Trích sách “Bí mật của Cha Piô”, Antonio Socci, Nxb Pierre Téqui
Ngay cả trong số các giám mục, cũng có mốt thích chế giễu các tín điều và thậm chí còn cho sự hiện hữu của Chúa là không chắc (…). Theo tôi, chắc chắn Giáo hội phải chịu các giai đoạn khó khăn. Ngày nay cơn khủng hoảng thật của Giáo hội chỉ mới bắt đầu. Joseph Ratzinger (1970)
Tạ ơn Chúa, vì trong suốt bao nhiêu thế kỷ, Ngài đã ban cho chúng ta những người, mà vì tình yêu Ngài, họ đã rời tất cả, trở nên dấu hiệu sáng tỏ tình yêu của Ngài! Chỉ cần nghĩ đến những người như Biển Đức và Scholastique, như Phanxicô và Clara Axixi, (…) cho đến những người như Mẹ Têrêxa và Cha Piô (…) chúng ta cùng cầu nguyện để xin Chúa cũng ban cho thời buổi chúng ta có nhiều người can đảm bỏ tất cả để phục vụ. Bênêđictô XVI (9 tháng 9-2007)
Đã đến lúc cần phải biết ai là Cristina Montella, nữ tu Rita mà chúng ta đã đề cập đến trong câu chuyện kể về vụ ám sát Đức Gioan-Phaolô II (trong nhiều năm, linh mục Franco d’Anastasio đã có nhiều buổi nói chuyện với nữ tu Cristina-Rita Montella và với nhiều nhân chứng về ơn thần nghiệm và siêu nhiên của nữ tu). Trong những trang trước, chúng tôi đã kể các giai đoạn hiện hai nơi với Cha Piô (như trong trường hợp đến cứu Hồng y Mindszenty). Chính xác đâu là quan hệ giữa nữ tu và Cha Piô?
Cristina sinh ngày 3 tháng 4 năm 1920, cùng năm với Karol Woityla, ở Cercola trong vùng ngoại vi Napoli; cô là con áp út của một gia đình vô sản có tám người con. Từ khi còn nhỏ, cô đã sống với các hiện tượng thần nghiệm mà cô không nói với cha mẹ mình. Một trong các bà láng giềng tả về cô: “Điều nổi bật nơi Cristina là tính kín đáo tuyệt đối của cô, nét dịu dàng thần thánh, lòng tốt vô biên, tính cực kỳ khiêm nhường và nét đẹp hồn nhiên.” Ông Luigi, cha của cô là một người thợ chống phát-xít, ông không gởi con đến trường nữa vì ông không chấp nhận con mình mặc đồng phục phát-xít, ông cũng không cho con đi dự các buổi họp của hội Piccole Italiane.
Và thế là Cristina bắt đầu làm việc ở nhà và ở giáo xứ. Nhưng nhất là em cầu nguyện và lén lút làm các việc ăn năn đền tội nặng nề. Một thay đổi đã xảy ra trong đêm 25 và 26 tháng 8 – 1934 khi Cha Piô hiện ra hai nơi với em. Cristina lúc đó 14 tuổi và Cha Piô 47 tuổi sống ở San Giovanni Rotondo. Cô bé đang đắm mình cầu nguyện thì cô thấy một tu sĩ mà cô không biết; cô cũng không biết làm sao mà tu sĩ này vào phòng cô. Tu sĩ Dòng Capuxinô nói với cô: “Cristina, cha là Cha Piô (…).” Chúng ta không biết Cha Piô nói gì trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của một loạt cuộc gặp gỡ sau này. Chúng ta chỉ biết vào cuối buổi gặp, Cha Piô nói với cô: “Cristina, con hãy luôn là một cô gái nhỏ!” Từ đó cha tiếp tục gọi Cristina là “cô gái nhỏ”.
Người ta có thể nghĩ Cha Piô dạy cô những chuyện cao cả mà Chúa đã làm nơi cô và cha chuẩn bị để cô làm sứ vụ của cô nếu cô chấp nhận, phối hợp với sứ vụ của cha, như “nạn nhân” để đền tội. Một sự kiện quyết định và siêu nhiên của đời sống Cristina xảy ra năm sau đó, ngày 14 tháng 9 năm 1935, ngày lễ Thánh giá. Vào khoảng 2 giờ sáng, cô gái 15 tuổi ở trong căn phòng nhỏ của mình. Cô cầu nguyện trên giường khi Chúa Giêsu Đóng Đinh hiện ra; các tia sáng tỏa ra từ các vết thương ở tay, ở chân và cạnh sườn. Bên cạnh Chúa Giêsu là Đức Mẹ, Thánh Giuse và Cha Piô. Chỉ những năm sau này, năm 1976 khi cô là nữ tu Rita, cô mới kể chuyện này cho cha Anastasio: “Chúa Giêsu nói với con những lời như sau: ‘Cristina, con muốn cảm nhận các đau đớn của các vết thương của Ta không?’ Ngay lập tức con trả lời: ‘Dạ thưa có, Chúa Giêsu của con.’” Khi đó các tia sáng thấm vào tay, vào chân và cạnh sườn cô và bắt đầu chảy máu. Cô cảm thấy một cơn đau vô cùng, không tưởng tượng được. Cô cố gắng hết sức để chận máu chảy. Sáng hôm sau, giấu hai bàn tay của mình, Cristina chạy nhanh đến đền thánh Đức Mẹ Madonna dell’Arco gần nhà để xin một linh mục giúp đỡ; vào phòng thánh thì cô gặp cha Paolo. Cô kể cho cha nghe và đưa tay cho cha xem. Dù ngạc nhiên và bối rối, cha Paolo cũng rất dè dặt. Cha cố gắng trấn an Cristina và hỏi cô về gia đình của cô. Khi biết thân phụ của em không đi lễ, cha nói: “Con ơi, nếu con sống trong nhà như vậy thì những chuyện này sẽ không tốt (…). Con hãy can đảm! Con đến tượng Đức Mẹ, xin Đức Mẹ cầu bàu với Chúa Giêsu để Chúa lấy lại các vết tích này”.
