“Vatican là một trong các Quốc gia ổn định nhất”
cath.ch, Jacques Berset, 2020-01-03
Theo nhà ngoại giao Nga Aleksandr Avdeev, Vatican là một trong các Quốc gia ổn định nhất
Theo ông Aleksandr Avdeev, đại sứ Liên bang Nga tại Tòa Thánh, đứng trước “cơn bão” đang giáng xuống thế giới, tương lai của hành tinh trở nên bất định. Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Ý La Stampa ngày 3 tháng 1 năm 2020, ông cho biết, Vatican là một “trong các quốc gia ổn định” nhất Âu châu.
Thế giới nín thở khi người Mỹ vừa ám sát đại tướng Iran Qassem Soleimani và Abou Mahdi Mohandess, nhân vật số 2 của phong trào Shiit Irak Hachd Chaabi. Iran và các đồng minh của họ hiện đang nghiên cứu các cuộc trả thù mà họ nhất thiết phải khởi động sau các vụ ám sát này do tổng thống Donald Trump quyết định.
Cái bóng của một cuộc xung đột khác – mà tin tức thời sự không thiếu – đã bất ngờ xuất hiện trở lại. Trong thông điệp hòa bình Giáng sinh, Đức Phanxicô đã nhấn mạnh một cách đúng đắn mức độ của các cuộc xung đột, cho dù là kinh tế, chính trị hay thậm chí là sinh thái.
Theo ông Aleksandr Avdeev, nhà quan sát am tường địa chính trị hiện nay thì tương lai của hành tinh trở nên bất định vì “mọi thứ đang ở trong cơn bão.” Lãnh thổ Âu châu cũng không kém: “Brexit, chủ nghĩa dân tộc, xung đột xã hội ở Pháp là những ví dụ.” Ông nhận định: “Chúng ta không biết số phận của Liên hiệp Âu châu sẽ như thế nào, cũng không biết tương lai các quan hệ liên Đại Tây Dương hoặc kinh tế sẽ như thế nào.” Chỉ có một Quốc gia đi ra khỏi được số phận này: đó là Vatican, một trong các nước ổn định nhất của Âu châu.”
Quan tâm chung đối với Syria
Theo đại sứ Aleksandr Avdeev, nhà nước do giáo hoàng cai trị có “cùng tầng sóng” về một số vấn đề với quê hương nước Nga của ông. Tình hình ở Trung Đông, đặc biệt ở Syria là mối “quan tâm chung.” Hai nước cũng đồng ý về sự “cần thiết phải giải quyết xung đột trên cơ sở luật pháp quốc tế.”
Điều răn thứ mười một: Ngươi phải bảo vệ môi trường
Theo nhà ngoại giao Nga, Đức Phanxicô, người đứng đầu cộng đồng tín hữu lớn nhất hành tinh, và như thế thực tế ngài là người lãnh đạo thế giới. Ngài giữ vai trò tiêu biểu trên các vấn đề quốc tế, làm việc cho hòa bình, nhất là đối thoại liên tôn giáo, đối thoại đáng kể với các tín hữu kitô khác. ngài cũng đã thành lập các quan hệ quan trọng với hồi giáo, với người shiit cũng như với người sunnit.
Ngoài ra, theo nhà ngoại giao Nga, Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato si’ (2015) của Đức Phanxicô về việc bảo vệ căn nhà chung là một tài liệu cơ bản của thời buổi chúng ta, vì “nếu môi trường không được bảo vệ ngay từ đầu thì thế giới sẽ bị tàn phá, nhân loại sẽ chết và như thế sẽ chẳng còn ai giữ Mười điều răn và các lời giảng dạy của Tin Mừng.”
Chính vì vậy việc bảo vệ Tạo dựng phải được xem là “điều răn thứ mười một.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch