Những người bị bỏ quên ở Amazon
lavie.fr, Laurence Desjoyaux, Guyane, 2019-09-25
Từ ngày 6 đến 27 tháng 10 Thượng hội đồng Amazon sẽ tiến hành ở Rôma, đây là vùng tập trung nhiều vấn đề về môi sinh, giáo hội và nhân bản rất lớn. Các phóng viên của báo La Vie đến vùng Haut-Maroni, Guyane bên cạnh thổ dân Wayana, họ cố gắng giữ văn hóa của mình để không bị mai một.
Và bỗng nhiên không còn gì ngăn cách bầu trời và dòng sông. Vào cuối mùa mưa, một trận mưa như trút nước trên chiếc xuồng đi lên Maroni. Trong khi hành khách vội vã mở các chiếc dù to lớn ra thì người chèo xuồng bám chặt tay vào thanh lái, “phóng” xuồng vượt lên dòng nước mạnh nơi có các tảng đá nhô ra. Nước mưa quất vào mặt làm anh không thấy đường nhưng anh biết khi nào cần nâng động cơ lên khi đến gần bãi cạn và khi nào nên đi về phía bờ để được sâu hơn, cũng hơi trái khoáy. Một vài phút sau, mặt trời ló dạng, cảnh vật lấy lại màu sắc, các con chim én màu xanh bay lượn trên mặt nước. Trên bờ sông, rừng già Amazon nhô lên, rậm rạp như một bức tường thực vật.
Đó chỉ mới là bức màn mà người hướng dẫn hé cho chúng tôi thấy một chút bên trái. Anh đi về vũng nước để cập bến Ipokan Ëutë, một ngôi làng nơi sinh sống của một số ít gia đình người thổ dân xuất thân từ các cư dân đầu tiên của nước Mỹ, ngay cả trước thời thuộc địa châu Âu. Chúng tôi đang ở miền tây Guyane, sát biên giới với Suriname. Đây là một gốc của nước Pháp mà không có một con đường nào đi tới, cách Paris 7 300 cây số. Đi dọc khúc quanh dòng sông là một chuỗi các ngôi làng có vài trăm thổ dân Wayana, một trong các sáu bộ tộc ở Guyane.
Trong rừng là cả một sự hỗn loạn
Ở Ipokan Ëutë không có điện, chỉ có một máy phát điện mỗi tối chạy vài giờ để sạt điện thoại và để có một chút ánh sáng trong màn đêm mù mịt. Cũng không có nước. Người bản địa tắm, giặt, rửa chén ở dòng sông. Còn nước uống thì phải đi xuồng đến Antécume Pata, một ngôi làng lớn trên một hòn đảo cách đó không xa. Câu cá và săn bắn (ít hơn) vẫn là một nguồn cung cấp lương thực, người dân trồng khoai mì ở các khu rừng bị chặt, đây là nơi rừng bị cháy, họ trồng trước khi bị bỏ hoang lại thêm một lần nữa. Bề ngoài thì người dân sống theo nhịp sống của rừng như từ bao nhiêu đời nay. Tuy nhiên khi câu chuyện tiếp tục trong lán, nơi dùng nấu cơm và phòng ăn thì nổi bất bình của họ dâng lên. Ông Aïku Alemine, người sáng lập ngôi làng tóm tắt sự thay đổi trong cuộc sống của người dân: “Chúng tôi không biết mình sẽ đi về đâu”, một thay đổi vượt quá lối sống quen thuộc của họ.
Mối đe dọa được nêu ra đầu tiên là mối đe dọa thấy rõ nhất. Ông Aïku thở dài: “Người Ba Tây đang phá hủy tất cả. ‘Người Ba Tây’ là các công nhân chui đến tìm vận may trong các mỏ vàng bất hợp pháp. Ông rất khó chịu: “Có đủ mọi thứ chung quanh chúng tôi và chúng tôi không làm gì được.” Nhìn từ máy bay, rừng Amazon giống như một bông cải brôcôli khổng lồ rải rác điểm các lỗ màu nâu. Năm 2018, quân đội mở chiến dịch Harpie hủy 765 địa điểm khai thác vàng bất hợp pháp, tịch thu 5 kí lô vàng. Theo Quỹ thiên nhiên thế giới (WWF) mỗi năm có 10 tấn vàng khai thác một cách bất hợp pháp ở Guyane. Còn ở Suriname, hiện tượng này còn thấy rõ nét hơn. Nhiều sà-lan dọc ngang trên sông Maroni, quấy bùn tung tóe làm cho nước trở thành đục. Còn nguy hiểm hơn: chất độc thủy ngân bị cấm dùng ở Pháp được dùng hàng loạt ở đây trong quy trình đãi vàng làm ô nhiễm dòng sông và các nhánh của nó. Các cộng đoàn thổ dân sống hai bên bờ sông là những người đầu tiên bị nhiễm. Bà Ikise, một phụ nữ độ tuổi năm mươi sống ở Antécume Pata cho biết: “Cách đây vài năm tôi sinh một cháu gái, cháu chết khi mới sinh. Đầu và tim bị dị dạng. Người ta nói cho tôi biết nguyên do là vì thủy ngân.” Trong các làng của người bản địa, việc phòng ngừa chưa được đúng. Chỉ là khi mang thai hay trong thời gian cho con bú họ được khuyên không nên ăn “cá hư” vì có quá nhiều thủy ngân.
