Trong hành lang của các chuyến tông du
Trích sách: Đi tông du với Đức Giáo hoàng, Andrea Tornielli (En voyage avec le pape, Robert Laffont)
Chính Đức Phaolô VI là người có sáng kiến tổ chức các chuyến tông du hiện đại đi thăm năm châu lục mà ngài thường có thói quen chào từng ký giả đi theo ngài trên máy bay. Ngài quy định giáo hoàng không họp báo, không trả lời phỏng vấn nhưng cũng có khi ngài trả lời một vài câu chuyện, ông Domenico Agasso, nhà vatican học của tuần báo Epoca cho biết: “Đức Phaolô VI đến chào từng người một, khi đi cũng như khi về. Một vài ký giả đặt vài câu hỏi. Một ngày nọ, tôi đưa cho ngài một món quà để cho các em bé nghèo ở Pakistan mà một giáo xứ nhờ tôi đưa. Trên chuyến bay về, ngài đến nói với tôi là ngài đã giao cho các em bé”.
Tháng 1 năm 1979, trong chuyến đi Mêhicô, các ký giả đi theo Đức Gioan-Phaolô II đã được báo cho biết ngài sẽ đi chào từng người nhưng ngài sẽ không trả lời phỏng vấn. Nhưng khi Đức Wojtyla đang đi ở lối đi, một nhà báo Mỹ lên tiếng hỏi to: “Cha có đi Mỹ không?” Câu trả lời của giáo hoàng từ đó mở đầu cho thói quen trả lời phỏng vấn trên chuyến bay. Trong các chuyến bay quốc tế dài giờ, Đức Gioan-Phaolô II đến chào từng nhà báo và trả lời các câu hỏi của họ, nhưng không có máy vi âm. Một nhân viên của Radio Vatican theo ngài để thu lại tất cả, nhưng các ký giả ngồi xa ba hàng ghế không nghe câu hỏi của đồng nghiệp nên nhiều khi hỏi lại cùng một câu. Nhưng trong các chuyến bay ngắn và máy bay nhỏ thì giáo hoàng lại có máy vi âm. Trong những năm 1990, sau nhiều lần bị té và sau khi tuyên bố Đức Gioan-Phaolô II có các triệu chứng đầu tiên của bệnh Parkinson thì giải pháp này cũng áp dụng cho các chuyến bay dài. Trong năm năm cuối giáo triều của ngài, Đức Gioan-Phaolô II không còn họp báo trên máy bay.
Đức Bênêđictô XVI cũng theo truyền thống của người đi trước, đầu tiên ngài để cho các ký giả muốn hỏi gì thì hỏi, không lọc trước. Nhưng đôi khi các câu trả lời của ngài gây tranh luận, như trường hợp năm 2009 trong chuyến đi Camerun, ngài trả lời về việc ngừa thai. Tiếng la hét bất bình của báo giới cuối cùng làm hoen mờ nội dung quan trọng của chuyến đi Phi châu. Sau đó, Đức Bênêđictô XVI vẫn tiếp tục họp báo trên chuyến đi nhưng các ký giả phải đưa câu hỏi cho phát ngôn viên của giáo hoàng là linh mục Federico Lombardi trước vài ngày, linh mục chọn những câu tiêu biểu nhất. Rồi sau đó mới đưa lên giáo hoàng.
Còn Đức Phanxicô thì ngay đầu triều giáo hoàng của mình đã canh tân một cách đáng kể. Tháng 7 năm 2013, ngay chuyến đi đầu tiên qua Rio de Janeiro dự Ngày Thế giới Trẻ, trên chuyến đi ngài đi chào từng ký giả và trên chuyến về thì có họp báo, để tránh các câu trả lời mà lời bình của báo chí có thể đánh lạc chú ý mục đích thật sự của chuyến đi.
Các họp báo của Đức Phanxicô thì dài và ngài phải trả lời đủ loại câu hỏi tạp nham. Các nhật báo chia thành từng nhóm theo ngôn ngữ của mình, trong nhóm của mình họ chọn người sẽ đặt câu hỏi để tránh lập đi lập lại. Từ trước đến giờ chuyến về lúc nào cũng là thời gian thư giãn. Nhưng với Đức Phanxicô thì chuyến về thành cuộc chạy nước rút: phải ghi lại buổi phỏng vấn, so sánh câu này câu kia với đồng nghiệp, thảo lại bài viết sẽ gởi ngay khi phi cơ hạ cánh, thậm chí còn gởi trước khi phi cơ hạ cánh nếu máy bay có wi-fi.
