Nour Assa và Hassan, gia đình di dân trên máy bay của Đức Phanxicô

216

Nour Essa (bên trái) cùng chồng là Hasan Zaheda và con trai 2 tuổi trong chuyến đến Vatican lần đầu ngày 25 tháng 4- 2016. / Vandeville Eric/Abaca

la-croix.com, Anne Le Nir (à Rome), 2017-04-25

Cách đây một năm, hai vợ chồng ông bà Hassan và con trai Riad của họ đã được Đức Phanxicô đem từ đảo Lesbos, Hy Lạp về Rôma trên chuyến bay của ngài, lúc đó họ đang ở trại tị nạn Lesbos. Hiện nay cô Nour Assa đã tìm được việc làm trong chuyên ngành sinh hóa của cô.

Đức Giáo hoàng trả chi phí đón nhận và hội nhập cho gia đình cô Nour, cũng như chín người tị nạn Syria được ngài đem về theo máy bay với mình. Cộng đoàn Sant’Egidio cùng với sự thỏa thuận của nhà cầm quyền Hy Lạp và Ý đã làm cho ước muốn của gia đình cô Nour được thực hiện. Lời hứa đã được giữ, như cô Nour làm chứng sau đây.

Hiện nay gia đình cô Nour ở trong một căn hộ nhỏ do Vatican thuê cho cô. Căn hộ này gần Campo de’ Fiori, một quảng trường có ngôi chợ hàng ngày và khi nào tấp nập nhiều du khách. Cô Nour muốn gặp báo La Croix ở nơi thân thuộc của cô, trường ngôn ngữ và văn hóa Ý do Cộng đoàn Sant’Egidio thành lập. Chúng tôi đang ở trong khu vực Trastevere xinh xắn. Trường học là một bệnh viện cũ, chung quanh là ngôi vườn với bao sắc hoa mùa xuân nở rộ.

Cô Nour nước da ngăm ngăm, xinh đẹp, người hồi giáo “nhưng không giữ đạo nhiều cho lắm”, cô mặc quần jean và áo len nhẹ màu xanh-xám, trên tay cô là chiếc điện thoại thông minh. Cô Nour đã tốt nghiệp kỹ sư sinh hóa ở thủ đô Damas, Syria và hiển vi học ở Pháp, nơi hiện nay bác của cô là nhà nghiên cứu ở Viện Pasteur đang ở. Cô nói tiếng Pháp xen kẻ tiếng Ý, một ngôn ngữ cô đã bắt đầu nói thạo. “Học ngôn ngữ của xứ mình nhập cư là bẻ gãy nỗi sợ người khác.”

“Giáo hoàng đã làm thay đổi đời chúng tôi”

Cô dè dặt nhưng cũng rất quyết tâm. Chúng tôi có thể thấy trong ánh mắt dịu hiền của cô các tổn thương mà cô cố gắng im lặng. Cô không ngừng lặp đi lặp lại mình “rất hạnh phúc”. Cô rất biết ơn Đức Giáo hoàng, “một con người cao cả đã làm thay đổi đời sống chúng tôi”, cô cũng cám ơn Cộng đoàn Sant’Egidio “luôn giúp đỡ”. Cô rất xúc động khi nói: “Bình an chúng tôi tìm lại được là món quà quý giá nhất chúng tôi cho Riad, con trai chúng tôi”.

Đời sống hàng ngày của cô là đời sống “bình thường”. Cô ghi tên học ở Đại học Roma Tre để được chứng nhận bằng cấp của cô đã có ở Syria. Cô vừa được Bệnh viện Nhi đồng Gesù, một bệnh viện thuộc Vatican nhận vào làm việc như một nghiên cứu gia sinh hóa. “Công việc này cho tôi có khả năng làm việc trong lãnh vực các bệnh di truyền, thật là tuyệt vời!”

Từ thứ hai đến thứ sáu, trước khi đến bệnh viện làm việc, cô đưa Riad đến nhà trẻ của Cộng đoàn Sant’Egidio. Hoặc chồng cô đưa đi, chồng cô ở trong ngành kiến trúc-cây cảnh nhưng chưa tìm được việc làm. Rất tự hào về con trai mình, cô cho chúng tôi xem vài hình vẽ của cháu. “Trong ba chúng tôi, Riad là người khổ nhất khi chúng tôi trốn khỏi thủ đô Damas và Nhà nước Hồi giáo tự xưng, chúng tôi đi bằng các phương tiện của những người đưa đường: xe cứu thương, xe gắn máy, xe tải…” Đến Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi ở lại đó vài tháng. Đơn xin nhập cảnh của họ bị từ chối, họ đi thuyền nhỏ qua Hy Lạp. “Chúng tôi có 63 người trên chiếc tàu nhỏ, chúng tôi đi trong đêm khuya và đúng là một cơn ác mộng.”

