Đạo đức và Xã hội

151

Đạo đức và Xã hội

Nếu người ta đánh con, con có thể đánh lại để bảo vệ không?

Mình sẽ thắng gì khi mình thắng chiến tranh?

Có thật có sở thú không?

Tại sao lại có dơ bẩn

Tại sao trên thế giới lúc nào cũng có những thứ mình cần?

Vì sao phải để mọi sự ở mặt phải?

Tại sao chúng ta không ăn thịt những người đã chết?

Vì sao có một số người thích chế giễu?

Người ta nói mỗi con người đều dùng vào một việc gì đó? Còn chúng ta?

Vì sao tất cả chúng ta đều khác nhau?

Trích sách “Không trả lời có, cũng không trả lời không”, tác giả Tomi Ungerer. Nxb. l’écoles des loisirs.

Nếu người ta đánh con, con có thể đánh lại để bảo vệ không?

Pierre, 7 tuổi

Than ôi! Được, để con được tôn trọng. Nhưng cẩn thận! Con phải chắc là con thắng khi đánh họ lại.

Trong thời kỳ “chiến tranh kỳ lạ” (1939-1940), bên Pháp có các tấm bích chương viết: “Chúng ta sẽ thắng vì chúng ta là những người mạnh nhất!” Một sự tan vỡ chưa từng có trả lời cho bích chương ảo tưởng huênh hoang này.

Nếu con không đủ mạnh, con có thể hạ đối thủ bằng cách mỉa mai và chế nhạo. Chủ yếu là làm cho đối phương thấy mình kỳ cục với lời đối đáp có lý của con. Hoặc con phải có mánh lới như Đavít đánh Gôliát. Để chinh phục đối phương vì sao mình không dùng súng nước, lấy thuốc đỏ thay thế nước?

Ông cho con những lời khuyên này, cá nhân ông thì ông khi nào cũng hung bạo khủng khiếp, nhưng ông thích sống với trí thông minh với người khác.

Mình sẽ thắng gì khi mình thắng chiến tranh?

Eric, 7 tuổi

 

Chúng ta có thể thắng các trận chiến nhưng không thể thắng chiến tranh. Chính vì vậy cả hai bên đối thủ đều bị thiệt hại vô cùng, đất nước vừa bị phá hủy, các nạn nhân vô tội vừa bị mất mát tàn khốc.

Mỗi chiến tranh đều nuôi hận thù nơi người bị thua, nuôi hống hách nơi người thắng trận. Khi chiến tranh này chấm dứt thì người ta lại loan báo sắp có chiến tranh khác tới. Chiến thắng không bao giờ được ăn mừng.

Là người Alsace, vùng đất giữa nước Đức và nước Pháp, ông biết hai cuộc chiến thất bại. Năm 1940 người Đức chiếm vùng Alsace và họ cấm dân vùng này nói tiếng Pháp. Năm 1945 nước Pháp chiếm lại vùng này và họ cấm người dân nói tiếng Đức hay tiếng vùng Alsace. Biết bao nhiêu người dân vùng này chiến đấu dưới đồng phục Đức, rồi đồng phục Pháp, cứ thay phiên nhau thế! Vậy mà dân vùng ông đã sống một phép lạ: chưa bao giờ trên thế giới có một cuộc giải hòa nhanh như thế giữa nước Pháp và nước Đức, dù hai dân tộc đã thảm sát nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác. Khổ thay tấm gương này không được lập lại! Đây là một trong các trường hợp hiếm hoi một cuộc chiến khủng khiếp lại đưa đến sự giải hòa của hai dân tộc.

Còn ông, ông ghét hận thù.

Có thật có sở thú không?

Bebecca, 9 tuổi

Cách đây vài năm, ông đi thăm một nước súc vật và súc vật cai trị nước đó. Ông hóa trang thành con khỉ, ông vào đó không ai biết. Và ông thấy có một sở thú trong đó họ  trưng bày con người. Ông tự nhủ: “Nếu con người không được che chở trong các lồng này thì nó đã bị các động vật ăn thịt này xé xác từ lâu rồi”. 

Tại sao lại có dơ bẩn

Lou, 8 tuổi

Dơ bẩn là chuyện không tránh được và phải tích gom cáu ghét mới thành dơ bẩn! Nó là ổ để vi trùng truyền bệnh. Khái niệm vệ sinh sạch sẽ này là một khái niệm khá hiện đại. Nhờ nạn nhân mãn mới có khái niệm vệ sinh.

