Bắc Macedoina: Vai trò tích cực của thiểu số công giáo trong việc gắn kết đất nước

94

Bắc Macedoina: Vai trò tích cực của thiểu số công giáo trong việc gắn kết đất nước

la-croix.com, Marion Dautry, tùy viên ở Skopje, Bắc Macedoina, 2019-05-06

Người công giáo Bắc Macedoina nồng nhiệt chờ Đức Phanxicô đến thăm đất nước họ vào ngày thứ ba 7 tháng 5. Một sự kiện lịch sử mà họ cùng chia sẻ với phần còn lại người dân của đất nước nhỏ bé này trong tinh thần hợp tác đã được thiết lập một cách tốt đẹp.

Các tín hữu công giáo dự thánh lễ Phục Sinh ở nhà thờ chính tòa Thánh Tâm Chúa Giêsu ở giáo phận Skopje. Robert Atanasovski/AFP

Cô Bozanka kết thúc sổ sách sáng nay. Các vị khách cuối cùng cẩn thận cất vé miễn phí do các thiện nguyện viên phát cho họ ở nhà thờ chính tòa Thánh Tâm Chúa Giêsu. Họ sẽ tham dự thánh lễ ngày mai tại quảng trường Macedoina. Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu được xây theo kiến trúc hiện đại, gồm những đường cong cao dốc lên trời, ở cách trung tâm thành phố một chút và hiếm khi nhà thờ được để ý đến như vậy. Cô Bozanka vui vẻ cho biết: “Có nhiều người không công giáo hơn tôi mong đợi”, sự nhiệt tình của nhiều người với chuyến đi này ngoài mong chờ của mọi người.

Củng cố “gia đình công giáo nhỏ”

Bị phân chia giữa các nghi thức byzantin và latin, cộng đồng nhỏ công giáo Bắc Macedoina chỉ chiếm ít hơn 1% đa số của quốc gia nhỏ bé chỉ có 2 triệu dân, Bắc Macedoina có 15 giáo xứ và 22 linh mục cho toàn nước.

Tốt nghiệp triết học tôn giáo, cô Ena Abjanic Causidis cảm thấy mình được tự do giữ đạo và gắn bó với cộng đoàn. Cô mô tả đây là một “gia đình nhỏ” đón nhận và nâng đỡ nhau, với nhiều nét đa dạng mà cô cho đó là nét phong phú. Cô giải thích: “Chúng tôi gồm đủ sắc dân, người Croate, người sla-vơ Macedoina, người Albani, người Kosovo, người ngoại quốc đang làm việc ở Macedoina” và chính cô là con gái của cha là người Croate, mẹ là người sla-vơ Macedoina. Mẹ Têrêxa thuộc gia đình gốc người Albani ở giáo phận Skopje là ví dụ nổi tiếng nhất về nét đa dạng này. Cô Ena nhấn mạnh: “Chuyến đi của Đức Phanxicô làm chúng tôi gần với nhau hơn”, cô là thành viên trong ban tổ chức địa phương. 

Một cộng đoàn hướng về sự hợp tác

Đa số người dân Bắc Macedoina là người sla-vơ chính thống, còn người Albani chính yếu theo đạo hồi, đại diện cho nhóm thiểu số lớn nhất nước – từ một phần tư đến một phần ba đa số. Mối quan hệ giữa hai nhóm thường là trọng tâm lịch sử biến động gần đây của đất nước. Năm 1991, Bắc Macedoina tuyên bố độc lập khỏi nước Nam Tư.

Tuy nhiên các cộng đoàn tôn giáo khác không phải là không quan trọng. Cô Ena cho biết: “Người công giáo rất được tôn trọng ở đất nước chúng tôi”. Hiến pháp đất nước nhấn mạnh đến tính thế tục của nhà nước nhưng họ công nhận năm nhóm tôn giáo, trong đó có đạo công giáo. Hàng năm, một phái đoàn chính thức đến mộ Thánh Cyril ở Rôma gồm một đại diện Nhà nước, một đại diện Giáo hội chính thống giáo và một đại diện Giáo hội công giáo.

Một hội đồng liên tôn thường xuyên họp để củng cố sự hợp tác giữa các cộng đoàn. Trước chuyến đi của Đức Phanxicô, Đức Giám mục Kiro Stojanov cho biết: “Nguyên tắc cơ bản không chỉ dựa trên sự khoan dung mà còn dựa trên sự tôn trọng hỗ tương, đóng góp chung cho các tín hữu và những người có thiện tâm”. 

“Một khoảnh khắc lịch sử cho tất cả”

Tại nhà thờ chính tòa, cô Bozanka ở đàng sau chiếc bàn nhỏ gần tòa giải tội. Cô ở đây để ghi tên người đến lấy vé. Cô cùng làm việc với 300 thiện nguyện viên phối hợp với Caritas Macedonia, gồm các bạn trẻ đủ mọi tôn giáo. Ông Spase Spasov, điều phối viên cho biết: “Tổ chức Caritas được thành lập năm 1991 và hoạt động rất tích cực để giúp người nghèo, nhất là người tị nạn đã đến đất nước từ nhiều năm và những người không giấy tờ (Roms) dù họ thuộc nguồn gốc hay thuộc bất cứ tôn giáo nào”.

Sự chuẩn bị đón tiếp Đức Phanxicô được tiến hành trong tinh thần cởi mở. Cơ quan Caritas cùng làm việc với Hội Chữ thập đỏ địa phương giúp cho các tổ chức khác có cơ hội tham gia, như phân khoa thần học chính thống giáo và trường Đại học sinh viên Mỹ. Ông Spase Spasov xác nhận: “Chuyến đi này là khoảnh khắc lịch sử cho tất cả, không phải chỉ riêng cho người công giáo. Đức Giáo hoàng là tiếng nói chung của hòa bình”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Bắc Macedoina: Đức Phanxicô gặp một Giáo hội năng động của vùng ngoại vi

Đức Phanxicô gặp các người tị nạn và cử hành lễ rước lễ lần đầu cho 245 em 

Không được Giáo hội Chính thống ủng hộ, Đức Phanxicô cầu nguyện một mình ở nhà thờ chính tòa Sofia, Bulgari