Marie-Jo Thiel: “Các linh mục lạm dụng không phải là quái vật cũng không phải là người điên”

352

Marie-Jo Thiel: “Các linh mục lạm dụng không phải là quái vật cũng không phải là người điên”

Từ hơn hai mươi năm nay bà Marie-Jo Thiel đã nghiên cứu về vấn đề lạm dụng trong Giáo hội công giáo

cath.ch, Maurice Page, 2019-05-01

Theo bà Marie-Jo Thiel, các linh mục lạm dụng tình dục trên trẻ vị thành niên không phải là quái vật, cũng không phải là người điên nhưng đúng hơn là những người có vẻ bề ngoài bình thường. Từ hơn hai mươi năm nay, bà Marie-Jo Thiel là chuyên gia về các vấn đề lạm dụng tình dục trong Giáo hội, bà đưa ra các giả thuyết về nguyên nhân gây ra tội ác, không những tác hại đến các nạn nhân mà còn với cả cộng đồng.

Bà Marie-Jo Thiel là bác sĩ, thần học gia, giáo sư đạo đức ở phân khoa thần học của đại học Strasbourg. Từ những năm 1990, bà đã nghiên cứu các vấn đề lạm dụng tình dục trong Giáo hội công giáo. Năm  2018 bà công bố một tổng hợp các nghiên cứu của bà trong ‘tổng hợp’ hơn 700 trang. Bà đề cập đến tất cả các khía cạnh của vấn đề: lịch sử, pháp lý, tâm lý, thần học và tâm linh, bà đưa ra một trong các bối cảnh toàn diện nhất cho đến bây giờ về cuộc khủng hoảng đã làm rung chuyển Giáo hội. Trong số các chủ đề này, chủ đề dung mạo các tác giả của các vụ lạm dụng tình dục vẫn chưa được nói đến nhiều.

Bà thích dùng thuật ngữ tác giả các vụ lạm dụng tình dục hơn là ấu dâm, vì sao?

Bà Marie-Jo Thiel: Thuật ngữ tác giả các vụ lạm dụng tình dục (auteur d’abus sexuels, AAS) vừa rộng hơn, vừa chính xác hơn là ấu dâm mà chúng ta dùng trong giới nói tiếng Pháp. Theo nghĩa y khoa, ấu dâm là các trẻ em trước tuổi dậy thì. Thuật ngữ lạm dụng tình dục là gồm tất cả các loại lạm dụng và tất cả vấn đề liên quan đến pháp lý, từ sờ soạng đến hãm hiếp trên trẻ vị thành niên từ 0 đến 18 tuổi. Còn vấn đề lạm dụng thì phải thêm hai yếu tố: chênh lệnh tuổi tác đáng kể và không có sự đồng ý.

“Tôi chỉ muốn chết: tôi đã thử nhưng không thành công”, một nạn nhân lạm dụng tình dục nói với các giám mục | © Pixabay

Chúng ta có thể đưa ra một hình ảnh mẫu của các tác giả các vụ lạm dụng tình dục này không?

Rất khó để đưa ra vì các trường hợp có thể khác nhau. Tuy nhiên chúng ta có thể nhận diện một số yếu tố chung. Trong đa số trường hợp, chúng ta đối phó với các nhân vật có thói tự mê, bản ngã của họ bị xác định xấu, với một căn tính bị xây dựng xấu. Trong sự chủ quan của họ, họ không hiểu được người khác.

“Phủ nhận là cơ chế khá thường xuyên để tránh điều kinh hoàng”

Trong gần một nửa trường hợp, tác giả cũng bị lạm dụng tình dục hoặc bị đối xử xấu trong thuở thơ ấu của mình. Tỷ lệ này cần được thảo luận nhưng mối liên hệ này là thực tế. Họ thường là người bị đau khổ của một nứt rạn mà các chấn thương này họ không nói ra lời cũng như không diễn tả được các tác động này đã ảnh hưởng trên họ. Bức bách để vi phạm hoặc bắt qua hành động, trước hết không phải là tìm khoái lạc nhưng để “xả”, để “đi ra” những gì mà chính họ không thể nào chịu đựng được. Một loại cơ chế phòng thủ xưa cổ để không bị chìm vào hư vô.

Ở đây chúng ta cũng thiếu một sự gom lại các khác biệt về giới tính và thế hệ. Vì vậy, việc phủ nhận là một cơ chế khá thường xuyên để tránh điều kinh hoàng về những gì mà họ đang vi phạm.

Trong dư luận quần chúng, tác giả các vụ lạm dụng là quái vật, là người điên, thậm chí là người bệnh.