Tôi không chép lại đây các cuộc họp báo này, vì như thế là cả một khối lượng công việc, tôi chỉ đan cử một vài câu trả lời đáng nhớ, vẫn còn ở trong tâm tưởng tập thể hay vẫn còn là đề tài tranh luận của báo chí.
Trong chuyến đi đầu tiên qua Rio de Janeiro, Ba Tây, các ký giả thấy Đức Phanxicô cầm cặp đen bằng da bước lên phi cơ, họ chưa bao giờ thấy một giáo hoàng mang cặp như vậy. Thế là các câu hỏi dấy lên, trong cặp có gì.
Đức Phanxicô trả lời: “Không có mật mã để bấm bom nguyên tử đâu! Tôi mang những gì tôi cần dùng hàng ngày khi đi du lịch. Cái gì hả? Một dao cạo râu, quyển kinh nhật tụng, một quyển sách… Lần này tôi đem theo tượng Thánh Têrêxa mà tôi rất tôn kính… Tôi đi đâu cũng mang theo cặp của mình, chuyện bình thường mà… Chúng ta phải quen… mình là người bình thường”.
Cũng ngày hôm đó, ngài có một nhận xét về người đồng tính: “Nếu một người là đồng tính, họ có thiện tâm đi tìm Chúa thì tôi là ai mà phán xét họ? Giáo lý công giáo đã giải thích rõ: không được để những người này ra bên lề”.
Tháng 5 năm 2014, trên chuyến bay từ Tel-Aviv, Israel về, ngài đã có những lời nói nặng về các tu sĩ phạm tội ấu dâm: “Một linh mục làm như vậy là phản bội Nhiệm thể Chúa Giêsu, vì họ phải đem em bé này, người thanh niên này, người thiếu nữ này về sự thánh thiện; người thanh niên thiếu nữ này đã tin tưởng vào linh mục, thay vì đưa họ đến sự thánh thiện thì lại lạm dụng họ. Và đó là cực kỳ nghiêm trọng! Tôi chỉ có một so sánh duy nhất… như thử họ làm một thánh lễ đen”.
Ngài cũng nói về kinh tế: “Chúng ta ở trong một hệ thống kinh tế toàn cầu đặt tiền bạc ở trọng tâm. Để duy trì, để giữ thăng bằng, hệ thống này phải dùng biện pháp “loại bỏ”. Và người ta bỏ trẻ con, bỏ người lớn tuổi… ở nhiều nước còn che giấu việc loại bỏ này qua hình thức trợ tử”.
Rồi ngài nói đến việc tử đạo: “Ngày nay chúng ta có nhiều người tử đạo, kitô giáo hay không kitô giáo. Có những nơi, giáo dân không được mang thánh giá hay có được quyển Thánh Kinh… Tôi nghĩ bây giờ có nhiều người tử đạo hơn thời đầu tiên của Giáo hội”.
Tháng 8 năm 2014, trên chuyến bay từ Nam Hàn về, nhà báo hỏi ngài nghĩ gì về các cuộc dội bom của Mỹ ở Syria, ngài trả lời: “Nơi nào có một sự tấn công bất chính, tôi chỉ có thể nói, hợp pháp là phải chận lại người đi tấn công bất chính này. Tôi nhấn mạnh đến động từ: chận đứng”.
Rồi một nhà báo khác đặt câu hỏi về chuyện nghỉ hè, ngài trả lời: “Tôi là người thích quanh quẩn ở nhà. Lần cuối tôi đi nghỉ hè ngoài Buenos Aires là cùng với cộng đoàn Dòng Tên năm 1975. Tôi luôn có thời gian nghỉ hè, có, nhưng ở nhà: tôi thay đổi nhịp làm việc. Tôi ngủ nhiều hơn, tôi đọc các quyển sách tôi thích, tôi nghe nhạc, tôi cầu nguyện nhiều hơn… Và tôi nghỉ ngơi!”
