Trích sách “Phanxicô, giáo hoàng của người nghèo”, Andrea Tornielli, nxb. Novalis
Thứ bảy 16 tháng 3, giáo hoàng Phanxicô khẳng định phong cách mới của mình trước sáu ngàn ký giả và kỹ thuật viên được phép tường thuật cuộc bầu chọn ở phòng họp Phaolô VI. Thêm một lần nữa, ngài không theo bài đã soạn trước. Trong một bài diễn văn cuốn hút, khi giải thích việc chọn lựa tên Phanxicô, ngài ngõ ý trong nhiệm chức của ngài, ngài mong muốn có “một Giáo hội nghèo cho người nghèo.”
Ngài cũng xin các ký giả khi tường thuật đời sống Giáo hội thì đừng bao giờ quên chiều kích đức tin. Ngài mời gọi họ “luôn luôn tìm hiểu hơn về bản chất của Giáo hội và tiến trình của Giáo hội trong thế giới này, với những đức tính và tội lỗi của nó.” Và ngài xin họ quan tâm đặc biệt đến sự thật, lòng tốt và nét đẹp: “Điều này làm cho chúng ta kết hiệp với nhau, vì Giáo hội tồn tại là để loan báo sự thật, lòng tốt và nét đẹp nơi chính Chúa Giêsu Kitô.”
Trong các đoạn ngẫu hứng, ngài nói một câu ngắn trong giáo huấn của đức giáo hoàng Bênêđictô XVI. Cha nhắc lại “Chúa Kitô là trọng tâm chứ không phải người kế vị Thánh Phêrô, không có Chúa Kitô, Thánh Phêrô và Giáo hội không có lý do để tồn tại.” Ngắn gọn, giáo hoàng không phải là nhân vật chính. Cuộc gặp gỡ với ký giả kết thúc với câu “Tôi thương các bạn.”
Thêm một lần nữa, làn gió mát thổi trên hai cuộc gặp ngày chúa nhật. Giáo hoàng Phanxicô muốn dâng lễ 10 giờ sáng chúa nhật ở nhà thờ nhỏ Thánh Annà, nội thành Vatican nhưng cũng là giáo xứ của người La Mã sống trong khu vực Borgo Pio. Giáo hoàng giảng một bài giảng không cần giấy, bài giảng này có thể xem như thông điệp đầu tiên của ngài: “Thông điệp của Chúa Giêsu là lòng thương xót. Đối với tôi, với lòng khiêm tốn, tôi có thể nói, đó là thông điệp mạnh nhất của Chúa Giêsu.”
Chúng ta sống trong một xã hội quen kiểu càng ngày càng ít có trách nhiệm: người khác luôn luôn lầm lỗi. Những người không đạo đức luôn luôn là những người khác. Luôn luôn người khác gây hấn, chúng ta không bao giờ làm gì sai. Nhưng đôi khi chúng ta lại trở về sống theo kiểu chủ nghĩa giáo quyền muốn “chuẩn mực hóa” đời sống người khác, áp đặt lên họ những điều kiện tiên quyết, những cấm đoán làm tự do của họ bị ngộp, làm cuộc sống hàng ngày thành nặng nề, khó nhọc. Thay vì đón nhận thì vội vàng lên án. Có khả năng phê phán nhưng không nghiêng mình xuống với các khốn cùng của nhân loại. Sứ điệp của lòng thương xót, trọng tâm thông điệp đầu tiên (chưa phải văn bản viết) của tân giáo hoàng phá một lúc hai điểm.
Giáo hoàng Phanxicô đã chú giải đoạn Phúc Âm người đàn bà ngoại tình, người mà các luật sĩ, các người pharisêu muốn ném đá vị bà vi phạm luật ông Môsê. Chúa Giêsu cứu bà khi Ngài yêu cầu ai là người không phạm tội hãy ném đá đầu tiên; tất cả đều bỏ ra đi. “Ta cũng không lên án con; đi và từ nay đừng phạm tội nữa.” Nhắc lại đoạn các luật sĩ, những người pharisêu đã kéo bà ra trước mặt Chúa Giêsu đòi ném đá, giáo hoàng nói: “Đôi khi chúng ta cũng thích đánh đập, lên án người khác.”
