Cha sẽ là vị giáo hoàng như thế nào?

256

Cha sẽ là vị giáo hoàng như thế nào?

Trích sách “Phanxicô, giáo hoàng của người nghèo”, Andrea Tornielli, nxb. Novalis

Qua tính đơn giản và thanh đạm, những đức tính tự nhiên của ngài, không toan tính cũng không phải là chiến thuật để xuất hiện trước truyền thông, ngay từ những ngày đầu của nhiệm chức, giáo hoàng Phanxicô đã đưa ra một dấu hiệu quan trọng cho sự thay đổi. Từ chối dùng xe chính thức để di chuyển, giảm tối đa hệ thống an ninh, một hệ thống cuối cùng chỉ giam hãm giáo hoàng, quyết định không dọn vào căn hộ dành riêng cho “giáo hoàng” ở nhà trọ Thánh Matta, vẫn ở phòng số 207 là căn phòng dành cho ngài trước mật nghị, căn phòng này các hồng y bắt thăm khi nhận phòng. Ngài muốn ở gần với tín hữu, đó đã là những dấu hiệu rất đáng kể. Cha cho một tấm gương, theo đó cuộc cải cách, các giám mục, hồng y sẽ bắt đầu theo. Lòng nhiệt thành của những người – xa đức tin hoặc chưa bao giờ có kinh nghiệm của một đời sống đức tin – khi họ đón nhận tân giáo hoàng và những sứ điệp đầu tiên của cha đã làm nhiều người ngạc nhiên. Có người còn dè chừng trước cơn sốt truyền thông đại chúng hoặc quan ngại trước một một vài giáo dân phản hồi trên mạng.

Những người đưa ra các phản ứng dè dặt này có vẻ như bực mình khi thấy, thêm một lần nữa, Giáo hội và sứ điệp của Giáo hội đã cuốn hút bao nhiêu người, làm mọi người quan tâm, có cảm tình và thán phục. Nhưng còn hơn thế nữa. Một số khá lớn người xa Chúa đã trở về sau cuộc bầu chọn giáo hoàng Bergoglio, những lời của ngài về lòng thương xót đã thật sự đánh động họ. Như thế thay đổi lớn đầu tiên không phải “ê-kíp” mới của guồng máy Phanxicô, cũng không phải do thay đổi các ban, ngành.

Dĩ nhiên điều này không loại một khả thể sẽ có cải cách trong Giáo triều mà với sác xuất là sẽ có. Thứ trật đầu tiên là thứ trật cơ cấu tổ chức: cải cách nhằm đơn giản hóa cách làm việc của Giáo triều. Các ban ngành “cố vấn Tòa Thánh” có thể nhập lại với nhau, một phối hợp tốt hơn giữa các bộ là điều cần thiết phải làm. Ngoài ra, Giáo triều không nên cai quản Giáo hội, nhưng để phục vụ giáo hoàng. Thêm nữa, quan hệ giữa Giáo triều và các hội đồng giám mục, giữa trung ương và ngoại biên cũng rất quan trọng. Cải cách thứ nhì cần tiến hành là đạo đức ngay trong hàng Giáo triều mà đôi khi đã suy yếu trong những năm vừa qua. Chỉ cần nhìn các vụ bê bối gần đây, một vài vấn đề còn liên hệ đến tài chánh, đến những rình rập rò rỉ. Các tu sĩ đến Giáo triều là để làm việc, để phục vụ giáo hoàng chứ không phải để có sự nghiệp, để thăng quan tiến chức.

Về vấn đề này, ở một mức độ nào đó, lối làm việc cổ truyền của Giáo triều sẽ không còn, một lối mà hồi đó các nhân viên rất hiệu năng, luôn luôn ở trong hậu trường, sẵn sàng chuẩn bị một công hàm, một tài liệu hoặc phân tích một vấn đề.

Sự có thể phải có cải cách là để mang đến cho Giáo hội một hình ảnh mới: tiếp tục làm trong sáng mà đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã bắt đầu, để rao giảng Phúc Âm phải có chữ tín.

Nhãn quan Phúc Âm, sự đơn giản của Phúc Âm phải là phải là gốc của sự thay đổi đích thực và bắt đầu bằng việc khôi phục lại Giáo triều sau khi đã bị bỏ buông một cách nào đó. Cũng phải nên làm một bước với những người ly dị tái hôn: để họ cảm thấy mình là con cái của Giáo hội, tiếng nói của họ cũng phải được lắng nghe, được cân nhắc như các tín hữu khác, dù họ không còn được rước lễ.

