Đức Kitô Là Nền Tảng Cho Linh Đạo Kitô Giáo (1/2)

786

Đức Kitô Là Nền Tảng Cho Linh Đạo Kitô Giáo (1/2)

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser

Bây giờ Đức Kitô không có thân thể nhưng bạn có,

không có tay nhưng bạn có,

không có chân nhưng bạn có.

Qua đôi mắt của bạn mà lòng trắc ẩn của Đức Kitô đến với thế gian.

Qua đôi chân của bạn mà Ngài ra đi làm phúc khắp nơi.

Nhờ đôi tay của bạn mà bây giờ Ngài chúc lành cho chúng ta. 

Trọng Tâm của Đức Kitô

Chúng ta phân mốc thời gian theo ngày sinh của Đức Giêsu. Tất cả các niên đại đều kèm theo tiếp tố B.C. hay A.D., để cho biết sự kiện đó diễn trước hay sau khi Đức Giêsu sinh ra. Cả thế giới làm điều này. Có những lý do thuần túy ngoài tôn giáo giải thích vì sao lại viết như vậy. Tuy nhiên, sự kiện cả thế giới ghi nhận mốc thời gian liên hệ đến ngày sinh của Đức Giêsu cho thấy có cái gì đó về sự kiện quan trọng này.

Đối với chúng ta, là Kitô hữu, hiển nhiên thời gian phải được định mốc theo ngày sinh của Đức Giêsu. Với chúng ta, Ngài là trọng tâm của mọi sự: ý nghĩa của chúng ta, hy vọng của chúng ta, sự hiểu biết về bản thân chúng ta, đời sống Giáo hội, các nhà thần học và các linh đạo của chúng ta. Ngài còn là người hướng dẫn cho cương vị môn đồ của chúng ta.

Như chúng ta thấy, linh đạo như nguồn năng lực sáng tạo bừng bừng tuôn trào trong con người chúng ta. Vì thế một linh đạo tốt đòi hỏi một loại môn đồ nào đó. Môn đồ là người chịu một sự rèn luyện. Đức Giêsu đặt ra một cách rèn luyện có tính cách sáng tạo để định hướng năng lực chúng ta. Nhưng Ngài đã làm hơn điều này nữa và chính Ngài còn hơn cả điều này nữa.

Đức Giêsu Kitô là ai? Nếu hôm nay Đức Giêsu còn sống và hỏi từng người chúng ta câu Ngài đã hỏi Phêrô, “Con nói Thầy là ai?”, tôi chắc chắn Ngài sẽ có rất nhiều câu trả lời khác nhau. Thực sự đối với chúng ta Đức Giêsu là ai? Một con người có thật trong lịch sử, một Thần-nhân (dù thế, nó có nghĩa gì đi nữa!), một giáo sư vĩ đại giảng dạy luân lý, một nền triết học, một Giáo hội, một tín điều, một nhân vật mộ đạo, một người mê tín, một siêu huyền thoại Santa, một vị thần hộ mạng? Đối với chúng ta, Đức Giêsu thật sự là ai?

Là Kitô hữu, hầu hết chúng ta có một điều chung này về Đức Giêsu. Chúng ta kính phục Ngài. Như triết gia Soren Kierkegaard từng chỉ ra, tuy nhiên, điều này không đủ. Điều Đức Giêsu muốn nơi chúng ta không phải là lòng kính phục, nhưng là noi theo. Kính phục những nhân vật can đảm và đạo đức lớn lao thì dễ hơn làm theo những gì họ làm. Chỉ khâm phục thôi thì yếu quá. Noi gương mới là quan trọng hơn, thậm chí, nếu chúng ta còn vượt xa hơn những gì Đức Giêsu đã làm. Ngài còn hơn là một mẫu gương để noi theo. Điều mà Đức Giêsu muốn không phải là lòng kính phục, cũng không phải là đơn thuần bắt chước (cách nào đi nữa thì chẳng ai noi theo Đức Giêsu hoàn toàn được!). Điều mà Đức Giêsu muốn, là qua sự hiện diện của Ngài, chúng ta đi vào cộng đoàn của sự sống và cùng cử hành với Ngài. Như John Shea nói, Đức Giêsu không phải là bộ luật để chúng ta tuân theo hay mẫu gương để bắt chước, nhưng là sự hiện diện để chúng ta hiểu thấu và hành động theo. Chính xác điều đó nghĩa là gì? Nhiệm vụ của chương này và chương kế tiếp sẽ cố gắng trả lời câu hỏi này.

Trọng tâm bất cứ linh đạo Kitô nào đều phải đi qua Đức Giêsu. Trong linh đạo Kitô giáo, trước khi chúng ta nói về bất cứ điều gì (Giáo hội, tín điều, giới răn, ngay cả những lời khuyên bảo về bác ái và công bình), chúng ta phải nói về Đức Giêsu, nhân vị và năng lực củng cố mọi điều khác; cuối cùng, mọi điều khác chỉ là một nhánh. Đức Giêsu là cây nho, huyết mạch, xung năng, và trái tim.

