Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit, Tổng Giám mục giáo phận Paris, Pháp
paris.catholique.fr, 2020-01-03
Phỏng vấn của nhà báo Antoine Pasquier cho trang Gia đình công giáo
Vì sao ngày nay Giáo hội công giáo nhạy cảm hơn với các đặc sủng và đặc biệt với ơn chữa lành?
Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit. Giáo hội sống trong thế giới và không thể không nhạy cảm với nhu cầu của con người. Sự tan vỡ của các gia đình, tình trạng cô đơn, sự xa lánh Thiên Chúa làm cho xã hội chúng ta rơi vào đau khổ hiện sinh sâu đậm. Giáo hội “chạnh lòng thương đám đông” theo hình ảnh của Chúa. Phong trào “canh tân đặc sủng” giúp chúng ta tìm lại kho báu bị bỏ quên, kho báu này thuộc về toàn thể Giáo hội và mỗi người chúng ta phải thực hiện theo ân sủng của mình và theo sứ mệnh của mình.
Đâu là các nguyên tắc của mục vụ công giáo chữa lành?
Trước hết là khơi dậy nơi những người đã được rửa tội ý thức họ đã nhận được Sức mạnh của Thần Khí để họ có thể thực thi sứ mạng cầu bàu, giải thoát và chữa lành. Sứ mạng này phải được sống trong sự hiệp nhất của Giáo hội, dưới trách nhiệm của các mục tử và trong sự hiệp thông với các anh em khác, để tránh một nhân cách rơi vào ảo tưởng của một sức mạnh tâm linh tách ra khỏi tinh thần phục vụ. Chỉ có Chúa là người duy nhất chữa lành. Đó là vì sao tôi muốn đặt Bí tích Thánh Thể vào trọng tâm lời cầu nguyện xin chữa lành và quỳ xuống trước Ngài. Tôi cũng muốn nói thêm, thận trọng là đức tính cần thiết và trong bất cứ trường hợp nào cũng không được ngưng ngay các chữa trị y khoa hoặc bất kỳ sự theo dõi tâm lý nào sau khi cầu nguyện xin chữa lành. Mọi ân sủng nhận được phải được kiểm chứng theo thời gian.
Chúng ta có nên phản đối sự táo bạo của các giáo dân và của các phong trào đặc sủng đối với thẩm quyền giám mục không? Ở điểm nào đặc sủng và thể chế bổ túc cho nhau?
Tôi nghĩ đến hành vi ngôn sứ của Thánh Phanxicô khi ngài trút bỏ y phục trước mặt thân phụ ngài, trong sự từ bỏ tận căn tinh thần thế gian và Đức Giám mục Guido, giáo phận Assisi đã mặc áo khoác của mình cho ngài. Con người “đặc sủng” này đã mở lòng ra với tác động của Thần Khí một cách phi thường, đã luôn ý thức không có tình yêu của thứ trật Giáo hội như Chúa đã muốn khi chọn các thánh tông đồ thì mình không là gì, chỉ là phèng la chũm chọe như Thánh Phaolô đã viết trong thư gởi tín hữu Côrintô (1 Co 13, 1). Sứ mạng mà Thánh Phanxicô nghe là: “Hãy xây lại Nhà của Ta đang bị hủy hoại” có nghĩa là không tách rời, nhưng trước hết là cải cách bằng chính sự trở lại cá nhân của mình.
Chắc chắn Giáo hội đầy cả những người tội lỗi và các mục tử thiếu sót. Đó là lý do vì sao tất cả chúng ta cần bác sĩ. Tuy nhiên Giáo hội là Giáo hội thánh qua Lời Chúa mà Giáo hội truyền tải và qua các bí tích mà Giáo hội sống. Chỉ có các thánh là hoàn toàn xứng đáng với Giáo hội, và họ luôn biết giữ sự hiệp nhất trong Đức tin và sự vâng phục đối với các mục tử hợp pháp của họ. Giáo hội gìn giữ chúng ta để chúng ta không bị kiêu ngạo tự cho mình có thể hành động một mình. Giáo hội gìn giữ chúng ta khỏi sự quyến rũ không lành mạnh của các “gu-ru” cô lập trong các cộng đoàn hôm nay sùng bái, ngày mai vứt bỏ họ… Chúng ta được sinh ra từ một nguồn nước rửa tội, chúng ta hiệp thông cùng một Nhiệm Thể và chúng ta phải trả lẽ đời sống của mình trước sự phán xét của Chúa. “Vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời” (Mt 23, 9).
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Thích điều này:
Thích Đang tải...