Cách đây vài năm, trong một công nghị, hồng y Roger Etchegaray đã nhắc đến một thần học gọi là thần học “về kinh tế và về từ tâm” nơi những người chính thống, họ cho phép tái hôn. Chính thống không cổ vũ ly dị nhưng họ lấy lời của Chúa Giêsu về việc rẫy vợ rẫy chồng như một hành vi đơn phương và của con người nhằm xóa bỏ sợi dây thiêng liêng. Dựa trên sự kiện chính Chúa Giêsu cũng cho phép một ngoại lệ (Mt 19: 9 Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình,”), dù không cho phép rẫy vợ rẫy chồng, Giáo hội chính thống sẵn sàng bao dung việc tái hôn của một số trường hợp. Những người này là những người bị Giáo hội (chứ không phải Nhà nước) giải hôn và để có một cơ may thứ nhì trong một vài trường hợp: ví dụ, trường hợp ngoại tình liên tục hay khi hôn nhân chỉ còn là bề ngoài. Sau khi giải hôn, luật chỉ cho phép người  vô tội được tái hôn. Khác với đám cưới thứ nhất, đám cưới thứ nhì được cử hành trong nghi thức có tính cách ăn năn, có lời cầu nguyện miễn xá, trên nguyên tắc là có nhận biết một tình trạng thất bại.

Theo truyền thống xưa, trong trường hợp đám cưới thứ nhì, không có nghi thức đội vòng hoa trên đầu cô dâu chú rể, một nghi thức quan trọng theo thần học chính thống. Chính vì dựa theo truyền thống này mà những người chính thống cho rằng đám cưới lần thứ nhì không phải là một bí tích đích thực, nhưng cũng là “á bí tích,” cho phép đôi tân hôn xem sự phối hợp của họ được hàng giáo sĩ chấp nhận. Nghi thức của đám cưới lần thứ nhì cũng áp dụng trong trường hợp vợ hoặc chồng chết. Như thế khác với công giáo, chính thống giáo chỉ cho phép có một đám cưới duy nhất là có bí tích.

Trên vấn đề này, phải theo chỉ dẫn chính xác của đức giáo hoàng Bênêđictô XVI trong buổi họp cuối cùng với các thẩm phán của Tòa Thượng thẩm La Mã trước khi ngài từ nhiệm. Giáo hoàng Ratzinger kêu gọi nghiên cứu thêm các trường hợp tụng khoản ly hôn để xem, nếu không có đức tin có thể được xem như một lý do để vô hiệu hóa và như thế làm dễ dàng việc tháo gỡ hôn phối để có thể tái hôn.

Sau cuộc bầu chọn giáo hoàng Phanxicô, người ta đã thảo luận đâu là quan điểm của ngài về một số vấn đề luân lý như chấp nhận hôn nhân đồng tính. Sứ điệp của lòng thương xót và của đón nhận là để nói lên một thực tại, Chúa luôn sẵn sàng đón nhận tất cả mọi người và tha thứ cho tất cả, có thể khơi gợi một tiếp cận khác, dù trên vấn đề này không nhất thiết phải bao gồm các thay đổi trên quan điểm giáo điều. Dù vậy người ta biết dựa trên luật luân lý tự nhiên, ngài chống đối hôn nhân đồng giới.

Giáo hoàng Phanxicô cũng đã cho một chỉ dẫn quan trọng về nhiệm kỳ giáo hoàng của mình, ngay lần đầu tiên xuất hiện ở ban công ở tòa nhà trung ương trên quảng trường Thánh Phêrô, ngài nhấn mạnh đến địa vị của ngài “giám mục thành phố Roma.” Cũng không khó để hình dung mối giây liên lạc của ngài với giáo phận, với tín hữu Roma, mối giây này sẽ là điều ưu tiên của ngài. Nhấn mạnh đặt trên chức vụ giám mục Roma có thể cho thấy các liên hệ hữu ích, hoặc trong lãnh vực hồng y đoàn của Giáo hội Công giáo, hoặc trong lãnh vực liên tôn, đặc biệt với chính thống giáo. Sự hiện diện của Thượng phụ liên tôn Constantinople, Bartholomée Ier ở buổi lễ đăng quang và buổi nói chuyện thân tình lâu dài giữa giáo hoàng Phanxicô và Thượng phụ là một dấu hiệu hứa hẹn.