Thiên nhiên và văn hóa đang gặp nguy hiểm
Ngoài môi trường, ngày nay văn hóa của dân tộc Wayana còn bị đe dọa. Tuy vậy các người bản địa từ lâu vẫn cho họ là những người “thực sự” là người bản địa cuối cùng. Không giống như người bản địa Kalina, một sắc dân thiểu số ở vùng biển Guyane, họ thoát khỏi làn sóng thuộc địa đầu tiên và nạn dịch do các nhà truyền giáo Dòng Tên gây ra vào thế kỷ 16. Ông Aïku cười: “Rừng đã bảo vệ chúng tôi.” Nếu họ là trụ cột trong các trao đổi thương mại trong vùng thì việc giao tiếp với người Da Trắng của họ vẫn còn hạn chế. Do đó, “họ đã bảo tồn một cách đáng kể hệ thống suy nghĩ của mình”, bà Françoise và ông Pierre Grenand đã viết như trên vào năm 1985. Nhưng hai nhà nhân chủng học đã lo lắng về sự hiện diện của các nhà “truyền giáo cuồng tín” tin lành bên cạnh người Suriname từ cuối những năm 1950. Đó là cú hích đầu tiên chống lối sống của người Wayana. Ông Aïku nói: “Họ chơi trên sự sợ hãi của mọi người bằng các bài nói về tận thế.”
Ở Ipokan Ëutë, một gia đình của bộ tộc Wayana ăn sáng trong túp lều quanh bếp lửa. Ngay cả những người lớn tuổi cũng không còn mặc kalimbé, chiếc khố đỏ truyền thống. © Emeric Fohlen / Hans Lucas
Bà Yakapin, vợ của ông Aïku nhớ lại: “Khi chúng tôi còn nhỏ, các mục sư người Mỹ đến đây buộc chúng tôi phải đi hát với họ, (cha mẹ của bà theo giáo phái phúc âm). Các nhà truyền giáo này chống tất cả khía cạnh văn hóa truyền thống mà họ xem là xấu xa: thuốc lá, rượu sắn cachiri, nhảy múa, theo đạo saman, có tập tục ma chay riêng. Các gia đình giằng xé nhau. Ông Christophe Pierre, người bản địa Kalina, phát ngôn viên của Hội Giới trẻ Bản địa phân tích: “Trong lịch sử chúng tôi, điều quan trọng là đến tiếp xúc với chúng tôi. Người Kalina được các người công giáo liên quan với thực dân Pháp truyền giáo. Giáo hội đã tàn phá nhưng không bao giờ cấm các hoạt động văn hóa của chúng tôi. Trong khi người Wayana đã đối phó với các người thuộc giáo phái phúc âm, tư bản, tấn công, hiệu quả hơn nhiều. Cú sốc dữ dội hơn.”
Song song với làn sóng truyền giáo đến từ Suriname, dần dần nước Pháp đến vùng Haut-Maroni. Cuối những năm 1960, khi Guyane trở thành một bộ phận của nước Pháp, người Wayana trước hết từ chối vào quốc tịch Pháp. Họ thành người ngoại quốc trên chính đất nước của mình. Vào đầu những năm 1990, họ bị cho là người sống bên lề, bây giờ họ đòi có cùng quyền lợi như người Pháp. Họ muốn được hưởng các khoản trợ cấp gia đình và tiền an sinh xã hội, họ bảo vệ quyền của mình từ bên trong hệ thống. Người Kalina sống ven biển bắt đầu chính trị hóa và tố cáo sự đồng hóa mà họ phải chịu vì đã bị “Pháp hóa” 20 năm trước đây, người ta cố gắng ngăn họ nhưng không có gì đã được làm.