Nhưng làm sao hiểu Đức Giêsu? Trong ba mươi năm qua, đã có năm trăm cuốn sách thần học nghiêm túc viết về Đức Giêsu. Mục đích ở đây không phải là cố gắng tóm tắt những cuốn này, nhưng đặt Đức Giêsu và cương vị môn đồ mà Ngài đòi hỏi chúng ta vào trong bối cảnh mầu nhiệm trọng tâm của Kitô giáo, nhập thể, mầu nhiệm Ngôi Lời trở nên người phàm.

Đức Giêsu, và cương vị môn đồ Ngài đòi hỏi nơi chúng ta, có thể được hiểu rõ ràng nhất qua một câu duy nhất: Ngôi Lời đã trở nên người phàm và ở giữa chúng ta.

Ý Niệm Nhập Thể – “Ngôi Lời Trở Nên Người Phàm.”

Mầu nhiệm trọng tâm của tất cả mầu nhiệm Kitô giáo, củng cố mọi điều khác, là mầu nhiệm nhập thể. Đáng tiếc, đó cũng là mầu nhiệm vốn bị hiểu sai nhiều nhất, hay đúng hơn, nói trong một câu, được hiểu không đầy đủ. Nó không đến mức chúng ta hiểu sai ý nghĩa nhập thể, nó còn đến mức chúng ta chỉ hiểu một mút nhỏ nhất của một tảng băng lớn. Chúng ta không hiểu ý nghĩa của nó vì chúng ta không thấy cái mênh mông của nó.

Nói chung, chúng ta nghĩ nhập thể theo cách này: Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ và mọi thứ trong đó, kết thúc bằng việc tạo dựng con người. Nhưng con người sớm phạm tội (tội nguyên tổ) và không còn khả năng cứu chính mình. Tuy nhiên, Thiên Chúa, trong lòngï thiện hảo và nhân từ của Ngài, đã quyết định cứu con người, bất chấp tội lỗi của nó. Vì vậy, Thiên Chúa đã chuẩn bị một dân tộc bằng việc kêu gọi các tổ phụ và các tiên tri. Qua họ, Thiên Chúa dần dần chuẩn bị sẵn một dân tộc (theo Kinh Thánh Do Thái). Cuối cùng, khi đến thời đã định, Thiên Chúa sai chính con của Ngài, Đức Giêsu, Đấng sinh ra ở Pa-lét-tin cách đây gần hai ngàn năm. Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng cũng là một con người trọn vẹn. Ngài có hai bản tính: nhân tính và thiên tính. Đức Giêsu sống ở thế gian này ba mươi ba năm. Ngài mặc khải bản tính Thiên Chúa, dạy những chân lý cao cả, chữa lành cho dân, làm những dấu lạ, nhưng cuối cùng bị tố gian, bị bắt, chịu khổ hình, rồi chịu chết. Ba ngày sau Ngài sống lại và, bốn mươi ngày sau đó, đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ của Ngài. Vào cuối thời gian này, lúc đó các môn đệ đã thích ứng với thực tại mới là sự sống lại, Ngài đưa họ lên sườn đồi ngoài thành Giê-ru-sa-lem, chúc lành cho họ, rồi hồn xác lên trời.

Theo ý niệm này, Thiên Chúa ở thế gian, hoàn toàn thể lý, ba mươi ba năm, và rồi trở về trời, ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta, một sự hiện diện thực sự nhưng ít thể lý hơn của Thiên Chúa. Thân xác thể lý của Đức Giêsu, Ngôi Lời trở nên người phàm, đã ở với chúng ta ba mươi ba năm và bây giờ đang ở trên trời.

Đâu là vấn đề trong chuyện này? Nó đúng – trong biểu tượng riêng của nó, qua ngôn ngữ tốt đẹp – và về nhiều thứ: tội của chúng ta, lòng nhân từ của Thiên Chúa, Thiên Chúa đến thế gian một cách thể lý. Nơi nó có vấn đề là nó gây ấn tượng việc nhập thể là một trải nghiệm ba mươi  năm, một cú xâm nhập duy nhất của Thiên Chúa vào lịch sử nhân loại. Theo lối giải thích này, Thiên Chúa đến thế gian một cách thể lý và rồi, sau ba mươi ba năm, trở về nhà. Dùng thì quá khứ cho việc nhập thể, đó là cách hiểu nguy hiểm, không đầy đủ. Nhập thể vẫn đang tiếp diễn và việc này cũng đích thực và có tính cách thể lý triệt để như khi Đức Giêsu Na-da-ret, trong xác phàm, đi trên con đường bui bặm của xứ Pa-lét-tin. Sao điều này có thể như thế được?

Nguyễn Kim Long dịch 

Xin đọc thêm:  Lời nói đầu sách Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô