Hiệp hội ASMAE, Trợ giúp y tế-sức khỏe cho tuổi thơ của xơ Emmanuelle
20-10-2018 nước Pháp kỷ niệm 10 năm ngày Xơ Emmanuelle qua đời. Xơ sống gần trọn thế kỷ 16-11-1908 – 20-10-2018 và dành hết thì giờ, công sức của mình để mang lại tương lai cho những người đi bươi rác ở Ai Cập.
Chúng tôi xin giới thiệu xơ Emmanuelle, nhân vật ngoại hạng, người có cá tính phi thường đã thay đổi cuộc sống của những người khốn khổ nhất. Công việc của xơ hiện nay được tiếp tục qua Hiệp hội ASMAE (www.asmae.fr), Trợ giúp y tế-sức khỏe cho tuổi thơ, một Hiệp hội từ thiện giúp đỡ cho rất nhiều nơi trên thế giới.
Bài phỏng vấn ông Nguyễn Trào, cựu chủ tịch Hiệp hội ASMAE, Trợ giúp y tế-sức khỏe cho tuổi thơ của xơ Emmanuelle.
Hội Thân Hữu của xơ Emmanuelle không còn là một nhóm nhỏ mà tôi gặp cách đây mười năm (1993) khi tôi sửa soạn viết quyển sách đầu tiên về xơ Emmanuelle, khi đó chỉ là một căn hộ tí xíu ở đường Chapon. Bây giờ Hiệp Hội ở tầng bốn trong một cao tầng đường Strassbourg, trông như bất cứ một công ty nào nếu không có tấm hình to lớn của xơ Emmanuelle treo ở sảnh phòng rộng lớn. Một phòng họp, nhiều văn phòng cho các nhân viên “thường trực”, các máy vi tính… Chỉ một nét độc đáo, nhưng độc đáo có tầm vóc. Ở đây mục đích làm việc không phải để kiếm tiền, cũng không phải để có uy tín trên thị trường chứng khoán, nhưng mục đích là “làm việc cho những người khốn cùng nhất, đem đến nhân phẩm cho họ. Bao dung, cởi mở, phát triển. Cả Nam lẫn Bắc…” Đó là lý tưởng ngay từ những ngày đầu tiên, khi năm 1980, ông đại sứ Bruno de Leusse quyết định đến giúp nữ tu đi bươi rác ở Ai-Cập.
Hiệp Hội mà xơ Emmanuelle và xơ Sara đồng chủ tịch, có ba ngàn hội viên và hai mươi ngàn ân nhân, nhằm giúp cho tuổi thơ bất hạnh ở các nước thứ ba và điều hành 18 dự án ở 10 nước dưới sự điều khiển của một văn phòng chỉ đạo gồm có chín nhân viên, một hội đồng cố vấn. Sáu nhân viên làm việc thường xuyên ở trụ sở chính. Rất nhiều thiện nguyện viên, bốn mươi lăm người giúp điều hành Hiệp Hội, một số làm việc ở “công trường”, một số khác làm “điều động viên”, những người khác làm trong các chương trình dài hạn. Hàng năm có khoảng hai trăm thanh niên trẻ đi đến các công trường. Từ một thời gian gần đây, ngoài các công việc theo truyền thống, Hiệp Hội còn giúp trong các lãnh vực ít được để ý đến ở Pháp.
Tôi đã biết ông Nguyễn Trào từ lâu, người mà tôi đến gặp hôm nay. Cùng với bà Catherine Alvarez, ông là một trong hai người cầm đầu công việc hàng ngày của Hiệp Hội Thân Hữu xơ Emmanuelle. Giống như thường thấy ở những người Việt Nam, gần sáu mươi nhưng ông có dáng dấp còn trẻ. Đời của ông cũng khá đặc biêt. Cha của ông xuất thân từ một gia đình làm quan ở miền Bắc, ngày xưa gọi là Tonkin, là sĩ quan quân đội Pháp, sau đó ông điều hành văn phòng Thủ Tướng thời vua Bảo Đại, trước hiệp định Genève. Ông Trào có sáu anh em. Từ 8 đến 11 tuổi, ông ở nội trú trường các cha dòng Tên ở Đà Lạt, ngôi trường ông có những kỷ niệm rất đẹp. Năm 1953, gia đình ông qua Pháp, cha được bổ dụng lại. Có một ý chí hội nhập dứt khoát, người cha chỉ muốn con cái tiếp xúc với người Pháp, vì thế ông Trào nói tiếng Pháp như người Pháp, không bị lai giọng như hầu hết các đồng hương của ông. Ông ở nội trú ở Versailles, sau đó cha ông mất khi mới có 50 tuổi.
