Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser
Thường thường bà mẹ chỉ quan tâm đến những gì bà cho là sai hay bị lăng nhục, bà sẽ từ chối không thảo luận với bạn… Bà âm thầm nghiền ngẫm và không chịu để cho vết thương thành sẹo. Kỷ niệm cứ gợi lên mãi và càng ngày nó càng nặng thêm.
Thường thường, mấy loại hiểu lầm này sẽ mờ theo thời gian. Nhưng trong trường hợp Người Mẹ thì ngược lại. Bà bám vào vết thương xưa cũ, theo hình ảnh riêng mà bà dựng lên cho chính bà, hình ảnh của một người khốn khổ, người không được yêu.
Hình ảnh đó là cái giếng không đáy mà bao nhiêu năm tháng yêu thương, trìu mến, cố gắng làm lành không thể nào hóa giải được. Chúng không đủ làm xóa mờ lỗi lầm của bạn, lỗi lầm duy nhất.
Nó trở thành một khiếm khuyết suốt đời. Do thiếu nhận định, không chủ tâm, nên nó trở thành một lỗi lầm trầm trọng, chôn sâu trong lòng, một phần lớn do tuổi thơ ấu bị bỏ rơi, tự chính mình không chấp nhận mình, cô đơn, nhu cầu muốn được yêu không bao giờ thỏa mãn.
Cả hoàn cầu cũng không đủ lớn để chứa đủ tình yêu có thể thỏa mãn cho nhu cầu này. Bà không để cho người khác có tự do để họ được là họ, bà cũng không cho họ tình cảm chân thật của bà. Bà đòi người khác lúc nào cũng tận tụy với bà, muốn họ làm bà yên tâm nên tình yêu đã không có chỗ đứng. Không có cách nào làm bà vui lòng.
Với năm tháng, bà đẩy gần như tất cả những ai thật tình thương bà ra khỏi lòng bà, đơn giản chỉ vì họ không thể nào đáp ứng tất cả đòi hỏi của bà, gần như bà không cách nào chấp nhận người ta khác bà. [Christina Crawford, Bà mẹ yêu dấu, Laffont – Mommie Dearest, , 1980)]
Tôi muốn gì ở chú Liam? Tôi muốn một chút ngập ngừng nơi cánh cửa, cái ngập ngừng của người không chắc mình được đón tiếp. Tôi muốn chú đến bên tôi và nói là chú đã làm hại tôi.
Tôi muốn, nếu chú phải ngồi ở cái bàn của tôi thì chú phải giữ một im lặng xấu hổ. Tôi không đòi hỏi chú phải bị trừng phạt; cũng không mong chú thú tội. Tôi chỉ đơn giản muốn chú biết, như tôi muốn người lính hải quân vô danh Ai-len biết, rằng hai người đã làm hại tôi.
Tôi muốn họ nhớ lại ít nhất họ cũng có hối hận. Tôi biết là chẳng có gì có thể xóa mờ, các vòng ôm cưỡng ép cũng như các vuốt ve phũ phàng làm ra bộ lịch sự, nhưng tôi ước gì các lời nói của họ được rút lại, những lời mà hai người đàn ông này nói ra, những lời làm cho người khác nghĩ những gì họ làm là đúng, việc làm của họ cũng giống như người khác làm, rằng tất cả rồi cũng giống nhau, các hành vi của đàn ông, đàn bà, rằng ham muốn hay đồng thuận là những chuyện chẳng có gì quan trọng, tất cả chỉ là chuyện thể xác này đụng thể xác kia, chỉ có thế.
Tôi muốn họ biết rằng vì họ mà tôi không bao giờ còn có thể cảm nhận thế giới này theo cách tôi từng cảm nhận trước khi gặp họ. (Mary Gordon, “Vilolation,” in Temporary Shelter (“Bạo lực tình dục,” trong quyển sách Chiếc lều tạm, Gallimard, 1990)
Tổn thương, oán giận, không có khả năng quên, khả năng tha thứ, con ma quá khứ giữ riệt hiện tại, ở trong tình trạng lúc nào cũng thấy thiếu, một chuỗi rối loạn tâm lý có từ thuở tạo thiên lập địa, nhu cầu có được vòng ôm chữa lành, vòng ôm hồi sinh, đó là những điều mà hai trích đoạn trên muốn nói.
Ở đoạn trích thứ nhất Christina mô tả bà mẹ của cô, nữ tài tử Joan Crawford, một bà mẹ không thể nào vượt lên các tổn thương thời thơ ấu. Trích đoạn này có một cái gì ám ảnh chúng ta, vì tất cả chúng ta gần như ít nhiều đều ở trong tâm trạng này; lúc nào các tổn thương trong hiện tại cũng đụng đến các tổn thương tuổi thơ ấu trong những ngõ ngách sâu kín nào đó. Chúng ta dễ dàng rơi vào tình trạng hoang tưởng và oán giận.
Trong tập khảo luận lỗi lạc về đề tài bạo lực tình dục, Mary Gordon kể bà bị hiếp hai lần: lần đầu bị một lính hải quân vô danh người Ai-len hiếp, lần thứ nhì bị chú Liam hiếp. Bây giờ, sau nhiều năm tháng trôi qua, bà vẫn còn bị những cơn oán giận và buồn bã xâm chiếm, nó ngăn không cho bà hưởng trọn vẹn cuộc sống hàng ngày phong phú hiện tại.
Như bà viết trong tập khảo luận, bà viết để nói lên cảm xúc bà phải chịu đựng từ ngày ông chú Liam đến ăn cơm với cha mẹ bà. Cố gắng định vị những gì vẫn còn xáo trộn trong lòng bà sau bao nhiêu năm tháng, bà tóm gọn tất cả trong một câu: «Tôi muốn họ biết rằng vì họ mà tôi không bao giờ còn có thể cảm nhận thế giới này theo cách tôi từng cảm nhận trước khi gặp họ.»
Câu này chứa đựng khía cạnh siêu hình của sự oán giận: mỗi tổn thương, mỗi cưỡng hiếp, mỗi vết thương đau đớn bị oan, tất cả đều mang lại cho chúng ta một cách nhận thức mới, trộn lẫn giữa khôn ngoan và cay đắng. Sau mọi tổn thương, chúng ta mới nhìn thế giới với một cặp mắt khác mà trước đó chúng ta không nhìn như vậy.
Đó là một hiểu biết sâu sắc, nhưng để làm gì?
Freud xác quyết, hiểu mình là nguồn của tự do, biết được tại sao mình đã phản ứng là giúp mình phản ứng một cách khác. Có thể không hoàn toàn đúng như Freud nghĩ, nhưng, theo như những người đã từng nghiện rượu và đã thành công cai nghiện làm chứng, thì, biết mình nghiện rượu là điểm khởi đầu cần thiết để cai nghiện. Cho đến lúc nào mình không nhìn thẳng vào gương thì không có một thay đổi lớn nào xảy ra được.
Vì thế tôi đưa hai đoạn này ra như một chiếc gương. Trong đó chúng ta thấy mình, biết các tổn thương, các oán giận, các rối loạn tâm lý, các hoang tưởng, tính tự thương hại mình, các đòi hỏi khôn cùng để được an tâm và tài năng làm tổn thương nhau bất tận đã ngăn không cho chúng ta đơn giản vui vẻ yêu thương nhau.
Nhưng đây không phải là một chiếc gương của người theo phái khắc kỷ, chiếc gương cho chúng ta thấy các yếu tố thực tế của vấn đề mà không giải quyết được vấn đề. Còn tấm gương khiêm tốn sẽ làm cho chúng ta nhận biết các mối dây nối chúng ta vào mọi người và mọi việc.
Nếu chúng ta có thể thực hiện điều này một cách thành thật, chúng ta mới cảm thấy mình cần được cứu và chúng ta sẽ có khiêm tốn để tìm vòng ôm chữa lành, mở rộng vòng tay để chúng ta đến với người khác, đến với thế giới bên ngoài với tấm lòng thiện cảm rằng cuộc sống là một cuộc chiến vất vả và khó khăn.
Nguyễn Kim An dịch
Xin đọc thêm: Khi người có tội biện minh