Các khu phố ổ chuột và “chủ nghĩa tối thượng của tiền bạc”
Trích sách “Phanxicô, giáo hoàng của người nghèo”, Andrea Tornielli, nxb. Novalis
Nét kham khổ của tân giáo hoàng đã trở nên quen thuộc với người dân ở Buenos Aires. Ông Alberto Barlocci nhắc lại trong tạp chí Popoli giai thoại sau: các người tham dự buổi họp liên tôn đã rất ngạc nhiên khi thấy hồng y đứng một mình ở cỗng để chờ họ. Còn cha, với nét dí dõm pha tính thẳng thắn, cha nói với họ: “Hồng y làm gì nếu không phải là người mở cửa?”
Sự gần gũi của giám mục Bergoglio với giáo hữu của mình, đặc biệt với những người bần cùng, những người nghèo, những người bệnh, những người yếu nhất là nét đặc biệt trong giáo hạt của ngài. “Ngài đã dâng cho chúng tôi rất nhiều thánh lễ, nơi những người lượm thùng giấy, những người thất nghiệp trong các khu phố ổ chuột,” Emilio Persico, một nghị viên tận tâm với các hoạt động xã hội đã bình luận như trên.
Hồng y Bergoglio luôn luôn tỏ ra gần với Giáo hội của những “ranh giới,” ngài gởi các linh mục đến các khu phố ổ chuột, đào tạo và nâng đỡ họ. Và nhất là thăm viếng họ.
Sự gần gũi này và những bài diễn văn về nạn nghèo khó và về công bình xã hội thường được chính quyền của tổng thống Nestor Kirchner, sau này vợ của ông là bà Cristina kế vị chồng cho đó là những lời trách cứ nhắm đến giới chính trị. Hai ông bà rất khó chịu về bài giảng của hồng y Bergoglio ở Thánh đường Buenos Aires nhân dịp lễ Tạ Ơn, Te Deum vào tháng 5, kỷ niệm ngày lễ Độc lập Argentina nên họ dự thánh lễ thường niên này ở các họ đạo khác.
Giáo hoàng có những chữ nghiêm khắc để mô tả tình trạng của thủ đô Argentina: “Ở Buenos Aires, nạn nô lệ chưa được bãi bỏ. Ở đây công nhân làm việc như thời nô lệ,” cha tuyên bố trước các thành viên của cơ quan Phi chính phủ La Alameda, một nhóm các phần tử cốt cán đấu tranh chống nạn buôn phụ nữ để bán dâm và chống sự làm việc quá sức trong một số xưởng may chui hay những người làm công nhật theo mùa ở vườn nho, ở các nơi gặt hái hoa màu.
Ngày 30 tháng 12 năm 2004, một ngày cuối năm khủng khiếp ở Buenos Aires đã xảy ra một vụ hỏa hoạn ở tiệm nhảy rock Cromanón, thiêu hủy nhanh chóng tòa nhà, gần một trăm người chết và hàng trăm người bị ngộ độc. Thêm một lần nữa, chứng tỏ cho thấy thành phố thiếu kiểm soát trầm trọng, nạn tham nhũng, tinh thần vô trách nhiệm: các người khai thác tiệm nhảy đã khóa lối ra cấp cứu bằng những sợi xích.” Ông Alberto Barlocci viết trong tờ báo Popoli, “Bergoglio muốn Giáo hội đi cùng với dân trong lúc đau đớn này. Đối với nạn nhân của vụ hỏa hoạn, sự hiện diện này đã an ủi họ và đối với một số người, đây là dịp để họ trở về với đức tin mà họ gần như đã bị mất. Còn đối với một số lớn người, đây là cuộc gặp gỡ với một Giáo hội gần gũi, thân tình như anh em cha mẹ ruột thịt…”
“Sự tắc trách đã làm xảy ra thêm một lần nữa vào tháng 2 năm ngoái, khinh suất, vô trách nhiệm, nạn tham nhũng đã gây nên tai nạn đường sắt ở ga Once, ngay trung tâm thành phố: năm mươi mốt người chết và hàng trăm người bị thương. Lại một lần nữa, tòa giám mục Buenos Aires đã biết làm cho Giáo hội của mình là một Giáo hội phục vụ người nghèo, những người buộc phải dùng phương tiện giao thông công cộng trong những điều kiện tệ nhất.”
Vào đầu năm 2000, Argentina trải qua một cơn băng rã kinh tế và tài chánh khủng khiếp. Tháng 12 năm 2001, xứ sở bị xoáy động vì các xáo trộn xã hội trầm trọng: rất nhiều gia đình không còn nhà cửa. Một ngày nọ, khi vừa lên chức hồng y, từ cửa sổ tòa giám mục, ngài thấy cảnh sát đang bắt một phụ nữ ở quảng trường Tháng Năm. Cha nhắc điện thoại gọi cho Bộ trưởng bộ Nội vụ, người ta chuyển thư ký an ninh cho cha nói chuyện. Và cha hỏi ông có biết phân biệt giữa khuấy động chính trị và việc người dân đơn giản đòi ngân hàng trả lui tiền cho họ không.
Năm 2002, trong buổi phỏng vấn với ông ông Gianni Valente đăng trên nguyệt san 30 Ngày, vị giáo hoàng tương lai đã nói đến giai đoạn này. Cha nhắc lại các giám mục Argentina đã nói đầu đuôi với giáo hữu về cơn khủng hoảng chưa từng có này: “Khái niệm một Quốc gia diệu kỳ, phung phí tiền bạc của dân, chủ nghĩa tự do quá độ qua chế độ chuyên chế thị trường, trốn thuế, không tôn trọng luật lệ, cũng như trong cách quản thủ, cách ra lệnh và áp dụng luật, sự mất ý nghĩa của lao động. Tóm lại, một tệ nạn tham nhũng toàn bộ có hại cho sự củng cố quốc gia và làm cho quốc gia mất uy tín trước thế giới. Đó là chẩn đoán căn bệnh. Tận căn, gốc rễ của cơn khủng hoảng ở Argentina là ở thứ trật đạo đức.”
Hồng y kể “vào thời đó, đúng là có một chủ nghĩa khủng bố kinh tế và tài chánh, nó có những hệ quả rất dễ thấy, số lượng người giàu cũng như người nghèo gia tăng vượt bực, trong khi số lượng giai cấp trung lưu lại giảm rõ rệt. Và những hệ quả khác, ít liên hệ đến tình trạng tài chính là sự suy đồi trong ngành giáo dục. Vào lúc đó, ở thủ đô và vùng phụ cận Buenos Aires, có hai triệu người trẻ không được đi học, không có việc làm. Đứng trước cách man rợ mà nước Argentina đối phó với nạn toàn cầu hóa, Giáo hội của xứ này không ngừng nhắc đến Giáo huấn của Tòa thánh. Ví dụ, chúng tôi nhắc đến các tiêu chuẩn được trình bày một cách rõ ràng trong Tông huấn Giáo hội ở Mỹ châu, Ecclesia in America của đức giáo hoàng Gioan Phaolô II.”
Cách đây hơn tám mươi năm, một ít thời gian sau cơn khủng hoảng tài chánh năm 1929, giáo hoàng Piô XI đã viết trong Thông điệp Quadragesimo anno, ngài cho rằng “chủ nghĩa quốc tế tối thượng của tiền bạc,” mô thức kinh tế đầu cơ có khả năng làm tan gia bại sản hàng triệu gia đình trong nháy mắt. Hồng y Bergoglio thấy ở đó “một mô thức luôn luôn có tính thời sự và có gốc rễ ở Kinh Thánh. Khi ông Môsê lên núi để nhận điều răn của Chúa, thì dân chúng phạm tội bằng cách đúc con bò vàng. Ngày nay, chủ nghĩa tối thượng của tiền bạc có một bộ mặt ngẫu tượng không còn nghi ngờ gì nữa. Buồn cười là ngẫu tượng lúc nào cũng ở bên cạnh vàng. Ở đâu có ngẫu tượng, ở đó người ta loại bỏ Chúa và nhân phẩm con người, một con người được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa.”
Tổng giám mục Buenos Aires nói tiếp, “như thế, tân chủ nghĩa tối thượng về tiền bạc giảm một nửa lao động mà lao động là phương tiện để con người biểu lộ nhân phẩm của mình, biểu lộ sức sáng tạo của mình, sức sáng tạo theo hình ảnh sáng tạo của Chúa. Nền kinh tế của đầu cơ không còn cần lao động, họ không biết làm gì với lao động. Người ta thờ tiền, tự tạo ngẫu tượng nơi chính mình. Vì thế họ không hối hận khi làm cho hàng triệu người lao động thất nghiệp.” Một tầm nhìn về thực tế mà các giám mục rút ra từ học thuyết xã hội của Giáo hội và các tài liệu lớn của hàng giám mục Châu Mỹ Latinh.
