Trích sách “Các cuộc gọi của Đức Phanxicô”, Rosario Carello, nxb. Fidélité
“Khi tôi hôn ngài, ngài không chùi má”
Một cây thập giá lớn dùng làm ngọn đuốc đi trong đêm của lán Reggio Emilia. Bóng tối được sáng lên nhờ Đàng Thánh Giá. Chuyện xem như ngược đời. Có một linh mục. Có nhiều người bệnh. Có bạn bè. Có thập giá của Dòng Virginum. Có những người chuyển giới. Có các cô gái điếm.
Tôi hỏi, sau khi đi Đàng Thánh Giá, các cô gái điếm có ra vỉa hè lại không.
Linh mục Daniele trả lời cho tôi, có. “Cô nào còn ở ngoài đường sẽ quay về đường. Cô nào bỏ đường vì cô đã tìm được việc làm, vì cô thoát được nạn mãi dâm, các cô đó về nhà họ”.
Đây là một hội kỳ lạ, hội có tên Rabbuni. Linh mục Daniele Simonazzi, 57 tuổi, đã thành lập hội này, đôi khi cha gọi “đây là cái lán kỳ cục”. “Chúng tôi chia sẻ Tin Mừng với những người ngoài đường: các cô gái điếm, các người chuyển giới. Chúng tôi không bao giờ ấn định mục đích của mình là phải cải hoán họ, dù chúng tôi cũng đã cải hoán một số. Như Thánh Phaolô, tôi làm tất cả cho Tin Mừng. Như thế cũng đã 21 năm, chúng tôi sống cuộc sống này, chúng tôi là Giáo hội ngoài đường và chúng tôi nghĩ chúng tôi muốn gặp Giáo hoàng. Vì thế chúng tôi viết thư cho cha Georg (ở đây chúng tôi gọi thân mật là cha Georg, nhưng ngài là Giám mục giám quản Phủ giáo hoàng Georg Ganswein): “Chúng tôi là những người như thế này và chúng tôi chỉ muốn gặp Giáo hoàng”.
Giám mục có trả lời không?
“Ngay lập tức, một tuần sau tôi có lá thư của ngài trong tay: ‘Xin quý vị đến vào một buổi tiếp kiến chung.’ Nhưng tôi còn lo ngại nên tôi gởi thêm một lá thư khác: ‘Nhưng vì lán của tôi quá đặc biệt, có thể nào cha cho chúng tôi gặp một cách kín đáo không, như thế thì tốt hơn?’”
Vậy thì sao nữa?
“Ngài trả lời cho tôi: ‘Cha đừng lo, những ai đến đây đều được quan tâm giống nhau, vì chúng tôi đã quen với các trường hợp này rồi.’”
Và thế là ngày 9 tháng 4 năm 2016, những người của lán Reggio Emilia đến Rôma.
Họ muốn có một cuộc gặp đặc biệt, cẩn thận, kín đáo, nhưng đối với Giáo hoàng Phanxicô, không có gì phải che giấu. Còn họ, đúng hơn họ muốn che giấu cảm xúc của mình, nhưng họ không giấu được: nó quá rõ.
Từ ngoài đường đến Thánh Phêrô
Đôi chân của Lilly đã đưa cô đi từ Nigeria đến Ý, đã chống đỡ cho cô trong những đêm dài, cô bán thân cho người nào trả nhiều nhất, bây giờ đôi chân này đưa cô đến trung tâm của đạo công giáo, đứng trước một người mà hình ảnh của người này đã quen thuộc với cô, mẹ cô ở Nigeria đã ôm hình ngài trong tay, cuối mỗi ngày bà đều hôn tấm hình trước khi đi ngủ.
Còn cô Jenny, cô vừa đi vừa cầm chặt tay đứa con trai để thêm can đảm. Đây không phải là lần đầu tiên cô ôm đứa con để có thêm can đảm, nó là đứa con một của cô, đứa con không do tình yêu mà có, nhưng lại mang sức mạnh đến cho cô. Cô nhìn các em bé khác, cũng là những em bé ngoài đường như con cô, sáng nay các em bé đó rất nhiều. Có Dolores, người Venezuela và bị ung thư. Có Lucia, người chuyển giới nước Ba Tây, làm điếm vì “không ai cho việc”, nhưng lại muốn được yêu. Linh mục Daniele giải thích cho tôi: “Rất nhiều người có thành kiến với họ, nhưng nếu ông biết chuyện đời của họ, ông sẽ thấy đây là các thành kiến sai lầm, không đúng thực tế, bởi vì nó không có cơ sở: Sách Thánh nói, quả tim con người là một hố thẳm. Chúng ta phải chú tâm, vì đôi khi chúng ta theo một ý thức hệ, chúng ta nói mình không được có thành kiến, nhưng chúng ta biết, hoán cải thật khó biết chừng nào. Tuy nhiên ở đây có những cô, họ có một quá trình thật tốt đẹp, xứng đáng làm gương mẫu cho sự hoán cải, kể cả với chúng tôi”.
