Phản kháng khi chạm đến đau khổ

170

Phản kháng khi chạm đến đau khổ 

Trích sách Tôi 100 tuổi, và tôi muốn nói…

Xơ Emmanuelle với Jacques Duquesne và Annabelle Cayrol

Nhà xuất bản Plon, 2008 

– Ở khu phố ổ chuột, xơ trực diện với cái đau khổ, cái dữ, cái chết của trẻ con; trong tác phẩm Dịch Hạch của Camus, nhiều người quay lưng lại với đức tin, với Thiên Chúa của tình yêu.

– Con nghe đây: suốt cuộc đời xơ, xơ nghe hoài, mỗi khi có tai ương, mỗi khi họ là nạn nhân của một bất hạnh cá nhân, họ đều nói nếu Chúa thương họ, thương loài người thì Chúa đã không để những chuyện như vậy xảy ra.

Xơ cũng vậy, khi có tai ương, xơ cũng hét lên: “Lạy Chúa, Chúa ở đâu?” Sóng thần năm 2004 đã làm xơ điêu đứng, phải mất nhiều ngày sau xơ mới tìm được bình an tâm hồn. Cái chết của các em bé cũng vậy.

Xơ chứng kiến rất nhiều cảnh trẻ con chết ở khu phố ổ chuột, nhất là trong thời gian đầu không có thuốc men. Bệnh tật làm chết không biết bao nhiêu trẻ con. Xơ ở đó, mọi người hướng về xơ làm như xơ có phương tiện để cứu con họ, xơ chẳng có phương tiện nào. Họ đặt vào tay xơ một em bé sắp chết, xơ biết là cứu không được, xơ không có một phương thuốc nào. Không một, và xơ khóc!

Buổi chiều, xơ ra khỏi căn lều để đi tìm mẹ em bé. Ở các khu phố ổ chuột, người ta sống ở ngoài đường nhiều hơn vì trong nhà rất nóng. Bà mẹ và xơ ngồi dưới đất cùng khóc với nhau. Thỉnh thoảng, bà ôm chặt đứa con chết trong tay. Bà và xơ nhìn trời, bầu trời rất đẹp. Và khi xơ ở gần những người mà xơ biết họ có lòng tin sâu xa, xơ nói với bà mẹ: con nhìn bầu trời kìa, tất cả tinh tú, tất cả ánh sáng, con của con đang ở trong ánh sáng đó; nó hạnh phúc trong ánh sáng. Vậy đó, xơ đã chứng kiến những chuyện đó, và xơ bảo đảm với con: xơ đã thấy một phụ nữ Ai-Cập, bồng xác con mình đưa lên cao một chút, bà nhìn trời và nói với con: “Con ơi, con là người hạnh phúc, con hát kinh Kính Mừng của Đức Mẹ, còn mẹ thì khóc, mẹ khổ nhưng mẹ chẳng làm gì được, còn con, con hạnh phúc.” Và xơ cảm nhận – xơ không biết diễn tả làm sao – một niềm vui lâng lâng rất nhẹ, một cảm giác rất kỳ lạ.

– Nhưng người đàn bà này cũng đã cầu nguyện để đứa con sống! Bà cũng có thể nghĩ Chúa không nhận lời bà, Chúa đã bỏ bà.

– Chúa không bỏ bà vì Chúa đã đón nhận con bà. Lúc đó, đứa bé sống trong tình yêu của Chúa.

– Nhưng dù sao bà mẹ cũng khổ…

– Đúng. Bà đã nói: Mẹ khóc, còn con hạnh phúc, vậy thì… Đó là một nét đẹp! Những người này có một đức tin mà con không thể tưởng tượng được. Họ nói: “Tôi sẽ thấy lại con trong niềm vui. Nếu bây giờ nó hạnh phúc hơn tôi, thì tôi phải chấp nhận đau khổ để có một ngày, chúng tôi sẽ gặp nhau trong niềm vui của Chúa.

– Xơ cũng công nhận là các cha mẹ cũng phản kháng lại?

– Đúng, xơ rất hiểu họ… lẽ tự nhiên là xơ hiểu. Phải có một đức tin sâu đậm để nói giống như họ nói: Tôi, tôi đau khổ, nhưng nó, con tôi, nó tốt hơn trong niềm vui của Chúa.

Ở đây, chúng ta muốn mọi chuyện có ngay lập tức. Trong vĩnh cửu, chúng ta sống trong một niềm vui mà chúng ta không thể nào tưởng tượng được. Và chính đó là điều an ủi xơ khi xảy ra thảm kịch sóng thần khi nghĩ mọi người đang chen nhau trong niềm vui, trong tình thương của Chúa.

Nhưng xơ nói thêm, xơ hiểu mọi người có thể phẫn nộ. Khi phải chịu bất công, phải tử vì đạo, sự im lặng của Chúa là không thể chấp nhận được. Có một tiên tri ít được biết trong Thánh Kinh, tiên tri Kha-Ba-Cúc, ông kêu lên: “Sao Ngài lặng thinh khi kẻ gian ác nuốt trửng người chính trực?” Và khi nghĩ đến tất cả thử thách mà người Do-Thái phải gánh chịu thì tiếng kêu này đã được thốt lên thường xuyên. Chính Chúa Giêsu cũng còn kêu lên trước khi chết: “Lạy Cha, Lạy Cha, sao Cha bỏ con?” Chúa Giêsu đặt câu hỏi, nếu Chúa Giêsu đặt câu hỏi là vì Chúa Cha không vắng mặt, Ngài hiện diện, ngài cũng đau khổ với người đang đau khổ.