Giáo hoàng Phanxicô giải thích, bước đầu tiên và duy nhất để có lòng thương xót là nhận biết mình cần lòng thương xót, “Chúa Giêsu đến với chúng ta khi chúng ta biết mình có tội.” Chỉ cần đừng bắt chước người pharisêu nọ, đứng trước bàn thờ cám ơn Chúa vì mình đã không “giống như những người khác.” Nếu chúng ta là những người pharisêu này, tưởng mình công chính, thì “chúng ta không biết tấm lòng của Thiên Chúa và sẽ không có niềm vui cảm nhận được lòng thương xót này!” Người nào quen lên án người khác, thấy mình lúc nào cũng tuân theo luật lệ, nghĩ mình đúng và tốt, thì không cảm nhận mình cần được ôm, được tha thứ. Và cũng có người cảm nhận mình cần được tha thứ, nhưng nghĩ rằng tội của mình không tha thứ được vì đã phạm những tội quá nặng.
Về điểm này, giáo hoàng kể câu chuyện trong tòa giải tội, khi nghe nói đến lòng thương xót, người xưng tội đã nói với cha: “Ồ thưa cha, nếu cha biết cuộc đời của con thì cha sẽ không nói như vậy! Con đã vượt ngục!” Và hồng y trả lời: ‘Thì đã sao! Con nhìn Chúa Giêsu: Chúa sẽ vui khi nghe con kể những chuyện này. Chúa Giêsu, Ngài mau quên, Ngài có một khả năng quên đặc biệt. Ngài quên, ngài ôm con, Ngài ôm con vào lòng và Ngài cũng chỉ nói: ‘Ta cũng vậy, ta không lên án con: con đi và từ nay đừng phạm tội nữa.’ Đó là lời khuyên duy nhất cha cho con. Sau một tháng, nếu còn dậm chân một chỗ… Chúng ta hãy quay về với Chúa. Chúa luôn luôn tha thứ, tha thứ không biết mệt: luôn luôn! Chính chúng ta mới mệt, mới không xin Chúa tha thứ. Vậy thì hãy xin ơn không biết mệt, để xin tha thứ và Chúa luôn luôn tha thứ, không bao giờ biết mệt khi tha thứ.”
Chúa luôn luôn đón nhận và tha thứ, miễn là chúng ta biết mình có nhu cầu cần được tha thứ. Những lời nói đơn giản và sâu đậm của giáo hoàng là một làn gió tươi mát cho bao nhiêu là người. Chỉ vì nó thể hiện gương mặt của Giáo hội, không trách cứ các yếu đuối, các tổn thương của con người nhưng chữa lành với phương thuốc là lòng thương xót.
Cuối thánh lễ, giáo hoàng Phanxicô muốn linh mục trẻ người Uruguay ở bên cạnh ngài và ngài giới thiệu linh mục này đang làm việc bên cạnh những người nghiện ma túy: “Xin quý vị cầu nguyện cho linh mục Gonzalo.” Sau đó, một cách bất ngờ ngoài mong chờ, giáo hoàng đi ra nhà thờ, đứng ở sân trước nhà thờ và như một cha xứ bình thường, ngài chào từng người một, những người đã tham dự thánh lễ. Một cử chỉ đơn giản và trực tiếp. Nhưng như thế cũng chưa đủ: giáo hoàng đã băng qua cửa nhà thờ Thánh Annà hai lần để chào tín hữu đứng bên kia song chặn. An ninh Vatican có chuyện để lo: rõ ràng là giáo hoàng có phong cách riêng của ngài và nhất là ngài không muốn mình bị nhốt trong lồng. Buộc lòng phải ngưng, ngài không tiếp tục bắt tay những người đang muốn tiếp tục bắt tay ngài. Kinh Angélus đầu tiên ở cửa sổ căn hộ của giáo hoàng (ngài vẫn chưa ở đây) đang chờ ngài.