Cha Anastasio, người đầu tiên ghi lại các lời thố lộ này, viết rằng, Cristina vâng lời và cầu nguyện như cha Paolo đề nghị và đã được nhận lời ngay. Ngay lập tức Cristina đến trình cho linh mục Paolo biết, cho cha thấy các vết thương ở tay và chân đã lành. Cả hai đều rất ngạc nhiên. Chúng tôi biết, qua các tin tức chính xác sau này, ơn lớn chịu đau khổ với Đấng bị đóng đinh, vết tích duy nhất bên ngoài đã được cất đi. Cha Pietro Paolo Guida Dòng Thương Khó (1911-1962), tên thật là Salvatore Guida vừa chịu chức trước đó 7 tháng. Sau cuộc gặp gỡ này, cha là cha thiêng liêng đầu tiên của Cristina.
Tuy vô hình nhưng các vết thương ở tay và chân rất đau (Thánh Catơrina Siênna cũng có dấu thánh vô hình), trong khi vết thương ở cạnh sườn thì thấy (vì được áo che). Vết thương này chảy máu liên tục cho đến những năm cuối đời. Từ ngày đó, Cristina mau chóng vào dòng tu để trở thành xơ Rita, mỗi đêm trong vòng ba giờ, cùng với Cha Piô hiện ra hai nơi, xơ sống sự đau đớn của Chúa, giờ mà xơ gọi là “giờ thánh của các linh mục”. Trong câu chuyện kể của mình, được cha Anastasio trung thành ghi lại, Cristina và Cha Piô quỳ gối, giang hai tay ra, được thiên thần nâng đỡ, họ được các thần linh trên trời bao quanh cầu nguyện cùng họ để cứu tội lỗi thế giới.
Với những người bị xúc động khi nghe các hy sinh này, Cristina thường lặp lại: “Làm việc, chịu đau khổ cho các tâm hồn: đó là điều tôi cố gắng làm từ khi còn nhỏ. Ước mong được cứu các tâm hồn luôn càng ngày càng mạnh (…);ở trần thế này không có việc gì ngoài việc yêu Chúa Giêsu và chịu đau cho các tâm hồn để Chúa Giêsu được yêu mến!”
Chính đó là sứ mệnh đã phối hợp Cristina với Cha Piô (và cũng như Cha Piô, cô cũng bị thử thách và hiểu lầm). Từ sứ mệnh kết hợp này chỉ có vài sự kiện được nhắc đến, chắc chắn chỉ là một phần nhỏ của tảng băng, sứ mệnh kết hợp này được nhiều tu sĩ uy tín xác nhận, họ có tiếp xúc với cả hai, cũng như các bằng chứng “trải nghiệm” như trong sách của cha Giovanni da Baggio ghi lại.
Tôi thêm vào đây một giai đoạn – vì đó là thời kỳ lịch sử: các vụ bầu cử năm 1948, một bi kịch đe dọa nước Ý và Giáo hội -, cả Cristina và Cha Piô cùng sống qua giai đoạn này. Đó là một biến cố bi thảm cho toàn Giáo hội, bắt đầu với Đức Giáo hoàng Piô XII (ngài rất rõ ràng trong quan điểm của mình: ‘Thuận với Chúa Kitô hay chống Chúa Kitô, đó là vấn đề’), ngài rất lo âu khi thấy cộng sản đang tràn ngập các nước Đông Âu, các nước này bị Vệ Binh Đỏ xâm chiếm, tất cả tu viện đều bị trưng dụng.
Ngày 29 tháng 12 năm 1949, nữ tu Eleonora Pieroni, thư ký của Mẹ bề trên tu viện Santa Croce mô tả cho Bề trên của tu viện Radicondoli như sau:
“Bây giờ tôi muốn chia sẻ với quý vị các hình phạt của Chúa cho nhân loại. Có nhiều ngày chúng tôi nói điều này với cô gái nhỏ (nữ tu Rita) và với linh mục (cha Teofilo), đến đây. Cô nói: ‘Cho đến giờ này các chi tiết về Chúa Giêsu không có gì đặc biệt để ngăn chận. Ngài luôn nói nhân loại đáng bị phạt, nhưng Ngài luôn cho biết tất cả là nhờ Đức Mẹ. Ngày nay ‘nhân loại xứng đáng với hình phạt của Ta’, nhưng Ngài không nói gì thêm.”
Tâm hồn này luôn nói với Chúa Giêsu về những người tội lỗi; còn về vụ bầu cử đã qua thì rõ ràng: ‘Ta muốn phạt nước Ý. Rita, những cảnh đổ máu sẽ đến!’ Như thế chúng ta sẽ rơi vào bàn tay cộng sản. Cô khóc, cầu nguyện và đền tội. Chúa Giêsu nói với cô: ‘Rita, con đã thắng!’ Và đó là vài giờ trước ngày 18 tháng 4.”
Marta An Nguyễn dịch