Huyễn hoặc: một dạng đặc thù của cô đơn (5/7)
Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser
Các dạng đặc thù của cô đơn
Vượt trên định nghĩa chung này, cô đơn có thể được chia thành nhiều loại khác nhau. Nhắm đến mục tiêu phân tích nói chung, và phân tích thần học nói riêng, tôi đã chia cô đơn thành năm dạng ý niệm, mà tôi gọi là Xa lánh (Alienation), Thao thức (Restlessness), Huyễn hoặc (Fantasy), Không cội rễ (Rootlessness), và Suy thoái tâm lý (Psychological Depression). Vì chúng là những kiểu mẫu, nên không phải lúc nào chúng cũng khác nhau. Có một số trùng khớp, nhưng cũng có một phân biệt rõ ràng giữa chúng, mà chúng ta có thể rút ra dựa trên nguyên do, ý nghĩa và giải pháp của chúng.
Dạng thứ ba của cô đơn có thể gọi tên cho đúng là Huyễn hoặc. Đó là cô đơn gây nên do chúng ta thất bại trong việc gắn kết hoàn toàn với chân lý, thực tại như đúng thực chất của chúng.
Các triết gia kinh viện định nghĩa chân lý là “sự tương ứng giữa điều trong tâm trí với hiện thực bên ngoài tâm trí” (“Adequatio intellectus et rei”). Họ tin rằng chúng ta đạt đến chân lý, và sống trong chân lý khi suy nghĩ của chúng ta tương ứng với cách sống bên ngoài của chúng ta. Ngược lại, khi tâm trí và hiện thực bất đồng, chúng ta phải hứng chịu ảo tưởng, huyễn hoặc hay sai lầm. Ví dụ như, những người thấy ảo ảnh mà tưởng thật, như khi họ nhìn thấy một cái hồ gần đấy, nhưng vì suy nghĩ và hiện thực không tương ứng, nên họ đã sai lầm. Ngược lại, nếu họ tin tưởng trong tâm trí rằng những cái cây có rễ cắm vào lòng đất, dù họ không thấy, nhưng họ vẫn là người có được sự thật. Ý niệm trong tâm trí họ tương ứng với hiện thực.
Giờ đây, tất cả chúng ta, tùy theo mức độ, sống trong huyễn hoặc và ảo tưởng, không hoàn toàn đồng điệu với hiện thực. Chúng ta sống trong huyễn hoặc và ảo tưởng về chính mình và về những chuyện chúng ta sắp đặt trong đời. Chúng ta mơ hão, và rồi sau một thời gian, chúng ta trở nên một phần của những mơ mộng và huyễn hoặc của mình, hỗn độn hòa lẫn vào cách chúng ta xem xét và nhận biết hiện thực. Đôi khi chúng ta định lượng chính mình và vị trí của mình trong cuộc sống gần đúng với hiện thực; có lúc lại chìm đắm trong ảo tưởng và vô thực. Khi đi đến mức độ mà chúng ta thực sự và hoàn toàn không còn gắn kết với hiện thực, chúng ta sẽ bị tách rời và cô đơn.
Ví dụ như, chúng ta sống với những huyễn hoặc khác nhau của chính mình. Trong đầu, chúng ta nghĩ mình là người “trí tuệ”, “thần bí”, “nhà nghiên cứu”, “nhà thơ”, “thánh nhân”, và “người điều hành không thể thiếu được”, “thành viên quan trọng của tổ chức”, hay “người cơ bản là tử tế”, đó là chỉ là vài cái tên cho những dạng huyễn hoặc chung. Thông thường, có phần nào sự thật trong đó, và chúng ta thực sự đã có được một số phẩm chất mà chúng ta nhìn ra trong lý tưởng hay tự huyễn hoặc mình. Tuy nhiên, phần lớn là một sự bất đồng, nhiều lúc là một hiển nhiên đau đớn đối với người khác, giữa huyễn hoặc và hiện thực về chính bản thân thực sự của chúng ta.