Đến đúng giờ, ngài ra cửa sổ. Việc đầu tiên ngài nói: “Xin chào anh chị em!” Quảng trường Thánh Phêrô đông nghẹt người, cũng như con đường Conciliazione và một vài đường lân cận.
“Sau buổi gặp đầu tiên ngày thứ tư vừa qua, thêm một lần nữa, tôi xin gởi lời chào tất cả anh chị em, tôi vui sướng được chào vào ngày chúa nhật, ngày của Chúa. Là một điều tốt đẹp cho kitô hữu chúng ta, được nói chuyện, được chào nhau ngày chúa nhật, và bây giờ chúng ta chào nhau ở một nơi mà nhờ truyền thông nên có tầm vóc thế giới.”
Giáo hoàng chú giải Phúc Âm chúa nhật: đoạn người đàn bà bị ném đá. “Thái độ của Chúa Giêsu thật đáng kể… Chúng ta không chờ để nghe những lời lên án, nhưng nghe những lời yêu thương.” Đối với chúng ta, thật quá dễ để vạch tội người khác, để đòi lên án người khác mà không tự xét lương tâm. “Gương mặt của Thiên Chúa là gương mặt của Người Cha nhân hậu, kiên nhẫn, miệt mài tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta biết quay về với tấm lòng ăn năn hối cải.” Chỉ cần biết mình cần được tha thứ, ý thức rằng không có ai là không phạm tội.
Sứ điệp thương xót sẽ là biểu tượng trọng tâm của nhiệm chức giáo hoàng của ngài. Trên vấn đề này, giáo hoàng Phanxicô nói mình đã được đánh động bởi một quyển sách của hồng y Kasper. Cha ngưng bài diễn văn ở đây để nói đùa: “Nhưng anh chị em đừng nghĩ tôi nói ra để cổ động sách cho các bạn tôi..”
Cha nói thêm: “Nhưng quyển sách này thật hữu ích cho tôi. Lòng thương xót làm thế giới thay đổi, bớt lạnh lùng và công chính hơn.” Cha trích lời của tiên tri Isaia: “Dù cho tội của con có tày trời. Chúa cũng làm cho trắng như tuyết.” Với một thế giới khó lòng tin, tân giáo hoàng muốn nói lên cùng điều cách đây hai ngàn năm, có nghĩa, lòng thương xót không phải là một cảm nhận nhưng là một nhân vị. Cách đơn giản của ngài là nhắc lại mầu nhiệm Nhập thể – Angélus chính xác là tâm thức của Nhập thể – là ở trong tình mẫu tử: ngài đong đưa tay như đang ru em bé và nói: “Đức Trinh Nữ đã ôm Chúa trong lòng, lòng thương xót mặc xác phàm, đó là Chúa Giêsu.”
Đức giáo hoàng nhắc lại khi ngài còn làm hồng y ở Buenos Aires, có một bà lớn tuổi đến xưng tội khi ngài làm lễ trước tượng Đức Mẹ hành hương Fatima. Bà nói: “Chúng ta tất cả đều phạm tội và Chúa tha tất cả.” Tôi nói: “Nhưng thưa bà, vì sao bà biết?” Bà trả lời: “Nếu Chúa không tha cho tất cả thì thế giới này không còn.” “Nhưng bà ạ, bà có học ở trường Grégorie à?” Giáo hoàng Phanxicô nhắc: “Chúng ta cũng phải học để có lòng thương xót với tất cả mọi người.” Và ngài lặp lại hai lần trước khi chào: “Anh chị em đừng quên những lời này: Chúa miệt mài tha thứ chúng ta; còn chúng ta đôi khi lại quên xin được tha thứ.” Một lời van xin đừng để tuyệt vọng lấn chiếm.
Nguyễn Tùng Lâm dịch