Không, đó là những người có vẻ bề ngoài bình thường mà chúng ta khó nhận diện họ trong xã hội. Dĩ nhiên chúng ta không thể vơ đũa cả nắm, nhưng một trong các dấu chỉ nơi họ, là họ thường tìm cách tiếp xúc với trẻ em và các trẻ vị thành niên. Tác giả các vụ lạm dụng tình dục này biện minh một cách dễ dàng, họ lấy lý do vì mình thương trẻ con. Nhưng đây là một tình thương chiếm giữ, dùng quyền lực, dùng ảnh hưởng. Thường thường thì những người này sợ bị đặt vấn đề và không đánh giá đúng giá trị thật của mình. 

Cũng có thể có các yếu tố bên ngoài?

Có, ngoài các yếu tố tâm lý bệnh lý còn có thêm các yếu tố khác như bối cảnh xã hội. Quy luật của khoái lạc, của tình dục được xem như một thành tích, một loại khiêu dâm… cũng có ảnh hưởng. Gần đây Đức Bênêđictô XVI đã đặt vấn đề về cuộc cách mạng tình dục tháng 5 năm 68 và việc loại bỏ đạo đức xây dựng trên luật tự nhiên. Nhưng phân tích này là không đủ. Các lạm dụng tình dục trên trẻ vị thành niên đã có từ mọi thời trong Giáo hội. Thông điệp của Đức Bênêđictô XVI là mơ hồ và mâu thuẫn, ngay cả trong nhiều yếu tố, bao gồm cả hai yếu tố này chồng chéo lên nhau. 

“Những người đi săn mồi, họ đi tìm con mồi của mình” 

Làm thế nào để bắt qua hành động?

Phải rõ ràng ở đây, khi chưa qua hành động thì chưa phải là một kẻ lạm dụng. Một người có hoang tưởng không phải là một người đi lạm dụng. Có các tác giả không có hoang tưởng và có các ông, các bà hoang tưởng nhưng không bao giờ bước qua hành động.

Trong việc bước qua hành động, chúng ta có những người săn mồi, họ đi tìm con mồi của mình, con mồi của họ khá chính xác, thường là các em bé, con trai hay con gái, ở một độ tuổi nào đó. Nhưng chúng ta thường thấy các tác giả “thừa cơ làm kẻ trộm” và một khi đã bắt qua hành động lần đầu thì sẽ tiếp tục vi phạm lần sau.

Trong số các yếu tố tạo điều kiện thuận lợi để qua hành động, chúng ta thấy trường hợp của một người thất bại, họ đặt lại vấn đề, họ bất lực trong sứ vụ của mình, trầm cảm hoặc cô đơn. Cũng có thể do rượu hay do ma túy. Một cảm giác căng thẳng rất mạnh trong người, nên phải “xả”, nhất là khi họ đã có bị lạm dụng trước đây. Tác giả lặp lại những gì họ đã bị.

Đối với các nạn nhân, lạm dụng tình dục giống như dấu vết của dây kẻm gai trong da thịt của họ.

Các trường hợp suy đồi của thói tự mê nổi bật nhất là qua khả năng che giấu của họ.

Một phần tư cách của họ vẫn còn dính với thực tế, trong khi phần còn lại bị khuất phục bởi một luật chi phối duy nhất là luật ham muốn. Dân chúng không thừa nhận và cũng không hiểu làm sao và thế nào mà linh mục này lại thành công với các người trẻ, người rất kính Đức Mẹ mà lại có thể phạm các lạm dụng này. Nhưng nếu quan sát kỹ, thì chúng ta sẽ hiểu việc lạm dụng này là cũng để thỏa mãn cho nhu cầu tìm an ủi trong thói tự mê của họ. Đồi bại là họ trút hết mặc cảm tội lỗi của mình trên nạn nhân. Họ đảo ngược ván cờ và điều này thật ấn tượng.

Đó là người mà các giám mục di chuyển từ giáo xứ này qua giáo xứ khác, trong nghĩa này chúng ta có thể nói giám mục cũng là một trong các nạn nhân của họ. Với tất cả lòng chân thành, một số người còn tin vào khả thể và quyết tâm sửa đổi của các tác giả. Tác giả giảm tối đa trách nhiệm của mình, giám mục không lường được tầm quan trọng của việc này và chuyển họ đi, sự việc lại tiếp tục.

“Là thừa tác vụ thiêng liêng, linh mục thuộc thành phần đặc biệt”

Có khía cạnh nào đặc biệt nhất khi tác giả lạm dụng là một linh mục không?