Như thế sạch sẽ là một kỷ luật, nhất là trong một xã hội của nước máy. Nhưng có bao nhiêu người sống ở nơi không có máy nước?

Cũng có những chuyện dơ bẩn làm dơ lương tâm chúng ta.

Tái bút: Ông có một người bạn bị cụt tay. Trong thời chiến tranh, bạn ông bị lựu đạn nghiền nát hai tay. Mỗi buổi sáng, bà vợ bị ám ảnh phải giữ vệ sinh, lúc nào bà cũng hỏi ông rửa tay chưa! 

Tại sao trên thế giới lúc nào cũng có những thứ mình cần?

Jessica, 8 tuổi

… và cả những cái chúng ta không cần! Ở đây con phải phân biệt cái gì là vô ích và cái gì là cần để sống còn, như cơm ăn hàng ngày, nước uống để khỏi khát, áo quần để khỏi lạnh, không khí để thở, thuốc giặt… Cái cần thiết thì lại không được phân phối đều, không được chia sẻ, không thể có được. Bởi vì thế giới được quản lý bởi tham lam và bất công. Ngược với người nghèo không có phương tiện để mua nhu yếu phẩm, người giàu đầm mình trong thừa mứa. Điều này giải thích có những cửa tiệm chỉ bán các sản phẩm phù du theo thời (các bộ lạc không mặc áo quần ở Amazzonia không biết áo quần thời trang là gì!).

Các điều cần thiết ở trong mọi lãnh vực.

Cần công chính, hòa bình, tự do…

Cần yêu thương, tôn trọng, chia sẻ…

Các sản phẩm mà con không tìm được trên thị trường. Con hình dung xem, chẳng hạn có cửa hàng con mua được 358 gram dịu dàng, 1 kí-lô trắc ẩn, 200 gram lễ phép, với 20 % bớt giá trên lòng biết ơn!

Một nghề chỉ hoạt động nhờ các dụng cụ cần thiết? Một tên đồ tể làm sao hành nghề mà không có mã tấu, giá treo cổ? Một nhà giáo không có học trò?

Cũng có các điều cần thiết để quản trị. Làm sao đi ra nước ngoài mà không có hộ chiếu?

Cũng cần có bằng lái xe để có tai nạn xe.

Chúng ta có thể làm một danh sách không đầu không đuôi cho tất cả các nhu cầu có thể tưởng tượng được. Từ tâm linh, lời khuyên, hiểu biết.. Tuy nhiên có những người cần rất ít chuyện! Người thuộc bộ lạc Bédouin chỉ cần vài trái chà-là để sống dưới bóng con lạc đà của mình, Thánh Phanxicô Axixi rời gia đình mình không mảnh vải che thân để bắt đầu một cuộc đời mới không có gì!

Những người có tất cả những gì họ cần – than ôi! – họ được nuông chiều, nếu không muốn nói bị hư vì phí phạm. Các xe rác phải làm việc hết mình để đổ thức ăn thừa mứa ở các tiệm ăn (mỗi tiệm ăn phải nuôi heo để chúng ăn đồ ăn dư).

Nhưng mọi câu chuyện cần phải chấm dứt, như cơn khát được thỏa lòng, chúng ta có thể dùng lại khi cần. 

Vì sao phải để mọi sự ở mặt phải?

Valentine, 3 tuổi

Để cho có trật tự, phải để mọi sự đàng hoàng theo đúng chỗ của nó. Mình không đóng đinh chiều ngược, không bắt vòi nước trên trần nhà để nó nhỏ nước xuống sàn, cũng không bắt vòi nước trong phòng khách và phải treo tranh thẳng thớm ngoại trừ đó là bức tranh trừu tượng.

Tuy vậy cũng có những chuyện, mặt trái của người này là mặt phải của người kia. Chúng ta viết và đọc từ trái qua phải. Người ả rập và do thái viết ngược lại, như vậy đối với chúng ta là họ viết ngược.

Trên nguyên tắc, thứ trật và kỷ luật là cần thiết cho đời sống chúng ta. Làm thế nào để mở cửa nếu mình không tìm ra chìa khóa, làm thế nào đi vào nhà vệ sinh nếu nó bị để lộn ngược?

Tái bút: Chỉ có huy chương là có mặt trái và đồng tiền có mặt phải, mặt trái.

Tại sao chúng ta không ăn thịt những người đã chết?

Léon, 4 tuổi

Chúng ta giết súc vật để ăn. Như vậy chúng đã chết trước khi bị xẻ thịt. Dĩ nhiên tốt hơn là ăn thịt con vật đã chết, hơn là ăn vật còn sống như loài yêu tinh thích ăn thịt em bé mới sinh với chút muối, chút tỏi, chút bánh mì nhà quê.

