Doris Wagner: “Lạm dụng tình dục và lạm dụng thiêng liêng luôn đi chung”

236

Doris Wagner: “Lạm dụng tình dục và lạm dụng thiêng liêng luôn đi chung”

cath.ch, Maurice Page, 2019-11-19

Bà Doris Wagner thần học gia người Đức, triết gia, cựu nữ tu, tác giả nhiều sách, chính bà cũng là nạn nhân của lạm dụng tình dục. Bà có chân trong cộng đoàn Das Werk của các nạn nhân.

Cựu nữ tu Doris Wagner cho biết: “Lạm dụng tình dục trong trong khuôn khổ tôn giáo luôn tay trong tay với lạm dụng thiêng liêng.” Ngày 18 tháng 11-2019 bà được mời tham dự hội thảo của các ủy ban các giáo phận Thụy Sĩ gồm các chuyên gia về các vấn đề lạm dụng tình dục trong bối cảnh giáo hội.

Bà Doris Wagner giải thích, “lạm dụng thiêng liêng là vi phạm quyền tự quyết định.” Mọi người đều có quyền quyết định đời sống tinh thần riêng cho mình. Ngoài ra, họ phải tự quyết định “mình phải làm gì với đời sống của mình, nếu, cái gì, khi nào, cách cầu nguyện, tôn giáo nào nên theo, giữ đạo như thế nào.”

Mọi người cũng phải tự quyết định mình muốn đời sống riêng của mình như thế nào và mình theo gương mẫu nào. Không ai có quyền buộc chúng ta phải làm gì với đời sống thiêng liêng của mình. Dù áp lực có tinh tế như thế nào.

Ba cấp độ lạm dụng thiêng liêng

Bà Doris Wagner đưa ra ba hình thức chính của lạm dụng thiêng liêng, bước này kế tiếp bước kia. Mới đầu là bỏ bê thiêng liêng. Bà kể chuyện một phụ nữ bị sẩy thai ở tuần thứ tám, cô xin một nhân viên mục vụ làm một nghi thức. Người này từ chối cho rằng mất con là chuyện không đáng kể.

Và sự lèo lái thường có bước tiếp theo. Nó xảy ra khi có người muốn bằng mọi giá người khác gia nhập vào phong trào của mình. Để đạt mục đích, họ nịnh bợ, nói dối, thúc đẩy và tạo áp lực.

Bước thứ ba là bạo lực. Theo bà Doris Wagner, đây là trường hợp khi có một người ý thức, họ không muốn một linh đạo nào đó nhưng họ không đủ sức bảo vệ. Chẳng hạn các nữ tu không thể rời cộng đoàn vì lý do tài chánh. 

Không ai ép người khác phải xưng tội với mình

Để đảm bảo quyền tự quyết định về mặt thiêng liêng, Giáo hội phải thay đổi căn bản, tác giả đã giải thích với báo Công giáo Thụy Sĩ bên lề cuộc họp.

“Ở một số nơi, đã có thể định hình cuộc sống thiêng liêng một cách độc lập, nhưng tôi sợ đây là chuyện ngoại lệ.” Có hai lô-gích cùng tồn tại trong Giáo hội: một mặt quyền tự quyết định đã có trong Tin Mừng. Nó cũng phải phản ánh qua giáo luật. Chẳng hạn, không có một bắt buộc nào phải xưng tội và không ai ép buộc người khác phải xưng tội với họ.

Mặt khác, lô-gích độc đoán cho rằng không có quyền tự quyết định. Theo lô-gích này, không có cách nào được phép qua mặt cha xứ. Nếu cha xứ làm tốt công việc và quan tâm đến giáo dân thì mọi thứ đều ổn. Nếu không, mọi người sẽ xuống tinh thần và không có khả năng để có một đời sống thiêng liêng riêng cho mình, tự mình quyết định trừ khi họ đổi giáo xứ. Chừng nào cấu trúc này vẫn còn thì luôn có câu hỏi, liệu họ có được tự do quyết định hay không.

Lạm dụng thiêng liêng có thể có khắp nơi

Theo bà Doris Wagner, lạm dụng thiêng liêng có thể có khắp nơi. Nhưng trong các cộng đoàn tôn giáo, lạm dụng thiêng liêng đã thật sự thành cái bẫy, vì cả một đời của đương sự trôi qua ở đó. Trong các cộng đoàn, việc thao túng thường được làm một cách có ý thức, mọi người bị cô lập và bị phụ thuộc trong đó. Rất khó để thoát ra. Mặt khác, nếu có một cộng đoàn nào được cho là không tương ứng với ai đó, thì hậu quả của nó còn nghiêm trọng hơn nhiều.

Đối với bà Doris Wagner, lạm dụng thiêng liêng không phải là vấn đề đặc biệt riêng của Giáo hội công giáo. Nó ở khắp nơi, ngay cả ngoài các cộng đoàn thiêng liêng. Đa số những người có một ý nghĩa cho đời của mình, họ có các nghi thức và các gương mẫu của họ. Ở đâu các gương mẫu này bị thao túng để làm cho mọi người ít tự do hơn, thì ở đó có lạm dụng.

Sức mạnh của giáo sĩ

Mặt khác, đây là vấn đề đặc biệt của đạo công giáo trong chừng mực đời sống thiêng liêng gắn kết chặt chẽ với giáo sĩ và với việc ban phép bí tích. Chỉ có giáo sĩ mới có thẩm quyền. Quyền lực của họ khó mà kiểm soát. Ít minh bạch và được tổ chức từ trên cao xuống. Do đó giáo dân dễ dàng phụ thuộc vào giáo sĩ. Các linh mục ban bí tích dễ dàng trở thành người đi lạm dụng.

Bà Doris Wagner kết luận, quan trọng là quyền tự quyết định về đời sống thiêng liêng phải được công nhận như một chuẩn mực căn bản. Đây không phải là trường hợp hiện nay. Lạm dụng thiêng liêng phải dừng lại. Bất cứ nơi nào đã có sự cố, chẳng hạn như lạm dụng tình dục, các kẻ đi lạm dụng phải được xem như người có trách nhiệm.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Trong Giáo hội, lạm dụng luôn là lạm dụng thiêng liêng

“Các lạm dụng tình dục thường phát sinh từ một quan hệ khởi đầu là thiêng liêng”

Bác sĩ Isabelle Chartier-Siben săn sóc các nạn nhân bị lạm dụng thiêng liêng