Dominique Wolton: “Rõ ràng có một cuộc chiến chính trị tại Vatican”

214

Dominique Wolton: “Rõ ràng có một cuộc chiến chính trị tại Vatican”

lavie.fr, Sophie Lebrun, 2018-09-05

Tai tiếng các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội, các lời tuyên bố vụng về về đồng tính: cho đến bây giờ Đức Phanxicô vẫn được lòng giáo dân, bây giờ ngài có ở trong cơn bão không?: Đối với nhà xã hội học Dominique Wolton thì lời của giáo hoàng phải được “phân biệt” với lời của một chính trị gia hay của người lãnh đạo công ty.

Kêu gọi từ chức, các kiến nghị, ngày nay Giáo hội ở trong cơn khủng hoảng giao tiếp như chúng ta thường gặp ở các nhà lãnh đạo chính trị hay công ty khác?

Tôi không nghĩ vậy, vì dù sao Giáo hội vẫn là một thể chế không giống các thể chế khác. Không phải vì Giáo hội ở trong lãnh vực chung mà phải phân tích như một công ty hay một đảng phái chính trị. Đúng là bây giờ Giáo hội phải thích ứng với lối giao tiếp hiện đại giống như tất cả mọi người và phải tham dự vào các cuộc thảo luận với quần chúng, nhưng hiện tượng tôn giáo vẫn mang một lô-gích khác. Chúng ta đừng quên Giáo hội là một thể chế xưa cổ nhất thế giới, tương tác của Giáo hội với thời gian có cả hàng ngàn năm, trong khi giao tiếp hiện nay ở dưới sự cai trị khắc nghiệt của tốc độ. Vậy phải bảo tồn sự khác biệt này! Chúng ta đứng trước một hiểm nguy thật sự: sự hiện đại hóa của ngành thông tin kéo theo sự khuyếch đại các phương tiện truyền thông, phát triển trong một thị trường cạnh tranh dữ dội. Giao tiếp chiến thắng, một giao tiếp mà lẽ ra phải phát triển cho tự do thông tin mà tôi đã chiến đấu từ 30 năm nay, thì giao tiếp này cho thấy nó có hại. Thay vì duy trì các khác biệt giữa chính trị, văn hóa, kinh tế, thì các khác biệt này bị san bằng và người ta cho rằng giao tiếp là áp dụng cùng một cách cho tất cả mọi người. Nhưng dân chủ không thể bằng lòng với việc tiêu chuẩn hóa giao tiếp, cũng không chỉ ở trong một mô thức phân tích duy nhất để có một hoạt động tốt.

Hình ảnh của giáo hoàng có bị sứt mẻ không?

Một trong các tác động đầu tiên của loại tiêu chuẩn hóa các chuẩn mực là áp dụng các hệ quả có giá trị của người này lên người khác… với kiểu bi kịch hóa ngày càng lớn dần dần. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mất bộ trưởng Bộ Chuyển tiếp Sinh thái và Đoàn kết của mình: liệu ông có thiết lập lại được không? Đức Phanxicô bị một giám mục đặt vấn đề: liệu đây có phải là hồi kết của ngài không? Có một sự hăng tiết phóng đại bởi ý kiến quần chúng, loại ý kiến trở thành phán xét mọi sự, ở khắp mọi nơi. Cũng thú vị khi thấy một trong các lời của giáo hoàng mà quần chúng gần như không nghe trong chuỗi cáo thị đinh tai nhức óc, là ngài nhấn mạnh đến sự việc, trong những trường hợp lạm dụng tình dục nặng, công lý phải được làm trước khi kết tội. Công lý này là cần thiết để không rơi vào sự tàn ác của nghi ngờ. Vậy mà trong tiến trình hiện nay, các phương tiện truyền thông kéo về phía: giáo hoàng cũng như các nhà lãnh đạo khác, dù họ làm gì, trước hết họ cũng phải bị kết án “nói quá nhiều chuyện này” hoặc “nói quá ít chuyện kia”. Các bạo chúa của nghi ngờ, của tốc độ, của chuẩn mực hóa không cho phép có thì giờ để phân tích, để hiểu sự kiện. Và trong cơn khủng hoảng Giáo hội phải chịu hiện nay, dù sao cũng là cần thiết, vì ngoài các tai tiếng của vụ ấu dâm, thì rõ ràng có một cuộc chiến chính trị trong trong lòng Vatican. 

Ông nghĩ gì về cách giao tiếp của giáo hoàng bây giờ?

Trước hết đây là giáo hoàng đầu tiên của thời giao tiếp toàn cầu: không một thể chế nào, trừ Liên Hiệp Quốc, đối diện với vấn đề toàn cầu hóa như Đức Phanxicô đã đối đầu. Và dù kỹ thuật truyền thông khéo léo của ngài – chúng ta không nhận ra đủ và đó là chủ đề của quyển sách của tôi -, ngài đã thành công để nói chuyện được với mọi người. Ngài biết cách làm đơn giản và trực tiếp trong các lời nói và đó là một cơ hội tuyệt vời. Nhưng điều đó không có nghĩa là lời của ngài bị tầm thường hóa, cũng như bị giảm thiểu xuống như lời của một chính khách hay của một lãnh đạo công ty. Trước hết ngài là con người của tâm linh, chiều kích đó là chiều kích đầu tiên.

Dominique Wolton, nhà xã hội học, Giám đốc nghiên cứu khoa học truyền thông tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học (CNRS), tác giả quyển sách gặp gỡ với Đức Phanxicô: Chính trị và Xã hội (Politique et société, nxb. Observatoire, 2017).

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc: Philippe Lefebvre: “Với các tai tiếng này, nếu một số không từ chức thì lời kêu gọi ăn năn này có ích gì?”