Tôi chắc rằng, tất cả chúng ta đều có trải nghiệm đau đớn về việc sống với những người mang trong mình huyễn hoặc và thoát ly khỏi hiện thực. (Và những người khác thì “vui thích” sống với chúng ta trong huyễn hoặc của chính chúng ta!) Quá thường những người gọi là trí thức, người thực sự thiển cận và lừa dối chính mình; một người “giả hình”, chỉ biết được đôi chút về Thiên Chúa và cầu nguyện, hay bất cứ điều gì khác; một người tự tạo dáng cho mình là “người tử tế”, tốt bụng với tất cả mọi người trừ những người sống chung với họ và người cho mình được quyền ưu tiên nhận sự quan tâm nhất; một “thánh nhân”, một người đặc biệt thần bí giữa muôn người và là một luyện ngục đối với tất cả người chung quanh; một “thành viên quan trọng của tổ chức”, với uy tín, mức lương cao, và hầu như chẳng làm gì ngoài việc nhận lấy oán giận của đồng nghiệp; và một người với “tâm hồn đơn sơ nghèo nàn khiêm hạ”, với sự công kích thụ động (nhưng thực sự là có) làm cho người chung quanh hoang mang và giận dữ. Tất cả những kiểu người trên đều xa rời hiện thực. Cũng vậy, tất cả họ đều cô đơn, phần nào xa lánh thế giới, xa lánh người khác, và xa lánh chính họ – họ bị xa lánh vì chính sự huyễn hoặc của mình. Không thể sống thực gây nên một dạng cô đơn. Và chúng ta chịu đựng dạng cô đơn này, bởi vì tất cả chúng ta (ở phía thiên đường này) cách nào đó đang sống trong huyễn hoặc. Đơn thuần là khác nhau về mức độ.
Huyễn hoặc là một dạng cô đơn, chúng ta có thể dễ dàng hiểu được nó qua các dạng thái cực của nó. Ví dụ một người rối loạn tinh thần có thể thoát rời hiện thực và nghĩ mình là vua Caesar hay Napoleon. Hay một người trẻ tuổi dùng thuốc kích thích có thể chân thật nghĩ mình đang trải qua cảm nghiệm huyền bí thâm sâu và quan trọng. Trong cả hai trường hợp này, cũng như trong những trường hợp nhẹ hơn, chúng ta đều nhận thấy một sự bất tương ứng giữa tình trạng tâm trí (huyễn hoặc về chính mình) với hiện thực (thực tại bản thể hiện thời của họ). Trong mỗi trường hợp, kết quả đều là cô đơn, đánh mất liên hệ với tha nhân, với Thiên Chúa, và với hiện thực, đồng thời trượt dốc xa hơn trong việc cầm hãm mình trong ranh giới cô đơn của tâm trí chúng ta.
Trong tác phẩm mang tên Cổng Thiên Đường, Ralph Mclnerny, đã cho chúng ta một ví dụ rõ ràng về dạng cô đơn này. Bối cảnh câu chuyện là nhà dưỡng lão dành cho các linh mục, và nhân vật chính là Cha Stokes cao tuổi, đã nghỉ hưu, ông dành trọn ngày để đến sân bay địa phương và phục vụ hệ thống hướng dẫn công cộng. Lý do ông làm việc này không phải là sự thích thú được nghe xướng tên giữa đám đông nơi sân bay, nhưng là do một ảo vọng rằng có lẽ, chỉ là có lẽ…
Cha Stokes không có trong phòng. Sau khi đến thăm hỏi vị Sáng lập bên cạnh, ông mặc áo khoác và rời khỏi Porta Coeli. Không có vẻ gì ông sẽ đánh một giấc nồng nữa. Ban đêm ông ít ngủ, chỉ vừa đủ, và ban ngày không ngủ bù. Ông đi dọc bờ hồ và băng qua khu trường học đến trạm xe bus, bọn trẻ chẳng chào ông và ông cũng chẳng chào chúng. Đến thành phố, ông đổi chuyến xe 36 để đến phi trường. Đó là nơi ông thích đến. Ông đi thẳng đến vị trí quan sát và nhìn khắp sân bay.
Một chiếc máy bay thương mại từ phía đông vừa đáp xuống, có lẽ từ Cleveland. Cha Stokes dựa mình vào bao lơn nhìn máy bay hạ cánh, hàng tấn máy móc trượt dài trên mặt đất duyên dáng như một chú chim.
Chiếc phi cơ lướt dần đến cuối đường băng và đang nghiêng nghiêng dưới chân ông. Hành khách bắt đầu đi xuống. Chiếc xe chở hành lý cặp sát máy bay. Cha Stokes quay người và bước đến chiếc điện đàm tự động phía sau. Ông quay số gọi đến một quầy hàng không ở sảnh chính.
“Xin vui lòng cho biết cha Stokes có phục vụ ở đó không? Có việc rất quan trọng.”
“Ông có thể lặp lại không?”
Ông lặp lại, đánh vần tên của mình.
“Ông ấy có trên chuyến bay của chúng tôi không?”
“Tôi chắc ông ấy đang ở cuối đường băng.”
“Tôi sẽ gọi ông ấy.”
“Xin cảm ơn.”
Ông gác máy và bước xuống cầu thang. Ông đi đến phòng chờ chính, nơi tên ông đang được xướng lên vang vọng. Đó là một lưu ý khẩn từ phòng tiếp tân. Cha Stokes làm bộ lo lắng và vội vã băng qua đám đông. Một hay hai khuôn mặt nhìn thấy ngài trong bộ áo nhà tu nên liên tưởng đến thông báo đó. Có nhiều người sắp hàng ở quầy, nhưng ông chú ý đến ánh mắt của một trong những nhân viên và nhướng mày lên giễu cợt.
“Cha là cha Stokes?”
“Vâng, tôi đây.”
Ông ta hướng về phía cha, lúc mọi người đang đứng chung quanh, “Có một cuộc gọi cho cha, thưa cha. Và tức cười là dường như họ đã gác máy.” Ông đưa điện thoại cho cha Stokes và vị linh mục già cầm máy lên nghe.
“Lạ lùng thật,” ngài nói. “Không có ai đầu dây. Nó có quan trọng không?”
Ông nhún vai. “Xin lỗi cha.” Rồi cha Stokes quay đi. Một lần nữa người ta mở đường để ngài đi qua. Ngài bước đến phòng đợi và ngồi xuống. Tất cả mọi người sẽ biết có một vị linh mục ở phi trường. Có lẽ một ai đó sẽ cần đến ông. Sẽ dễ dàng tìm thấy ông đang ngồi ở đó. Ông mở áo choàng ra để người ta dễ thấy cổ cồn linh mục của mình.
Ông để chiếc điện thoại lại ở tầng trên nơi cánh cửa. Một cuộc trao đổi giả vờ có thể mang lại tác dụng nào đó. Có một ai đang bên bờ vực tự vẫn có thể cần được nói chuyện. Và tất nhiên anh ta sẽ gọi cho cha Stokes, một cơ hội mà anh có thể gặp thấy ngay tại phi trường này. Một con người bận rộn, luôn luôn có tác vụ xã hội, lạy Chúa, hãy cho anh ta xuất hiện trong những chuyến bay. Chỉ có giọng của người đó mới có thể ngăn lại bàn tay của tuyệt vọng. Nhưng hãy nói một lời Sed tantum dic verbo… Một chiếc phi cơ nhỏ chuẩn bị hạ cánh, và cha Stokes cười, nụ cười của một người ban phát, nụ cười sẵn sàng. Không sợ hãi. Chiếc phi cơ đã hạ cánh an toàn. Cha Stokes dịu lại. Người ta không cần ông. Là thế đó.
Một cảnh bi thương và cảm động? Có lẽ vậy. Nhưng ví dụ đơn giản này không phải là không điển hình, và không chỉ trong giới linh mục về hưu. Có chút gì tốt đẹp của cha Stokes trong mỗi người chúng ta. Sự huyễn hoặc về chính mình và về vị trí của mình trong hiện thực đang tồn tại trong chúng ta không phải luôn luôn đúng với thực tế thật sự.
Vì vậy, chúng ta nhận ra có một dạng cô đơn thứ ba, đó là sự huyễn hoặc. Mặc dù rõ ràng nó có liên hệ và nối kết qua lại với hai dạng cô đơn trên, nhưng nó vẫn không giống như sự xa lánh của chàng trai trẻ viết thư gởi thầy hiệu trưởng. Cũng vậy những gì cha Stokes thao thức thì không như tâm trạng thao thức của Albert Camus, Ingmar Bergman, cô gái nhỏ sáng giá và những vấn đề của họ. Tất cả những người trên đều cô đơn. Nhưng cô đơn của họ rõ ràng có nhiều thể loại khác nhau.
J.B. Thái Hòa dịch
Xin đọc thêm: Đưa vấn đề cô đơn vào trọng tâm thần học (1/7)
Cần có một định nghĩa về cô đơn (2/7)
Xa lánh: một dạng đặc thù của cô đơn (3/7)
Thao thức: một dạng đặc thù của cô đơn (4/7)