Bứt thoát ra khỏi tảng đá

422

Bứt thoát ra khỏi tảng đá

 Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser

Michelangelo đã khắc một bức tượng mạnh bạo đầy khiêu khích có tên là: Người nô lệ thức tỉnh. Tác phẩm khắc một thân hình đang cố gắng bứt thoát khỏi tảng đá. Một phần thân hình đã được bứt ra, phần còn lại vẫn còn nằm trong tảng đá.

Có ít tác phẩm diễn tả được thế nào là một con người! Còn sơ sinh, chúng ta không tự phòng vệ, lờ mờ biết về mình, sống lệ thuộc, không nói được, không nhận ra mình, không biết người khác, tê cứng trong tất cả các giới hạn.

Khi mới sinh ra, chúng ta chỉ thoát ra khỏi phiến đá một phần. Phần còn lại của cuộc sống, chúng ta chiến đấu để tiếp tục sinh ra, để mỗi ngày mỗi thoát ra khỏi tảng đá.

Nhưng chúng ta sớm biết công việc này là cả một đòi hỏi. Chúng ta quá hữu hạn với các khả năng trí tuệ, năng lực, tính tình, xúc cảm, luân lý, tương giao, điều kiện thể lý của chúng ta.

Chúng ta đẩy quá mạnh thì sẽ có một cái gì bị gãy đổ! Chỉ có một nơi mà chúng ta không cảm thấy mình bị giới hạn, chỉ có một nơi mà chúng ta có thể chấp cánh, bứt ra khỏi tảng đá, đó là trong giấc mơ. Trong giấc mơ, chúng ta tưởng tượng những gì lý tưởng (không phải giấc mơ ban đêm), chúng ta bay nhảy, yêu thương trọn vẹn, vượt được các giới hạn của mình và vượt lên cả người khác.

Năng lượng, tình yêu, tương giao, xúc cảm, không có một giới hạn nào trong giấc mơ. Ở đây, chúng ta có thể bứt thoát ra khỏi tảng đá, lúc đó chúng ta mới quay lại nhìn hoàn cảnh tù túng của mình.

Khổ thay, nhiều người trong chúng ta không còn mơ nữa. Mơ mộng không còn hợp thời trang. Bây giờ là thời của thực tế, của xi-níc, của tuyệt vọng lên tiếng. Ngày nay, mơ là làm cho người khác cười, chế nhạo, bị cho là ngây ngô, tội nghiệp.

Chỉ cần nhìn phản ứng bình thường của mọi người khi họ đứng trước những gì là lý tưởng, mơ mộng, trinh nguyên, thi ca là hiểu.

Những chuyện này chẳng còn thúc đẩy ai mơ mộng, vượt lên để đi xa hơn, sâu hơn. Thường thường họ đụng phải thái độ xi-níc, hoài nghi, lại còn thêm bị chận đứng, không cho người khác kể chuyện, tỏ thái độ tội nghiệp cho những người ngây ngô: bạn không còn là trẻ con nữa!

Lời chỉ trích này làm tôi buồn lòng rất nhiều. Tôi đã thấy cảnh tuyệt vọng, thiếu vắng giấc mơ trong ánh mắt của những người bệnh ngoài tám mươi, bị gởi đến những căn nhà dành cho những người chờ chết, vì chẳng còn ai muốn họ sống. Như vậy chúng ta hiểu vì sao mơ đối với họ là khó!

Nhưng khi tôi thấy cùng nỗi thất vọng đó nơi những người trẻ đẹp có tài năng, có của cải, có đủ lý do để thực hiện các giấc mơ thì tôi rụng rời. Thất vọng khi còn trẻ? Tại sao?

Chúng ta đã ngừng mơ. Chúng ta đã hấp thụ chủ nghĩa hoài nghi của một thời lầm tuyệt vọng với thực tế. Chúng ta đã ngừng chiến đấu và cuối cùng, chúng ta tuyệt vọng không còn tin ở một quan hệ sâu đậm, một tình yêu cao cả, một cộng đoàn chân thành, một tình yêu đẹp hay một đời sống tình dục triển nở.

Tin vào những chuyện này là tin vào Ông Già Noel, tin con Thỏ Phục Sinh. Chỉ tốt cho trẻ con! Chúng ta hài lòng với những gì chúng ta có thể có, lựa chọn thứ nhì của chúng ta, và chúng ta trở thành xi-níc đối với các thực tế lý tưởng nhất.

Ai trong chúng ta đã kết hôn thì không cần cố gắng lên tuyệt đỉnh với bạn đồng hành nữa. Chúng ta hài lòng với lựa chọn thứ nhì, ít đòi hỏi hơn hoặc đi chơi chỗ khác!

Ai còn độc thân thì không cố gắng nữa, vì đã hiểu tất cả căng thẳng này, yêu thì có yêu nhưng vẫn sống độc thân. Tính hoài nghi cho rằng lý tưởng là chuyện không thể có, hoặc chúng ta là trai già, gái quá thì, hoặc chúng ta theo một loại đạo đức hai chiều.

Tất cả tính hoài nghi đơn thuần chỉ là hình thức của tuyệt vọng. Từ chối không muốn mơ một cái gì cao hơn là từ nhiệm, cam chịu với cái tầm thường, chịu một bản án mình đặt cho chính mình, không cho mình sinh ra trọn vẹn, cầm tù mình. Tuyệt vọng là thảm bại, không muốn mơ những giấc mơ cao lớn.

Ít có điều gì làm chúng ta bị kẹt trong tảng đá cho bằng từ chối không chịu tin vào lý tưởng. Nữ văn sĩ Doris Lessing đã quan sát: “Chỉ có một tội duy nhất, đó là cho cái chữ cực chẳng đã có một cái tên khác hơn cái tên thật của nó: cực chẳng đã!”

Hơn nữa, điều quan trọng là đừng mơ một mình. Các giấc mơ cần được chia sẻ. Cái gì mình mơ một mình nó vẫn còn ở dạng giấc mơ, cái gì mình mơ với nhiều người thì sẽ thành hiện thực! Đau khổ và sống khép kín là do mình không có ai để cùng chia sẻ giấc mơ. Không ai tự mình có thể bứt thoát được tảng đá. Cắt đứt với người khác, chúng ta không làm được gì.

Chúng ta cần phải mơ và chia sẻ giấc mơ: dựng lên trong đầu các lâu đài, xây trong quả tim những mối tình lớn và những cộng đoàn lý tưởng. Chúng ta sẽ không bao giờ bứt thoát được tảng đá trong thực tế, nhưng chúng ta có thể làm được trong ước muốn, trong giấc mơ.

Nó là cái đục chúng ta dùng để đục đá dần dần, để mỗi ngày kéo chúng ta ra khỏi tảng đá một chút. Tất cả mọi trở ngại đều có thể vượt lên nếu chúng ta mơ. Các giấc mơ sẽ làm cho chúng ta hé thấy đoạn kết của cảnh lưu đày.

Có phải tất cả những chuyện này là chuyện của một người mơ màng không thực tế không? Giấc mơ ban ngày, những lời chúc thành tâm của một người trẻ xa rời thực tế? Bạn có xem tất cả những chuyện này vớ vẫn này là chuyện của người mê đắm?

Có thể! Đúng là những giấc mơ của người thanh niên trẻ, rất lý tưởng. Và đúng vậy, anh mơ những giấc mơ hoang đường. Nhưng đó không phải là giấc mơ của tôi. Bạn sẽ tìm thấy giấc mơ của tôi ở chương 17, phúc âm thánh Gio-an. 

Nguyễn Kim An dịch

Xin đọc thêm: Đàn ông, đàn bà và tình bạn