“Chuyến đi của Đức Phanxicô là một ơn vô biên”

205

famillechretienne.fr, Jean-Marie Dumont, 2017-09-04

Đức Phanxicô sẽ đến Colombia từ ngày 6 đến ngày 11 tháng 9. Trao đổi với Đức Giám mục Elkin Fernando Álvarez Botero, giám mục phụ tá giáo phận Medellín, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Colombia. 

Colombia hy vọng gì ở chuyến đi này cho người công giáo Colombia và cho toàn xã hội?

Chuyến tông du của Đức Phanxicô là một ơn lớn vô biên cho tất cả mọi người. Đối với người công giáo, đây là dịp để xác nhận đức tin của mình, để được sinh động trong căn tính người được rửa tội, để làm chứng cho niềm vui Tin Mừng giữa lòng thế gian. Đối với toàn xã hội, đây là dịp để có đà vươn lên, kết hiệp các các sáng kiến, các ý chí để xây dựng một dự án chung cho đất nước, xây dựng trên việc tìm lợi ích chung trong hợp nhất.

Đức Giáo hoàng đến trong một nước mới ký xong cách đây vài tháng thỏa hiệp hòa bình với Lực lượng Vũ Trang Cách Mạng và vài tháng trước khi bầu tổng thống. Theo cha, có hiểm nguy nào bị công cụ hóa chuyến đi này không?

Dĩ nhiên lúc nào cũng có loại bất trắc này. Đó là lý do mà chúng tôi muốn nhấn mạnh bằng tất cả mọi phương tiện, chuyến đi này không có tính cách chính trị nhưng là chuyến đi mục vụ. Đức Giáo hoàng không đến để mang một dự án hay một ý thức hệ chính trị. Cũng phải nhấn mạnh đến khía cạnh, sứ điệp của Đức Giáo hoàng không giới hạn ở tinh thần khuyến khích, nhưng tập trung vào lời mời gọi của Chúa Giêsu để thấy tình yêu của Thiên Chúa. Vì thế, Đức Giáo hoàng sẽ nói về hòa bình, không phải hòa bình chính trị, nhưng là hòa bình của Chúa Kitô nói trong Tin Mừng, tất cả cùng hợp nhất để hoán cải và để hòa giải.

Người ta nói rằng đa số người Colombia là người công giáo. Nhưng xã hội gần như thay đổi rất nhanh, người công giáo Colombia có đủ mạnh để đương đầu với các đe dọa lớn cho các giá trị truyền thống không?

Xã hội Colombia thay đổi một cách thật chóng mặt. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi trong cách rao giảng Phúc Âm, trong cách sống đức tin. Một trong các thách thức lớn của Giáo hội là đào tạo một tinh thần kitô cho người tín hữu để họ có thể trung thành với đức tin trong một xã hội luôn thách thức họ. Tôi nghĩ về vấn đề này thì còn rất nhiều việc để làm. Nhưng cũng có các dấu hiệu hy vọng vì trong rất nhiều cộng đoàn, chúng tôi đã làm việc hết sức mình để có thể đáp ứng với các thách thức này. Các chương trình mục vụ luôn nhằm để phát triển các môn đồ kitô đích thực và hăng say. Rất nhiều người công giáo theo giá trị truyền thống của ông bà để lại nhưng họ biết sống đức tin của mình thích ứng theo bối cảnh mới của xã hội. 

Trong một xã hội vẫn còn rất hung bạo, người ta nói đến hòa bình rất nhiều. Cha cảm nhận gì từ tình trạng này và Giáo hội có cái gì đặc biệt để nói về vấn đề này?

Giáo hội dứt khoát hiệp nhất trong trách vụ đi tìm hòa bình, vì sứ điệp hòa bình là sứ điệp ở trọng tâm Tin Mừng. Trách vụ chính của Giáo hội là hàn gắn hòa bình trong đất nước chúng tôi, làm sao để tâm hồn con người hòa giải với Chúa, với người anh em, với chính mình và với bản chất con người. Tôi nghĩ trách vụ của Giáo hội, khởi đi từ sứ điệp Tin Mừng, là chống với tất cả mọi gốc rễ của bạo lực, tiềm ẩn trong bạo lực là sự đánh mất các giá trị, nạn tham nhũng, nạn bất công xã hội, nạn tan rã gia đình. 

Làm thế nào để hiểu vì sao có quá nhiều bạo lực trong một đất nước mà truyền thống công giáo ăn sâu như ở Colombia?

Đây chắc chắn là đi ngược chiều. Lý do thì rất nhiều và tôi không muốn trả lời một cách đơn giản quá mức. Tôi chỉ muốn đơn giản nêu lên, chúng tôi thật sự thiếu các tiến trình khai tâm trong tinh thần kitô, đặt rõ con đường theo Chúa Giêsu và các giá trị không thể bỏ đi trong đời sống của một người công giáo, như tôn trọng và bảo vệ sự sống. Có nhiều người xem người công giáo ủng hộ cho việc phân đôi giữa đức tin và đời sống. Họ nghĩ họ có thể làm vui lòng Chúa bằng lời cầu nguyện, bằng các sinh hoạt văn hóa trong khi họ vẫn sống gắn liền với bạo lực hoặc với tính hư tật xấu.

Ở Colombia, con số tín hữu giáo phái phúc âm gia tăng. Cha nhìn hiện tượng này như thế nào?

Việc các nhóm thuộc giáo phái phúc âm tăng ở Colombia là chuyện hiển nhiên trong bối cảnh của nước Colombia. Theo tôi, nó không mạnh và không nhanh như nhiều người nghĩ. Nó chỉ hiện diện trong những nơi có ít hay không có sự hiện diện của Giáo hội công giáo và dĩ nhiên, ở đó việc rao giảng Phúc Âm yếu kém. Dù sao, theo cá nhân tôi, tôi lo cho các nhóm ly giáo, các nhóm ngụy-công giáo hơn. Sự dửng dưng về mặt tôn giáo, ngay cả những người đã được rửa tội làm tôi lo hơn.

Cha nghĩ gì về các chủ đề Đức Phanxicô nêu ra trong các bài diễn văn của ngài, theo cha chúng là cơ bản?

Các chủ đề chính, các trục chính trong sứ điệp của ngài đã được chọn cho các ngày ngài thăm viếng: các nghệ nhân hòa bình và các người cổ động cho sự sống, đời sống kitô hữu là nghệ thuật sống cho người môn đệ và quyền của con người. Và Đức Giáo hoàng sẽ đưa ra lời kêu gọi chấp nhận sứ điệp của Chúa Kitô trong sự sung mãn và trong những gì chúng ta sống trong tình thương người này cho người kia.

Marta An Nguyễn dịch