Đó là điều rất khó hiểu đối với chúng ta. Chúng ta sống trong hình ảnh một Thiên Chúa toàn năng, như một loại siêu hoàng đế, không có gì có thể chạm tới được. Nhưng xơ còn biết thêm toàn năng của Chúa là toàn năng yêu thương. Và khi mình thương ai, mình đau với người đang đau. Và đó là những gì Chúa Giêsu đã làm.

Nhất là xơ không hiểu, đúng hơn là xơ không chấp nhận những người kết tội Chúa là tác giả những bất hạnh họ phải chịu. “Chúa đã làm gì cho tôi?” Xơ nghe như vậy không biết bao nhiêu là lần! Họ té, họ bị tai nạn đều do Chúa làm!

Xơ nhớ một nữ tín hữu kitô người Ai-Cập…, xơ quen rất nhiều tín hữu như vậy ở khu phố ổ chuột, cô này làm thư ký. Tháng năm là tháng Đức Mẹ – người dân Âu châu gần như hoàn toàn quên tháng này. Tháng này cô giữ cửa nhà thờ. Xơ đến chào cô, cô nói: “Ma xơ, xơ có biết Đức Mẹ đã làm gì cho con không? Xơ biết chuyện gì xảy ra với con không? Con đến cầu nguyện ở đây mỗi ngày, vậy mà Đức Mẹ đã tặng cho con một tai nạn xe.

– Đúng là nói một cách đặc biệt: “Đức Mẹ đã tặng cho con một tai nạn xe.”

– Chưa hết. Các ông gây ra chiến tranh lại còn cầu nguyện xin Chúa che chở họ. Con thấy vậy có hợp lý không, có bình thường không?

Chúa để cho họ tự do, kể cả tự do làm chuyện bậy, chém giết nhau. Chúa không tạo ra người máy điều khiển từ đang xa nhưng tạo ra những con người tự do biết phân biệt chuyện tốt, chuyện xấu. Bởi vì họ không được tự do nên họ không yêu thương được. Tự do là điều kiện của tình thương. Và Chúa muốn – con có thể nói xơ cứ hay lặp đi lặp lại, nhưng đó là chuyện thiết yếu – chúng ta yêu thương nhau. Chúa Giêsu cũng đã nói: “Các con hãy yêu thương nhau.”

– Chúa còn nói “Phải thương kẻ thù.”

– Có một câu của triết gia Pascal mà xơ hay lặp lại, một câu áp dụng cho tất cả mọi người chứ không riêng gì cho kẻ vô lại: “Tim trống rỗng thì đầy cả rác.” Xơ, xơ biết thế nào là rác. Như vậy con người có cái khả năng khủng khiếp làm điều xấu.

Ở Liban, xơ có mượn một quyển sách – có những quyển sách làm đổi đời mình – có tựa là Những kẻ giết người cũng có một bà mẹ. Trong đó có cuộc phỏng vấn một đứa bé tuổi vị thành niên phạm tội giết người: khổ thay, có những trẻ con làm lính. Anh kể một câu chuyện khủng khiếp: có một cuộc thảm sát trong một ngôi làng; quân đội đang hưu chiến, đám trẻ con-lính không có gì làm đâm chán. Một trong bọn chúng đề nghị đá banh. Nhưng vì chúng không có banh. Và vậy là chuyện không thể nào tưởng tượng đã xảy ra: chúng lấy đứa bé làm banh!

Ký giả hỏi đưa bé vị thành niên: “Nhưng các em đã giết đứa bé!” Trả lời: “Đúng vậy.” Ký giả nói: “Khi đem một em bé ra chơi như vậy thì mình giết em bé rồi, các em không cảm thấy có một cái gì trong lòng sao?” Trả lời: “Vậy, tôi, tôi là kẻ giết người.”

 -Thật khủng khiếp.

– Đương nhiên. Giống như Pascal nói, rác của con người có thể đi đến như vậy. Nhưng con người cũng có thể làm điều tốt, hy sinh để làm điều tốt. Người tệ nhất trong những kẻ sát nhân có thể tiến bộ, có thể chuộc lại. Cũng vậy, các thử thách mình gặp – đó không phải là do Chúa gởi tới, đừng nghĩ vậy -, những thử thách này có thể giúp chúng ta tăng trưởng. 

– Bổn phận của mình là phải vượt qua?

– Phẫn nộ để thấy cái gì là cần thiết để bảo vệ, để sống còn. Đối với xơ, xơ luôn luôn tin  một Thiên Chúa lòng lành. 

– Còn chuyện tai nạn xe?

– Thì do lái ẩu!

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm:

Xơ về với Chúa bằng hoả tiển

Nhảy lên vui mừng vì mình thương yêu nhau 

Ngày chết là ngày đẹp nhất đời