Năm 2002 một chiến dịch nhập tịch hóa lớn đã diễn ra. Và với việc nhập tịch này là được trợ giúp xã hội. Ông Aïku cho biết: “Bỗng trong chốc lát, tất cả đều thay đổi.” Ông đang ở Maripasoula khi các khoản trở cấp đầu tiên được trả. Khi ông về làng là cú sốc: “Mọi người đi bộ với ống nghe trên tai, họ uống rượu nhập cảng, người già bị bỏ rơi. Thật ấn tượng!” Trong vài năm, vùng Haut-Maroni gia nhập vào xã hội tiêu dùng. Trên bàn ăn gia đình là gà đông lạnh và nước sô-đa “Trung quốc”, các quầy bán hàng này của người châu Á, họ sống đông đúc ở các bờ sông vùng Suriname, bên cạnh họ bây giờ là kê, một loại bột giống khoai mì và cá nướng tẩm ớt.
Các đứa trẻ bị lạc loài của nước Pháp
Sáng thứ hai hôm nay, một tiếng còi vang lên từ dòng sông. Theo sau đó là các con chó gầy gò, năm đứa bé mặc khố đỏ truyền thống kalimbé nhảy xuống và trèo lên chiếc xuồng buýt học sinh. Chiếc xuồng đưa các em đến trường mẫu giáo và tiểu học Antécume Pata. Trường của nước Pháp. Một giáo viên người bản địa cho biết: “Chúng tôi theo chương trình giảng dạy quốc gia và chúng tôi cố gắng bắt đầu từ kinh nghiệm trẻ em.” Ông là người xuất thân từ làng và sau khi học xong ông đã trở về làng. Một tấm gương hiếm có. Nhóm giáo viên cũng tháp tùng các cha mẹ học sinh, một nửa các cha mẹ này không biết đọc, không biết viết. Ông cho biết: “Chúng tôi hướng dẫn họ về các thức ăn không lành mạnh, về ô nhiễm, về nguy hiểm của internet đã đến làng này cách đây bốn năm. Và điều này đã thoát khỏi tầm tay cha mẹ rất nhanh, họ không kiểm soát đủ.”
Nhiều người lớn nói thật sự họ bị lúng túng. Họ là thế hệ trụ cột, thế hệ lớn lên theo khuôn khổ truyền thống và bị ảnh hưởng mạnh bởi sự hiện đại mà họ phải thích ứng theo. Con cái họ bỏ chiếc khố đỏ truyền thống kalimbé ngay khi chúng từ trường về và mặc ngay áo t-shirt và quần ngắn. Cô Kutaka, ngoài ba mươi tuổi, mẹ của hai người con 11 tuổi và 3 tuổi, cô nằm trên võng dưới chiếc lều ở Antécume Pata nói: “Tôi là một trong những người cuối cùng làm tập tục maraké để bước qua tuổi người lớn. Chúng tôi ở một tuần trong một nơi, không ăn không uống, cơ thể bị kiến đỏ chích. Tôi đã khóc. Bây giờ không còn ai làm. Các người lớn đã ra đi, không còn ai biết làm và các con chúng tôi không muốn làm nữa. Chúng muốn sống như người parasisi, người Da Trắng”, cô lấy làm tiếc.
Vực thẳm này mở ra dưới chân dân tộc Wayana, cắt đứt người trẻ với người lớn tuổi, một phần do việc học bắt buộc ở trường đã làm xáo trộn nhịp sống của các em. Các lớp học chiếm trọn buổi sáng mà theo truyền thống buổi sáng trẻ con học các thủ thuật truyền thống như: đan rổ, làm gốm, nấu ăn…v.v.
Ông Tasikale cho biết: “Điều này rất quan trọng vì ở chúng tôi, chúng tôi học bằng cách nhìn người khác làm”, ông Tasikale có người cha là thầy saman truyền vai trò này lại cho ông ở làng Taluen. Bà Linia, 42 tuổi, vợ của ông lấy làm tiếc: “Tôi là người cuối cùng làm nghề gốm ở đây. Tôi thích dạy cho người khác nhưng không ai đến học.” Các người trẻ muốn các kỹ thuật truyền thống nhưng không có thì giờ để thực sự có thể học đến nơi đến chốn.