Chiến tranh cũng là lò sát sinh, lò giết các binh lính, giết hàng khối trẻ em, đưa người dân vào lò hạ thịt. Vì sao người ta không ăn các nạn nhân này mà trong các vụ xung đột thường khi lại thiếu thức ăn? Vì đó là ăn thịt người.

Một lãng phí như vậy có vẻ phi lý. Vì sao không ăn no bụng một nồi các bà mẹ chồng, mẹ vợ, một nồi mấy trẻ vị thành niên, một nồi mấy người trên bảy mươi? Không! Cũng như nhiều loài động vật có vú, chúng ta gớm thức ăn từ chính loài của mình. Đơn giản trong bản chất là vậy.

Nếu con người ăn thịt nhau thì loài người đã biến mất từ lâu. Với nạn nhân mãn hiện nay, ở một thế giới có nơi còn có rất nhiều người bị đói thì không chừng sắp tới đây, con người sẽ vượt lên bản năng để ăn no nê đồng loại của mình.

Vì sao có một số người thích chế giễu?

Zakaria, 9 tuổi

Chung chung, chế giễu là một hình thức ác độc. Chế giễu người khác là bất công chỉ vì họ khác biệt, yếu kém, tật nguyền.

Không có gì xấu bằng khi một nhóm hè nhau đi chế giễu một người vô tội, một người bị cô lập nào đó. Loại chế giễu này đáng khinh vì nó hèn.

Chế giễu thường là do thành kiến và kỳ thị. Ông còn nhớ sau chiến tranh, ông có một giáo sư tiếng Pháp có ác cảm với học sinh vùng Alsace và thích giễu giọng nói của các em này. Còn ông thì rất thích đọc, giáo sư giễu ông: “Con phải làm mất giọng tiếng Đức của con trước khi học văn chương.” Đó là thời mà khắp nước Pháp, người ta chế giễu người vùng này là “thứ người Đức dơ bẩn”. Ông không biết khi người ta gọi người Do thái dơ bẩn, người Ả rập dơ bẩn, người Da đen dơ bẩn là như thế nào… Ông đã phản ứng lại như thế nào? Không những ông giữ giọng của mình, ông còn trau dồi nó vì nó tượng trưng cho căn tính của ông và ông hãnh diện về giọng nói này.

Mặt khác, cũng như trào phúng, chế giễu cũng là một phần công việc của ông. Nhưng ông chỉ dùng hình thức chế giễu trong các hình vẽ, các câu chuyện, để tố cáo các tật xấu, các chuyện kỳ cục của xã hội, các nhân vật có trách nhiệm, nhất là  các chính trị gia. Trên lãnh vực này, với ngòi bút của ông, ông kiên trì tố cáo và ông rất thích làm.

Tuy nhiên để giữ thăng bằng, ông cũng tự chế giễu mình, với con người của ông, với những gì ông làm, ông cố ý chế giễu mình. Dù sao, tất cả chúng ta đều là nhà biếm họa của chính mình.

Người ta nói mỗi con người đều dùng vào một việc gì đó? Còn chúng ta?

Nina, 12 tuổi

Nhưng “chúng ta” cũng là những con người sống, như “chúng họ”, “chúng anh”, “chúng chị”! Mỗi người có năng khiếu, khả năng, tài năng cần thiết để xã hội được điều hành. Trách nhiệm của chúng ta là hữu ích, là dụng cụ, như bánh xe trong guồng máy. Tất cả đều có thể dùng để phục vụ, dù một nụ cười hay một cơn giận!

Vì sao tất cả chúng ta đều khác nhau?

Joanna, 8 tuổi

Vì đó là ưu đãi của loài người và của nhiều động vật có vú. Nếu chúng ta giống nhau thì sẽ không có cá nhân và đời sống chúng ta sẽ nhàm chán như con kiến, như những kẻ cuồng tín và những người bị tù khổ sai.

Nếu tất cả chúng ta giống nhau, thì mình không thể nào biết nhau và các người trọng tội đều có vân tay giống nhau.

Trích sách “Không trả lời có, cũng không trả lời không”, tác giả Tomi Ungerer. Nxb. l’écoles des loisirs.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm:

Súc vật

Tình bạn  

Tình yêu

Tiền bạc

Hành tinh và Vũ trụ

Trẻ con và người lớn 

Gia đình  

Con người và bản chất con người