Một hồ sơ khác vẫn còn để mở từ thời giáo hoàng Bênêđictô XVI, đó là hồ sơ của những người ly khai theo giáo phái Lefèbvre. Hồng y Bergoglio đã từng nói về các nhóm của những người theo phái duy truyền, họ có chủng viện và một vài nhà thờ ở Argentina, ngài khẳng định trong cuộc phỏng vấn với nữ ký giả Stefania Falasca, đăng trên nguyệt san 30 Ngày năm 2007, “một cách nghịch lý, nếu đúng là trung thành thì phải thay đổi. Người ta không thể trung thành từng ly từng tí như kiểu những người theo phái duy truyền hay chính thống quá khích. Lòng trung tín luôn luôn ước định một thay đổi, một vụ nở hoa mới, một tăng trưởng mới. Thiên Chúa tiến hành sự thay đổi nơi người trung thành.” Ở những dịp khác, vị giáo hoàng tương lai cho rằng kiểu mộ đạo cứng ngắt, núp sau các giáo điều, cho đó là những biện minh xác đáng, nhưng trên thực tế lại giới hạn tự do và không làm cho tín hữu lớn lên. Phải nói thêm là hồng y Bergoglio luôn luôn giữ liên lạc với người phụ trách tổ chức Huynh Đệ Thánh Piô X; cha đã tiếp, đã đối thoại trong một quan hệ thẳng thắn và trung thực. Và, vượt lên các lời chỉ trích cay độc chống giáo hoàng của những người hoài niệm đôi giày đỏ và chiếc mũ chỏm hermine, có những người theo phái duy truyền ở trong nhiều nét của các bài giảng và diễn văn của giáo hoàng Phanxicô. Vừa mới được bầu, ngay buổi chiều đầu tiên, cha đã xin tín hữu ở quảng trường Thánh Phêrô đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh, cha không bao giờ quên Đức Mẹ, cha cũng không giấu tâm tình kính các thánh của mình. Cha muốn duy trì – với nét đơn giản và dung dị nhất – các đặc nét then chốt trong các nghi thức lễ của giáo hoàng Ratzinger.

Giữa các công việc còn dở dang cần tiếp tục, có một công việc là phát triển các quan hệ với Do Thái giáo. Hồng y Bergoglio luôn luôn có một quan hệ rất tốt với cộng đồng Do Thái, năm 2010, cha cùng viết một quyển sách với Thượng giáo sĩ Buenos Aires, ngài Abraham Skorka. Một cuộc đối thoại trên nhiều chủ đề: Thiên Chúa, vô thần, tôn giáo và tương lai của nó, các môn đệ, cầu nguyện, tội lỗi, cái chết, phụ nữ, phá thai, giáo dục, chính trị, tiền bạc, đối thoại liên tôn, nạn hủy diệt người Do Thái.

Trong quyển sách này, vị giáo hoàng tương lai khẳng định: “Trải nghiệm về Thiên Chúa của tôi là ở trong tiến trình và đi tìm, trong việc để cho Chúa đi tìm tôi.” Hồng y Bergoglio nhìn về thế giới từ trải nghiệm này. Về đối thoại với những người vô thần: “Khi tôi gặp những người vô thần, tôi chia sẻ với họ những mối quan tâm trong xã hội. Thời gian đầu, tôi không nói về Chúa trừ khi họ nói trước. Nếu cần thiết, tôi mới nói cho họ biết lý do tôi tin. Có quá nhiều vấn đề về con người mà chúng tôi chia sẻ với nhau, dần dần chúng tôi bổ sung cho nhau kho tàng phong phú của mình. Từ khi tôi là một tín hữu, tôi biết kho tàng phong phú này là ơn của Chúa.”

Trong một đoạn khác, hồng y Bergoglio khẳng định: “Tôi tin ai kính thờ Thiên Chúa, khởi từ trải nghiệm của họ, họ có bổn phận thực thi công chính với anh em mình. Đây là công chính mang tính sáng tạo vì phải sáng tạo về mặt giáo dục, thăng tiến xã hội, cam kết thực kiện, quan tâm đến người khác, vv. Chính vì thế mà người có tôn giáo được gọi là người công chính. Theo nghĩa này, công chính là sáng tạo văn hóa. Văn hóa thờ ngẫu tượng và văn hóa của người kính thờ Thiên Chúa không cùng một văn hóa. Bây giờ chúng ta có một loại văn hóa thờ ngẫu tượng trong xã hội chúng ta: tiêu thụ thừa mứa, theo thuyết tương đối và hưỡng lạc.”