Có một vài chuyến đi gồm nhiều nước cùng một lúc, di chuyển dài giờ từ nước này qua nước khác, trong các trường hợp này, Đức Phanxicô có hai buổi họp báo. Cũng vậy với chuyến đi Sri Lanka và Phi Luật Tân tháng 1 năm 2015, sau vụ tấn công ở tòa báo Charlie Hebdo ở Paris, ngài tuyên bố: “Chúng ta đã có biết bao nhiêu cuộc chiến tranh tôn giáo! Về mặt này, chúng ta cũng là người có tội. Nhưng không được nhân danh Chúa để giết nhau. Đó là lầm lạc”.
Rồi khi trả lời cho một câu hỏi khác, ngài làm một so sánh làm cho thế giới phương Tây chỉ trích, nhưng làm cho thế giới hồi giáo khen ngợi: “Chúng ta có quyền nói một cách tự do, chúng ta có được tự do này nhưng không được tấn công. Đúng là chúng ta không được phản ứng lại bằng bạo lực, nhưng nếu tiến sĩ Gasbarri (người khi đó đang đứng bên cạnh ngài), một người bạn thân làm nhục mẹ tôi thì tôi sẽ đấm vào mặt ông! Đó là bình thường! Chúng ta không thể khiêu khích, chúng ta không thể sỉ nhục đức tin, chế giễu đức tin người khác”.
Trên chuyến bay từ Manila về Rôma, sau khi nói về thực dân hóa ý thức hệ áp đặt trên người nghèo lối sống xa với truyền thống và văn hóa của họ, cũng như sự lo lắng của mình về việc giảm sinh sản, Đức Phanxicô nhắc, Giáo hội ủng hộ “tinh thần phụ tử có trách nhiệm”. Ngài nói đến một ví dụ mà từ đó làm cho người ta hay nhắc lại để cười: “Một số người nghĩ rằng, để là tín hữu kitô thì chúng ta phải như – xin lỗi tôi dùng chữ này – mấy con thỏ phải không? Không. Phải có tinh thần phụ tử có trách nhiệm”.
Tháng 7 năm 2015, trên chuyến bay từ Châu Mỹ La Tinh về, Đức Phanxicô trả lời câu hỏi về selfie: “Tôi nghĩ gì? Đó là một loại văn hóa khác. Tôi như một ông cố. Hôm nay khi chào từ giã tôi, một cảnh sát ngoài bốn mươi nói với tôi: ‘Nào chụp một cái selfie’. Tôi trả lời anh: ‘Nhưng con đúng là một đứa trẻ con!’. Đúng, một loại văn hóa khác, nhưng tôi tôn trọng.
Tháng 9 năm 2015, trên chuyến bay từ Cuba qua Mỹ, Đức Phanxicô buộc phải trả lời một câu hỏi về những chống đối trong nội bộ cho rằng ngài lúc nào cũng nói về người nghèo, họ cho ngài là cộng sản. “Một ngày nọ, một trong các nữ đồng nghiệp của quý vị hỏi tôi về sự can thiệp của tôi trước các phong trào bình dân: ‘Nhưng Giáo hội có đi theo cha không?’ Tôi trả lời: ‘Giáo hội là tôi, và về điểm này tôi nghĩ tôi không lầm… Có thể có một giải thích đây đó cho cảm tưởng rằng tôi ở “phía trái” nhiều hơn, nhưng đó là diễn giải sai. Không. Giáo điều của tôi trên tất cả những điều này, trên Thông điệp Chúc tụng Chúa (Laudato si’), trên chủ nghĩa đế quốc kinh tế, đó là học thuyết xã hội của Giáo hội. Và nếu tôi phải đọc lại Kinh Tin Kính, tôi sẵn sàng đọc!”
Khi từ Mỹ về, khi nói về các bức tường được dựng lên để chống người di dân, Đức Phanxicô tuyên bố: “Tất cả các bức tường rồi cũng sẽ sập: hôm nay, ngày mai hay trong một trăm năm. Nhưng trước sau nó sẽ sập. Đó không phải là giải pháp. Một bức tường không phải là giải pháp”.
