Trích sách “Lời hay ý đẹp của Cha Piô”, Pascal Cataneo, Nxb Médiaspaul
Rất nhiều người khi gần Cha Piô cảm thấy mình bối rối như bị sét đánh vì Cha Piô nói cho họ biết quá khứ và cuộc đời hiện tại của họ. Đôi khi cha còn nói cho họ biết các sự kiện sẽ xảy ra cho đời họ và nó đã xảy ra thật. Có thể nói cha đọc đời của họ như một quyển sách mở ra.
Làm sao giải thích những sự kiện phi thường này? Về phần tôi, tôi nghĩ, trong những trường hợp này, Cha Piô có thể dò tìm các ngõ ngách nhỏ nhất cuộc đời của những người ở trước mặt cha vì Chúa đã bao phủ họ trong ánh sáng cực mạnh của Ngài. Nên đã giúp cha thích ứng trong việc hướng dẫn các linh hồn theo lương tâm mà cha thấy cần thiết phải làm. Chính cha nói với một trong các bạn đồng tu của mình, cha giúp cho các linh hồn như Chúa đã chỉ dẫn cho cha.
Sau đây là một vài câu chuyện loại này. Các câu chuyện khác đã kể trong phần các câu chuyện trở lại.
Như một trang nhật ký
Một linh mục đi một chuyến đi dài để đến xưng tội với Cha Piô. Linh mục đó phải thay xe lửa ở Bologne và phải chờ nhiều giờ ở đây để đi chuyến khác. Rất mệt mỏi, linh mục về khách sạn nằm nghỉ một lát. Nhưng cha ngủ say quá, đến ba giờ chiều mới dậy. Vì thế ngày hôm đó cha không thể dâng thánh lễ, vào thời buổi đó, phải dâng thánh lễ vào buổi sáng.
Không cố ý bỏ lễ nên cha không cho đó là quan trọng. Nhưng Cha Piô không nghĩ như vậy. Nên khi linh mục này đến xưng tội, sau khi giải tội và xá tội, trước khi ra về, Cha Piô hỏi: “Con, con không quên tội gì chứ? — Dạ thưa cha, không. – Nào con tìm lại một chút đi…” Nhưng linh mục không tìm ra một tội nào mình bỏ sót. Khi đó Cha Piô noi: “Con à, sáng hôm qua con đến ga Bologne. Nhà thờ còn đóng cửa. Thay vì chờ, con về khách sạn. Con nằm dài ngủ, rồi con ngủ say, ba giờ chiều con mới dậy, như vậy thì quá trễ để dâng thánh lễ. Cha biết, con không cố ý, nhưng đó là sự vô ý làm buồn lòng Chúa”.
Khi nhắc lại với linh mục này các diễn tiến của ngày hôm qua, Cha Piô muốn nhấn mạnh đến sự quan trọng của thánh lễ trong đời sống thánh hiến của chức linh mục.
“Đặt cho nó tên Piô! Đặt cho nó tên Phanxicô!”
Một ông đội trưởng của ban cảnh vệ không có thiện cảm với Cha Piô. Ông cho cha là người nông cạn, ông không bỏ qua dịp nào mà không gièm pha cha. Một ngày nọ, ông muốn tìm hiểu cha. Khi thấy ông, Cha Piô đột ngột hỏi: “Tại sao con kể những chuyện tầm phào về cha, trong khi con chưa bao giờ thấy cha? Phải hiểu người ta trước, rồi mới nói chứ!”
Đứng trước một nhân cách như nhân cách của Cha Piô, ông đội trưởng thay đổi ý kiến và xem cha như người cha thiêng liêng của mình.
Một thời gian sau ông nói với cha: “Thưa cha, vợ con mang thai, con sẽ đặt tên gì cho con của con? Cha Piô trả lời ngay: “Con đặt tên cho nó là Piô”. Ông đội trưởng hỏi lại: “Còn nếu con gái thì tên gì?” Cha Piô dứt khoát trả lời: “Đặt tên cho nó là Piô, cha nói rồi!” Và đó là con trai, tên của nó là Piô!
Hai năm sau, ông đến gặp Cha Piô và nói vợ ông đang chờ sinh đứa thứ nhì: “Con sẽ đặt tên gì cho nó? – Con đặt cho nó tên Phanxicô”. Ông đội trưởng cự lại: “Thưa cha, chỉ một lần thôi chứ, mình không làm hàng loạt con trai, lần này sẽ là con gái!” Cha Piô kêu lên: “Người thiếu lòng tin!”
Vợ ông sinh ra thêm một đứa con trai và đặt tên là Phanxicô!
“Đó là người điên!”
Một ngày nọ, một bác sĩ của bạn tôi ở gần Cha Piô cùng lúc với diễn viên danh tiếng Carlo Campanini và một bác sĩ thú y ở Bologne. Cha Piô nói với ông bác sĩ, là ông phải đưa con trai ông vào trại tâm thần. Còn diễn viên Carlo, ông đưa cho cha xem hình quang tuyến của đứa con trai, bác sĩ nghi bị ung bướu trên đầu, cha khuyên ông đem con về Bologne và bảo đảm là nó chẳng bệnh gì.
Các lời này của Cha Piô sẽ được xác nhận sau, nhưng ngay lúc đó thì anh bạn bác sĩ của tôi nghĩ rằng cha thật liều, ông nghĩ trong đầu: “Cha điên rồi!” Ý nghĩ này càng mạnh thêm khi cha đến gần ông, đặt tay lên đầu nói: “Còn con, con bị chứng quên rồi!” Khi đó ông nghĩ: “Cha Piô điên nặng rồi!” Bạn tôi khi nào cũng nghĩ anh có một trí nhớ phi thường vì anh thuộc hết tất cả các tên thuốc, dù kỳ lạ đến đâu. Chính vì vậy khi cha nói anh bị chứng quên, anh thấy cha thật kỳ cục.
Tuy nhiên khi đi ra khỏi tu viện của cha, ông nhớ lại trước khi đến thăm cha, ông có vào quán bên cạnh để uống một ly cà phê. Vì ông không có tiền lẽ nên ông đưa tờ giấy mười ngàn lia cho anh bán cà phê. Anh này để tiền thối trên quầy nhưng ông quên lấy. Sau khi nhớ lại, ông đến tiệm cà phê và anh này không biết gì. Anh đã thối tiền để trên bàn nên anh không biết gì nữa! Kết luận, ông bạn tôi tự nhủ: “Người điên không phải là Cha Piô mà là mình, đã trả ly cà phê mười ngàn đồng, trong khi nó chỉ đáng giá ba chục đồng!”
Lập lờ không hiểu dài năm mươi năm
Nhiếp ảnh gia Modesto Vinelli là một trong các nhiếp ảnh gia đầu tiên chụp các tấm hình trong thời gian đầu Cha Piô nhận dấu thánh.
Ông sang ra và bán đây đó để giáo dân biết đến Cha Piô. Một ngày nọ ông đến
Rodi Garganico và gặp một người không muốn biết gì đến Cha Piô. Cuộc nói chuyện trở thành hung bạo. Ông Vinelli bảo vệ Cha Piô, người kia lăng nhục cha với những lời lẽ thô lỗ, phạm thượng. Nói chuyện một lúc, ông Vinelli nổi giận, dùng chân đá, dùng tay đấm. Người này bị thương, ông Vinelli bị bắt và ở tù bốn mươi ngày.
Sau khi được trả tự do, ông đến gặp Cha Piô và nói: “Vì cha mà con ở tù”. Cha Piô hỏi lại: “Vì cha?… Con đã làm gì?”. Ông Vinelli kể câu chuyện ở Rodi Garganico. Cha Piô trả lời, trước hết phải kiên nhẫn với những người không suy nghĩ giống mình và nhất là phải kiềm chế lại việc dùng tay chân. Rồi cha nói thêm: “Modesto, con nhớ, chúng ta có năm mươi năm trước mặt mình”. Cha Piô muốn nói gì qua các lời này? Có thể là như sau: “Phải kiên nhẫn với những người không nghĩ giống mình; sự việc sẽ chứng tỏ cho thấy sự thật của nó, và vì thế, chúng ta có năm mươi năm trước mặt mình”. Nhưng Vinelli không hiểu lời Cha Piô: ông nghĩ rằng, cá nhân ông còn năm mươi năm nữa để sống.
Hàng năm, đến ngày 20 tháng 9, ông đến tu viện để mừng sinh nhật các dấu thánh, năm tháng dần dần trôi qua, ông biết còn bao nhiêu thì giờ trước mặt mình. Đến năm thứ hai mươi lăm, như thường lệ vào ngày này, ông đến thăm Cha Piô, cha nói: “Modesto, hai mươi lăm năm đã trôi qua!” Nhiếp ảnh gia cũng tự an ủi, vì đúng là hai mươi lăm năm đã trôi qua, còn hai mươi lăm năm nữa. Tuy nhiên ông bắt đầu lo lắng, và nỗi lo lắng này càng ngày càng tăng với năm tháng.
Ngày 20 tháng 9 năm 1968, hai ngày trước khi Cha Piô qua đời, ông Vinelli đến gặp cha, lần này cha nói: “Modesto, năm mươi năm đã trôi qua!” Ông nghĩ rằng cha báo cho ông biết ông sắp chết, ông bị sốc, phải có người đỡ ông vì ông thấy yếu. Có người giải thích cho ông, Cha Piô nói về cái chết cận kề của cha chứ không phải của ông Modesto. Và đúng vậy, đêm 22 rạng ngày 23 tháng 9 năm 1968, Cha Piô qua đời. Trong khi ông Vinelli, dù đau đớn vì mất người bạn yêu quý, nhưng ông cảm thấy an ủi vì cuối cùng ông đã hiểu chuyện hiểu lầm này. Ông sống thêm mười lăm năm nữa, ông qua đời ngày 2 tháng 3 năm 1983.
“Không, con sẽ không quên…”
Trong số rất nhiều người đến gặp Cha Piô có giám mục Lefebvre, trong buổi gặp này có giáo sư Bruno Rabajotti tham dự.
Giáo sư Bruno Rabajotti kể lại, đến một lúc, Cha Piô nhìn chăm vào giám mục và nói: “Con đừng bao giờ gieo bất hòa giữa anh em của con nhưng luôn thi hành luật vâng lời, nhất là những lúc con thấy có những sai lầm ở người ra lệnh. Không có con đường nào khác hơn là con đường vâng lời, nhất là với những người như chúng ta, những người đã khấn đức vâng lời.
Cha Piô là người có thể cho lời khuyên về điểm này, vì có khi bề trên đã bắt cha vâng lời với các lệnh đáng bàn cãi lại, tuy nhiên cha phó thác vào Chúa, Đấng luôn tìm cách để sự thật được thắng. Nhưng giám mục Lefebvre không nghĩ như vậy, dù ngài trả lời với cha: “Dạ, con sẽ nhớ thưa Cha”. Cha Piô lại nhìn chăm vào giám mục Lefebvre, cha thấy ra những việc sắp xảy ra, cha đáp lại: “Không, con sẽ quên! Con sẽ xé đi sự hiệp thông của các tín hữu, con sẽ chống lại ý các bề trên và ngay cả lệnh của giáo hoàng. Và điều này sẽ xảy ra không lâu. Con sẽ quên lời hứa hôm nay, kết quả là con sẽ làm nhiều điều xấu cho Giáo hội. Con đừng có tự làm quan tòa, đừng có đem lên bàn thờ những gì không phải là công sức của mình, con đừng xem mình là tiếng nói của Dân Chúa, họ đã có tiếng nói của họ, con đừng gây bất hòa, đừng thọc gậy bánh xe… Vậy mà con sẽ làm những chuyện này!”
Khổ thay, sự xác thức của lời tiên tri này của Cha Piô ngày nay đã thể hiện rõ trước mắt mọi người.
Marta An Nguyễn dịch