Người thanh niên giỏi toán, học giỏi nhất lớp, nhờ các giáo sư khám phá tài năng nên ông vào học trường Cao Đẳng một cách xuất sắc. Ra trường, ông muốn tìm việc trong lãnh vực không quá đông người cũng không quá chuyên môn, vì ông sợ đi vào ngõ cụt. Đó là giai đoạn huy hoàng của lãnh vực vi tính. Ông chọn ngành này và làm ở IBM, ông Bernard Mignot để ý đến ông và nhờ ông trông coi công việc cho xơ Emmanuelle. Năm 1968, một lập gia đình với một người Pháp, bà Marie-Madeleine, ông có hai cô con gái. Ông tự mô tả mình “là người hạnh phúc và yêu đời.”
– Tôi lúc nào cũng hướng về người khác, ông nói. Họ như thế nào, tôi chấp nhận họ như thế, cũng giống tôi thế nào, tôi được chấp nhận như thế. Thời đi học, tôi lúc nào cũng được giải bằng hữu. Điều tôi thích trong đạo Thiên Chúa giáo là chiều kích huynh đệ hỗ tương.
– Giống như cuộc gặp gỡ đầu tiên của ông với xơ Emmanuelle?
– Ồ, xơ cẩn thận lắm! Xơ quay tôi nhừ tử, xơ còn đòi gặp Marie-Madeleine. Xơ không nhắm mắt mua liều!
– Còn ông, cảm giác của ông như thế nào?
– Phải nói thật, tôi cũng không hứng khởi, xơ cũng như người khác. Phải nói, bản chất của tôi không sùng đạo cũng không ở trong nhóm nào. Trên cả nhân cách của xơ, chính hành động của xơ làm tôi thích.
– Bây giờ, sau sáu năm có kinh nghiệm ở gần xơ, ông thấy xơ như thế nào?
– Cái điều đánh động tôi nhất, đó là tính cương nghị của tâm hồn xơ. Năm 1993, khi Catherine và Bernard đón xơ ở Nice, họ quá kinh ngạc. Xơ tỏ ra không chút xúc động. Ai cũng biết xơ rất đau khổ khi rời Ai-Cập để về nghỉ hưu ở Pháp. Xơ đã làm đủ mọi cách để trì hoãn được năm nào hay năm ấy, thật khủng khiếp cho xơ. Vây mà xơ cười đùa xem như thử tuần sau xơ sẽ trở về Ai-Cập!
– Người ta kể đôi khi ông cũng chống lại một chút.
Ông Trào cười. Từ lâu tôi đã để ý nơi người đàn ông này có một cái gì là lạ, trộn lẫn giữa một tính nghiêm túc không lay chuyển và một tấm lòng dịu dàng bí ẩn.
– Xơ chấp nhận tôi nhiều hơn người khác, có thể hơn các bà trong nhóm làm việc. Ông đừng quên là xơ lớn lên trong cái thời đàn ông là vua. Đúng ra, xơ tôn trọng những người đối đầu với xơ. Ngoài ra thì đó là công việc của lô-gíc, của đúng lẽ. Khi tôi có một quyết định, tôi trình bày, phân tích cặn kẽ cho xơ từng điểm một.
– Có một phân cách giữa say sưa lý tưởng và điều hành? Giữa nữ tu và người bàn giấy không?
– Không mảy may chút nào, dù cách đề cập vấn đề có thể không giống nhau. Đúng là chúng tôi không thể nào làm việc trong tình cảm với những đối tác địa phương. Dù họ có tuyệt vời và có thiện chí ngất trời, chúng tôi cũng bắt họ tuân theo một số điều kiện chung: trình bày dự án cụ thể và người có trách nhiêm trên công trường của chúng tôi phải biết rõ chuyện này. Trước đây làm việc một cách khác. Hồi đó xơ Emmanuelle nói: “Đây, tôi sẽ xây một ngôi trường.” Chúng tôi không hỏi hồ sơ, dự án. Xơ quyên được tiền và “chúng tôi xông tới!”
– Xơ có chấp nhận cách ông làm việc?
– Có chứ, nếu giải thích cho xơ. Cũng may là xơ rất thông minh và thực tế. Chẳng hạn với quyển sách của ông, khi chúng tôi xác định sẽ hữu ích cho hình ảnh và cho công việc của xơ, tôi trình bày cho xơ thấy là đúng lý, xơ chấp nhận. Dù vậy, xơ không muốn có thêm bất cứ một quyển sách nào nói về xơ. Nói cho đúng là xơ cũng có trách, xơ tưởng là tôi muốn vẽ chân dung xơ, xơ không thích chuyện này.
Đó là phong cách của xơ khi xơ không chủ động. Xơ có tài hành động. Tài hành động của xơ thì như bộ máy của ê-kíp tổ chức xe đua xe hơi Formule 1. Cọng thêm một trực giác tài tình cái gì nên nói và nên làm ở từng giây phút.
– Kế nhiệm bà Catherine, ông nổi tiếng là “ông chủ dữ” của Hiệp Hội, tôi vừa nói vừa cười.
– Ông thấy tôi dữ? Ông đùa lại với tôi. Phải hiểu nội dung của vấn đề. Khi bị từ chối, người ta có khuynh hướng nghĩ: “Tôi thương xơ Emmanuelle, xơ Emmanuelle thương tôi. Còn ông, nhân viên bàn giấy có quả tim bằng đá, ông là ai mà cho rằng ý kiến của tôi không có giá trị?” Và ông cũng thấy đó, nếu câu trả lời của tôi là “đồng ý” thì họ cũng sẽ không đến nói với xơ Emmanuelle: “Các người ở Hiệp Hội của xơ thật là dễ thương.” Người ta chỉ có khuynh hướng giữ lại trong lòng những chuyện chúng tôi từ chối.
– Ông cho tôi vài ví dụ.
– Vừa rồi chúng tôi từ chối một chương trình du lịch bằng du thuyền để đến Đất Thánh với xơ Emmanuelle, coi xơ như “tài tử xi-nê Mỹ”. Cũng như chúng tôi khuyên xơ nên từ chối tất cả các cuộc thảo luận với các ông Luc Ferry, André-Compte Sponville, Marek Halter, còn cả một danh sách dài nữa. Đó là những chuyên gia đấu trí, mà xơ thì không ở trong lãnh vực này.
– Xơ nói chuyện rất hay ở truyền hình. Xơ có tài đối đáp mà.
– Chắc chắn rồi, nhưng xơ không trang bị đủ để đối đầu với những cuộc thảo luận trí óc với những chuyên gia này. Xơ sẽ thua. Phải nói là xơ bị quấy rầy quá sức về những lời mời kiểu này. Mới sáng nay có bốn nơi yêu cầu gặp xơ. Tôi thích, sau khi hội ý với chúng tôi, chính xơ từ chối họ, nhưng coi bộ cũng không phải dễ để làm.
– Ông có nói chuyện với xơ về tương lai của hội khi xơ không còn?
– Có chứ, xơ quan tâm lắm. Chúng tôi đã có một buổi họp với xơ chỉ nói về chuyện này. Xơ rất mong chúng tôi tiếp tục công việc của xơ.
– Tại sao xơ không là người đứng đầu các thiện nguyện viên ở Hiệp Hội thay vì làm thiện nguyện cho những người vô gia cư ở các tổ chức khác? Dù sao xơ cũng là một chuyên gia lớn trong việc giúp các nước thứ ba.
– Chắc chắn chúng tôi đã có lỗi vì quá kính trọng xơ. Cho đến năm 1996, chúng tôi đã để xơ một bên, xem như xơ về hưu thật. Rồi thì xơ làm việc hết lòng cho những người vô gia cư ở Fréjus, giúp xơ phỉ nguyện tấm lòng say sưa phục vụ của xơ cũng như cho xơ thấy một khía cạnh nghèo nàn khác của nước Pháp. Bây giờ tôi tiếc là không để xơ sinh hoạt nhiều hơn ở Hiệp Hội. Nhưng điều này cũng đang được cải thiện.
– Xơ có thể giữ vai trò xúc tác?
Ông Trào suy nghĩ một chút, xoa nhè nhẹ hai tay giống như tôi đang giao cho ông một vấn đề thuộc lãnh vực vi tính.
– Cũng khó. Xơ thích những gì xơ tạo ra và chính tay xơ làm. Nếu xơ không phải là người lập nên chương trình thì xơ ít quan tâm đến. Đúng không?
Ông Trào thở dài. Vai trò “ông chủ dữ” không phải lúc nào cũng dễ đảm trách.
– Xơ Emmanuelle và Hiệp Hội không phải lúc nào cũng đồng ý nhau hoàn toàn, nhưng đó có là điều đáng mong muốn không?
Có những căng thẳng nhỏ sẽ tạo nên tinh thần sáng tạo. Giống như xơ hay nói “chướng ngại là chất liệu của hành động.”
Triết gia Marc Aurele, tác giả câu châm ngôn nổi tiếng đó phải là một người giống như ông Nguyễn Trào, một chuyên gia mà tài năng làm việc không giết đi lòng nhạy cảm.
Marta An Nguyễn dịch
Trích sách Xơ Emmanuelle – các bí mật của cuộc đời – (Soeur Emmanuelle : Secret de vie, Pierre Lunel, nhà xuất bản Anne Carrière, Paris, 2000
Xin đọc: Tiểu sử xơ Emmanuelle