Cũng phải nhắc đến những gì cha nói về uy quyền của các nhà lãnh đạo tôn giáo: “Những nhà lãnh đạo lớn của dân Chúa là những người dành một chỗ co tính hoài nghi. Ông Môsê là người khiêm tốn nhất quả đất này. Trước mặt Chúa, chỉ có lòng khiêm tốn là đáng kể và điều này đòi hỏi các nhà lãnh đạo tôn giáo phải dành một chỗ riêng cho Chúa, phải đối diện với trải nghiệm nội tâm của đêm tối, đến mức không biết sẽ làm như thế nào. Một trong những đặc nét của các nhà lãnh đạo tồi, đó là tỏ ra tự tin ở mình quá mức và dùng quyền quá độ.” Một quan điểm mà giáo sĩ Skorka cùng chia sẻ: “Đức tin của Do Thái giáo cũng thể hiện qua một cảm nhận hoài nghi nào đó. Tôi có thể chắc chắn 99.9% Thiên Chúa hiện hữu nhưng không chắc chắn 100% vì sống là đi tìm.”

Trong quyển sách này cũng có đoạn nói Giáo hội không thể giảm thiểu thành một tổ chức nhân đạo. Hồng y Bergoglio giải thích: “Tôi nghĩ không thể đồng hóa dòng tu thành một tổ chức Phi chính phủ. Sự khác biệt nằm trong nét thánh thiện. Các tổ chức Phi chính phủ không dính gì với thánh thiện. Đó là một tổ chức xã hội đúng đắn, trung thực, một lối sống, một đường lối chính trị lôgic. Một tổ chức hoạt động theo cách giáo dân. Nhưng đối với các lãnh đạo tôn giáo, vấn đề thánh thiện là vấn đề không nhân nhượng.”

Một khía cạnh khác đáng lưu ý: nhắc tới kinh nghiệm mục vụ của hồng y Bergoglio về vấn đề đào tạo tu sĩ, cha nói đến các sự kiện trong giáo phận của mình: “Chúng tôi chỉ nhận 40% ứng sinh vào chủng viện. Chúng tôi từ chối vì nhiều lý do: những người bị bệnh hay có vấn đề tâm ly, họ đi tìm một cảm nhận an toàn. Có nhiều người không thành công ngoài đời nghĩ rằng mình sẽ có một chỗ trong một tổ chức. Và nhà tu là một ví dụ. Chúng tôi cẩn thận để tìm hiểu xem họ có ơn gọi hay không. Sau đó trong vòng một năm trời, kinh nghiệm sống cùng cộng đoàn mỗi cuối tuần sẽ dò tìm ai có ơn kêu gọi thật hay chỉ đi tìm một nơi trú ẩn hoặc họ nhầm trong khái niệm thế nào là tiếng gọi của Chúa.

Nhà chú giải Thánh Kinh Matteo Crimella cho hay, một trong những đoạn cảm động nhất là đoạn nói về cầu nguyện. “Cầu nguyện phải dùng để hợp nhất tín hữu: đó là lúc mà chúng ta cùng nói những lời giống nhau,” giáo sĩ Skorka khẳng định. Hồng y Bergoglio nhắc lại: “Cầu nguyện là một hành vi tự nguyện. Cầu nguyện là nói và nghe. Có những giây phút thinh lặng sâu xa, thờ phượng trong chờ đợi thời gian trôi qua.”

Trong cuộc đối thoại với giáo sĩ Skorka, chủ đề về các ý thức hệ lớn của thế kỷ 20 cũng được bàn đến: “ Kitô giáo lên án mạnh mẽ chủ nghĩa cộng sản cũng như chủ nghĩa tư bản man rợ. Một ví dụ rõ ràng là trốn thuế. Tiền có quốc gia của nó, ai làm giàu ở xứ này chuyển tiền qua xứ khác là phạm tội, vì họ không tôn trọng xứ sở đã làm cho họ giàu có và không tôn trọng người dân làm việc ở đây.” Cha nói thêm về việc các tổ chức buôn lậu ma túy rửa tiền: “Chúng ta không chấp nhận tiền có dính máu.”