“Về mặt này, các tài liệu của Puebla rất quan trọng. Hội đồng các giám mục Châu Mỹ Latinh ở Puebla đã đánh dấu một sự cắt đứt. Người ta bắt đầu nhìn Châu Mỹ Latinh dưới nhãn quan truyền thống văn hóa riêng của nó. Song song với hệ thống chính trị và kinh tế, họ bắt đầu nhìn sự tốt đẹp và phong phú của tài năng của hàng tu sĩ và đường lối thiêng liêng đặc nét của dân tộc chúng ta, được thể hiện qua lòng mộ đạo nổi tiếng được giáo hoàng Phaolô VI khen ngợi trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng, Evangelii nunti-andi (số 48).”
Hồng y Bergoglio nhấn mạnh, “kinh nghiệm Kitô không phải là một ý thức hệ, nó được xác định trọn nét trong duy nhất tính được nảy sinh từ cuộc gặp gỡ kinh ngạc với Chúa Giêsu Kitô, sự thán phục nơi bản thể Chúa Giêsu Kitô. Và điều này, dân tộc chúng ta đã giữ và thể hiện qua lòng mộ đạo của đại chúng. Mặc dù các ý thức hệ cánh tả cũng như chủ nghĩa kinh tế tối thượng về tiền bạc ngày nay đã vượt thắng để xóa mờ tính độc đáo trong sự gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, người dân xứ chúng ta vẫn còn sống trong tính đơn sơ của đức tin của họ.”
Các lời nói về vai trò mà các cộng đoàn, các tổ chức tài chánh quốc tế không phải là không khắt khe: “Tôi không có cảm tưởng họ đặt trọng tâm suy nghĩ của họ về con người, mặc dù đó là những lời hoa mỹ. Họ luôn luôn chỉ dẫn cho các chính quyền đường lối chỉ huy cứng ngắt của họ, họ lúc nào cũng nói về luân lý, về minh bạch nhưng họ không có lòng tốt.”
Vị giáo hoàng tương lai đưa ra một con đường để đi ra khỏi cơn khủng hoảng: “Trong ý chí chung để thoát ra khỏi cơn khủng hoảng ở Argentina, chúng ta giữ vững tinh thần mà Truyền thống Giáo hội đã dạy, nhận thấy nơi sự áp bức người nghèo và gian lận lương hướng là hai tội trước mặt Chúa. Hai biểu thức này về tội hoàn toàn có tính cách thời sự trong giáo huấn của tòa giám mục Argentina. Chúng ta quá mệt mỏi với những hệ thống sinh sản ra những người nghèo rồi sau đó giao cho Giáo hội lo. Trong những hoàn cảnh này, các giám mục đã phản ứng bằng cách tổ chức trong các giáo xứ một mạng lưới các quán ăn cho các trẻ em và người lớn sống ngoài đường, những người này càng ngày càng đông. Hàng giáo phẩm Công giáo cũng đã chấp nhận ngồi vào bàn thảo luận để tìm một giải pháp nhưng luôn luôn giữ một lấp trường bảo vệ đạo đức.”
Hồng y Estanislao Esteban Karlic, chủ tịch Hội đồng giám mục đã nói: “Chúng ta tất cả đều có tội.”
Hồng y Bergoglio xác nhận: “Chúng ta là một phần của dân tộc, chúng ta chia sẻ vừa tội lỗi vừa ân sủng với dân tộc. Chúng ta chỉ có thể loan báo trao ban nhưng không ân sủng Thiên Chúa, nếu chúng ta trải nghiệm được trao ban nhưng không của ơn tha thứ đối với tội chúng ta. Năm 2000, Giáo hội Argentina đã trải qua một giai đoạn ăn năn khi xin xã hội tha thứ vai trò của mình dưới chế độ độc tài. Không có một bộ phận nào của xã hội Argentina đã xin tha thứ một cách như vậy.”
Hồng y kết luận, Giáo hội luôn luôn tìm cách khơi gợi: “Một đối thoại giữa các thành phần khác nhau trong xã hội, tham dự vào đối thoại quốc gia dù không phải Giáo hội triệu tập hay điều khiển cuộc họp, Giáo hội đề nghị một nơi để có chỗ đối thoại, cũng như có người đề nghị cho mượn nhà mình để hai anh em gặp nhau, hòa giải với nhau. Nhưng Giáo hội không phải là nhóm người hoạt động ngoài hành lang, một đảng phái can thiệp trong cuộc đối thoại bên cạnh các nhóm lợi ích và áp lực khác.”
