Linh đạo và Mầu nhiệm Phục Sinh (8/8)
Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser
5 Ghi chú về việc để tang và buông bỏ
Hãy để cho quá khứ ban ơn phúc
Bắt chước lời các tiên tri Do Thái, cha Henri Nouwen đã bắt đầu một trong những bài viết như sau:
“Dân tộc tôi ơi, hãy khóc, hãy để tang. Hãy để cho nỗi đau đớn dâng trào trong cõi lòng bạn, hãy bật khóc và hét lên. Khóc cho sự thinh lặng giữa bạn và vợ. Khóc vì bạn không còn ngây thơ. Khóc vì thiếu vòng tay ôm ấp, tình bạn chân tình, hòa hợp thân xác để sinh con cái. Khóc vì bị lạm dụng thân xác, trí óc, tâm hồn. Khóc cho sự chua xót của con cái, sự dửng dưng của bạn bè, sự khô khan của đồng nghiệp… Khóc cho tự do, cho cứu độ, cho cứu chuộc. Khóc thật to và sâu lắng, tin rằng những giọt lệ sẽ làm cho mình thấy Nước Chúa sắp đến gần, đúng, rất gần”.
Những lời này đúng là những lời tiên tri vì có lẽ thách thức lớn lao nhất về tinh thần và tâm lý khi chúng ta bước vào tuổi trung niên là phải để tang cho những mất mát và cái chết. Nếu bây giờ chúng ta không khóc cho những nỗi đau của mình, bất công cuộc đời, những giấc mơ tan vỡ, giấc mộng không thành, và cuộc đời mà ta có nay đã qua đi, thì chúng ta sẽ sống trong mơ tưởng vô bổ hay trong sự cay đắng khôn nguôi.
Về mặt thiêng liêng, chúng ta có câu chuyện minh họa người anh cả trong dụ ngôn người cha nhân hậu. Với lòng cay đắng và miễn cưỡng, anh không muốn dự buổi tiệc mừng người em trở về, nói lên chuyện anh vẫn bám vào nỗi đau riêng, hoang tưởng riêng của mình, cho đời là bất công. Anh sống trong nhà cha nhưng lại không đón nhận tinh thần của nhà ấy. Kết cục, anh cay đắng, cảm thấy như bị lừa và sống không vui.
Nhà tâm lý Thụy sĩ Alice Miller, trong quyển sách nổi tiếng của bà “Thảm kịch của một đứa bé có thiên khiếu” đã phân tích rất hay về mặt tâm lý của quan điểm này. Luận đề của bà, có quan điểm chung với quan điểm chúng ta như sau:
Hầu hết chúng ta là “những đứa trẻ có thiên khiếu.” Đối với Alice Miller, điều này không có nghĩa nhất thiết chúng ta có trí thông minh xuất chúng hay thông minh đặc biệt theo nghĩa tài năng, nhưng chúng ta có khả năng nhạy bén xuất chúng và được chuẩn bị cách đặc biệt để đạt được ước mơ trong cuộc đời và những thứ khác chung quanh chúng ta. Chúng ta sớm nhận ra cuộc đời không công bằng, chúng ta không được yêu, không được xem trọng như mong đợi, và những giấc mơ của chúng ta có thể không bao giờ được thỏa mãn. Khi còn trẻ, nghị lực sung mãn và tương lai phía trước dường như vô tận đã bù đắp điều đó và nói chung, chúng ta tránh được con quỷ của giận dữ và sự cay đắng. Tuy nhiên điều này thay đổi ở tuổi trung niên. Ở giai đoạn này, sự nhạy cảm và năng khiếu giúp chúng ta ý thức, rất ý thức rằng cuộc sống đã đánh lừa và bất công với chúng ta, ở nhiều khía cạnh, chúng ta bị lạm dụng, rằng chúng ta quá giàu và tất cả giàu có này thực sự không có chỗ để đi.