Một đoạn khác đáng kể về sự giàu có của Vatican: “Người ta luôn luôn nói về sự giàu có của Vatican. Một tôn giáo cần tiền để chi phí cho các công việc của mình và không có gì bất chính khi làm việc với ngân hàng. Tiền vào ngân quỹ Vatican dùng để tiêu cho người cùi, trường học, các cộng đồng ở Phi châu, Á châu, Mỹ châu.” Cha nhắc lại câu chuyện của thánh tử đạo Laurent và việc bảo vệ người nghèo của ngài, cha khẳng định: “Người nghèo là gia sản của Giáo hội và chúng ta phải lo cho họ; nếu chúng ta không có tầm nhìn này, chúng ta xây dựng một Giáo hội tầm thường, lạnh nhạt, không vững mạnh.” Người ta có thể hình dung, dưới nhiệm kỳ của giáo hoàng Bergoglio, IOR, Viện phụ trách các Công trình Tôn giáo, nếu còn duy trì, sẽ tiếp tục công việc của mình một cách tích cực để xóa đi các cáo buộc trong hàng chục năm vừa qua.

Còn về các hình thức của sự hiện diện của kitô giáo, hồng y Bergoglio xác nhận với giáo sĩ Skorka: “Nếu nhìn lại lịch sử, các hình thức tôn giáo của kitô giáo đã thay đổi rất nhiều. Chẳng hạn, theo tôi, ở tư cách là một quốc gia, Tòa thánh, nơi quyền hành thế gian kết hợp với quyền hành thiêng liêng. Đó là một dạng biến chất của kitô giáo và không phù hợp với những gì Chúa Giêsu yêu cầu. Nếu trong lịch sử đã có một sự tiến hóa rất lớn thì chúng ta có thể nghĩ Giáo hội cũng sẽ thích ứng với thời của mình. Đối thoại giữa tôn giáo và văn hóa là một trong những điểm then chốt của Công đồng Vatican II. Một nguyên tắc khác của Giáo hội là nguyên tắc biến đổi thường trựcEcclesia semper reformanda -, và sự biến đổi này có những hình thức khác nhau theo thời, nhưng không  phương hại đến tín điều.

Cuồi cùng, quyển sách này không thiếu những giai thoại, những câu dí dõm. Một trong hai người nêu lên vấn đề linh mục có nên mặc áo choàng dài. Hồng y Bergoglio kể câu chuyện ngài nói với một linh mục trẻ: “Vấn đề không phải là con mặc áo choàng hay không, vấn đề là con có xắn tay áo lên làm việc cho người khác hay không.”

Vị tân giáo hoàng cũng biết trên thực tế có những nhóm rao giảng Phúc Âm càng ngày càng lan tràn ở Châu Mỹ Latinh. Ông Luis Palau, một trong những lãnh tụ thế giới của những người kitô thuộc nhóm Phúc Âm đã kể tình bạn của ông với hồng y Bergoglio. Và mục sư Buenos Aires, Juan Pablo Bongarrá nhớ lại: “Ngay cả chúng tôi, cha cũng xin chúng tôi cầu nguyện cho ngài.”

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Palau nói: “Khi bạn nói chuyện với hồng y Bergoglio, bạn có cảm tưởng như cha quen riêng với Chúa. Cách cha cầu nguyện, cách cha nói chuyện với Chúa là cách của một người biết Chúa Giêsu Kitô và thân mật với Chúa một cách rất thiêng liêng. Cha cầu nguyện không mệt mỏi.”

Phần thích thú trong cuộc phỏng vấn là phần ông nói các quan hệ sẽ có thể xảy ra giữa giáo hoàng Phanxicô và các Giáo hội Phúc Âm. “Tôi nghĩ là chúng ta sẽ chứng kiến một nhiệm kỳ mà các căng thẳng sẽ dịu xuống. Điều đó không có nghĩa chúng tôi sẽ đồng ý tất cả mọi chuyện, phải nói ngay như vậy. Ngài là giáo hoàng của Giáo hội La Mã, có những vấn đề trên đó chúng tôi phải đối chiếu, trên đó chúng tôi phải cầu nguyện và tìm câu trả lời trong Thánh Kinh. Có những khác biệt về tín lý nhưng khi hai bên có thay đổi cởi mở hỗ tương và nghiêm túc lắng nghe Lời Chúa, thì ánh sáng của Thiên Chúa sẽ đến.”