Vào một lúc mà tầng lớp lãnh đạo hoàn toàn không còn được coi trọng, vị giáo hoàng tương lai nói rõ: “Phải dành lại tầm quan trọng cho chính trị dù các chính trị gia đã làm giảm uy tín của nó, bởi vì, giống như đức giáo hoàng Phaolô VI đã nói, chính trị có thể là một trong những hình thức cao cả nhất của đức ái. Ví dụ, trong nước chúng ta, dụng ý của mô thức kinh tế đô hộ đã tác hại đến hai đầu của cuộc sống, tuổi thơ ấu và tuổi già – hai lứa tuổi bị tác động nhiều nhất bởi cơn khủng hoảng -, và đã tạo ra những tác hại trong lãnh vực giáo dục, y tế và trợ cấp xã hội. Một dân tộc không săn sóc được trẻ con và người già là một dân tộc đánh mất hy vọng.” Trên cách mà nước Argentina đi ra khỏi cơn khủng hoảng, dường như hồng y không có một nghi ngờ nào: “Tôi tin ở phép lạ. Và Argentina là một dân tộc cao lớn và đẹp đẽ. Các di sản thiêng liêng mà dân tộc chúng ta gìn giữ đã là bước đầu của phép lạ. Và tôi đồng ý với Manzoni, ông nói: “Không bao giờ Chúa khởi đầu một phép lạ mà không kết thúc nó một cách tốt đẹp.” Tôi, tôi chờ nó kết thúc tốt đẹp.”
Trong quyển sách El Jesuita, (Tôi tin tưởng ở con người): “Người ta kể một trong những cuộc viếng thăm thường xuyên của ngài ở các khu phố ở Buenos Aires, khi ngài gặp một nhóm người ở giáo xứ… một người thợ nề đứng lên, xúc động nói với ngài: “Con rất tự hào về cha, bởi vì khi con đi qua đây với các bạn, con thấy cha ngồi với chúng con như một người bình thường.”
Niềm vui vỡ oà khi nghe cha được bầu làm giáo hoàng thấy rõ ở các khu phố ổ chuột: “Bây giờ chúng ta có một người bạn ở Roma.”
Để hiểu giáo hoàng Phanxicô, cần phải đi từ căn nhà bao phủ các bức tranh ở giáo xứ Nuestra Senora ở Caacupé. Nhà thờ dâng hiến cho Đức Mẹ Vô Nhiễm của những người di dân Paraguay, cũng như ở Charrúa có nhà thờ Copacabana của người Bolivia, hay ở Lujân của người Argentina. Linh mục Toto kể cho tờ báo La Stampa: “Lần cuối cùng cha đến đây là ngày 8 tháng 12, không bao giờ cha để hụt ngày lễ kính Đức Mẹ. Cha đến nhà, dâng thánh lễ, làm phép bí tích, làm phép tượng, rồi cha vào ăn với chúng tôi món xúp thịt nấu với bắp.”
Cô Jessica Araujo không cầm được nước mắt khi nhớ lại ngày 10 tháng 11 vừa qua: “Đó là ngày rước lễ lần đầu của Maxi con trai tôi. Quý vị có biết chuyện gì xảy ra cho tôi? Tôi mang thai ở tuổi 15, tôi buộc phải nghỉ học, đời sống của tôi bị thay đổi. Rồi có người đàn ông này mặc đồ dân sự đi tới, ông đi xe buýt vì tôi không thấy chiếc xe to nào ở ngoài. Rồi ông mặc áo linh mục, khi đó tôi mới biết ông: Cha Jorge, cha đến để ban bí tích rước lễ lần đầu.”
Có cả hàng chục cô trẻ như cô ở văn phòng nhỏ xíu của giáo xứ lợp bằng tôn. Một trong các cô trẻ này đưa ra tấm hình chồng cô chụp với người lúc đó còn là hồng y. Một người khác đưa ra tấm hình lễ thêm sức của một người mù. Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo La Stampa, linh mục Toto nhấn mạnh: “Cha là một trong những người của chúng tôi.” Ông Paolo Mastrolilli nói, “một tu sĩ có tấm lòng, không hào nhoáng bề ngoài.” Chúng ta nên suy nghĩ về chuyện này: ngày hôm qua, cha gọi về tòa giám mục để chúc mừng sinh nhật một cô nhân viên. Tội cho cô! Cô quá xúc động nên ấp úng: “Bây giờ con không biết gọi cha như thế nào!” Cha nói: ‘Cha Jorge, được không?’ Có khi tôi thấy cha để các hộp spaghetti trong văn phòng, cha ăn ở đây và chính cha tự nấu. Lần cuối tôi gặp cha là trước khi cha đi Roma; tôi cần cha ký khẩn cấp một tài liệu: ‘Được, nhưng con chỉ có mười phút để giải thích cho cha tất cả mọi chuyện vì cha sắp đi Roma.’”