Các thế hệ của những năm từ 1940 đến 1970 được đào tạo với một ý tưởng thiêng liêng khắc sâu đậm trong đầu, linh mục là người của chức Thánh Thể. Là thừa tác vụ thiêng liêng, linh mục thuộc thành phần đặc biệt. Điều này có từ thời thành lập các chủng viện sau Công đồng Trente ở thế kỷ 17 và 18. Đây là cánh cửa mở ra để củng cố cho thói tự mê và nạn giáo quyền mà Đức Phanxicô tố cáo.

Sự trinh trắng của những người thánh hiến được đặt trên tất cả các hình thức khác của đời sống và được áp dụng ít nhất cho đến thời Đức Piô XII trong những năm 1950. Dù Công đồng Vatican II đã định nghĩa linh mục trong một bối cảnh tương quan, nhưng não trạng này vẫn tồn tại rõ nét, chẳng hạn nơi hồng y Robert Sarah, bộ trưởng bộ Phụng tự.

Như Đức Phanxicô đã giải thích, lạm dụng tình dục có trước qua lạm dụng lương tâm và lạm dụng quyền lực.

Đức Phanxicô đã có lý khi đưa ra liên kết này. Cũng cần lưu ý, ngoài các trẻ vị thành niên, ngài thêm vào những người khuyết tật, những người mong manh hay ở trong tình trạng lệ thuộc. Cựu hồng y McCarrick là ‘tổng hợp hoàn toàn’ các vụ này, ông lạm dụng trẻ em, chủng sinh và người lớn. Các sự việc này đã được biết đến từ những năm 1970 và phải chờ đến năm 2018 ông mới bị xử phạt. Chúng ta chỉ có thể tự hỏi.

Rất nhiều người đặt câu hỏi, liệu Giáo hội Pháp có giải quyết nghiêm túc hồ sơ lạm dụng tình dục không (Hình: Pixabay.com)

Phải làm gì với các tác giả đã bị kết án và đã thụ án?

Cần phải hiểu những ai đã lạm dụng một lần thì người đó không bao giờ được chữa khỏi hoàn toàn. Chúng ta chỉ có thể kiềm chế các xung năng. Phải bắt đầu bằng cách tránh mọi tiếp xúc với trẻ em và người trẻ. Sau đó phải theo dõi về mặt xã hội-pháp lý, tâm lý và thiêng liêng, điều này rất quan trọng. Nếu luật dân sự và giáo hội không đóng vai trò thúc ép và đưa vào khuôn phép, cứ để cho đương sự tự lo thì nguy cơ tái phạm rất lớn. Nếu “không sợ cảnh sát” thì khuôn khổ không đứng vững.

Trong quyển sách của bà, bà nói đến giải pháp “vòng hỗ trợ”.

Tác giả lạm dụng phải được bao bọc bởi một mạng lưới chặt chẽ mà họ phải trao đổi và phải thường xuyên báo cáo công việc của mình. Như thế họ được tháp tùng hàng ngày kể cả về mặt thiêng liêng. Chúng ta không thể khép kín các kẻ lạm dụng suốt đời. Cũng không thể đặt họ vào các đan viện hay các nhà dòng mà không hợp với ơn gọi của họ.

“Việc sa thải khỏi chức thánh không phải là giải pháp cuối cùng”

 

Trong ý kiến quần chúng, việc sa thải khỏi chức thánh có vẻ như một hình phạt tối thiểu.

Đây không phải là giải pháp cuối cùng. Các nạn nhân sẽ xem hình phạt này là tuyệt đối cần thiết, vì họ không thể chấp nhận được khi thấy tác giả lạm dụng vẫn tiếp tục dâng thánh lễ và ban các phép bí tích. Đối với một số người, hình phạt này là quá nhẹ vì linh mục bị giảm xuống tình trạng giáo dân không bị tước bỏ các phép bí tích như trường hợp những người ly dị tái hôn. Chúng ta cần phải lưu ý đến chuyện này.

Mặt khác, việc bỏ chức thánh cũng là một hình thức từ nhiệm của Giáo hội, chúng ta loại trừ một nhân tố không lành mạnh và để mặc họ tự xoay xở. Như thế có đúng trách nhiệm không? Không một giải pháp nào hoàn toàn thỏa đáng. Vấn đề này rất khó.

Trong bối cảnh giáo hội, trong sự hãm hiếp sự mật thiết còn thêm vào đó là hãm hiếp tâm linh.

Đây là một sự khác biệt lớn. Trong khía cạnh tôn giáo, chúng ta luôn chạm đến phần sâu thẳm nhất của con người, vi phạm đến một cấm kỵ. Trong việc tháp tùng nạn nhân cũng như tháp tùng người lạm dụng, cần phải lưu ý đến điều này. Theo dõi về mặt tâm lý là việc đầu tiên, nhưng nhu cầu theo dõi về mặt thiêng liêng cũng phải đưa ra ở một thời điểm nhất định nào đó.

“Để ước lượng được chấn thương đã phải chịu, chúng ta phải lắng nghe các nạn nhân”

Làm thế nào để sửa chữa mối liên kết này?

Vì đây là một điều cấm kỵ nên việc thực hiện các nghi thức là điều hữu ích. Trong một nghi thức, các lời nói phối hợp với các cử chỉ có thể nói lên một cái gì nhiều hơn là chỉ lời suông. Điều này đặc biệt quan trọng đối với nạn nhân. Chúng ta có thể đề nghị một cử chỉ của một người có uy quyền trước sự hiện diện của các nhân chứng và những người đã được rửa tội trong cộng đoàn. Rất nhiều chuyện có thể làm được, ngay cả với những người không phải là tín hữu. Chẳng hạn chúng ta có thể nghĩ đến nghi thức dùng nước phép để tẩy sạch tội lỗi.

Ngày 5 tháng 12 năm 2016, các giám mục Thụy Sĩ quỳ gối xin lỗi các nạn nhân lạm dụng tình dục ở vương cung thánh đường Đức Mẹ Valère (hình:  Maurice Page)

Một trong các lời trách cứ của các nạn nhân đối với Giáo hội là họ không được lắng nghe đủ.

Không bao giờ được đánh giá thấp các chấn thương của nạn nhân. Nếu các chấn thương về thể xác trong các lạm dụng là hiếm, thì các di chứng tâm lý và tâm thể đi theo họ suốt đời. Trong một thời gian dài chúng ta chỉ biết nói: “Không sao, rồi nó sẽ qua”. Để ước lượng được chấn thương phải chịu, chúng ta phải lắng nghe các nạn nhân. Rất nhiều giám mục đã ý thức rất chậm để nhận ra điều này. Chính vì vậy, tôi đề nghị đưa các đại diện nạn nhân vào trong tất cả các tiến trình phòng ngừa. 

Luật của Giáo hội không thích nghi

Ngoài khía cạnh tâm lý và tâm linh, rõ ràng chúng ta không thể bỏ qua khía cạnh pháp lý.

Nhận thức pháp lý về lạm dụng tình dục và hậu quả của nó đã thay đổi đáng kể trong hai hoặc ba thập kỷ qua. Nhiều Quốc gia đã xem xét lại và điều chỉnh luật pháp của họ. Nhất là về vấn đề thời hiệu và bắt buộc phải báo cáo. Bây giờ lắng nghe các nạn nhân được thực hiện trong khuôn khổ rất quy định nên một số vấn đề về uy tín đã được giải quyết. Các thủ tục đã trở nên nghiêm ngặt hơn nhiều.

Đứng trước vấn đề này, giáo lý và luật của Giáo hội không thay đổi.

Họ tiếp tục xếp mọi thứ trong cái xắc lớn chứa các tội thuộc điều răn thứ sáu vào với nhau. Tất cả các tội tình dục gom vào đó. Nó rất rộng và rất mơ hồ. Quyền của nạn nhân không được đề cập đến. Do đó là cả một tiến bộ cần phải làm. Ví dụ, giáo luật nói về ‘hình phạt đúng’ làm cho thẩm phán có rất nhiều quyền tự do để diễn giải và như thế có nguy cơ tùy tiện. Chúng ta chỉ có thể và phải tha thứ tội lỗi, nhưng tội ác phải bị phán xét và bị trừng phạt. 

Bà Marie-Jo Thiel là bác sĩ và là giáo sư môn đạo đức ở Phân khoa thần học Đại học Strasbourg. Bà điều khiển Trung tâm Âu châu giảng dạy và nghiên cứu đạo đức (Centre européen d’enseignement et de recherche en éthique, CEERE) do bà thành lập năm 2005. Bà là chủ tịch Hiệp hội Âu châu về thần học công giáo. Năm 2017, Đức Phanxicô đề cử bà làm thành viên của Giáo hoàng Học viện về sự sống. Ngoài vấn đề các vụ lạm dụng, bà còn là tác giả của nhiều tác phẩm và bài viết khoa học về các vấn đề đạo đức sinh hóa, liên hệ đến sự sống từ đầu đời đến cười đời.

Giáo hội công giáo đối diện với các vấn đề lạm dụng tình dục, (L’Eglise catholique face aux abus sexuels, Marie-Jo Thiel, nxb. Bayard, Paris).

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: Tổng giáo phận New York công bố danh sách 115 linh mục và năm phó tế lạm dụng