Dòng sông, nơi của sự sống, cần thiết cho người dân bản địa ở vùng Haut-Maroni. Họ đến đây tắm rửa, giặt giũ, rửa chén, trẻ con đến chơi. Tất cả đều bị nhiễm thủy ngân nặng nề. Còn nước uống thì họ phải đến điểm phân phối Antecumé Pata, một ngôi làng lớn được xây trên đảo đi xuồng mất 10 phút. © Emeric Fohlen / Hans Lucas
Sự xáo trộn này càng lớn qua sự biến đổi về cơ thể của các em ngay sau khi các em học xong tiểu học. Dù cha mẹ xin nhiều lần nhưng không có trường trung học ở vùng Wayana. Trẻ con phải đi học ở Maripasoula, một thành phố trên bờ sông Maroni cách hai giờ đi thuyền, các em chỉ về nhà mỗi tháng một lần vào cuối tuần. Ngoài món dưa bắp cải, đã là một biểu tượng của cú sốc văn hóa, thì các trẻ em tuổi vị thành niên thấy mình bị ném vào một thế giới khác không có hỗ trợ của gia đình. các em sống nội trú hay trong các gia đình tiếp nhận mà nhiều khi không có cùng tiếng mẹ đẻ. Các trường hợp lạm dụng, thậm chí còn bị lạm dụng tình dục thường xuyên được báo cáo. Ông Christophe Pierre thuộc Hội Giới trẻ Bản địa nhấn mạnh: “Mới 11 tuổi, các em đã sống trong các điều kiện bị cho là không thể chấp nhận được ở đô thị”. Ở trường trung học Cayenne, em nào muốn tiếp tục học còn phải đi xa làng, xa văn hóa của mình.
Maroni, nơi của tất cả mọi buôn bán
Đu dây giữa hai thế giới, nhiều thanh niên không còn biết các em là ai. Một nam thanh niên ở Antécume Pata cho biết: “Tôi không cảm thấy mình là người bản địa. Tôi sống ở đây, đó là tất cả. Tôi không thấy thích khi đi săn hay đi câu cá.” Nhiều em học không được, trở về làng không biết làm gì, không có việc làm, với mặc cảm mình đã làm cha mẹ thất vọng. Bằng mọi giá, cô Francesca, 20 tuổi học năm thứ nhì may vá và nấu ăn ở Maripasoula muốn tránh hoàn cảnh này: “Tôi muốn tiếp tục học ở Cayenne dù đối với chúng tôi việc học là cả một chiến đấu. Nếu không, tôi sẽ ở đây không làm gì hết như nhiều bạn trẻ khác.” Một vòng quang vùng Antécume Pata sẽ cho chúng ta thấy tầm lớn lao của hiện tượng này. Bị cuốn hút bởi màn hình điện thoại hay máy truyền hình khi gia đình kết nối được với vệ tinh, các em nghe nhạc liên tu bất tận trên loa di động nhỏ, uống rượu, hút cần sa rất nhiều, một phần tuổi trẻ Wayana bị trượt dốc.
Bà Marianne Pradem, nhà nhân chủng học của Viện Sức khỏe và nghiên cứu y tế quốc gia Inserm sống ở Guyana từ 15 năm nay ghi nhận: “Thời gian rảnh rỗi trước đây dành cho các mối quan hệ xã hội bây giờ là thời gian nhàn cư và thất nghiệp. Điều làm nên sự lớn lao của thế giới ngày nay thì lại là yếu tố bị coi thường nhất.” Các người trẻ này là con mồi dễ dàng cho những kẻ buôn bán đủ loại nhan nhản bên các bờ sông Maroni. Chuyện các trẻ vị thành niên rơi vào ma túy hay chính các em là trung gian nối kết trong chuỗi buôn bán ma túy lớn lao giữa Nam Mỹ và vùng thủ phủ Pháp ở đây là chuyện phổ biến.
Mỗi người lớn đều có chiếc xuồng máy, phương tiện di chuyển duy nhất ở Haut-Maroni, giúp cho người dân đi qua các làng nằm trên hai bờ sông vùng thuộc Pháp và Suriname. © Emeric Fohlen/Hans Lucas
Một cảnh sát Pháp chuyên về ma túy xác nhận: “Maroni là biên giới bị bỏ quên. Các ‘đôi dép’ Pháp đi xuồng một mạch đến Albina, bên cạnh Suriname, nơi các ‘đôi dép’ này được nhét đến 100 viên ma túy trước khi đi đến Guyane và sau đó đến khu vực đô thị.” Theo ông, mỗi chuyến bay Cayenne-Paris trung bình có 11 ‘đôi dép’ này, vậy là 44 đôi mỗi ngày… Nếu hầu hết họ là hậu duệ của người nô lệ đã trốn thoát khỏi các đồn điền của người Hà Lan thì người bản địa cũng không thoát được.