Giáo hội của dân là Giáo hội mà hồng y Bergoglio mong muốn, người lúc nào cũng gần những người đau khổ, đã sinh ra ở những con đường này mà ngay cảnh sát cũng không dám đến đây ban đêm. Cha Carlos Trovarelli dòng Phan Sinh kể: “Cha sinh ra trong khu phố bình dân ở Flores, và cha luôn luôn là người của dân chúng.” Linh mục Facundo Beretta Lauria nói: “Chính mắt tôi thấy, ngài đã phản ứng như thế nào khi những tên buôn thuốc phiện đe doạ giết chết linh mục Pepe, bạn của tôi, bởi vì linh mục Pepe muốn loại bỏ thuốc phiện làm từ sái dư cocaine để bán cho trẻ con ra khỏi khu vực chúng tôi. Cha lên giọng nói với chúng tôi: “Bất cứ giờ nào cứ việc gọi cho cha, bất cứ lý do nào vì cha muốn đích thân tôi lo việc này.”
Cha Facundo mang dép nhựa, mặc quần jean, sơ mi kiểu linh mục nhưng không thắt nút trên cổ, cha nói tiếp: “Có một giai đoạn rất hoang mang, chính trị can thiệp vào mọi lãnh vực. Khi hồng y Bergoglio gặp chúng tôi, lúc nào cha cũng nhấn mạnh một chuyện: Đùng bao giờ bỏ rơi lòng thương xót.” Và cha có lý, vì khi bạn kết hợp đức tin với tình đoàn kết, đó là lúc khởi đầu lễ hội dù ở khu ổ chuột.”
Khi cha Jorge Mario Bergoglio bắt đầu làm tổng giám mục ở Buenos Aires, lúc đó chỉ có sáu curas villeros, sáu linh mục sống trong khu phố ổ chuột. Cha Facundo nói: “Bây giờ chúng tôi có 24 linh mục, vì hồng y Bergoglio nâng đỡ chúng tôi một cách cụ thể, ngài đến làm việc với chúng tôi ngoài đường. Cha dâng thánh lễ cho các cô gái mãi dâm ở Plaza Constitución, thăm người bệnh sida, và giữ quan hệ với các gia đình có người mất tích, desaparecidos, luôn luôn hy vọng ít nhất sự thật sẽ giải thoát chúng tôi. Nhưng giống như giáo hoàng Phanxicô nói, chúng tôi không phải là một cơ quan Phi Chính Phủ, tất cả những chuyện này được làm trên nền tảng đức tin.”
Trong một cuộc phỏng vấn đăng trên nguyệt san 30 Ngày, hồng y Bergoglio đã nói về những linh mục sống trong khu phố ổ chuột, curas villeros: “Họ làm việc và họ cầu nguyện. Đó là những linh mục cầu nguyện. Họ dạy giáo lý và làm việc xã hội. Và tôi hài lòng. Về linh mục bị đe dọa này, người ta nói, và đúng thật, linh mục đó có lòng tôn kính thánh Don Bosco. Vì thế lối sống của thánh Don Bosco đã thắp sáng tâm hồn linh mục đó.”
Việc tốt lành mà các linh mục này thực hiện, với sự nâng đỡ và tình thương của giám mục Bergoglio mà nay là giáo hoàng, được đọc trên đôi mắt của cô Myriam, một cô gái xinh đẹp mà cách đây vài năm còn ngủ trong những côngtenơ rác. Người ta không cho cô nuôi hai đứa con gái nhỏ và cả ngày cô chạy đi kiếm tiền bằng đủ mọi cách để mua thuốc phiện. “Chẳng còn gì để cứu tôi. Nhưng ở ngoài đường, lúc nào tôi cũng gặp một cha xứ nói với tôi: “Chúa thương con, Dios te ama.” Bây giờ cô dạy giáo lý và muốn làm trợ tá để đồng hành với những người muốn thoát cảnh nghiện ngập.
Trong tuần thánh 2008, hồng y Bergoglio đến dâng lễ ở khu phố ổ chuột, in Coena Domini, cha đã rửa chân cho mười hai bé trai ở Hogar de Cristo, trung tâm phục hồi những người nghiện ngập do các linh mục làm việc trong khu phố ổ chuột lo, những chứng nhân Phúc Âm của lòng thương xót, mang lại hy vọng cho những người đã mất hy vọng.
Nguyễn Tùng Lâm dịch