Đức Phanxicô ở Nhật, một chuyến thăm lịch sử và chiến lược
Đức Phanxicô dâng thánh lễ tại sân vân động bóng chày của Nagasaki, 24-11-2019
courrierinternational.com, Rintaro Hosokawa, 2019-11-23
Ngày 23 tháng 11 Đức Phanxicô đến Nhật. Theo nhật báo kinh tế Nihon Keizai Shimbun, đây là chuyến thăm không phải là không quan trọng. Kể từ ngày Đức Gioan-Phaolô II đến Nhật năm 1981, từ 38 năm nay chưa có giáo hoàng nào đặt chân đến đất nước này. Trong chuyến đi này, Đức Phanxicô sẽ đến thăm hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, hai thành phố bị dội bom nguyên tử, ngài sẽ có bài diễn văn cổ động cho hòa bình ở đây. Ở Tokyo, ngài cũng sẽ gặp các nạn nhân của ba vụ tai ương năm 2011, động đất, sóng thần và tai họa hạch nhân.
Từ khi được bầu chọn năm 2013, Đức Phanxicô đã ngỏ ý muốn đi Nhật. Năm 2014, trong một lần đến Vatican, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã mời Đức Phanxicô đến Nhật. Chương trình đã bị hoãn vì phải thận trọng – Vatican đang cố gắng cải thiện bang giao với Trung quốc – và cũng vì Vatican đang có các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục trong Giáo hội.
Nhưng vào tháng 9 năm 2018, Vatican bắt đầu con đường hòa giải với Trung quốc bằng cách ký một thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục Trung quốc. Rồi phải chờ tân quốc vương lên ngôi để quyết định chuyến tông du Nhật Bản.
Ngày 24 tháng 11, Đức Phanxicô sẽ đến thăm Nagasaki và Hiroshima. Ở Nagasaki, ngài sẽ đọc một bài diễn văn ủng hộ việc giải trừ vũ khí nguyên tử tại Trung tâm Bom Nguyên tử, sau đó ngài sẽ đến thăm Đài tưởng niệm 26 chân phước tử đạo năm 1597, họ bị treo lên thập giá dưới thời bắt đạo của đại tướng quân Hideyoshi Toyotomi. Ở Hiroshima, ngài sẽ có cuộc “gặp gỡ hòa bình” với các nạn nhân sống sót sau vụ dội bom nguyên tử tại Đài tưởng niệm Hòa bình. Ngày 25 tháng 11, ở Tokyo, ngài sẽ có buổi tiếp kiến với Đức vua Naruhito và Thủ tướng Abe, sau đó ngài sẽ gặp các nạn nhân của vụ động đất năm 2011, và ngài sẽ dâng thánh lễ ở Sân vận động chiều hôm đó.
Một giáo hoàng gần với mọi người
Xuất thân từ một gia đình trung lưu ở Buenos Aires, Đức Phanxicô là người gần với mọi người: ngay cả khi là Tổng Giám mục, ngài cũng dùng phương tiện di chuyển công cộng, xe buýt, xe điện ngầm. Tất cả các giáo hoàng đều kêu gọi hòa bình, nhưng lời kêu gọi của ngài đặc biệt làm xúc động. Không phải chỉ vì ngài đến thăm một trại tị nạn ở Palestina, nhưng ngài còn đến thăm các nước Phi châu đang bị nội chiến xâu xé. Chung chung, ngài lắng nghe người nghèo, lắng nghe các nạn nhân của các vụ thiên tai và các vụ xung đột vũ trang.
Đứng trước sự tăng cường vũ khí hạt nhân của các cường quốc như Mỹ và Nga, năm 2014 ngài đã gióng lên tiếng chuông báo động khi ngài tuyên bố “nhân loại không học bài học dội bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki”. Ngài hiểu mọi người quan tâm đến Hiroshima và Nagasaki nên sứ điệp của ngài nói với thế giới từ các thành phố này sẽ được chú ý nhiều hơn.