Mục sư Palau nói tiếp trong cuộc phỏng vấn của tờ báo Kitô giáo Ngày nay, Christianity Today, được đăng lại trên trang mạng Vatican Insider, “đa số người Công giáo sống ở Châu Mỹ Latinh, và có hàng triệu người Công giáo quay trở về con đường Phúc Âm của chúng tôi để theo Chúa Giêsu Kitô, ít nhất có bảy mươi phần trăm người Latino-Mỹ tự cho họ là người Công giáo. Vài chục năm vừa qua đã có những vụ chám trán và dĩ nhiên không được vui cho lắm. Có một vài nơi, nguy cơ có những tín hữu đánh nhau vẫn còn, nhưng không còn như cách đây năm mươi năm. Các căng thẳng bây giờ chỉ trên mặt thần học…”

Palau tin sẽ không có chạm trán với giáo hoàng Phanxicô: “Cha đã chứng tỏ cho thấy điều này một cách tộng rãi trong suốt thời kỳ cha làm hồng y ở Argentina. Rất nhiều chiếc cầu đã được bắt và chúng tôi cũng đã có những điểm đồng ý: Chúa Giêsu là Thiên Chúa, hạ sinh vô nhiễm, sự sống lại và sự trở về của Ngài.” Nhưng ngoài các mặt thần học, chính quan hệ giữa con người với nhau mới đáng kể. Ông Palau kể chuyện, trong một buổi gặp, hồng y Bergoglio kể nhân viên kế toán của giáo phận là một kitô hữu thuộc nhóm Phúc Âm: “Tôi tin ông ấy vì chúng tôi đã ngồi nói chuyện hàng giờ về Kinh Thánh và uống trà với nhau.”

Tháng 2 năm 2012, đức giáo hoàng Bênêđictô XVI mở công nghị áp chót của ngài để phong chức cho các hồng y mới. Công nghị này có tính cách rất Ý và rất Tòa thánh. Vào dịp này, giáo hoàng Ratzinger giảng một bài xin mọi người trở về với đức tính khiêm tốn và có tinh thần phục vụ. Hồng y Bergoglio không đến La Mã. Tôi liên lạc với ngài bằng điện thoại và xin ngài trả lời cho tôi các câu hỏi về các lời tuyên bố của đức giáo hoàng, và về tình trạng đặc biệt mà Tòa thánh La Mã đang ở trong giai đoạn này, qua vụ bê bối rò rỉ Vatileaks. Các tài liệu mật đã rò rỉ phát tán từ một tháng nay nhưng lúc đó người ta chưa biết gì về trách nhiệm của người quản gia của đức giáo hoàng Bênêđictô XVI. Chúng tôi nói chuyện khá lâu trên điện thoại. Và đây là bản ghi lại các câu hỏi của tôi và các câu trả lời của cha. Buổi phỏng vấn được đăng trên Vatican Insider. Giống như ngài luôn luôn hỏi các ký giả sau mỗi cuộc nói chuyện, hồng y Bergoglio hỏi tôi: “Con nghĩ những gì cha nói có hữu ích chút nào không?”

Cha thấy thế nào về quyết định của giáo hoàng khi ngài loan báo Năm Đức tin và nhấn mạnh một cách mới để giảng Phúc Âm?

Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI nhấn mạnh trên việc ưu tiên phải làm mới đức tin và cha trình bày đức tin như một món quà cần trao truyền, một ân huệ cần ban cho, cần chia sẻ, một hành vi nhưng không. Đó không phải là một tuyên xưng, nhưng là một sứ vụ. Ưu tiên này của đức giáo hoàng nhắm đến một chiều kích hồi tưởng: “Với Năm Đức tin, chúng ta nhớ lại ơn đã được nhận. Và điều này dựa trên ba trụ: nhớ mình đã được chọn, nhớ lời hứa chúng ta đã hứa và nhớ giao ước Chúa đã làm với chúng ta.”

Trong bối cảnh Châu Mỹ Latinh, rao giảng Phúc Âm muốn nói lên điều gì?

Bối cảnh này được sinh ra từ cuộc họp thứ năm của các giám mục Châu Mỹ Latinh, tổ chức ở Aparecida năm 2007. Cuộc họp triệu tập chúng tôi với một sứ mạng chââu lục: cả châu lục lên đường làm sứ mạng. Chúng tôi đã làm và vẫn còn làm các chương trình, nhưng nhất là khía cạnh kiểu mẫu: tất cả các sinh hoạt bình thường của Giáo hội đều được định nghĩa theo chức năng của sứ mạng. Điều đó là một căng thẳng rất lớn giữa trung ương và ngoại biên, giữa giáo xứ và khu vực. Phải đi ra khỏi con người mình để đi ra ngoại biên. Phải tránh căn bệnh thiêng liêng của Giáo hội là tự quy về mình. Ai cũng có thể trải nghiệm điều này, có ra đường là có rủi ro. Nhưng nếu Giáo hội vẫn khép kín, vẫn tự quy về mình, thì Giáo hội sẽ già nua. Giữa một Giáo hội có nguy cơ bị rủi ro khi ra đường và một Giáo hội bệnh hoạn vì tự thủ quá độ thì chắc chắn tôi thích Giáo hội đầu tiên.

Đâu là kinh nghiệm về vấn đề này ở Argentina, đặc biệt ở Buenos Aires?

Chúng tôi tìm cách liên lạc với các gia đình không đến giáo xứ. Thay vì một Giáo hội ở một chỗ để đón và nhận, chúng tôi làm cho Giáo hội đến với tín hữu, những người không đi nhà thờ, không biết nhà thờ, những người thuộc về một phái hay những người dững dưng. Chúng tôi tổ chức các sứ vụ ở những nơi công cộng, nơi có nhiều người tụ tập: chúng tôi cầu nguyện, dâng lễ, đề xuất rửa tội sau khi chuẩn bị ngắn ngũi. Đó là cách của các giáo xứ và của cả giáo phận. Chúng tôi tìm cách bắt liên lạc nhờ các phương tiện thông tin mới như mạng Internet.

Trong bài diễn văn của công nghị và sau đó là bài giảng thánh lễ ngày 19 tháng 2, giáo hoàng đã nhấn mạnh trên sự việc chức hồng y là một sứ vụ cũng như ngài nhấn mạnh sự việc Giáo hội không thể nào tự làm một mình. Cha có bình luận nào về lời nói này của đức giáo hoàng Bênêđictô XVI không?

Hình ảnh giáo hoàng đưa ra đã đánh động tôi khi ngài nói về thánh Giacôbê và thánh Gioan, các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Điều đó nói lên cho chúng tôi biết, rằng luôn luôn có một vài thái độ, một vài thảo luận trong Giáo hội ngay từ lúc đầu. Chức hồng y là chức để phục vụ, không phải là một vinh dự để cao rao. Cao rao, khoe khoang là một thái độ thiêng liêng thuộc về thế gian, đó là tội xấu nhất trong Giáo hội. Khẳng định này ở trong những trang cuối của cuốn sách Suy niệm về Giáo hội của Henri de Lubac. Thói thời thượng thiêng liêng là chủ nghĩa cho rằng con người là trọng tâm, nó có những khía cạnh của thuyết duy tri. Tạo sự nghiệp, thăng quan tiến chức, ở chức cao với thói thời thượng thiêng liêng. Để minh họa cho thực tế của sự huênh hoang này, tôi thường hay nói, cứ nhìn con công, trước mặt thì đẹp nhưng khi nhìn sau lưng thì sẽ thấy thực tế… Ai bị lọt vào thói huênh hoang tự quy về mình, người đó giấu trong thâm tâm một nỗi tuyệt vọng lớn lao. 

Như thế sứ vụ đích thực của hồng y dựa trên cái gì?

Các hồng y không phải là nhân viên của một tổ chức Phi chính phủ nhưng họ là tôi tớ phục vụ cho Chúa, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, chính Thần Khí làm sự khác biệt đích thực giữa các đặc sủng và cùng một lúc, kết hiệp họ trong lòng Giáo hội. Hồng y phải ở trong năng động này, năng động của sự khác biệt của các đặc sủng và thấy ở đây là một đơn vị hiệp nhất. Ý thức tác giả của sự khác biệt cũng như hiệp nhất chính là Chúa Thánh Thần. Một hồng y không ở trong năng động này không đáp ứng các đòi hỏi của đức giáo hoàng Bênêđictô XVI.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch