003, Baghdad hỗn loạn, vô chính phủ, đánh nhau đây đó, cột khói đen, hỏa hoạn, cướp bóc, bừng bừng khí thế. Chế độ Saddam Hussein vừa sụp đổ, mà hình ảnh của người – mặc quân phục, kiểu phương Tây, nhưng đội mũ lông kiểu Liên Xô, hoặc mặc theo kiểu Ả Rập, với khăn xếp – chiếm hết các tòa nhà lớn của thành phố, các bộ và các bệnh viện. Khuôn mặt của ông, với bộ ria mép và đôi mắt quyền uy cũng ở trên các loại tiền giấy và hàng lưu niệm của Iraq.
Năm 2021, hình ảnh nổi trội ở thủ đô quân sự hóa và hoang vắng do bị cách ly vì đại dịch, là hình ảnh của Đức Phanxicô. Trên các bích chương là hình ảnh ngài với lời chào “Chào mừng ngài đến với Mesopotamia”, các bích chương của ngài với Đại Giáo Trưởng Al-Sistani là những bích chương chưa từng có ở đây. Đại Giáo Trưởng là nhà lãnh đạo shi’a cao nhất mà Đức Phanxicô đã gặp ở Najaf – một bước tiến lịch sử trong mối quan hệ giữa kitô giáo và hồi giáo. Những con đường chiếc Mercedes bọc thép màu đen và đoàn tùy tùng đi qua được trang trí bằng cờ Vatican màu vàng và trắng.
Được tái xây dựng một lần nữa cho dịp này. Năm 2003, ngay tại khách sạn nổi tiếng Palestine, trụ sở của nhà báo đã bị lực lượng Hoa Kỳ đánh bom nhầm – nơi một nhà báo Tây Ban Nha bị giết – đã trở thành căn cứ của Hoa Kỳ, hỗn loạn đã ở đó. Nhân viên rời đi nên không còn kiểm soát, che giấu vụng về, Thủy quân lục chiến Mỹ bao vây nơi này bằng những cuộn dây thép gai, một trong nhiều địa điểm chiến lược của thành phố Ngàn lẻ một đêm, bây giờ bị tàn phá và xa với vẻ huy hoàng tráng lệ trước đây của nó. Làm sao tôi có thể quên được cuộc hôi của mà tôi trực tiếp chứng kiến, các cung điện khổng lồ kinh hoàng của Saddam, nơi những người Iraq cuối cùng được giải phóng khỏi bàn tay nhà độc tài đã bước vào, những người muốn tận mắt chứng kiến cảnh xa hoa mà bạo chúa đã bỏ đói họ để sống huy hoàng. Để thấy ngọn lửa thiêu đốt một trong những thư viện cổ nhất thế giới, nơi canh giữ kho báu khôn lường của vùng đất được xem là cái nôi của nền văn minh hay mùi bốc ra từ những nhà xác đầy xác chết không có phòng lạnh vì thiếu điện.
Năm 2003, tại khách sạn Palestine, tôi thậm chí đã không trả tiền phòng khi rời đi vì hoàn toàn thiếu kiểm soát, dĩ nhiên là không còn dịch vụ, không có tiệm ăn, không có thức ăn. Với các đồng nghiệp người Ý, chúng tôi thường nấu mì ý ở một phòng của đại sứ quán Ý, đóng cửa giống như hầu hết các cơ quan ngoại giao, nhưng họ giao nhiệm vụ giúp đỡ đồng bào cho các nhân viên địa phương. Nếu ở khách sạn Palestine, tôi có được căn phòng – dù căn phòng không có điện, không có nước máy, nhưng ít nhất có được chiếc giường – đó là vì các bạn tôi đã bị giam ở Basra và sau đó bị bắt làm tù nhân ở Baghdad, trước khi đi Jordan sau khi thành phố bị thất thủ, họ đã ân cần để lại cho tôi chiếc chìa khóa. Thật khó để quên những lần leo 13 tầng lầu, dọi đèn pin vào những đêm mất điện cho đến khi lên đến căn phòng tôi chia với người bạn nhiếp ảnh gia Elio Colavolpe.
Tại khách sạn Babylon Retana trong chuyến đi này, trên bờ sông Tigris giống như Palestine, nhưng cách xa hơn 10 phút lái xe về phía nam, mọi thứ trôi chảy. Thức ăn – buffet chọn tùy ý -, nhân viên phục vụ ân cần và trà “chai” đặc biệt của Iraq. Nếu như năm 2003 tôi phải xoay sở với chiếc điện thoại vệ tinh, chỉ hoạt động ở ban công của phòng đối diện với phòng tôi, về một hướng nhất định, thì lần này mọi việc liên lạc rất dễ dàng. Chính phủ Iraq đã trao cho 74 nhà báo trên chuyến bay của giáo hoàng một con chip hoạt động hiệu quả. Wifi cũng hiệu quả. Tôi nghe một trong những kỹ thuật viên nói từ Buenos Aires khi tôi đang chờ phát trực tiếp trên trang mạng La Nación: “Ồ, kết nối từ Baghdad tốt hơn từ Formosa!”
Điều đặc biệt ở Bagdad là thức dậy vào lúc bình minh với tiếng hát của đàn muezzin kêu gọi các tín đồ cầu nguyện, một lời nhắc nhở, chúng tôi đang ở đất hồi giáo và đối với một nhóm thiểu số cực đoan và bạo lực, chúng tôi là những người bất trung.
Các tem bưu thiếp của một Bagdad không thể nhận ra, ngược với cảnh hỗn loạn năm 2003
An ninh
Năm 2003
Để di chuyển giữa cuộc xung đột, cần phải có người địa phương giúp đỡ để nắm rõ địa hình và làm vệ sĩ.
Ngày nay
Đội quân bắn tỉa, lực lượng đặc biệt SWAT vũ trang, xe bọc thép, xe tăng và máy bay không người lái được triển khai ở tất cả các thị trấn Đức Phanxicô đặt chân tới.
Năm 2003 thì chỉ mặc áo chống đạn, đội mũ bảo hiểm và mặt nạ chống hơi độc để đề phòng cuộc tấn công hóa học có thể xảy ra của Saddam. Bạn cũng phải đề phòng các lực lượng đồng minh, Mỹ và Anh, được trang bị đến tận răng. Một mối nguy hiểm khác là lực lượng của Saddam mặc đồ dân sự – các bộ quân phục có thể thấy bên lề các con đường bị ném bom. Họ cũng có thể trở thành thủ phạm của các cuộc tấn công tự sát. Chúng ta tin được ai? Vì thế tốt nhất là phải có người địa phương, người biết địa hình và người sẽ đóng vai trò thông dịch, nhưng nhất là họ làm vệ sĩ. Năm 2003, đó là vai trò của Ahmed, Iraq. Tôi đến từ thị trấn biên giới Umm Qasr, người đi cùng với chúng tôi được trang bị bằng một thanh gỗ…
Khi trở về Iraq với Đức Phanxicô, an ninh cũng là điều “bắt buộc”. Nhưng lần đầu tiên, Đức Phanxicô, một tu sĩ Dòng Tên tin vào sự quan phòng của Chúa và không bao giờ muốn được chăm sóc đặc biệt, đã đi xe bọc thép: chiếc Mercedes màu đen với các cửa mờ. Chiến dịch bảo vệ ngài khỏi bất kỳ một cuộc tấn công nào của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Tự xưng, tuy đã bị đánh bại nhưng vẫn còn sống, là rất ấn tượng. Lính bắn tỉa, lực lượng đặc biệt SWAT vũ trang, xe bọc thép, xe tăng và máy bay không người lái được nhìn thấy ở mọi nơi, khi người áo trắng đến thăm trong cuộc chạy marathon dài ba ngày từ Baghdad, Najaf, Nassiriya, vùng đất Ur của người Can-đê, Erbil, Mosul đến Qaraqosh. Hoạt động an ninh còn bảo vệ cho đoàn tùy tùng của ngài. Bước vào khách sạn, được bao quanh bằng các khối bê tông – giống như tất cả những nơi cần bảo vệ khác ở Bagdad – là như bước vào nhà hầm chống bom nguyên tử. Mỗi khi chúng tôi vào hội trường, được các sĩ quan mặc thường phục với súng tiểu liên bảo vệ, một quân nhân nói“xin lỗi” khi ông xin chúng tôi để lại túi xách xếp hàng dài trên mặt đất. Một chú khuyển đen được huấn luyện để phát hiện chất nổ đến ngửi các túi xách. Theo báo cáo của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, Iraq là quốc gia nguy hiểm thứ năm của các nhà báo. Trên thực tế, trong những năm gần đây, nhiều người đã bị bắt cóc để đòi tiền chuộc hàng triệu đôla. Và kể như tự sát khi di chuyển mà không có vệ sĩ.
Hành lý của nhà báo, được một chú khuyển được huấn luyện để phát hiện chất nổ
Sự hủy diệt
Năm 2003
Sự hủy diệt, hiện diện ở mọi bước đi
Ngày nay
Hình ảnh của sự tàn phá, tàn ác và điên rồ tập trung ở vùng Mosul. Các nhà thờ và nguyện đường hồi giáo bị phá hủy, một cảnh tượng kinh hoàng.
Nếu năm 2003, cái chết và sự tàn phá có thể thấy trên khắp Iraq, từ Basra, ở phía nam, đến Baghdad – hai thành phố quan trọng nhất, thất thủ sau những đợt oanh tạc từ trên không – thì năm 2021, hình ảnh của sự tàn phá, của tàn ác và điên rồ chủ yếu tập trung ở một điểm: Mosul. Ngài chưa bao giờ đặt chân đến thành phố cổ kính này, biểu tượng của một bản sắc đa văn hóa nhờ sự chung sống hòa bình của nhiều nhóm dân tộc, ngôn ngữ và tôn giáo, nơi có đồng bằng Ninivê cổ đại của người Assyria năm 6000 trước công nguyên. Cùng với một nhóm nhỏ các nhà báo, tôi đến đó bằng máy bay trực thăng quân sự từ sân bay Erbil, thủ đô của người Kurdistan thuộc Iraq. Vào Mosul, trung tâm lịch sử cũ của thành phố, nơi tổ chức Nhà nước Hồi giáo Tự xưng chiếm đóng và tuyên bố đây là thủ đô của họ từ năm 2014 đến 2017, chúng tôi như thấy địa ngục: sự tàn phá vô hình, các nhà thờ của thiểu số tín hữu kitô, nhưng cũng có các nhà thờ hồi giáo của đa số người hồi giáo cũng bị tàn phá thành hoang tàn. Nhiều người bị giết, bị bạc đãi, bị lạm dụng, phụ nữ bị bắt làm nô lệ, họ phải bỏ nhà ra đi, họ chỉ có một chọn lựa: hoặc trở lại đạo hồi, hoặc chết.
Bàng hoàng khi đến Mosul, thành phố bị tàn phá
Hy vọng
Ngày nay
Chuyến thăm của Đức Phanxicô là luồng dưỡng khí cho một đất nước vẫn chưa ra khỏi cơn ác mộng đau khổ nhất của họ.
Năm 2003, khi tôi đến đây, đất nước Iraq ở trong tình trạng vô chính phủ hoàn toàn, bị các lực lượng nước ngoài xâm lược nhưng đồng thời lại được giải phóng khỏi nhà độc tài, người trong ba chục năm đã đàn áp đối thủ của mình bằng một chế độ bạo lực, nhưng người dân đã có một hy vọng nào đó. Một số có ảo tưởng trong tưởng tượng, họ có một đất nước đột nhiên bình thường, độc lập, có chủ quyền và hòa bình. Họ tin Hoa Kỳ, kẻ chiếm đóng, sẽ xuất khẩu mô hình dân chủ của mình. Dù đại đa số đã nghi ngờ. “Saddam bóc lột người Iraq, ông vui đùa với tiền của chúng tôi, nhưng bây giờ người Mỹ sẽ bóc lột chúng tôi. Nếu đất nước này chỉ là cát và sa mạc, liệu họ có giải phóng chúng tôi không?” Tôi nhớ một người đã hỏi tôi, ám chỉ Iraq là một trong những quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Một người khác bình luận: “Điều quan trọng là giải phóng khỏi Saddam, ông thù ghét người shi’a. Nhưng bây giờ không có an ninh và chúng tôi không muốn người Mỹ”.
Gần 20 năm trôi qua và dù có nhiều tiến bộ, Iraq vẫn bị ngăn chận do chia rẽ giữa đa số người shi’a và thiểu số người sunni, giữa các nhóm dân tộc Ả Rập và người Kurd và các giáo phái khác, và theo một cách nào đó, họ vẫn còn bị các thế lực nước ngoài xâm lược.
Nhưng chuyến thăm lịch sử của Đức Giáo hoàng là luồng dưỡng khí mới, đánh dấu trước và sau, như người phụ nữ đang phát cành ô liu cho những người tham dự buổi lễ cảm động ở Mosul nói với tôi. Ở đó, cũng như trong các sự kiện khác, tín hữu kitô, tín hữu hồi giáo cùng một niềm vui, họ ở bên cạnh nhau. Dù không ai tin rằng đầu hôm sớm mai mọi chuyện sẽ thay đổi, vì phải cần thời gian, nhưng lời của Đức Phanxicô ở giữa thùng thuốc súng là lời nói của hy vọng, của tình huynh đệ, đặc biệt là hòa bình nhất là từ địa ngục sau thời của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Tự xưng chiếm đóng. Một thông điệp khích lệ cho một cộng đồng mạnh mẽ, tự hào chỉ trong ba ngày, nhờ Đức Phanxicô, đã một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của thế giới, với niềm tin một tương lai tốt đẹp hơn có thể xảy ra.
Đức Phanxicô đã thành công khi để lại một thông điệp hy vọng ở Iraq.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm:Niềm hy vọng của Iraq trên nụ cười của một em bé