Chuyến đi Nhật của ngài cũng mang tầm quan trọng chiến lược lớn vì Vatican mong số tín hữu của mình gia tăng trên thế giới. Hiện nay con số này là 1,3 tỷ người nhưng đã có các dấu hiệu có một sự suy giảm do già nua, do các chuyển đổi trong các pháo đài truyền thống của Giáo hội công giáo: châu Âu và Châu Mỹ La Tinh.
Đối với Vatican, Á châu vẫn là vùng người công giáo chiếm thiểu số, như thế Á châu là một vùng đất mênh mông cần phát triển. Không giống như vị tiền nhiệm Bênêđictô XVI, trong triều giáo hoàng của mình, ngài chưa đến thăm lục địa này, Đức Phanxicô đã cho thấy ngài đặt một tầm quan trọng ở Á châu, năm 2014 ngài đi thăm Nam Hàn, năm 2015 ngài đi thăm Phi Luật Tân.
Ảnh hưởng của Vatican trên thế giới
Xuất thân từ Dòng Tên là Dòng muốn đi rao giảng Tin Mừng ở Trung quốc và Nhật từ thế kỷ 16, khi còn trẻ, Đức Phanxicô đã mơ đi truyền giáo ở Nhật. Trong một bài diễn văn đọc ở Vatican, ngài đã vinh danh các “tín hữu kitô ẩn giấu”, họ vẫn trung thành với đạo dù đạo công giáo bị cấm ở Nhật từ những năm 1614 đến năm 1873, ngài tuyên bố: “Họ vẫn tiếp tục giữ đạo và cầu nguyện, kinh nghiệm của họ cho chúng ta một bài học”.
Ngày nay con số người công giáo ở Nhật là 440 000 và con số này tiếp tục giảm, chuyến tông du của Đức Phanxicô sẽ có thể giúp việc truyền bá đức tin cho quần đảo này.
Với nước Nhật cũng vậy, chuyến đi này là dịp duy nhất. Vatican là nước nhỏ nhất thế giới nhưng ảnh hưởng của Vatican trên chính trường quốc tế rất lớn. Năm 2015, Đức Giáo hoàng đã là trung gian hòa giải cho việc tái lập bang giao giữa Mỹ và Cuba. Rồi tháng 2 vừa qua, Tổng thống Venezuela, Nicolás Maduro đã viết cho ngài một bức thư xin ngài tái lập đối thoại với các người chống đối chế độ.
Ngoài ra Vatican còn bổ nhiệm các giám mục trên toàn thế giới và mạng lưới các nhà thờ công giáo trải rộng trên hành tinh. Số lượng thông tin của Vatican rất quan trọng, ngay cả các cường quốc cũng phải nễ. Ông Yoshihide Suga, tổng thư ký nội các nói: “Chính quyền Nhật hy vọng chuyến đi của Đức Phanxicô sẽ là cơ hội tăng cường quan hệ của Nhật với Vatican hơn nữa”. Chắc chắn nước Nhật sẽ có lợi thế hơn trong việc hợp tác với Vatican.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: Đức Giáo hoàng đến thăm Nhật Bản, một đất nước không để kitô giáo nhập vào
Giáo hội Nhật Bản: Lời của hồng y Hollerich, cựu nhà truyền giáo ở Nhật
Đức Phanxicô tại Trung tâm Bom nguyên tử ngày 24 tháng 11-2019
Đức Phanxicô đến đồi Nishizaka để vinh danh các thánh tử đạo trong đó có Chủng sinh Paul Miki Dòng Tên Nhật và 25 đồng hữu tử đạo ngày 5 tháng 2 năm 1597. Ngài kêu gọi mọi người có “niềm vui trong sứ mạng.”
“Tôi đến đây như người hành hương hòa bình, thương xót cho tất cả các người đã chết và bị thương trong ngày khủng khiếp này của lịch sử nhân loại trên quả đất này. Tôi cầu nguyện xin Chúa là Chúa của sự sống hoán cải các tâm hồn về với hòa bình, hòa giải và tình anh em.” Đức Phanxicô tại Hiroshima 24 tháng 11-2019