Về điểm này, theo Alice Miller, nhiệm vụ của chúng ta là phải để tang nó. Bà nói, chúng ta phải khóc thật lớn cho đến tận nền tảng cuộc sống chúng ta (cả những cay đắng của chúng ta). Chúng ta không có lựa chọn, vì quả thực, đời bất công đối với tất cả chúng ta. Chúng ta bị lừa, thường xuyên bị thất bại, không bao giờ được đánh giá đúng, được yêu cho đúng. Những gì chúng ta mơ trong cuộc đời không bao giờ được. Vì thế chúng ta có lựa chọn: Sống quãng đời còn lại trong giận dữ, cố gắng tự vệ chống những gì đã xảy ra với chúng ta, cái chết, bất công, hoặc chúng ta để tang cho những mất mát, lạm dụng, cái chết, và qua đó cuối cùng chúng ta có được niềm vui và lạc thú mà chúng ta có thể có được.
Alice Miller nói theo ngôn ngữ tâm lý, nhưng sự lựa chọn đúng là lựa chọn phục sinh.
Chúng ta đối diện với nhiều cái chết trong cuộc sống và lựa chọn là lựa chọn của chúng ta để biết những cái chết này là những cái chết chấm dứt (đời sống và tinh thần tiêu tan) hay là những cái chết được phục sinh (mở ra cho chúng ta một đời sống mới và thần khí mới). Để tang là chìa khóa cho việc này.
Tuy nhiên, việc để tang tốt đẹp này không chỉ là để cái cũ ra đi nhưng còn là để nó chúc lành cho chúng ta. Điều đó có nghĩa gì? Làm thế nào để được cái cũ ban phúc cho ta, đặc biệt nếu đó là một kinh nghiệm đau thương hay bị lợi dụng?
Một ví dụ về bản thân tôi: Gốc gác của tôi khá khiêm tốn. Khi còn bé, tôi lớn lên ở một nông trại bên ngoài khu xóm nhỏ âm u trên vùng thảo nguyên rộng lớn của Canađa. Nhà tôi, cũng như các nhà chung quanh khác đều nghèo, gia đình tôi cũng như các gia đình khác cố gắng học nói tiếng Anh và hầu hết chúng tôi đều nói với giọng của người ngoại quốc. Chúng tôi sống trong những căn nhà không có nước máy và đôi khi còn không có điện. Nhưng hầu hết những người này – phần đông là người Đông Âu chạy trốn chiến tranh – là những người có tác phong công nghiệp cao, họ gặp khó khăn khi tái định cư. Nhưng chỉ trong vòng một thế hệ, nông trại của họ rất trù phú, con cái được đi học, hết nói tiếng Anh theo giọng ngoại quốc. Đa số các bạn cùng lớp với tôi và những bạn thuở nhỏ của tôi đều có công việc rất tốt, sống ở những thành phố lớn và khá giàu có. Tuy nhiên họ bị chia rẽ sâu sắc về gốc gác của mình.
Một nửa trong số họ có sự cách biệt giữa nhau và nguồn gốc khiêm tốn của họ, họ không để cho quá khứ chúc phúc họ. Họ thay đổi tên (Muckenheimmer thành Muse và Jabonokoski thành Jones) và nói về nơi và cách mình lớn lên với giọng điệu khinh khi. “Tôi lớn lên trong góc xó đó.” Họ không bao giờ dắt con cái về lại nông trại cũ hay về ngôi nhà xưa, nơi họ lớn lên và sống những năm đầu đời tại đó, họ xấu hổ và bỏ lại đằng sau lưng.