Các đấu tranh vì đất đai
Hệ quả của bầu khí ủ rủ này: rượu tuôn như suối trong các bữa tiệc ở làng và các bữa tiệc này thường kết thúc không tốt. Ông Yakapin xấu hổ kể các trường hợp gần đây: “Sáng hôm sau khi điện thoại reo, chúng tôi tự hỏi không biết chuyện gì sẽ xảy ra, chúng tôi không thể khóc thêm cho các vụ tự tử.” Trong cộng đoàn, vấn đề này làm mọi người lo. Tỷ số tự tử ở đây là 12,5 lần cao hơn mức trung bình của quốc gia. Nhà nhân chủng học Marianne Pradem người điều phối bốn năm ở Trung tâm Cermepi, một trung tâm săn sóc dân chúng trong các cộng đoàn nội bộ, nhưng trung tâm này bây giờ đã đóng cửa. Theo bà, cách tiếp cận tâm lý là không đủ để hiểu sự “chán sống” này, nó vừa có tính cách gia đình, vừa có tính cách văn hóa và tâm linh. Bà nhấn mạnh: “Khi ‘vùng đất’ của chúng ta bao gồm toàn bộ thế giới tâm linh bị tấn công, một mặt bởi thế giới phúc âm, mặt kia bởi thế giới thế tục thì kim chỉ nam nội tâm của chúng ta biến thành cái quạt xoay tứ phía”, trên toàn thế giới, người dân bản địa tự tử nhiều hơn các sắc dân khác. Ông Yakapin thở dài, ông cố gắng tìm chữ để nói lên một thực tế khó nắm bắt mà không khái quát nó: “Tôi có cảm tưởng chúng tôi đã trở nên quá mong manh”.
Mong manh, mất định hướng, dù vậy người bản địa không bất động và một vài người mơ có thể đổi ngược xu hướng. Ông Christophe Pierre hào hứng: “Chúng tôi không còn muốn tự cho mình là nạn nhân của thực dân nhưng đúng hơn là những người tự hào chiến đấu cho các giá trị được tổ tiên truyền lại. Mục đích của chúng tôi là phá vỡ sự ràng buộc với nạn đô hộ, để chúng tôi tái thích ứng với khoảng không gian tâm linh, kinh tế và văn hóa của mình.” Các đấu tranh này đi qua bằng đất đai. Từ những năm 1980, người bản địa Guyane đã tự tổ chức thành một hiệp hội để đòi Quốc gia phê chuẩn công ước 169 của Tổ chức Lao động Quốc tế. Tổ chức này công nhận quyền sở hữu của người dân bản địa trên vùng đất họ ở. Công việc không thành công bây giờ vì bây giờ họ chỉ có quyền sử dụng đất.
Được huy động trong cuộc đình công lớn năm 2017 làm tê liệt nước Guyane, và họ đã được nhường lại 400.000 hếâc-ta đất, nhưng vẫn chưa hiệu quả. Tuy vậy họ đứng đầu trong việc phản đối dự án khổng lồ khai thác vàng có tên “Núi vàng”, cho đến bây giờ bị ngưng. Hai thành công tương đối này không ngăn hầu hết các người đối thoại với chúng tôi nói lên cảm giác bất lực của 10.000 người dân bản địa Guyane. Ông Christophe Pierre công nhận mình đã hết sức: “Ngày nay tất cả các quyền của chúng tôi đều bị bỏ qua, chúng tôi đã kiệt sức. Nếu trong ngắn hạn không có gì thay đổi, chúng tôi sẽ đi đến chỗ thất bại hoàn toàn với người bản địa, sẽ đi đến chỗ chạm trán và có thể sẽ rất hung bạo…”
Màn đêm buông xuống trên Ipokan Ëutë, vùng Haut-Maroni. Ngôi làng chìm vào giấc ngủ được tiếng cóc nhái và dòng sông rì rào ru ngủ. Trong lều, ông Aïku giải thích nhà cầm quyền Pháp muốn phát triển một số ghềnh thác khó vượt qua. Ông phẫn nộ: “Những người khai thác vàng sẽ còn muốn đi trở lại bằng ngã này. Tôi sẽ không bao giờ chấp nhận.” Sau này ông kể, không xa đây vẫn còn cộng đoàn người dân bafia không có một tiếp xúc nào với văn minh. “Họ được gọi là những người Akulio, có nghĩa là những “người hoàn tựu.” Và đôi khi mệt mỏi, ông cũng muốn mơ, muốn đắm chìm vĩnh viễn trong rừng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: Một thượng hội đồng để cứu Amazon và Giáo hội (1/3)
Một thượng hội đồng để cứu Amazon và Giáo hội (2/3)