Trích sách “Bí mật của Cha Piô”, Antonio Socci, Nxb Pierre Téqui
Ngay cả trong số các giám mục, cũng có mốt thích chế giễu các tín điều và thậm chí còn cho sự hiện hữu của Chúa là không chắc (…). Theo tôi, chắc chắn Giáo hội phải chịu các giai đoạn khó khăn. Ngày nay cơn khủng hoảng thật của Giáo hội chỉ mới bắt đầu. Joseph Ratzinger (1970)
Tạ ơn Chúa, vì trong suốt bao nhiêu thế kỷ, Ngài đã ban cho chúng ta những người, mà vì tình yêu Ngài, họ đã rời tất cả, trở nên dấu hiệu sáng tỏ tình yêu của Ngài! Chỉ cần nghĩ đến những người như Biển Đức và Scholastique, như Phanxicô và Clara Axixi, (…) cho đến những người như Mẹ Têrêxa và Cha Piô (…) chúng ta cùng cầu nguyện để xin Chúa cũng ban cho thời buổi chúng ta có nhiều người can đảm bỏ tất cả để phục vụ. Bênêđictô XVI (9 tháng 9-2007)
Trong số các bí ẩn chưa giải quyết, có bí ẩn liên quan đến cuộc gặp gỡ giữa Wojtyla và Cha Piô khi ngài còn sống. Có còn cuộc gặp nào sau năm 1948 không? Hai đoạn trong kỷ niệm về Campanella có nhắc đến. Mới đầu, khi Đức Gioan-Phaolô II nói về cuộc gặp năm 1948, ngài nói: “Chính xác cha đã cho tôi thấy, lần đầu tiên với cặp mắt của tôi, đây là con người nổi tiếng thánh thiện trên thế giới.” Rồi ngài còn viết: “Lần gặp đầu tiên này ở San Giovanni Rotondo, khi ngài còn sống và mang các dấu thánh, tôi xem đây là cuộc gặp quan trọng nhất, và một cách đặc biệt, tôi cám ơn Chúa Quan Phòng về điều này.” Trong khi còn sống, ở cương vị giáo hoàng, ngày 23 tháng 5 – 1987, ngài đến San Giovanni Rotondo, ngài nói: “Nơi này gắn với các kỷ niệm cá nhân, có nghĩa là những lần tôi đến thăm khi Cha Piô còn ở trần thế, và những lần tôi thăm, một cách thiêng liêng, sau khi cha qua đời ở mộ của cha”. Sự khó hiểu vẫn còn, nhưng xét các phương tiện phi thường mà Cha Piô dùng khi cha còn sống, thì không có gì có thể loại ra.
Nhưng cũng có một yếu tố khác cho thấy sự xác thực của lời tiên tri này. Sau khi Đức Gioan-Phaolô II qua đời, ngày 2 tháng 4 năm 2005, Chúc thư của ngài được mở ra và người ta thấy ngài có viết về hai giai đoạn khác nhau này. Thật ngạc nhiên khi thấy, ngay ngày 6 tháng 3 năm 1979, mới 5 tháng sau khi được bầu chọn, một giáo hoàng trẻ (58 tuổi), mạnh mẽ, sung sức đã cảm nhận cần để lại di chúc, trong đó ngài cảm nhận một cái chết có thể cận kề. Như thử lời tiên tri là lời đe dọa một cái chết lởn vởn trong đầu ngài. Năm sau, tháng 3 – 1980, ngài thấy cần phải thêm “mọi người phải giữ trong đầu viễn ảnh của cái chết” và nhất là “thời gian chúng ta sống khó khăn và giao động một cách không tả được”. Ngài nhấn mạnh “con đường của Giáo hội cũng là con đường căng thẳng và khó khăn” và “thử thách đặc biệt của thời đại này” là “Giáo hội đang trải qua bách hại mà chúng ta thấy không thua gì các thế kỷ đầu tiên của Giáo hội, thậm chí còn vượt hơn nữa (…)”. Và ngài nói thêm: “Thêm một lần nữa, tôi mong muốn phó thác hoàn toàn vào ơn Chúa. Chính ngài sẽ quyết định khi nào và thế nào tôi phải chấm dứt cuộc đời ở trần thế này và sứ mạng mục vụ của tôi.” Ngài tuyên bố ở đây, ngài chấp nhận “cái chết của mình ngay bây giờ”, trong hy vọng Chúa Kitô “sẽ làm hữu ích cho mục đích quan trọng hơn mà Ngài dùng để phục vụ”.
Một tuần lễ trước ngày ám sát 13 tháng 5 – 1983, trong một thánh lễ, ngài nói với các cận vệ Thụy Sĩ: “Chúng ta hãy cầu nguyện để Chúa giữ sự bạo lực và cuồng tín ở xa ngưỡng cửa Vatican.” Vụ ám sát xảy ra vài ngày sau đó và giáo hoàng “được cứu một cách kỳ lạ”. Ngày 7 tháng 10-1981, ngài nói: “Tôi trở thành người mắc nợ Đức Mẹ (…). Trong tất cả những chuyện này, tôi cảm nhận có bàn tay che chở phi thường của Đức Mẹ, cho thấy nó còn mạnh hơn là đường đạn bắn. Vài tháng sau, ngày 5 tháng 3 – 1982, ngài viết thêm vào di chúc một ghi chú liên hệ giữa các lời nói của năm 1979 và năm 1980 với vụ ám sát, như thử khi viết những giòng này ngài chờ biến cố bi thảm đó: “ Vụ ám sát để giết hại đời tôi ngày 13 tháng 5-1981, một cách nào đó, khẳng định chính xác những lời đã viết trong thời kỳ tĩnh tâm năm 1980.” Đức Giáo hoàng chắc chắn mình đã được “cứu một cách kỳ lạ” và ngài xem việc tiếp tục triều giáo hoàng của mình như một đời sống mới được Chúa ban cho. Theo tôi, tất cả những chuyện này xác nhận có một mối dây huyền bí giữa giáo hoàng và Cha Piô.
Mặt khác, dường như Cha Piô có sứ mệnh đặc biệt là che chở cho triều giáo hoàng. Chúng ta đã thấy bằng cách nào, Đức Piô XII đã ý thức và biết ơn điều này, cũng như Đức Phaolô VI. Cha Piô và Đức Phaolô VI có một tình bạn cũ, vì thế khi vừa được bầu chọn, Đức Phaolô VI đã cho phép Cha Piô hoàn toàn tự do thực hành sứ mệnh của mình.
Đàng sau các bối cảnh của cái chết của Cha Piô có thể ẩn giấu một bí ẩn khác, một tận hiến cho triều giáo hoàng. Mùa thu năm 1968, Giáo hội ở trong tình trạng đen tối. Chỉ mười ngày trước khi qua đời, ngày 12 tháng 9 năm 1968, Cha Piô viết cho Đức Phaolô VI một lá thư ngỏ. Đó là một việc làm hoàn toàn chướng kỳ. Trước đây Cha Piô chưa bao giờ làm một việc như vậy. Vì lý do nào? Chính yếu là vì cơn khủng hoảng đang nổ bùng trong Giáo hội. Như Đức Phaolô VI nói, sau công đồng không phải là ngày hừng đông rạng rỡ nhưng là ngày giông bão, đen tối. Nhất là với việc công bố Thông điệp Humanae vitae (Thông điệp Sự sống Con người) nói đến vấn đề luân lý giới tính nóng bỏng, đã bùng ra sự phản kháng chống lại giáo hoàng ngay trong lòng Giáo hội và các nhà thần học, các chủ chăn. Đức Giáo hoàng cô độc, không ai hiểu ngài và ngài bị các mũi dùi chĩa vào tấn công. Cha Piô, qua hành động vang dội của mình, cha bảo vệ giáo hoàng và Giáo hội đang bị tác hại của một trong các cơn khủng hoảng nặng nhất trong lịch sử của mình.
Khi viết cho giáo hoàng, Cha Piô xin Dòng Capuxinô “luôn sẵn sàng nâng đỡ Mẹ Giáo hội nhân danh Đức Thánh Cha”.
Rồi, cha nhắc đến các đau khổ của Đức Thánh Cha “cho số phận Giáo hội, cho hòa bình thế giới, cho các nhu cầu của các dân tộc, nhưng nhất là cho sự không vâng lời của một số người, kể cả người công giáo”, để chuộc tội, cha dâng “lời cầu nguyện và sự đau khổ hàng ngày của mình như của lễ tạ ơn hèn mọn nhưng chân thành của người con cuối cùng trong các người con của ngài”.
Rồi, như để nhấn mạnh đến bi kịch là Giáo hội sẽ tự hủy, mưu toan hạ uy tín giáo hoàng, Cha Piô cám ơn Đức Thánh Cha vì “lời lẽ rõ ràng và dứt khoát mà ngài nói trong Thông điệp Humanae Vitae, và Cha Piô xác nhận lại đức tin, sự tuân phục không điều kiện với các chỉ dẫn sáng rõ của ngài”. Kết luận, cha xin Đức Thánh Cha ban phép lành cho mình, cho anh em đồng tu, cho các con thiêng liêng của mình, cho các nhóm cầu nguyện, cho người bệnh và cho tất cả mọi sáng kiến tốt lành để họ hoàn tựu nhân danh Chúa Giêsu.
Đây không phải là lời an ủi bình thường gởi cho một giáo hoàng đang gặp khó khăn vì bị tấn công, trong một thời buổi hổn loạn khủng khiếp. Đây cũng không phải là lời cầu nguyện và hy sinh bình thường. Ngược lại, đây là của dâng dứt khoát và cuối cùng của nạn nhân để bảo vệ Giáo hội trong lúc đen tối.
Chính vì vậy mà chính đời sống của Cha Piô được hiến tế trong lần này: Giáo hội, giáo hoàng và hòa bình thế giới là ý chỉ được Đức Bênêđictô XV xin vào thời xa xuối, tháng 5 năm 1918 và được chính Cha Piô trẻ tự hiến dâng mình vì điều này. Tất cả đã được thực hiện trọn vẹn, dù là nửa thế kỷ sau. Trong năm mươi năm hy sinh và bị đóng đinh mà cha đã tiên đoán ngay từ đầu: “Chúa Giêsu, Mẹ Maria dấu yêu (…) xin khuyến khích con và không ngừng nhắc con, rằng muốn là một nạn nhân thật sự, thì phải đổ máu mình”. Và mười ngày sau khi viết bức thư cho Đức Phaolô VI, một khi đã kỷ niệm xong 50 năm ngày nhận dấu thánh, (ngày 20 tháng 9), Cha Piô trút hơi thở cuối cùng. Ai có thể nói Đức Phaolô VI không chỉ nghĩ đến Cha Piô, ngài luôn xin Cha Piô cầu nguyện và dâng của lễ, ngày 15 tháng 2 năm 1970, ngài nói: “Giáo hội cần được cứu bởi một người đau đớn, một người mang trong mình sự Thương Khó của Chúa Kitô.”
Ông Cleonice Morcaldi đã viết: “Một người của Vatican, người luôn yêu thương Cha Piô, người luôn xin cha lời khuyên, sau cái chết của cha, đến nhìn cha và nói: ‘Cha Piô đã chết vì buồn phiền, vì những gì xảy ra trong Giáo hội của Chúa.’ Câu này tạo ấn tượng mạnh trong lòng tôi. Cha có lý”.
Các chứng nhân khác cũng nêu lên nhận thức khủng khiếp mà Cha Piô có trong giai đoạn này của Giáo hội: “Trong những ngày cuối cùng của cha, một vấn đề làm cha đau khổ: ‘Người ta im miệng trước sự dữ! Người ta không nói chuyện bên kia; những khái niệm Novissimi không còn nữa!” (khái niệm về cái chết, phán xét, địa ngục và thiên đàng)
Một câu chuyện khác xác nhận ý nghĩa của sự hy sinh và đền tội của cái chết của cha. Chung quanh ngày 20, dù sức khỏe cha đã yếu nhưng không có gì báo cho biết là cha sắp mất. Ngày hôm đó xảy ra chuyện như sau: một linh mục, nhà sáng lập một cơ quan từ thiện, đến xin Cha Piô hy sinh cho các linh mục, cho Giáo hội, cho giáo hoàng và hòa bình như Đức Mẹ Fatima xin. Cha Piô trả lời, xác nhận thêm một lần nữa, của lễ là chính mình, ngài nói ngài đã làm và đã xin lại nhiều lần. Vài giờ sau, trong đêm 22 rạng 23 tháng 9, ngài qua đời. Tôi nghĩ người ta có thể cho rằng, của lễ này, kéo dài suốt trọn đời sống cuối cùng đã được nhận. Một câu chuyện nhỏ khác làm sáng tỏ giây phút hy sinh này: câu trả lời của Đức Mẹ.
Ngày 19 tháng 9, nhân ngày kỷ niệm nhận các dấu thánh, người ta mang đến cho cha món quà là bó hoa hồng đỏ của một người ở Napolitanô tặng. Ngài chọn một bông hoa thật đẹp và giao cho người đàn ông này, xin ông mang đến cho Đức Mẹ ở đền thánh Pompei, mà từ khi còn trẻ cha đã xin Đức Mẹ đến đưa cha về Trời khi đến giờ. Ngày hôm sau cành hoa được đưa tới. Một nữ tu đặt cành hoa này chung trong một bó hoa khác và để trên bàn thờ. Ba ngày sau, ngày 23 tháng 9, khi tin Cha Piô qua đời đến Pompéi, nữ tu này cầu nguyện ở chân bàn thờ và khi xơ đứng dậy để vứt bỏ các hoa bị héo thì xơ thấy hoa của Cha Piô không bị héo, nó còn khép lại như một nụ hoa. Cha Alberto d’Apolito đã chứng kiến, cha đến đền thánh một năm sau và dù thời gian đã trôi qua, cha còn ngắm được cành hoa này còn tươi, chưng trong trong bình bằng thủy tinh.
Ý nghĩa của dấu hiệu này rõ ràng: sự hy sinh của Cha Piô chắc chắn tránh được cho Giáo hội một cái gì khủng khiếp, có thể một sự rã ra mà thời đó, chúng ta có thể tiên đoán được khi thấy các dấu hiệu đầu tiên. Chắc chắn sự hy sinh này làm thuận lợi cho các ân sủng vô biên, như triều giáo hoàng Đức Gioan-Phaolô II. Vì chính Đức Mẹ đã xác nhận trong một lần hiện ra với cô Luigina Sinapi, người con thiêng liêng của Cha Piô có các ơn siêu nhiên mà án phong chân phước đã được mở ra năm 2004. Đây là lý do Đức Mẹ đã giải thích cho cô về cái chết của Cha Piô: “Phải có nạn nhân lớn trong thời buổi hiện nay của Giáo hội.”
Đức Gioan-Phaolô II trước mộ Cha Piô ngày 27 tháng 5-1987