Một nửa còn lại – có cùng khoảng cách địa lý, kinh tế và xã hội giữa họ và những người cùng nguồn gốc – thì hoàn toàn ngược lại. Họ tự hào về dòng dõi mình, tự hào về cái tên châu Âu dài, khó đánh vần, tự hào về việc họ đã sống trong những căn nhà không có nước máy. Họ về thăm quê thường xuyên, tự hào khi dắt con thăm nơi họ đã lớn lên và những điều mà gốc gác họ mang lại. Làm như vậy, họ để nguồn cội chúc phúc cho họ và tiếp tục kín múc từ nguồn suối dồi dào đó. Điều có vẻ mỉa mai là chính những người tự hào về nguồn cội này lại sống thanh thản hơn so với những người chỉ sống trong xấu hổ nào đó về nguồn cội của mình.
Thật cần thiết khi để cho nguồn cội chúc phúc cho chúng ta. Điều này đúng không chỉ khi nguồn cội đó tốt nhưng cũng đúng khi nó không được tốt hay bị lạm dụng. Một trong những điều khẩn thiết phải làm của con người, bẩm sinh từ trong bản chất, là phải sống hòa thuận với gia đình, dù cha mẹ có xấu đến đâu, một ngày nào đó mình phải nhận ra điều cha mẹ đã cho, tha thứ cho điều mà cha mẹ đã gây ra, và đón nhận thần khí trong đời mình vì cha mẹ mình. Sống hòa thuận với gia đình phụ thuộc vào việc để tang và buông bỏ để tinh thần thăng thiên và hiện xuống được xảy đến.
Từ chối níu kéo …
Trong Kinh Thánh có hai hình ảnh về thăng thiên. Biến cố thăng thiên được mô tả gợi hình theo Tin Mừng thánh Mát-thê-ô, Mác-cô và Lu-ca. Chúa Giêsu chúc phúc cho các môn đệ rồi lên trời. Như thế, xác phàm của Người được hiểu là được đem ra khỏi thế gian. Tin Mừng thánh Gio-an cũng có quan điểm thần học đó, nhưng diễn tả dưới hình ảnh khác. Vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh, Maria Mađalêna gặp Chúa Giêsu sống lại. Mới đầu bà không biết Người là ai và tưởng đó là người làm vườn, nhưng khi nhận ra Người, bà cố giữ Người lại. Về phần mình, Chúa Giêsu nói với bà: “Maria, đừng giữ Thầy lại!”
Do đâu mà Chúa Giêsu không muốn Maria chạm vào mình?
Nếu chúng ta không tìm thấy lời giải thích trong Tin Mừng, thì tôi nghĩ Maria Mađalêna sẽ giải thích như sau:
Con không bao giờ nghi ngờ về sự sống lại và phải đau khổ để khóc như vậy
Rồi con vui mừng gặp Thầy, sống động và mỉm cười bên ngôi mộ trống.
Con tiếc nuối không phải vì con mất Thầy nhưng vì con mất Thầy theo cách trước đây con có thể hiểu được, chạm được, hôn được, níu được, không phải là Thiên Chúa, nhưng là người bằng xương bằng thịt.
Con muốn níu kéo, dù Thầy can ngăn. Níu thể xác Thầy, níu vào thân phận con người của Thầy và của con, níu với những gì Thầy và con đã có, quá khứ của Thầy và con. Nhưng con biết… nếu con níu Thầy, Thầy sẽ không lên trời, và con sẽ cứ níu kéo mãi chính thân xác xưa kia của Thầy… không thể đón nhận thần khí hiện tại của Thầy.
Nguyễn Kim Long dịch
Xin đọc thêm: Linh đạo và Mầu nhiệm Phục Sinh (1/8)
Linh đạo và Mầu nhiệm Phục Sinh (2/8)
Linh đạo và Mầu nhiệm Phục Sinh (3/8)
Linh đạo và Mầu nhiệm Phục Sinh (4/8)
Linh đạo và Mầu nhiệm Phục Sinh (5/8)
Linh đạo và Mầu nhiệm Phục Sinh (6/8)
Linh đạo và Mầu nhiệm Phục Sinh (7/8)