Cùng đi với họ có hai bà: Roberta và Donatella, hai người bạn của cộng đoàn, hai bà bị chứng liệt cơ SLA, căn bệnh dần dần biến cơ thể mình là nhà tù, dần dần họ nuốt hay cười là chuyện không thể được với họ. Cha Daniele giải thích cho tôi: “Một bà thì có đạo, một bà thì vô thần, nhưng từ lâu bà cùng đọc Tin Mừng với chúng tôi”.
Quảng trường Thánh Phêrô đón tất cả mọi người. Cuối cùng rồi thì lán
Reggio Emilia cũng đến với Đức Phanxicô. Không một ai trong những người họ gặp ở qr00 này có thể hình dung được cuộc sống của họ, chỉ có Đức Phanxicô là biết họ, ngài sắp đến với họ.
“Đường phố của Giáo hội”
Cuối buổi tiếp kiến chung, Đức Phanxicô ở với họ.
Bà Donatella kể, lưỡi của bà lè ra khỏi miệng vì chứng liệt cơ: “Ngài cúi xuống, còn tôi, cái lưỡi của tôi làm ướt hết má ngài, nhưng ngài là người đầu tiên không chùi má”.
Cha Daniele nhớ lại: “Khi ngài đến gần tôi, tôi nói với ngài: ‘Trọng kính Đức Thánh Cha, chúng con cầu nguyện để Giáo hội của đường phố trở thành đường của Giáo hội’; và ngài trả lời: ‘Cha thích vậy, cha thích vậy lắm!’”
“Ngay sau đó, các bà các cô nhào đến ngài. Ngài không nói gì nhưng ánh nhìn của ngài vui ra mặt. Cô Lucia, người Ba Tây chuyển giới không biết nói gì; ngài nhìn tôi với đôi mắt trẻ con”. Cô Dolores, người bị ung thư đang chữa hóa tri, cô kể: “Còn tôi, tôi nói chuyện với ngài. Trước đó tôi nghĩ, tôi xin ngài cầu nguyện cho tôi, nhưng ở đó, tôi xin ngài cầu nguyện cho tất cả những ai bị bệnh ung thư và ngài hứa ngài sẽ cầu nguyện”.
Cha Daniele thú nhận: “Đi cùng với chúng tôi cũng có những gia đình mất con của mình, ngài ôm họ và ban phép lành cho họ. Điều này làm cho chúng tôi xúc động, bởi vì chúng tôi thấy được lòng thương xót của Chúa không phải là một khái niệm, nhưng là một con người. Nơi sự dịu dàng của Đức Phanxicô, chúng tôi thấy lòng thương xót và chúng tôi cũng thấy nơi các cộng sự của ngài, như Giám mục Ganswein, cha thật dịu dàng, tế nhị và luôn sẵn sàng”.
Tôi hỏi cha Daniele: “Ngài có nói gì với các người chuyển giới không?”
“Đức Phanxicô chỉ ôm tất cả chúng tôi (vì chúng tôi tất cả là người khó nghèo), ngài nhìn chúng tôi và ban phép lành cho chúng tôi; ngài là một người trong chúng tôi. Chúng tôi đã tìm được Tin Mừng”.
Trong câu chuyện này, không phải chỉ có các cuộc gọi, mặt khác, các lời của Giáo hoàng thì rất hiếm. Nhưng tôi muốn đưa vào đây vì đây là câu chuyện kể của một tấm lòng dịu dàng mà không phải chỉ một mình Đức Giáo hoàng mới có. Đức Giáo hoàng không phải là một thiên thần giữa các quỷ ma của Vatican. Cách quan tâm, lòng thương xót đối với đồng loại, sẵn sàng tiếp đón, đó là đặc tính của người kitô hữu. Chúng tôi đã đọc thấy phong cách Phúc Âm của các cộng sự viên của Đức Thánh Cha khi họ tiếp xúc với các hoàn cảnh tế nhị nhất, mà không có thành kiến. Dĩ nhiên điều này không làm tôi ngạc nhiên. Nhưng để nói cho rõ, câu chuyện này đi vào trong đường lối của những đối xử dịu dàng của giáo hoàng (và của Giáo hội) mà tôi gom nhặt trong quyển sách này.
Marta An Nguyễn dịch
Đức Phanxicô cùng với Hội Rabbuni của lán Reggio Emilia trong buổi tiếp kiến chung ngày 9 tháng 4-2016 tại quảng trường Thánh Phêrô