Chứng từ tuyệt vời của Cha Thánh Piô Pietrelcina
acistampa.com, Di Gianluca Giorgio, 2018-05-25
Hôm nay 25 -5 là ngày sinh nhật của Cha Thánh Piô. Tưởng niệm Cha Thánh Piô (1887-1968) chắc chắn là niềm vui lớn của toàn Giáo hội. Cha Thánh Piô là linh mục Dòng Capuxinô, nhà trừ quỷ, người tôn kính Đức Mẹ, người mang năm dấu thánh, đó là các ơn mà Chúa ban cho Cha Thánh Piô để cứu rỗi các linh hồn.
Ngài sống một cuộc đời khiết tịnh, nghèo khó, vâng lời theo Chúa Kitô. Có một sức khỏe luôn bị đau các chứng bệnh khác nhau, nhưng không vì thế mà ngài không chăm sóc các linh hồn. Rất nhiều người gần ngài, hồng y Lercaro đã đến San Giovanni Rotondo để ban phép lành cho căn nhà thoa dịu đau thương, bác sĩ Peter Valdoni, một bác sĩ nổi tiếng, người sáng lập khoa giải phẫu Đại học Rôma, ông không làm sao giải thích, ngoài các đức tính tôn giáo và thần nghiệm, vì sao Cha Thánh Piô mỗi ngày mất một tách máu mà sống được. Đối với khoa học, đó là câu hỏi không có câu trả lời. Nhưng đối với Chúa thì không.
Với Cha Thánh Piô, ngoài những câu chuyện chúng ta có thể kể mãi không hết, chúng tôi xin nhắc lại đời sống thần nghiệm của cha có thể tóm tắt trong vài chữ.
Cha sinh ra ở Pietrelcina năm 1887 trong một gia đình sống nghề nông với một tấm lòng mộ đạo sâu đậm. Rất nhanh chóng, cha nghe tiếng gọi đi tu Dòng Capuxinô. Khi còn nhỏ, cha có tên là Francesco (vào nhà Dòng cha mới đổi qua tên Piô), mẹ của cha nói với cha: “ Francesco, nếu Chúa gọi con thì con phải đi”. Vậy là cha đi. Cha theo học các chủng viện của Tỉnh bang: Morcone; Sant’Elia a Pianisi; Serracapriola; Foggia. Sau khi chịu chức được vài năm, cha được gởi đi San Giovanni Rotondo, tại đây cha đã gặp Chúa ngày 25 tháng 9 năm 1968.
Sự kiện lạ lùng nhất trong kinh nghiệm thần nghiệm của cha là cha nhận năm dấu thánh. Từ năm 1918, Chúa đã in vào cơ thể cha các dấu tích Chúa đã chịu đau khổ vì nhân loại. Cha mang dấu thánh trong vòng 50 năm và kỳ lạ thay, các dấu này biến mất khi cha qua đời. Năm 1918 khi Chúa in năm dấu thánh, Chúa nói với Cha Thánh Piô, cha sẽ mang các dấu này trong vòng nửa thế kỷ. Và đã xảy ra như vậy.
Đau khổ, khiêm nhường, thiếu thốn đủ mọi thứ, cọng thêm các hoạn nạn và phá hoại của quỷ, nhưng tất cả không ngăn cản cha dốc tâm cứu các tâm hồn, mang họ về với Chúa.
Gần như cả ngày cha ngồi ở tòa giải tội, nhiều người đến xưng tội với cha, vì duy chỉ có lòng thương xót Chúa mới mang bình an đến cho họ. Thánh Âugutinô đã viết trong tác phẩm Lời thú tội: “Tâm hồn tôi chỉ được bình yên khi nó được nghỉ an trong Chúa”. Và Cha Piô là người trung gian.
Bạn bè của cha là các thánh như Don Luigi Orione, chân phước Giacomo Alberione và nhiều người khác đã đến với cha, cha có lòng khiêm tốn bao la: cha luôn là người ở chỗ cuối cùng.
Cha yêu Dòng Capuxinô với một tình yêu mãnh liệt, sâu đậm và duy nhất. Trong những năm hậu công đồng, cha trung thành với lời khấn khi còn trẻ, với một tình yêu nhất quán với Thánh Phanxicô. Cha luôn tuân theo quyết định của Giáo hội mà cha gọi là Mẹ.
Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II rất kính trọng Cha Piô, khi ngài còn là một linh mục trẻ, ngài xin Cha Piô chữa lành cho một bà mẹ bị ung thư. Cha Piô xin Đức Mẹ chữa và Đức Mẹ đã chữa lành. Chuyện này đã ghi khắc trong tâm hồn Karol Wojtyla, người xác nhận sự thánh thiện cho chứng nhân của Chúa Kitô.
Cha Piô sống trong thế kỷ của những đau đớn tột cùng, hai thế chiến, cách mạng Nga, thực dân ở Phi châu, tái xây dựng sau chiến tranh, nhưng không khi nào cha từ bỏ thế giới đau đớn này, cha mang thế giới này vào trong chương trình cứu chuộc của Chúa Kitô. Còn gì để nói thêm về cha nữa? Không còn gì.
Vài tháng trước khi qua đời, một người con gái thiêng liêng của cha hỏi cha: “Thưa cha, chúng con sẽ thấy cha ở đâu khi cha rời chúng con?” Ngài trả lời phải đến trước Nhà Tạm. Và chúng ta không những tìm thấy ở đây một câu trả lời, nhưng còn là vòng ôm của một người cha.
Cha được Đức Gioan-Phaolô II phong thánh ngày 6 tháng 6 năm 2002.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc: Các bài đã đăng về Cha Thánh Piô