Khi từ Trung Phi trở về, Vatican đang ở trong cơn bão rò rỉ Vatileaks 2 – vụ tài liệu mật tài chánh của Vatican bị ăn cắp và đưa ra cho báo chí -, Đức Phanxicô nói: “Báo chí tự do, cả thế tục và tôn giáo, nhưng báo chí phải chuyên nghiệp – trong trường hợp này – chuyên nghiệp là quan trọng, thực tế là không được lèo lái thông tin -, rất quan trọng, vì tố cáo các bất công, các tham nhũng là một nghề cao đẹp… Và các người trách nhiệm có thể bị ra tòa, đứng trước pháp luật. Nhưng báo chí nghề nghiệp phải nói tất cả mà không rơi vào ba tội chung: thông tin sai lệch – nói chỉ một nửa, không nói nửa kia -; vu khống – trong các báo chí không chuyên nghiệp, họ bôi nhọ người khác, với sự thật hoặc không có sự thật – ; và cuối cùng là phỉ báng”.
Tháng 2 năm 2016, trên chuyến bay từ Mêhicô về, Đức Phanxicô trở lại vấn đề ấu dâm của các linh mục: “Khi có trường hợp ấu dâm được báo cáo, giám mục thuyên chuyển linh mục này đi giáo xứ khác, đó là người thiếu ý thức, việc tốt nhất là đề nghị linh mục đó từ chức. Như vậy là rõ ràng không?”
Ngài cũng trả lời câu hỏi về tương lai Tổng thống Mỹ Donald Trump: “Ai chỉ nghĩ đến việc xây tường ở đây ở đó thì người đó không phải tín hữu kitô. Đây không phải là Tin Mừng. Còn câu hỏi đặt cho tôi, đi bầu hay không đi bầu: đó không phải là lãnh vực của tôi”.
Câu hỏi về phá thai, ngài trả lời: “Phá thai không phải là một “tội nhẹ”. Đó là một tội ác. Đó là loại bỏ một ai đó… Đó là công việc của mafia. Đây là một tội ác tuyệt đối”. Khi nhà báo xin ngài bình luận về tình bạn lâu dài giữa Đức Giáo Hoàng Wojtyla và bà Anna-Teresa Tymieniecka, một triết gia, ngài nói: “Một người đàn ông không biết duy trì tình bạn với một phụ nữ thì người đàn ông đó thiếu một cái gì – tôi không nói đến những người ghét phụ nữ, đó là những người bệnh hoạn. Cá nhân tôi, tôi biết khi tôi cần một lời khuyên, tôi hỏi một cộng tác viên, một người bạn, một người đàn ông, nhưng tôi cũng muốn nghe quan điểm của một phụ nữ”.
Tháng 6 năm 2016, trên chuyến bay từ Armenia về, Đức Phanxicô trở lại với câu hỏi về người đồng tính: “Tôi nghĩ Giáo hội không những phải xin tha thứ – như lời hồng y Reinhard Marx nói – với người đồng tính mà Giáo hội đã xúc phạm, Giáo hội còn phải xin lỗi người nghèo, phụ nữ, trẻ em bị cưỡng bức làm việc; Giáo hội phải xin tha thứ vì đã làm phép cho bao nhiêu vũ khí… Và khi tôi nói “Giáo hội”, tôi muốn nói cả các “tín hữu kitô”: Giáo hội là thánh thiện, chúng ta là người tội lỗi! Các tín hữu kitô phải xin tha thứ vì đã không tháp tùng bao nhiêu gia đình, không tháp tùng với các chọn lựa… Tôi nhắc tôi, tôi là đứa con của văn hóa Buenos Aires, một văn hóa công giáo khép kín: tôi đến từ đó! Một gia đình ly dị, mình không được vào nhà đó!”
Một tháng sau, trên chuyến bay từ Ba Lan về, khi nói đến các vụ tấn công của hồi giáo, Đức Phanxicô khẳng định: “Tôi nghĩ không đúng khi đồng hóa hồi giáo với bạo lực. Không công bằng và không đúng!” Ngài nói thêm: “Chủ nghĩa khủng bố thì ở khắp nơi! Quý vị nên nghĩ đến chủ nghĩa khủng bố bộ tộc ở một vài nước Phi châu… Chủ nghĩa khủng bố – tôi không biết tôi phải nói như thế được không, thì hơi nguy hiểm – nó tiến triển khi không có một chọn lựa khác, khi trọng tâm kinh tế hoàn cầu là thần tài, chứ không phải là con người, là một người đàn ông hay một người đàn bà. Đó đã là chủ nghĩa khủng bố đầu tiên…”
Có khoảng sáu mươi nhà báo đi theo giáo hoàng trên các chuyến đi tùy theo sức chứa của máy bay. Văn phòng báo chí nhận ghi tên trước cho các chuyến đi này từ lâu và chỉ trong vài ngày là danh sách đã xong. Đa số là các nhà báo quen thuộc, họ là đặc phái viên ở Rôma, ở Vatican cho các tờ báo quốc tế lớn. Cũng có các nhà báo của các nước ngài đến thăm, nhưng họ chỉ xin đi một chuyến đó. Các ký giả – hay đúng hơn các tờ báo, các hãng tin, các đài truyền hình trả giá vé máy bay không đắt: đó là những chuyến bay đặc biệt mà giá vé tương ứng với giá vé một chiều cho mỗi chuyến đi, cũng vậy với giá vé hạng nhất nhưng thường là nhiều hơn. Tòa Thánh cũng trả tiền cho các người đi theo giáo hoàng với giá này. Sau khi kiểm soát, các ký giả lên máy bay rất sớm. Chỗ của họ là đàng sau đuôi máy bay. Một vài hàng ghế được dành riêng có tấm thẻ nhỏ chỉ định chỗ ngồi, các người quay phim, chụp hình, các ký giả làm ở đài truyền thanh và các cơ quan báo chí. Các người khác thì tự do, theo nguyên tắc ai lên trước chọn chỗ trước.
Nhân viên phụ tá văn phòng báo chí Vatican theo nhà báo từng bước, phát thẻ chứng nhận, theo họ đến những nơi có sự kiện của giáo hoàng. Bây giờ nhân viên phụ tá văn phòng báo chí là ông Matteo Bruni, ông thay thế cho vị kỳ cựu người Hà Lan Vik Van Brantegem trong các chuyến tông du. Ở khoang giữa máy bay là các hiến binh, các cận vệ Thụy Sĩ và một vài cộng sự viên của giáo hoàng, còn các hồng y và các giám chức thân cận với giáo hoàng thì ngồi ỏ hạng du lịch hay hạng nhất. Đức Giáo hoàng ngồi ở hàng ghế đầu.
Ngày xưa khi máy bay ít hoàn hảo hơn thì trong những chuyến đi dài, một số ghế được tháo ra để làm giường có màn che. Với các máy bay bây giờ thì chuyện này không còn làm được vì các hệ thống dây cáp chạy chung quanh các hàng ghế. Nhưng ngược lại, các ghế hạng nhất có thể nghiêng xuống để nghỉ ngơi. Trước chuyến đi Ba Tây, Đức Phanxicô cẩn thận nhắc hãng máy bay Alitalia đừng chuẩn bị một thiết bị đặc biệt nào cho mình. Khi còn ở Buenos Aires, ngài không có thói quen đi hạng nhất. Một trong các cộng sự viên của ngài kể cho chúng tôi nghe, khi ngồi trước các điện thoại, các đèn nhỏ, các màn hình video, có lần ngài thốt lên: “Khi tôi ngồi trên máy bay trước mấy đống lộn xộn này, tôi có cảm tưởng như ở bệnh viện, từ phút này qua phút kia luôn có người đến tuyền dịch cho tôi!”
