Trích sách “Phanxicô, giáo hoàng của người nghèo”, Andrea Tornielli, nxb. Novalis
Trong quyển sách El Jesuita, (Tôi tin tưởng ở con người): “Người ta kể một trong những cuộc viếng thăm thường xuyên của ngài ở các khu phố ở Buenos Aires, khi ngài gặp một nhóm người ở giáo xứ… một người thợ nề đứng lên, xúc động nói với ngài: “Con rất tự hào về cha, bởi vì khi con đi qua đây với các bạn, con thấy cha ngồi với chúng con như một người bình thường.”
Niềm vui vỡ oà khi nghe cha được bầu làm giáo hoàng thấy rõ ở các khu phố ổ chuột: “Bây giờ chúng ta có một người bạn ở Roma.”
Để hiểu giáo hoàng Phanxicô, cần phải đi từ căn nhà bao phủ các bức tranh ở giáo xứ Nuestra Senora ở Caacupé. Nhà thờ dâng hiến cho Đức Mẹ Vô Nhiễm của những người di dân Paraguay, cũng như ở Charrúa có nhà thờ Copacabana của người Bolivia, hay ở Lujân của người Argentina. Linh mục Toto kể cho tờ báo La Stampa: “Lần cuối cùng cha đến đây là ngày 8 tháng 12, không bao giờ cha để hụt ngày lễ kính Đức Mẹ. Cha đến nhà, dâng thánh lễ, làm phép bí tích, làm phép tượng, rồi cha vào ăn với chúng tôi món xúp thịt nấu với bắp.”
Cô Jessica Araujo không cầm được nước mắt khi nhớ lại ngày 10 tháng 11 vừa qua: “Đó là ngày rước lễ lần đầu của Maxi con trai tôi. Quý vị có biết chuyện gì xảy ra cho tôi? Tôi mang thai ở tuổi 15, tôi buộc phải nghỉ học, đời sống của tôi bị thay đổi. Rồi có người đàn ông này mặc đồ dân sự đi tới, ông đi xe buýt vì tôi không thấy chiếc xe to nào ở ngoài. Rồi ông mặc áo linh mục, khi đó tôi mới biết ông: Cha Jorge, cha đến để ban bí tích rước lễ lần đầu.”
Có cả hàng chục cô trẻ như cô ở văn phòng nhỏ xíu của giáo xứ lợp bằng tôn. Một trong các cô trẻ này đưa ra tấm hình chồng cô chụp với người lúc đó còn là hồng y. Một người khác đưa ra tấm hình lễ thêm sức của một người mù. Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo La Stampa, linh mục Toto nhấn mạnh: “Cha là một trong những người của chúng tôi.” Ông Paolo Mastrolilli nói, “một tu sĩ có tấm lòng, không hào nhoáng bề ngoài.” Chúng ta nên suy nghĩ về chuyện này: ngày hôm qua, cha gọi về tòa giám mục để chúc mừng sinh nhật một cô nhân viên. Tội cho cô! Cô quá xúc động nên ấp úng: “Bây giờ con không biết gọi cha như thế nào!” Cha nói: ‘Cha Jorge, được không?’ Có khi tôi thấy cha để các hộp spaghetti trong văn phòng, cha ăn ở đây và chính cha tự nấu. Lần cuối tôi gặp cha là trước khi cha đi Roma; tôi cần cha ký khẩn cấp một tài liệu: ‘Được, nhưng con chỉ có mười phút để giải thích cho cha tất cả mọi chuyện vì cha sắp đi Roma.’”
Giáo hội của dân là Giáo hội mà Hồng y Bergoglio mong muốn, người lúc nào cũng gần những người đau khổ, đã sinh ra ở những con đường này mà ngay cảnh sát cũng không dám đến đây ban đêm. Cha Carlos Trovarelli dòng Phan Sinh kể: “Cha sinh ra trong khu phố bình dân ở Flores, và cha luôn luôn là người của dân chúng.” Linh mục Facundo Beretta Lauria nói: “Chính mắt tôi thấy, ngài đã phản ứng như thế nào khi những tên buôn thuốc phiện đe doạ giết chết linh mục Pepe, bạn của tôi, bởi vì linh mục Pepe muốn loại bỏ thuốc phiện làm từ sái dư cocaine để bán cho trẻ con ra khỏi khu vực chúng tôi. Cha lên giọng nói với chúng tôi: “Bất cứ giờ nào cứ việc gọi cho cha, bất cứ lý do nào vì cha muốn đích thân tôi lo việc này.”
Cha Facundo mang dép nhựa, mặc quần jean, sơ mi kiểu linh mục nhưng không thắt nút trên cổ, cha nói tiếp: “Có một giai đoạn rất hoang mang, chính trị can thiệp vào mọi lãnh vực. Khi hồng y Bergoglio gặp chúng tôi, lúc nào cha cũng nhấn mạnh một chuyện: Đùng bao giờ bỏ rơi lòng thương xót.” Và cha có lý, vì khi bạn kết hợp đức tin với tình đoàn kết, đó là lúc khởi đầu lễ hội dù ở khu ổ chuột.”
Khi cha Jorge Mario Bergoglio bắt đầu làm tổng giám mục ở Buenos Aires, lúc đó chỉ có sáu curas villeros, sáu linh mục sống trong khu phố ổ chuột. Cha Facundo nói: “Bây giờ chúng tôi có 24 linh mục, vì hồng y Bergoglio nâng đỡ chúng tôi một cách cụ thể, ngài đến làm việc với chúng tôi ngoài đường. Cha dâng thánh lễ cho các cô gái mãi dâm ở Plaza Constitución, thăm người bệnh sida, và giữ quan hệ với các gia đình có người mất tích, desaparecidos, luôn luôn hy vọng ít nhất sự thật sẽ giải thoát chúng tôi. Nhưng giống như giáo hoàng Phanxicô nói, chúng tôi không phải là một cơ quan Phi Chính Phủ, tất cả những chuyện này được làm trên nền tảng đức tin.”
Trong một cuộc phỏng vấn đăng trên nguyệt san 30 Ngày, hồng y Bergoglio đã nói về những linh mục sống trong khu phố ổ chuột, curas villeros: “Họ làm việc và họ cầu nguyện. Đó là những linh mục cầu nguyện. Họ dạy giáo lý và làm việc xã hội. Và tôi hài lòng. Về linh mục bị đe dọa này, người ta nói, và đúng thật, linh mục đó có lòng tôn kính thánh Don Bosco. Vì thế lối sống của thánh Don Bosco đã thắp sáng tâm hồn linh mục đó.”
Việc tốt lành mà các linh mục này thực hiện, với sự nâng đỡ và tình thương của giám mục Bergoglio mà nay là giáo hoàng, được đọc trên đôi mắt của cô Myriam, một cô gái xinh đẹp mà cách đây vài năm còn ngủ trong những côngtenơ rác. Người ta không cho cô nuôi hai đứa con gái nhỏ và cả ngày cô chạy đi kiếm tiền bằng đủ mọi cách để mua thuốc phiện. “Chẳng còn gì để cứu tôi. Nhưng ở ngoài đường, lúc nào tôi cũng gặp một cha xứ nói với tôi: “Chúa thương con, Dios te ama.” Bây giờ cô dạy giáo lý và muốn làm trợ tá để đồng hành với những người muốn thoát cảnh nghiện ngập.
Trong tuần thánh 2008, hồng y Bergoglio đến dâng lễ ở khu phố ổ chuột, in Coena Domini, cha đã rửa chân cho mười hai bé trai ở Hogar de Cristo, trung tâm phục hồi những người nghiện ngập do các linh mục làm việc trong khu phố ổ chuột lo, những chứng nhân Phúc Âm của lòng thương xót, mang lại hy vọng cho những người đã mất hy vọng.
Nguyễn Tùng Lâm dịch