“Chúng tôi cảm thấy mình được tự do”

Hiện nay, tất cả tập trung của họ là hướng về Riad, “cháu cần cảm thấy mình được che chở”. Chung chung, gia đình hội nhập tốt vào đời sống của thành đô Rôma, một thành phố luôn náo động. “Chúng tôi cảm thấy mình được tự do. Từ ngày chúng tôi biết nói tiếng Ý, chúng tôi tiếp xúc với người Rôma dễ hơn, chúng tôi chia sẻ văn hóa của họ. Tôi không nấu ăn giỏi nhưng tôi cũng học được một vài công thức để làm bột nhào và bánh truyền thông của Ý!”

Giây phút hạnh phúc nhất của họ là khi ngày chúa nhật đến, cả ba đi khám phá thành phố Rôma và được ăn cây “kem gelato đặc biệt”. Chúng tôi rất thích các tiết mục nghệ thuật của các nghệ sĩ đường phố. “Chúng tôi ngừng ở nhiều nơi, cầm tay nhau và tưởng tượng đến một thế giới không có các bức tường”.

Thỉnh thoảng chúng tôi họp nhau với bạn bè, người tị nạn hoặc người Ý, cùng ăn một bữa ăn với nhau. “Chúng tôi nói về xứ sở, về tuổi thơ, về gia đình. Thật khó cho tôi, vì tôi đã sống ở Syria ba mươi năm qua… Tôi còn mẹ và một anh ở Damas. Với nụ cười rạng rỡ, cô cho biết, đơn xin nhập cảnh vào Pháp đã được chấp nhận. Và họ sẽ đi Pháp vào tháng 5 này”.

“Đến lượt chúng tôi, chúng tôi muốn giúp đỡ”

Sau khi chiến tranh chấm dứt, cô muốn trở lại Damas. “Chỉ để nhìn lại các khu phố thân thuộc và ngữi hương hoa lài, mùi hương thân yêu của tôi”. Giữa họ với nhau, Nour và Hassan nói tiếng Ả rập. “Chúng tôi cố gắng giữ tiếng mẹ đẻ, tiếng mẹ đẻ như một gia sản. Riad hãy còn nhỏ, cháu phải được thấm nhập vào.”

Qua các lời tâm sự của cô, thường qua tiếng tắc nghẹn, thỉnh thoảng cô cười như hát nhưng chúng tôi cảm nhận rõ niềm nhớ quê hương xứ sở của cô. Tuy nhiên, là người tị nạn chính trị, cô Nour và anh Hassan theo đuổi các mục đích chính xác của mình ở Âu châu. “Ước mong của chúng tôi là sống tự lập để cháu Riad có thể lớn lên và đi học trong bầu khí thanh bình. Và chúng tôi cũng ước mong, đến lượt chúng tôi, chúng tôi có khả năng giúp người khác xây dựng lại đời sống của họ.”

Nguồn cảm hứng của cô Nour là nhà bác học Marie Curie. Ở Syria, cô dùng chuyên ngành của mình để làm trong lãnh vực nông nghiệp. Đam mê nghiên cứu của cô có từ tuổi vị thành niên, nảy sinh do lòng ngưỡng phục nhà bác học Marie Curie, người phụ nữ đầu tiên trong 48 phụ nữ được Giải Nobel. “Thay đổi thế giới để làm cho thế giới tốt hơn, đó là kim chỉ nam đời tôi”.

Nhà văn Paolo Coelho người Brazil là nguồn cảm hứng thứ hai của cô Nour. “Tôi áp dụng trọn vẹn các giá trị đa văn hóa mà ông bảo vệ”.

Marta An Nguyễn dịch

Bài liên hệ: Nour Essa: “Đức Phanxicô đã thay đổi đời tôi”

https://phanxico.vn/2017/02/18/nour-essa-duc-phanxico-da-thay-doi-doi-toi/