Máy bay thường cất cánh ở phi trường Fiumicino và hạ cánh ở phi trường Ciampino. Chuyến đi khi nào cũng do hãng Alitalia đảm trách với số chuyến bay đặc biệt là AZ4000, chuyến về thì do hãng hàng không nước sở tại đảm trách. Khi nước sở tại không có hoặc không đủ an toàn thì hãng Alitalia đảm trách chuyến về và các chuyến nội địa. Đức Phanxicô có vào khoảng hai mươi cộng tác viên đi theo ngài. Ông Sandro Mariotti, nhân viên quay phim, Hồng y Quốc Vụ Khanh và phụ tá, giám đốc văn phòng báo chí, bộ trưởng bộ Truyền thông, bác sĩ riêng của Đức Giáo hoàng. Hai người không thể thiếu là người tổ chức các chuyến tông du (cho đến tháng 2 năm 2016 là ông Alberto Gasbarri, một người rất kín đáo, bây giờ là giám mục người Cô-lông-bi Mauricio Rueda Beltz) và vị chỉ huy trưởng hiến binh Vatican, ông Domenico Giani, người đứng đầu nhóm bảo vệ an ninh cho Đức Giáo hoàng. Một nhân viên khác lo hành lý cho Đức Phanxicô, không những lo áo quần mà còn các phụ kiện khác, các quà tặng đôi khi rất cồng kềnh do các giám mục hay các nguyên thủ Quốc gia tặng. Ngoài ra Đức Phanxicô còn mang lên khoang máy bay chiếc cặp da đen và các vật dụng cá nhân, dao cạo râu mà ngài dùng mỗi ngày hai lần; một lần khi thức dậy lúc 4 h 30 sáng và một lần sau giấc ngủ trưa ngắn.
Các dấu hiệu đặc biệt của chuyến bay giáo hoàng là khăn tựa đầu, gối trắng luôn có thêu huy hiệu giáo hoàng. Thực đơn cũng in huy hiệu giáo hoàng. Tất cả khách đi trên máy bay đều nhận tờ giấy in hành trình. Các nam nữ tiếp viên hàng không được chọn trong số những người có kinh nghiệm nhất. Đối với họ, chuyến bay khi nào cũng kết thúc với tấm hình chụp chung với giáo hoàng, và ngài không bao giờ quên vào phòng lái để chào các phi công.
Lúc đi, khi đi chào các ký giả, Đức Phanxicô luôn đi chậm giữa hai hàng ghế và có hai cộng sự đi theo ngài để nhận quà, thư từ, mẫu nhắn, sách vở mà ngài nhận. Một vài người xin ngài cầu nguyện, xin chụp selfie, có người cho ngài nghe lời con cái họ chào ngài qua điện thoại hoặc cho ngài xem các ứng dụng mới có hình giáo hoàng trên điện thoại cầm tay, ngài nói: “Trên máy tôi đẹp hơn bên ngoài!” Trên chuyến bay đi Cuba, một nữ ký giả của đài Telemundo đưa cho ngài một bản sao giải Emmy Award mà cô được khi tường trình cho đài truyền hình về mật nghị. Còn nữ ký giả Maria Antonieta Collins của đài truyền hình Univision thì tặng ngài một hộp bánh lớn đặc sản của Argentina. Cô nhờ một trong các tiệm ăn ngon ở Miami làm và mang theo lên máy bay để tặng ngài. Không suy nghĩ một giây, ngài đưa cho cô tiếp viên hàng không để các cô mời lại mọi người trong bữa ăn.
Một trong các câu chuyện vui nhất là trên chuyến bay đi Cuba và Mêhicô tháng 2 năm 2016, khi một ký giả bỗng cúi xuống đánh giày cho ngài. Đó là ông Noel Diaz, người được giải trong y khoa chuyên ngành thần kinh và mắt, nhưng khi còn nhỏ ông là em bé đánh giày: “Gia đình tôi nghèo, và khi còn nhỏ tôi đánh giày để có tiền mua áo cho ngày rước lễ lần đầu của tôi”.
Trong số các chuyện mới mẻ của Đức Phanxicô có việc ngài mời một nhân viên Vatican được chọn để đi theo ngài. Và nhất là ngài có thói quen trước và sau chuyến đi, ngài đều đến đền thờ Đức Bà Cả cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ cứu rỗi người dân Rôma, một bức tượng được người Rôma tôn kính đặc biệt. Một ngày trước khi đi, ngài đến cầu nguyện một mình. Và khi về đến Rôma, trước khi vào Vatican, ngài ghé đền thờ Đức Bà Cả để tạ on Đức Mẹ.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc: Người phụ nữ lớn tuổi có làn da nhăn nheo
Ký giả Andrea Tornielli